Các trang mạng thông tin đồng loạt loan báo sự kiện này. Điều làm người viết suy nghĩ là nội dung và hình thức của việc thông tin. Chắc hẳn mọi độc giả đều cảm thấy rùng mình ghê sợ khi đọc những thông tin kiểu này. Đơn cử như trang tin điện tử Vietnamnet đăng tải ngày 7-8-2013. Tác giả đã mô tả từng chi tiết việc thi hành án đối với người tử tội 27 tuổi có tên là N.T.A., người Hà Nội, bị hành quyết vào lúc 10 giờ sáng ngày 6-8. Diễn biến của từng giai đoạn giết chết một con người được tả lại chi tiết, trần trụi, như người ta làm thịt một con vật. Sau đó thi thể người tử tội được trao cho gia đình đưa về an táng. Đọc những thông tin này, chắn chắn bất kỳ độc giả này cũng thấy thương cho những người thân của người tử tội, vốn đã qua đau khổ khi mất đi một người thân.
Chợt nghĩ tới lâu nay, người ta quá tự do trong việc cầm bút. Những thông tin tưởng như đơn giản là thế mà làm tổn thương không nhỏ đến những người có liên quan. Liên tục chúng ta đọc thấy thông tin trên các trang mạng về loại hoa quả này có chứa chất gây ung thư, loại thực phẩm kia được chế tạo với nhiều hoá chất. Những thông tin lập lờ không xác định rõ tổ chức hay cá nhân vi phạm làm cho khách hàng nghi ngờ và tẩy chay tất cả mọi hàng hoá cùng chủng loại, và nạn nhân là những người sản xuất chân chính. Có những người mới ra nghề, vay mượn vốn liếng mong tìm kế sinh nhai, gặp phải một loạt thông tin có liên quan đến sản phẩm của mình, chỉ còn cách đóng cửa tiệm, dừng sản xuất và ôm mối nợ.
Một số người cẩm bút cũng quá dễ dãi trong việc phổ biến những tin đồn, như vụ bắt cóc người để lấy nội tạng bán cho Trung Quốc đang xảy ra ở Gia Lai, Khánh Hoà, Sơn Tây và Nghệ An trong những ngày vừa qua. Các nhà chức trách đang làm sáng tỏ sự việc và khẳng định đó chỉ là tin đồn. Tuy có sự trấn an đến từ chính quyền, nhưng nỗi lo sợ vẫn ám ảnh các bậc phụ huynh và học sinh, khiến họ luôn luôn cảnh giác. Những tin đồn này đã gây nên những chuyện dở khóc dở cười. Ngày 15-1-2012, khi đến sửa đường dây điện tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, 4 người thợ đã suýt bị dân làng vây đánh vì tưởng họ bắt cóc trẻ em (!) (x. Dân trí ngày 10-2-2012). Những tin đồn đã gây xáo trộn trong xã hội và làm cho nhiều người cảm thấy bất an.
Chúng ta có thể trưng dẫn nhiều ví dụ khác cho thấy việc thông tin vô trách nhiệm gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Có thể đó là một scandal của giới văn nghệ sĩ, có thể đó là một thông tin về đời tư của một nhân vật… tất cả những tin đồn có thể gây mất danh dự của một con người và khép kín con đường công danh sự nghiệp của họ. Thiết nghĩ đã đến lúc phải nói đến đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của những người cầm bút, để văn chương thực sự góp phần tích cực tô điểm cuộc sống và thăng tiến con người. Chính quyền cũng nên có biện pháp xử lý những tác giả thông tin thiếu trách nhiệm để bảo về quyền lợi của công dân.
Cũng nhân dịp đọc bài báo này, chúng ta nghĩ về vấn đề tử hình, là “khung hình phạt cao nhất” mà các toà án dùng để trừng phạt các tội phạm. Ngày nay trên thế giới, các quốc gia duy trì án tử hình không nhiều và Việt Nam là một trong số những nước ít ỏi đó. Gần đây, trong một cuộc họp tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề nghị huỷ bỏ án tử hình, nhưng đề nghị ấy chưa tìm được sự ủng hộ cao từ phía các đại biểu.
Tại những quốc gia còn duy trì án tử hình, người ta nại vào lý do răn đe người khác và bảo vệ xã hội khỏi bạo lực. Xem ra đó không phải là một lý luận có cơ sở. Ngày 12-6-2013, Hội nghị thế giới bãi bỏ án tử hình lần thứ 5 (viết tắt là ECPM) khai mạc tại Madrid, Tây Ban Nha, quy tụ 1.500 đại biểu từ 90 nước. Theo báo cáo của Hội nghị, đến nay có 105 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình, 38 nước không áp dụng hình thức này hơn 10 năm qua. Chỉ có 58 nước vẫn áp dụng án tử hình, trong số đó có Việt Nam. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Vietnamnet, ông Raphaël Chenuil-Hazan, Giám đốc ECPM, đã khẳng định: “Tử hình không bao giờ ngăn chặn được tội ác. Vì vậy, nếu chúng ta duy trì án tử hình để chống lại tội phạm nguy hiểm thì đó không phải là vấn đề ngăn chặn tội phạm, mà chỉ là cách trả thù. Chúng ta muốn giết kẻ giết người. Trải nghiệm của 2/3 nhân loại cho thấy hoàn toàn có thể ngăn chặn vòng luẩn quẩn này”. Câu trả lời này cho thấy tử hình không phải là một biện pháp tối ưu (x. Vietnamnet, ngày 12-6-2013).
Giáo lý Công giáo dạy, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được tạo dựng để hưởng hạnh phúc đời đời. Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ cho con người mặc dù họ lạm dụng tự do Chúa ban cho họ để phạm tội. Sự sống là một ân ban cao quý nhất của Thiên Chúa cho con người. Sự sống con người phải được tôn trọng từ khi được thụ thai trong lòng mẹ cho đến khi qua đời. Không ai có quyền thay Thiên Chúa mà định đoạt mạng sống của người khác. Qua những giáo huấn và hành động cụ thể, Giáo hội Công giáo luôn nỗ lực bảo vệ sự sống. Giáo Hội lên án hành động phá thai, chết êm dịu (trợ tử) và kêu gọi huỷ bỏ án tử hình để tôn trọng phẩm giá con người. Giáo Hội cũng mong ước các chính quyền dân sự thực hiện những biện pháp chế tài khác để ngăn chặn tội ác và giảm thiểu mối nguy hiểm cho xã hội: “Nếu các phương tiện không đổ máu đã đủ để bảo vệ và che chở sự an toàn của các nhân vị khỏi kẻ xâm phạm, thì nhà cầm quyền chỉ nên dùng những phương tiện này, vì chúng đáp ứng tốt hơn cho những hoàn cảnh cụ thể của công ích và phù hợp hơn với phẩm giá của nhân vị.” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2267).
Trở lại bài viết được nhắc tới trên đây, vẫn biết rằng những người làm điều ác cần phải trừng phạt để răn đe và để bảo đảm trật tự xã hội dân sự, nhưng thiết tưởng có cần phải diễn tả chi tiết cuộc hành hình một con người như vậy? Những ngày sắp tới đây, việc sử dụng thuốc độc để thi hành án sẽ được tiếp tục áp dụng với các tử tù. Nguồn tin của báo điện tử BBC cho biết hiện nay ở Việt Nam có khoảng trên 500 người đang chờ thi hành án. Xin đừng khắc sâu thêm nỗi đau của thân nhân gia đình tử tội bằng những bản thông tin quá chi tiết, trần trụi, gây nên một tình trạng vô cảm nơi nhiều độc giả, nhất là thế hệ trẻ.
Trong xã hội hôm nay, những vụ án nghiêm trọng tăng nhanh về số lượng và mức độ dã man. Hy vọng những bản án được tuyên ở nhiều mức độ khác nhau sẽ giúp mọi người, nhất là các bạn trẻ, rút ra bài học cho mình và thay đổi cách sống. Có người đã dùng ngôn ngữ của vi tính để diễn tả: “Tiếc thay, trong cuộc đời không có chữ ‘undo’ (tức là chức năng huỷ bỏ thao tác vừa thực hiện), cho nên đã sai lầm thì khó sửa, để rồi ôm mối hận với những giọt nước mắt muộn màng.” Cũng có người so sánh cuộc đời giống như một bàn cờ, không được phép rút lại nước cờ vừa đi. Gieo nhân nào thì phải gặt quả nấy. Mong các bạn trẻ hãy cố gắng sống một cuộc đời an bình, để không phải hối hận và vướng vòng lao lý.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên