Suy nghĩ lại về ” cuộc sống và sự chết”

minh hoa - Suy nghĩ lại về " cuộc sống và sự chết"

“Tôi nhớ đã từng nói với em rằng có phải trong nghề nghiệp của mình, mình cũng giống như người tài xế đôi khi chỉ biết lao thật nhanh về phía trước, chẳng còn chú tâm vào những đoạn đường bằng phẳng nữa không?”

Anh bạn trẻ mà tôi đang đào tạo gật gật cái đầu, gương mặt cậu ta tái nhợt trên nền xám chì của màu ghế ôtô.

– “Vậy đây sẽ là một trong những dịp đó.”

Lúc đó là 2 giờ sáng và chúng tôi đang chuyên chở một bệnh nhân đã sử dụng thứ hỗn hợp có lẽ thuộc loại gây chết người gồm thuốc và rượu. Phải nói rằng việc cố gắng đưa cô ấy đến bệnh viện nhanh hết sức có thể như vậy, quả đúng là vấn đề giành giật giữa sự sống và cái chết, và thật may mắn, cô ấy đã đến được kịp thời.

Chiều hôm sau, khi tôi đến thư viện để hoàn thành nốt việc nghiên cứu, tôi tình cờ nghe được một số mẩu đối thoại rời rạc:

– “Không, cậu không hiểu được đâu…. Đợt thi vừa rồi tôi chỉ đạt điểm B. Tôi phải hoàn thành nốt ba bài viết trong đêm nay, nếu không thì chắc tôi tiêu mất!”

– “Nếu khách sạn vào kỳ nghỉ xuân mà kín chỗ rồi thì tôi không biết sẽ phải làm gì bây giờ…”

– “Nhưng đêm qua anh ấy chỉ nói với tôi hai câu rồi xoay qua nhảy với con ranh cùng lớp hóa học với anh ấy. Nếu hôm nay anh ấy nhắc đến cô ta nữa thì chắc tôi chết mất!”

Đi đến đâu, dường như tôi cũng thấy mọi người đang bị cuốn hút hoặc lo lắng về một điều gì đó. Lẽ thường vào những lúc khác, có khi tôi thấy mình cũng giống như họ, nhưng hôm nay thì tôi chỉ có thể nghĩ đến cô gái cấp cứu đêm qua, mặt tái dại bất tỉnh vì chức năng gan đang dần bị phá hủy. Bất chợt, tôi cảm thấy năm trang bài viết chưa hoàn thành trước mắt chẳng còn là điều gì đáng phiền muộn nữa.

Đó là việc đã xảy ra hai ba năm trước, giờ tôi chẳng còn nhớ tên cô gái đó, cũng như cái hỗn hợp thuốc mà cô ta đã uống, hoặc thậm chí môn học mà lúc đó tôi đang phải viết bài. Tuy vậy, bài học về “sự sống và cái chết” có lẽ thực sự vẫn đọng lại trong tôi cho tới ngày nay.

Mặc dầu có thể tôi được sinh ra để làm một người hoàn hảo cho tới lúc chết, nhưng tôi đã phát hiện ra rằng khi đối diện với một loạt những mục việc phải hoàn thành hoặc một loạt những thất bại thường xảy ra trong công việc, cách nhìn nhận của tôi đã thay đổi. Tôi vẫn cảm thấy căng thẳng mỗi khi gặp những việc cần gấp rút hoặc khi có những việc xảy ra không như dự kiến… nhưng tôi đã nhận ra rằng chừng nào ta còn thở, sẽ vẫn còn đó một vài sai lỗi không thể nào khắc phục, một vài quan hệ không thể hàn gắn, hoặc một vài hạn mốc không thể điều chỉnh. Tuy vậy, đôi khi chúng ta lại quá gắng sức để đáp ứng kỳ vọng của mọi người hoặc nỗ lực làm chuẩn mọi việc, đến mức chúng ta tự đánh lừa bản thân rằng nếu còn có gì đó không hoàn hảo thì toàn bộ tương lai cũng như cuộc đời của chúng ta sẽ đi tong. Tiếc là khi đã bị vướng vào suy nghĩ nông cạn như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc đánh mất đi cách nhìn nhận sự vật và con người. Xét một cách sâu xa, đó mới chính là vấn đề.

Buổi chiều hôm đó ở thư viện, tôi thấy mình cứ lăn tăn về nữ bệnh nhân của mình. Tại sao cô ấy lại đau buồn tới mức nghĩ rằng tự tử mới là cách duy nhất giải quyết những vấn đề cô ấy đang vướng mắc? Dù gì đi nữa, với một ít rượu và một suy nghĩ đã lạc lối, những thử thách khó khăn ở trường học dường như vẫn là một chướng ngại vật không thể vượt qua được. Tại sao lại không có một ai ở đó để nâng đỡ hoặc lắng nghe cô ấy? Hay tại những người liên quan đến cô ấy đã quá bận rộn bởi những vấn đề “sống và chết” của những bài thi giữa kỳ hoặc của các bài luận tới mức không thể nhận ra tình trạng khủng hoảng thực sự đang tích tụ ngay trước mắt họ, rồi để sự việc trở thành quá trễ?

Chừng nào mà còn đó những hạn mốc, những điểm số và những vấn đề của lứa tuổi thanh thiếu niên, chúng ta sẽ vẫn còn thấy trong cuộc sống có “sự khủng hoảng” cách này cách khác. Một điều thiết yếu trong hành trình trưởng thành chính là học biết để nhìn nhận ra những điều gì quan trọng không thể trì hoãn… và đặt tất cả những thứ còn lại vào đúng vị trí và thời điểm của chúng, để sống một cách trọn vẹn đầy hứng thú, chứ không phải sống trong dằn vặt khổ sở. Đôi khi, điều này giống như việc bỏ ra nửa giờ dứt ra khỏi những bài vở viết lách để gặp gỡ và uống cà-phê với bạn bè hoặc thư giãn đùa nghịch với những bông tuyết đầu tiên của mùa đông… và luôn nhớ rằng cuộc đời ngắn ngủi, khó đoán định và rất quý giá, hay nói một cách khác, cuộc đời cần được trân trọng, nâng niu và chia sẻ; cuộc đời không phải cái máy để đòi hỏi sự hoàn thành chính xác đúng thời hạn. Tóm lại, cách chúng ta nhìn nhận về “sự sống và cái chết” chính là một dấu chỉ khá đúng xác định nên cuộc đời chúng ta. Chọn lựa và sắp đặt thứ tự ưu tiên cho cuộc đời ra sao, hoàn toàn nằm trong tay chúng ta.


Becca Danis
Quý Linh dịch
nguồn: Catholic.net/ New Woman

Exit mobile version