Sức sống một xứ đạo vùng duyên hải

Thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, giáo xứ Tuy Hòa (GP Qui Nhơn) có vị trí thuận tiện ngay cửa ngõ thành phố. Ngôi thánh đường với tháp chuông nhô cao tính ra đến nay đã gần 60 năm trải nắng mưa. Riêng nguồn gốc họ đạo, theo lịch sử truyền giáo ghi nhận từ thời các cố Tây thì nơi này đã đón nhận Tin Mừng cách nay vài trăm năm.

DÒNG SỬ NHIỀU THĂNG TRẦM

Theo cha Phêrô Đặng Son, chánh xứ Tuy Hòa, có lẽ sẽ thật thiếu sót khi không nhắc lại một số mốc đáng nhớ của họ đạo. Bởi xứ đạo hơn 3.700 giáo dân này từng trải qua một hành trình dài xây và dựng khá gian nan.

Phú Điền (giáo điểm nay thuộc Tuy Hòa) với 50 giáo dân được các vị thừa sai Hội truyền giáo Paris ghi nhận từ năm 1747. Ngoài ra, tại các giáo điểm khác của Tuy Hòa như Hoa Vông, Phú Cốc, Phú Điền, Hóc Gáo, Triều Thủy, theo thánh Giám mục Stêphanô Théodore Cuénot Thể, từ thập niên 1850 đã có ghi chép về những hạt giống Tin Mừng đầu tiên trên dải đất này.

Nhạc đoàn Nắng Mai của giáo xứ

Vào năm 1888, khi các giáo điểm vùng Phú Yên không còn, Đức cha Van Camelbecke Hân bổ nhiệm cha Guitton (cố Thông) phụ trách vùng Nam Phú Yên và cha Gioakim Đạt làm cha phó, đặt cơ sở tại Hoa Vông. Một năm sau, cha Đạt đi Quán Cau, cha Guitton tái thiết Hóc Gáo với một nhóm giáo hữu từ Làng Sông và Gò Thị trở về. Cha Guitton đi khắp nơi trong vùng, quy tụ và xây dựng 4 giáo điểm Đồng Cam, Đất Đỏ, Hóc Gáo, Phú Điền, mỗi nơi đều có nhà thờ, riêng tại Hoa Vông nhà thờ tương đối đẹp hơn các nơi khác.

Năm 1893, cha Guitton đi Ninh Hòa, cha Phêrô Huề về Phú Điền phụ trách cả Hoa Vông. Sang năm 1895, cha Dubulle (cố Phương) được bổ nhiệm về Hoa Vông cùng với cha Phục làm cha phó. Đầu năm 1899, cha Marius Julien Jean đến Hoa Vông thay cho cha Dubulle. Đến cuối tháng 2.1910, cha Lalanne (cố Lân) được cử đến thay thế và lần lượt có các cha phó P.X Ban (tháng 2.1911), cha P.X Tuyên (tháng 10.1912). Tới năm 1917, cha Lalanne trở về Pháp, cha Antôn Linh (phó Mằng Lăng) được cử đến chăm sóc mục vụ. Ngày 11.12.1918, cha Porcher từ Đồng Tre về làm cha sở Hoa Vông.

Vào năm 1927, linh mục Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm đến làm cha sở Hoa Vông là cha Simon Trần Văn Phiến. Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, Tuy Hòa là phủ lỵ, có những cơ quan cấp tỉnh được xây dựng, ga xe lửa được thành lập, đập Đồng Cam được hoàn thành (1929). Cùng với quân nhân, công viên chức, dân chúng đến Tuy Hòa lập nghiệp ngày càng đông. Để thuận tiện cho đời sống của giáo dân tại phủ lỵ, cha Simon Phiến đã lập một nhà nguyện và nhà xứ tại Triều Thủy, gọi đây là Triều Thủy 2 để phân biệt Triều Thủy có trước đó. Kể từ khi cha Simon Phiến về Triều Thủy, tên gọi cộng đoàn giáo dân Tuy Hòa được ghi vào danh sách của giáo phận. Sau đó không lâu, cơ sở Hoa Vông dần hoang phế theo thời gian và Tuy Hòa được xem như kế tục Hoa Vông trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Năm 1942, cha Phiến qua đời. Năm 1955, cha Giuse Tô Đình Sơn được bổ nhiệm làm cha sở Tuy Hòa. Năm 1960, cha Sơn xây dựng nhà thờ và nhà xứ trên vùng đất mới như hiện nay. Ngoài ra cha còn xây trường trung tiểu học Đặng Đức Tuấn (1959).

TUY HÒA ÐA DẠNG VĂN HÓA

Ngày nay, giáo xứ Tuy Hòa với đầy đủ cơ sở vật chất khang trang đã trở thành trung tâm của hạt Phú Yên. Thành phần giáo dân của Tuy Hòa khá đa dạng xuất xứ nên được gọi vui là “dân góp”. Số dân có nguồn gốc tại địa phương chỉ chiếm khoảng 1/3, vì vậy nét văn hóa trong sinh hoạt xứ đạo mang nhiều màu sắc. Nằm ở vị trí trung tâm thành phố biển, người dân trong xứ đạo Tuy Hòa phần nhiều mưu sinh bằng buôn bán nhỏ, một số làm nông, ngư nghiệp…

Những tưởng một xứ đạo có “kết cấu” tính chất công việc như thế, cộng thêm tính cách “khô khan” vốn bị gán cho người miền Trung, ít ai ngờ khiếu văn, thơ, nhạc lại là đặc sản của bà con đất này.

Cố linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn – người phục vụ giáo xứ từ năm 1986 cho đến khi được Chúa gọi về năm 2002, đã viết tiếp cuộc đời Chúa Cứu Thế qua bốn sách Tin Mừng bằng những câu thơ lục bát mà cha đã khởi sự từ Mằng Lăng, nhiệm sở trước khi cha đến Tuy Hòa. Tác phẩm đã được hoàn thành vào năm 1998 với 9.764 câu thơ lục bát độc đáo, được xuất bản với tựa đề  “Sứ điệp yêu thương”. Sau cha Văn, cha Giuse Trương Đình Hiền (nay là Tổng Đại diện GP Qui Nhơn) trong thời gian phục vụ ở Tuy Hòa cũng đã lập giải văn thơ Nguyễn Xuân Văn bên cạnh nhiều sinh hoạt khác mang tính khơi gợi nét “thi vị” cho một giáo xứ nơi phố thị. Tuy Hòa còn có nhiều ơn gọi làm rạng danh quê hương xứ sở. Trong những người con xuất thân từ họ đạo này có Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản – Giám mục Ban Mê Thuột (Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc – HĐGMVN), cha Phêrô Võ Tá Khánh (Trưởng ban Mục vụ, Văn hóa và Giáo dục giáo phận Qui Nhơn).

Hội nghị mục vụ giúp các hoạt động ở giáo xứ thêm sôi nổi

Tiếp nối tinh thần những tiền nhiệm, cha Phêrô Đặng Son vào cuối năm 2016 đã gầy dựng cho xứ đạo Tuy Hòa một đội kèn tây với tên gọi Nhạc đoàn Nắng Mai. Mọi người trong xứ đều được cha khuyến khích tham gia nếu có niềm yêu thích. Đội nhạc công không chuyên hiện có gần 20 thành viên, trong đó cả phụ nữ tham gia. Hè vừa qua, nhạc đoàn cũng mở thêm lớp cho các em thiếu nhi. “Đây là nhạc đoàn thứ 8 của giáo phận. Vào một số ngày lễ lớn, đội kèn của giáo xứ đã giúp cho thánh lễ thêm phần trang trọng”, cha Phêrô Đặng Son khoe.

Quan tâm đến vấn đề giáo dục, năm 2003, Hội nhà giáo của giáo xứ Tuy Hòa ra đời với mục đích quy tụ các giáo viên Công giáo góp phần xây dựng giáo xứ. Định kỳ hằng tháng, các thành viên họp mặt cùng chia sẻ về đời sống đức tin. Một điểm son nữa phải kể đến ở Tuy Hòa chính là tinh thần yêu thương, sẻ chia. Nhiều năm qua, xứ đạo duy trì được Quỹ phúng điếu tương trợ, khuyến khích tất cả giáo dân cùng góp mỗi người 10.000 đồng giúp cho gia đình có đám. Nhờ số tiền này, hầu như mọi chi phí cho một đám tang đều được lo ổn thỏa. Cạnh đó, các chương trình bác ái giúp đỡ người nghèo, neo đơn được những hội đoàn trong xứ chung tay tùy theo đặc điểm hoạt động riêng… Ban tử táng thành lập năm 2000, quy tụ hơn mười thành viên là thanh niên trong xứ, chuyên lo các công tác như tẩn liệm, khiêng quan tài… giúp các gia đình neo đơn chu toàn công việc ma chay.

Tuy Hòa ngày nay đang tiềm ẩn một nếp sống đạo vui tươi và sinh động.

Minh Hải

Exit mobile version