CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – NĂM C
Bài đọc 1: Cv 5,27-32.40b-41; Bài đọc 2: Kh 5,11-14; Phúc Âm: Ga 21,1-9
Tổ chức Hội Thánh Chúa Kitô khởi sự từ cơ chế hữu hình và các hoạt động của Hội Thánh do Thánh Thần Ðức Kitô Phục Sinh thúc đẩy và liên kết. Ðiều này khiến niềm hy vọng cứu độ của Thiên Chúa dâng trào nơi chúng ta, đem lại tình yêu và sức sống cho Hội Thánh khởi sự ngay tại trần thế, mà chính Ðức Kitô Phục Sinh thể hiện.
Không ai thấu rõ Hội Thánh bằng Ðức Kitô; không ai thấu rõ những khó khăn trắc trở và sự giới hạn của Hội Thánh hữu hình bằng chính Ðức Kitô Phục Sinh; đồng thời cũng không ai quan tâm và khôn khéo chăm sóc Hội Thánh bằng Ðức Kitô, vì Ngài là đầu Hội Thánh và là Phu Quân của Hội Thánh.
Sau khi Chúa Giêsu tử nạn, sự đau buồn tan nát nơi tông đồ đoàn gây nên thất vọng ê chề về Nước Thiên Chúa, mà Chúa Gisêsu đã rao giảng và quy tụ. Biểu hiện rõ nét là sự tan tác nơi các tông đồ, các môn đệ và những người theo Chúa khi Ngài bị bắt và tử nạn; có những môn đệ đau buồn thất vọng về quê làng Emmau …
Bây giờ Nước Chúa ở đâu? Giáo hội Chúa ở đâu? Tan tác vất vưởng, họ quy tụ liên kết nghề nghiệp để làm ăn, để sinh tồn tại trần thế này, xã hội này. Chẳng hạn như bảy tông đồ bám trụ kiếm sống ở bờ hồ Tibêria mà chúng ta thấy trong bài Phúc Âm hôm nay.
Thế nhưng, dù là chuyên nghiệp chài lưới, họ vất vả suốt đêm mà vẫn thất bại. Sự thất bại của họ cả tinh thần và vật chất, đến nỗi Chúa Kitô Phục Sinh hỏi họ: “Anh em có gì ăn không? Họ thưa không” (Ga. 21,5).
Theo Tin Mừng Gioan (21, 4-14) thì Ðức Kitô Phục Sinh đã cấp thời cứu họ bằng mẻ cá lạ lùng, khiến họ kinh ngạc, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Lòng tin được khôi phục. Thầy mình đã chết nay sống lại thật rồi! Họ trở nên can đảm vững bước đương đầu với những nghịch cảnh, gian truân khổ ải như Thầy mình, như Bài đọc I đã mô tả. Họ phải đi con đường Thầy mình đã dạy, đã đi khi thi hành sứ mệnh cao cả loan truyền ơn cứu độ, làm chứng cho Ðức Kitô Phục Sinh.
Tại sao những vị lãnh đạo đầu tiên của Hội Thánh tuy vẫn là những con người yếu đuối mỏng dòn và không thiếu lần vấp ngã, lại có thể vượt qua những thử thách sau này?
Thưa là vì chính Ðức Kitô Phục Sinh và Thánh Thần đã chăm sóc, tôi luyện và ban ơn cho họ, để họ có được tình yêu cực lớn đến độ chấp nhận được tất cả … dù là sự chết !
Tình yêu cao độ tột cùng ấy nơi Giáo Hội hữu hình được thể hiện tiêu biểu nơi Phêrô. Nhờ tình yêu ấy mà Ðức Kitô Phục Sinh tín nhiệm Phêrô để trao cả: “Chiên Mẹ và chiên con” cho Phêrô (Ga 21,15-19), trao quyền thủ lãnh Hội Thánh cho Phêrô.
Chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh, đồng thời yêu mến và trung thành phục vụ Hội Thánh. Chúng ta không xin Chúa cất hết mọi đau khổ, nhưng xin Chúa ban ơn can đảm vượt qua mọi đau khổ với lòng yêu mến, để rồi – như trong bài đọc II Sách Khải Huyền – Ðức Kitô Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài rộng mở cho chúng ta nguồn hoan lạc giữa gian khổ và thách đố.
LM. Antôn M.Claret Nguyễn Ngọc Lâm