Sửa phạt con cái cách nào hiệu quả

Cha mẹ nào cũng biết rằng trong bổn phận giáo dục con cái, việc sửa phạt luôn là một nhiệm vụ cần thiết, khó khăn và phức tạp. Có người chỉ nghĩ đơn giản là “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Thực tế cho thấy không phải lúc nào roi đòn cũng là thượng sách, cũng như không phải lúc nào ngọt bùi cũng là vô tác dụng.


Trong quá trình dạy dỗ con cái, cha mẹ nên tự đề ra cho mình những nguyên tắc hướng dẫn sửa phạt thích hợp nhờ đó mình biết cách hành xử với con cái sao cho thấu tình đạt lý, khiến chúng dễ dàng chấp nhận, nghe theo. Dưới đây là một vài cách đơn giản hi vọng sẽ giúp công việc sửa phạt của cha mẹ đối với con cái đạt kết quả tốt.

1.– Tuyệt đối không sửa phạt con cái lúc cha mẹ đang giận dữ.

Một danh nhân đã nói “Lúc giận bạn đừng làm gì hết vì có ai giăng buồm ra khơi giữa lúc bão tố không…”. Nếu cha mẹ dạy dỗ sửa phạt con cái khi mình đang nóng giận thì chẳng khác gì như đổ dầu vào lửa. Vì một đàng sự nóng giận sẽ khiến cha mẹ mất tự chủ, từ đó phát sinh những hành động quá đáng, thiếu kiềm chế. Một đàng con cái sẽ cố chịu đựng hình phạt của cha mẹ với tâm trạng bất mãn, khó chịu, từ đó có thể phát sinh thái độ ức chế, chống đối, tiêu cực.

Tốt nhất là khi đã nguôi cơn giận, lúc đó cha mẹ sẽ trừng phạt con cái. Chính lúc tỉnh táo, cha mẹ mới đủ bình tĩnh để phản ứng thích hợp nên làm gì và làm như thế nào cho phù hợp trong hoàn cảnh cụ thể.

2.- Phạt nhưng không làm hư hại con.

Có nhiều trường hợp cha mẹ phạt con khiến con bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều khi con cái chỉ mắc một lỗi nhỏ thôi mà cha mẹ cố tình làm to chuyện khiến chúng lo lắng, hoảng sợ. Khi sửa phạt con cái, cha mẹ nên cân nhắc việc chọn lựa hình phạt nào thích hợp nhất, chẳng hạn khi con ăn cắp thay vì chửi rủa, đánh đập chúng, cha mẹ buộc con đem trả lại cho người chủ. Khi con bỏ học hay trốn việc nhà, cha mẹ có thể bắt con quỳ gối, cấm vận không cho ra ngoài chơi giải trí hay cúp tiền ăn quà vv.

Khi cần dùng roi vọt, nhất là đối với trẻ cứng đầu, khó bảo, cha mẹ chỉ nên coi đó như là phương tiện bất đắc dĩ và dùng roi vọt để cảnh cáo hơn là đánh đập. Thực vậy, “Khi cha mẹ thường xuyên dùng roi vọt sẽ khiến trẻ bắt đầu hình thành tính khiếp nhược, dễ dàng sợ hãi. Đây cũng là nguyên nhân khuyến khích trẻ nói dối và gợi lên tính độc ác ở trẻ. Nó sẽ sẵn sàng đánh nhau với bạn bè khi còn bé, lớn lên thì dùng chính roi vọt đánh đập vợ con, ‘trả thù’ lại quãng thời gian tuổi thơ bị đàn áp…” (Theo Ngọc Diệp – Pháp luật Việt Nam).

3.- Mức phạt tùy theo lỗi nặng nhẹ.

Trong cuốn “Giáo dục gia đình”, tác giả LM Phạm Tuấn Tri có viết như sau: “Có nhiều cha mẹ nghe con chửi thề, nói tục…hay ăn cắp, bỏ lễ, bỏ học thì vẫn làm thinh, cùng lắm là chỉ la rầy qua loa, trong khi chúng lỡ tay làm vỡ chén bát thì lại chửi rủa nhiếc mắng không tiếc lời…Cha mẹ hãy nghiêm khắc khi con làm điều sai quấy và hãy khoan dung khi chúng chưa làm gì quá đáng hay xấu xa tội lỗi. Sửa phạt cho đáng chuyện. Chuyện chưa đáng phạt thì nên bỏ qua và chỉ nên nhắc nhở cho chúng hiểu thôi ”.

Trong tất cả các trường hợp, cha mẹ luôn chú ý tới những lời khuyên bảo, động viên, khích lệ hơn là la mắng, kết án. Lỗi lầm của con cái có thể nặng nhẹ khác nhau, mức độ hình phạt có thể không giống nhau, nhưng chính yếu vẫn là thái độ đúng mực của cha mẹ. Làm sao để con cái thấy rằng lúc nào cha mẹ cũng yêu thương, kính trọng chúng.

4.- Giữa cha và mẹ, tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược…

Trong khi sửa dạy con cái, hai bên cha và mẹ đều nên thống nhất phản ứng và cách thế ra hình phạt. Không vì lí do tình cảm nặng nhẹ mà một trong hai người tỏ vẻ bênh vực con cái, khiến chúng không muốn chấp nhận hình phạt, coi đó như sự bất công. Đó là tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược hay ông nói gà bà nói vịt. Trẻ sẽ lợi dụng tình trạng “phân hóa” này mà thoái thác không vâng phục thi hành sự trừng phạt của cha hay mẹ.

5.- Sửa phạt bằng tất cả sự yêu thương và cảm thông. 

Phải sửa dạy con cái cách nào để chúng mến phục chứ không nuôi lòng oán giận, hờn ghét. Đó là sửa phạt với tất cả tình thương và sự cảm thông. Nhiều bậc cha mẹ, khi dạy dỗ con cái, thường hay trút lên đầu chúng mọi thứ giận dữ, khó chịu, bằng những lời chửi rủa thậm tệ và những trận đòn thập tử nhất sinh. Làm như vậy cha mẹ đã làm hỏng việc dạy dỗ của mình, làm hỏng hình ảnh đáng kính yêu trước mặt con cái và làm hỏng nhân cách bé nhỏ đáng yêu của chúng.  Thực vậy, “Hằng ngày, rất nhiều ông bố, bà mẹ sử dụng ‘uy quyền’ xây dựng trên sự đàn áp con cái mà không biết. Họ cứ ngỡ việc càu nhàu, giận dữ, thậm chí là dùng roi vọt với con bất cứ lúc nào là bình thường. Với họ, việc con cái làm sai thì bị phạt là điều đường nhiên, phải phạt lần sau con mới nhớ, mới chừa… Điều này dẫn đến hậu quả trẻ trong tâm trạng sợ hãi, thậm chí một số trẻ muốn xa lánh bố mẹ” (Theo Ngọc Diệp – Pháp luật Việt Nam)./.

Aug. Trần Cao Khải

Exit mobile version