BỘ GIÁO SĨ
LINH MỤC, THỪA TÁC VIÊN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Các yếu tố để giúp các cha giải tội và linh hướng
II. SỨ VỤ LINH HƯỚNG
1. Tầm quan trọng hiện tại, thời điểm của ân sủng
Tiến trình lịch sử và hiện tại
64. Việc tư vấn thiêng liêng đã được thực hành từ các thế kỷ đầu của Giáo Hội cho đến nay, nó cũng được gọi là chỉ dẫn, hướng dẫn và đồng hành thiêng liêng. Đây là một thực hành trải qua hàng thế kỷ và đã mang lại nhiều hoa trái của sự thánh thiện và sẵn sàng truyền giáo. Huấn Quyền, các giáo hoàng, tác giả sách thiêng liêng và các quy luật của đời sống Giáo Hội đều nói về sự cần thiết của việc tư vấn hoặc chỉ dẫn này, nhất là trong việc đào tạo và trong một số hoàn cảnh nào đó của đời sống Kitô hữu. Có những thời khắc của cuộc sống cần đến một sự biện phân đặc biệt và một sự đồng hành huynh đệ. Đó là luận lý (logic) của đời sống Kitô hữu. “Cần phải tái khám phá truyền thống đồng hành thiêng liêng cá nhân vốn luôn mang lại rất nhiều hoa trái giá trị trong đời sống của Giáo Hội.”[1]
65. Chúa Cứu Thế luôn gần gũi với các môn đệ của Ngài. Sự chỉ dẫn, hay đồng hành và tư vấn thiêng liêng đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, đặc biệt lúc đầu trong các tu viện (các tu sĩ của Đông và Tây), rồi tiếp sau đó cũng có trong các trường phái tu đứckhác nhau từ thời Trung Cổ. Từ thế kỷ XVI và XVII, ứng dụng của nó vào đời sống Kitô hữu đã trở thành thường xuyên hơn, như có thể thấy trong các bài viết của Thánh TêrêsaChúa Giêsu, Thánh Gioan Thánh Giá, thánh Ignatius Loyola, Thánh Gioan Avila, Thánh Francis de Sales, St Alphonsus Liguori, Pierre de Bérulle, vv. Dù việc linh hướng do cá tu sĩ và linh mục chiếm ưu thế, luôn luôn có các tín hữu (tu sĩ và giáo dân) làm công việc này- chẳng hạn Thánh Catherine -. Luật lệ của Giáo Hội đã đón nhận kinh nghiệm này và áp dụng nó đặc biệt vào đào tạo khởi đầu cho đời sống linh mục và đời sống thánh hiến. Cũng có những giáo dân được đào tạo – nam cũng như nữ – thực thi sứ vụ tư vấn này trên con đường dẫn đến sự thánh thiện.
Đào tạo linh mục cho việc đồng hành này
66. Việc linh hướng là một trợ lực trên con đường nên thánh cho mọi tín hữu thuộc bất kỳ bậc sống nào. Hiện nay, trong khi quan sát thấy nơi các tín hữu một cuộc tìm kiếm định hướng thiêng liêng, chúng ta cũng nhận thức được sự cần thiết lớn lao phải chuẩn bị các thừa tác viên có thể cần mẫn cống hiến nhiệm vụ tư vấn, phân định và đồng hành này. Ở đâu có việc thực hành này, chúng ta đều nhận thấy một sự canh tân cá nhân và cộng đồng, ơn gọi phát sinh, tinh thần tông đồ và niềm vui của hy vọng.
67. Trong giai đoạn chuẩn bị tiến đến chức linh mục, việc nghiên cứu thần học tu đức và kinh nghiệm đời sống thiêng liêng luôn xem ra càng cần thiết và cấp bách. Trong thực tế, việc tư vấn và đồng hành thiêng liêng là một phần không tách rời của thừa tác vụ rao giảng và hòa giải. Quả thế, linh mục được mời gọi làm người hướng dẫn trên con đường đồng hóa với Chúa Kitô, trong đó bao gồm tiến trình chiêm niệm. Cung ứng sự hỗ trợ linh hướng, như một biện phân của Thánh Linh, làm nên thành phần của thừa tác vụ: “Trong khi thử nghiệm các thần trí xem có phải bởi Thiên Chúa không, [các linh mục] phải khám phá trong chiều kích đức tin các đặc sủng đa dạng của giáo dân, cả những đặc sủng khiêm tốn nhất lẫn những đặc sủng cao siêu nhất, họ đều phải nhận ra chúng với niềm vui và nhiệt tâm phát triển chúng.”[2]
68. Đào tạo khởi đầu hướng tới chức linh mục, ngay từ những ngày đầu sống ở chủng viện chỉ bao gồm hỗ trợ này: “Các chủng sinh được chuẩn bị bằng một nền giáo dục tôn giáo đặc biệt, chủ yếu thông qua một sự linh hướng thích hợp, để theo Chúa KitôCứu Thế với một tâm hồn quảng đại và một con tim trong trắng.”[3]
69. Đó không chỉ là một tham khảo về các chủ đề tín lý, mà đúng hơn là về đời sống tương quan, mật thiết và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, vốn luôn luôn làsự tham gia vào đời sống Chúa Ba Ngôi: “Việc đào tạo thiêng liêng, được liên kết chặt chẽ với việc đào tạo tín lý và mục vụ, sẽ được cung cấp chủ yếu nhờ vị linh hướng, cách thế nào để đưa chủng sinh vào đời sống kết hợp liên lỉ và mật thiết với Chúa Cha, qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần.”[4]
Việc linh hướng và chức linh mục thừa tác
70. Các “phận vụ” linh mục được diễn tả trong mối liên hệvới đời sống thiêng liêng của các tín hữu: “Anh em là những thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể, là những người phân phát lòng thương xót của Chúa trong Bí tích Giải tội, là những người an ủi các tâm hồn, là những người hướng dẫn của mọi tín hữu trong những cơn khó khăn bão tố của cuộc sống.”[5] Trong việc đồng hành hay linh hướng, người ta luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng cho việc biện phân Thần Trí, nhằm việc thánh hóa, sứ vụ tông đồ và đời sống hiệp thông Giáo hội. Luận lý của Thánh Thần thúc đẩy sống trong chân lý và thiện ích theo gương Chúa Kitô. Cần phải kêu xin ánh sáng và sức mạnh Thánh Thần để phân định và trung thành với các chỉ dẫn của Ngài.
71. Có thể khẳng định rằng việc lưu tâm đến đời sống thiêng liêng của các tín hữu, cốt yếu hướng dẫn họ trên con đường chiêm niệm và nên thánh, đồng thời cũng giúp họ biện phân ơn gọi, là một ưu tiên mục vụ: “Trong viễn ảnh này, việc chăm sóc các ơn gọi linh mục cũng được biểu lộ trong một đề án vững chắc và quyết định của việc linh hướng … Về phía các linh mục, họ phải là những người đầu tiên dành thời gian và nghị lực cho công cuộc đào tạo vàtrợ lực thiêng liêng cá nhân: họ sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã bỏ quên hay cho là thứ yếu nhiều việc khác, dù tốt đẹp và hữu ích, nếu không tránh được để tiếp tục tin tưởng vào thừa tác vụ cộng tác với Chúa Thánh Thần để soi sáng và dẫn dắt những kẻ được kêu gọi.”[6]
72. Việc chăm sóc giới trẻ, đặc biệt nhằm mục đích phân định ơn gọi chuyên biệt của họ trong ơn gọi kitô nói chung, bao hàm việc tư vấn và đồng hành thiêng liêng. Khi chưa làm giáo hoàng, Đức Phaolô VI đã viết rằng “việc linh hướng có một phận vụ tuyệt vời và có thể nói là không thể thiếu cho việc đào tạo luân lý và thiêng liêng cho giới trẻ đang muốn giải thích và đi theo ơn gọi riêng của đời mình, bất kể đó là ơn gọi nào, với một sự ngay thẳng tuyệt đối, và họ vẫn duy trì tầm quan trọng hữu ích của nó ở mọi giai đoạn cuộc đời, khi người ta xin một tư vấn đạo đức và khôn ngoan để kiểm chứng ý ngay lành và đương đầu với việc quảng đại chu toàn các bổn phận. Đó là một phương thế sư phạm rất tế nhị nhưng rất giá trị; đó cũng là một nghệ thuật sư phạm và tâm lý với trách nhiệm nặng nề cho người thực thi; và là một tập luyện thiêng liêng về đức khiêm nhường và lòng tín nhiệm cho người nhận lãnh.”[7]
73. Việc linh hướng thường liên quan với bí tích hòa giải, ít nhất là trong chiều hướng một hậu quả có thể có, khi các tín hữu xin được hướng dẫn trong con đường nên thánh, kể cả trên con đường riêng biệt của ơn gọi cá nhân của họ: “Song song với Bí Tích Hòa Giải, linh mục cũng thực thi tác vụ linh hướng của mình. Việc tái khám phá và phổ biến thực hành này, ngay cả vào những thời khắc khác nhau của việc ban bí tích sám hối, là một lợi ích lớn cho Giáo Hội thời nay. Thái độ quảng đại và tích cực của các linh mục trong việc thực hành này cũng là một cơ hội quan trọng để phát hiện và nâng đỡ các ơn gọi linh mục và các hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến.”[8]
Việc linh hướng mà các thừa tác viên chức thánh lãnh nhận
74. Chính các thừa tác viên cũng cần thực hành việc linh hướng, vốn luôn gắn kết với sự thân mật cùng Chúa Kitô: “Để trung thành chu toàn thừa tác vụ của mình, các thừa tác viên phải có cuộc đối thoại lòng với lòng cùng Chúa Cứu Thế trong việc viếng thăm và tôn sùng cá nhân đối với Thánh Thể. Các ngài phải tự nguyện tìm được thời giờ khả dĩ cho việc hồi tâm thiêng liêng và phải hết sức coi trọng việc linh hướng.”[9]
75. Thực tế sứ vụ đòi hỏi thừa tác viên phải tìm kiếm nhận lãnh và trung thành theo đuổi việc linh hướng cách cá nhân hầu hướng dẫn người khác được tốt hơn: “Để góp phần thăng tiến đời sống thiêng liêng của mình, chính các linh mục cần thực hành việc linh hướng. Khi trao vào tay một đồng nghiệp khôn ngoan việc đào luyện linh hồn mình, họ trưởng thành ngay từ đầu sứ vụ, ý thức tầm quan trọng của việc không bước đi một mình trên các nẻo đường của đời sống thiêng liêng và mục vụ. Khi sử dụng phương tiện đào tạo hiệu quả này, vốn rất được trải nghiệm trong Giáo Hội, các linh mục hưởng được một tự do hoàn toàn trong việc lựa chọn người hướng dẫn họ.”[10]
——————————————————————————–
[1] JP II, Pastores Dabo Vobis, số 40.
[2] Vat. II, Presbyterorum Ordinis, số 9.
[3] Vat. II, Optatam Totius, số 3.
[4] Ibidem, số 8.
[5] JP II, Pastores Dabo Vobis, số 4.
[6] JP II, Pastores Dabo Vobis, số 40.
[7] Ibidem, số 81.
[8] Bộ Giáo sĩ, Chỉ Nam linh mục 1994, số 54.
[9] Vat. II, Presbyterorum Ordinis, số 18.
[10] Bộ Giáo sĩ, Chỉ Nam 1994, số 54.
Lm. Trần Minh Huy, pss (chuyển ngữ)