Sự hiện hữu của các Thiên thần là một chân lý đức tin
328. Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh thường gọi là các Thiên thần, là một chân lý đức tin. Chứng từ của Thánh Kinh cũng rõ ràng như sự nhất trí của Thánh Truyền.
Các Thiên thần là ai ?
329. Thánh Augustinô nói về các vị đó: “‘Thiên thần’ là tên gọi chỉ chức vụ chứ không chỉ bản chất. Nếu bạn tìm tên gọi chỉ bản chất của vị này, thì đó là thiêng liêng; nếu bạn tìm tên chỉ chức vụ, thì đó là Thiên thần; vị ấy là gì, thì là thiêng liêng, vị ấy làm gì, thì là Thiên thần”[7]. Các Thiên thần, tự bản thể, là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Vì các ngài “không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10), nên các ngài là những vị “thực hiện Lời Chúa, luôn sẵn sàng phụng lệnh Ngài” (Tv 103,20).
330. Vì là những thụ tạo hoàn toàn thiêng liêng, các Thiên thần có trí tuệ và ý chí: các ngài là những thụ tạo có ngôi vị[8], và bất tử[9]. Các ngài trổi vượt hơn mọi thụ tạo hữu hình về mặt hoàn hảo. Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy10].
Đức Kitô “với tất cả các Thiên thần của Người”
331. Đức Kitô là trung tâm của thế giới Thiên thần. Các vị đều là sứ giả của Người: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu …” (Mt 25,31). Các Thiên thần là của Đức Kitô, bởi vì các vị ấy đã được tạo dựng nhờ Người và trong Người: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình, dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới. Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Các vị còn thuộc về Người hơn nữa, bởi vì Người đã dùng các vị làm sứ giả của kế hoạch cứu độ của Người: “Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ saỏ” (Dt 1,14).
332. Khởi từ lúc tạo dựng[11] và suốt dòng lịch sử cứu độ, các Thiên thần có mặt để hoặc xa hoặc gần loan báo ơn cứu độ và phục vụ cho việc thực hiện ơn cứu độ theo kế hoạch của Thiên Chúa. Các Thiên thần đóng cửa vườn địa đàng[12], bảo vệ ông Lót[13], cứu bà Agar và con trai bà[14] , chặn tay ông Abraham[15]. Lề Luật được truyền thông qua thừa tác vụ của các Thiên thần[16] , các ngài hướng dẫn dân Chúă17], loan báo những cuộc chào đời18], và những ơn kêu gọi19], trợ giúp các Tiên tri20], đó là chúng ta chỉ nêu lên một số thí dụ. Cuối cùng, thiên thần Gabriel loan báo việc chào đời của vị Tiền hô và của chính Chúa Giêsu21].
333. Từ cuộc Nhập Thể cho tới cuộc Thăng Thiên, cuộc đời của Ngôi Lời nhập thể được hầu cận bằng sự tôn thờ và phục vụ của các Thiên thần. “Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa nói: ‘Mọi Thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Ngườí” (Dt 1,6). Ca khúc ngợi khen của các Thiên thần khi Đức Kitô giáng sinh không ngừng vang vọng trong lời ca tụng của Hội Thánh: “Vinh danh Thiên Chúa …” (Lc 2,14). Các Thiên thần bảo vệ Chúa Giêsu khi Người còn thơ ấu22],phục vụ Người trong hoang địă23], an ủi Người trong cơn hấp hối24], khi Người đã có thể được các vị cứu khỏi tay kẻ thù[25], như dân Israel xưă26]. Các Thiên thần cũng rao giảng Tin Mừng”[27] khi loan báo Tin Mừng về việc Nhập Thể[28] và về việc Phục Sinh của Đức Kitô29]. Các ngài loan báo việc Đức Kitô lại đến[30], và khi Người đến, các ngài sẽ có mặt để phục vụ việc xét xử của Người31].
Các Thiên thần trong đời sống Hội Thánh
334. Từ đó, toàn bộ đời sống Hội Thánh hưởng nhờ sự trợ giúp bí nhiệm và đầy uy quyền của các Thiên thần[32].
335. Trong phụng vụ, Hội Thánh kết hợp mình với các Thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa ba lần thánh[33]; Hội Thánh khẩn cầu các Thiên thần trợ giúp (như trong kinh In Paradisum deducant te angeli, Xin các Thiên thần Chúa dẫn đưa bạn về thiên đàng của phụng vụ cầu cho các tín hữu qua đời34] , hoặc trong “Thánh thi Cherubim” của phụng vụ Byzantin[35]); đặc biệt hơn, Hội Thánh cử hành việc kính nhớ một số Thiên thần (thánh Micae, thánh Gabriel, thánh Raphael, các Thiên thần Hộ thủ).
336. Cuộc đời con người, từ lúc khởi đầu36] cho đến lúc chết[37], đều được bao bọc bằng sự bảo vệ[38] và lời chuyển cầu39] của các Thiên thần. “Bên cạnh mỗi tín hữu đều có một Thiên thần làm Đấng bảo trợ và mục tử, hướng dẫn họ đến sự sống”[40]. Đời sống Kitô hữu, ngay tại trần gian này, đã được tham dự trong đức tin vào cộng đoàn vinh phúc của các Thiên thần và của những người đã được hợp nhất trong Thiên Chúa.
Phẩm Trật Các Thiên Thần
Có Chín Phẩm Thiên Thần theo trang Bách Khoa Tự Điển như sau:
Theo quan niệm Kitô giáo, các thiên thần là những tạo vật vô hình do Thiên Chúa tạo ra để phục vụ cho các công việc của Thiên Chúa. Vào thời Trung Cổ, đã có nhiều nhà thần học cố gắng để phân loại ra các cấp bậc thiên thần trên thiên đàng. Tuy nhiên, hệ thống cấp bậc do nhà thần học Pseudo-Dionysius phân loại được cho là phổ biến hơn cả. Theo đó, các thiên thần trên thiên đàng được chia thành ba cấp bậc khác nhau theo công việc, mỗi cấp lại có một nhóm các thiên thần mang danh hiệu khác nhau.
Cấp một
Cấp bậc một là nhóm các thiên thần chủ yếu làm nhiệm vụ thờ phượng Thiên Chúa. Họ là những tạo vật kề cận Thiên Chúa nhất.
Luyến thần (còn gọi là Thiên thần Sốt Mến Seraphim, nghĩa là “rực cháy”) được đề cập trong Sách Isaia 6:1-7. Họ là những tạo vật đứng hầu cận ngai Thiên Chúa và liên tục hát lời ca ngợi: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!”. Theo mô tả trong đoạn Kinh Thánh này thì Luyến thần có sáu cánh: Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay1].
Theo như một số sách thì nhóm Luyến thần gồm bốn thiên thần bay xung quanh ngai tòa Thiên Chúa nhưng chỉ có hai luyến thần được nhắc tên đó là Seraphiel và Metatron (trong đó, Seraphiel được miêu tả là có cái đầu của phượng hoàng). Các Luyến thần thường xuyên cháy sáng khiến ánh sáng phát ra từ họ sáng chói đến nỗi không một ai, thậm chí là các thiên thần khác có thể nhìn trực tiếp được.
Minh thần (Cherubim) được nhắc đến trong rất nhiều sách khác nhau, như Sách Sáng Thế 3:24, Sách Êdêkien 10:12-14, Sách Các Vua quyển thứ nhất 6: 23-28 và Sách Khải Huyền 4:6-8. “Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê den, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh .” (St 3:24)
Các thần hộ giá ở đây chính là các Minh thần Cherubim (bản Kinh Thánh tiếng Anh có đề cập đến tên gọi này). Hình dáng của các Minh thần được miêu tả trong sách Êdêkien 1: 5-12 theo thị kiến của nhà tiên tri này như sau: “Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh. Còn chân của chúng thì thẳng; bàn chân tựa bàn chân con bê, lấp lánh như đồng sáng loáng. Bên dưới cánh, có những bàn tay giống tay người quay về bốn phía; mặt và cánh của bốn sinh vật cũng đều như thế. Cánh của chúng giáp vào nhau. Lúc đi, chúng không quay mặt vào nhau, nhưng cứ thẳng phía trước mặt mà tiến. Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng. Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình. Chúng cứ thẳng phía trước mặt mà đi, thần khí đẩy phía nào, chúng đi phía đó; lúc đi chúng không quay mặt vào nhau .” Nhiều sách cho rằng, các Minh thần được Thiên Chúa giao nhiệm vụ cai quản cây trường sinh trong vườn Địa Đàng và ngai tòa của Ngài. Ngoài ra, nhiều người cũng nhầm lẫn hình dáng các Minh thần với các thiên thần mang hình dáng là những đứa trẻ có cánh.
Bệ thần và Ngai thần: Bệ thần (Ophanim) và Ngai thần (Thrones). Các thiên thần này cũng xuất hiện nhiều trong Kinh Thánh như: Sách Khải Huyền 11:16 và Thư gửi tín hữu Côlôxê 1: 16. Các Bệ thần được miêu tả dưới hình dạng những bánh xe, có nhiều mắt trên vành bánh (theo thị kiến của tiên tri Êdêkien 1:15-21). Các thiên thần này biểu tượng cho công lý và quyền uy của Thiên Chúa. Ngai thần thì có hình dáng là chiếc ngai vàng. Cùng với Luyến thần và Minh thần, các Ngai thần không bao giờ ngủ mà canh giữ cho ngai tòa của Thiên Chúa.
Các Ngai thần dường như có mối quan hệ mật thiết với các Minh thần. “Khi các thần hộ giá dừng lại, các bánh xe cũng dừng lại, khi các thần hộ giá cất mình lên, các bánh xe cũng cất lên theo, bởi vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe .” (Êdêkien 10:17)
Cấp hai
Cấp hai là nhóm các thiên thần làm việc như những vị quản trị thiên đàng
Quản thần (Dominions) được coi là những thiên thần điều phối hoạt động của các thiên thần cấp dưới. Nhiệm vụ chính của họ là giữ gìn vũ trụ theo đúng quĩ đạo bằng cách gửi sức mạnh cho những người nhà quản trị các quốc gia. Quản thần được miêu tả với hình dạng giống như thần linh xinh đẹp, có đôi cánh lông vũ như hình tượng chung của các thiên thần. Tuy nhiên, để phân biệt với các thiên thần khác, các Quản thần có thanh gươm ánh sáng gắn chặt vào đầu.
Dũng thần (Virtues) có nhiệm vụ giám sát sự chuyển động của các thiên thể để đảm bảo rằng vũ trụ tuân theo chuyển động tự nhiên. Họ tăng thêm sức mạnh cho những nhân vật tài năng dưới trần gian.
Quyền thần (Powers) giám sát sự phân chia quyền lực giữa nhân loại, giữ vững ranh giới giữa thiên đàng và trần gian. Quyền thần mang hình dạng rực rỡ màu sắc và sương khói mờ ảo. Có ý kiến cho rằng, Satan là thủ lĩnh nhóm Quyền thần trước khi bị Thiên Chúa phạt đày xuống trần gian.
Cấp ba
Là những thiên thần hoạt động như là sứ giả của Thiên Chúa hoặc là đạo binh thiên quốc.
Lãnh thần (Principalities) thường xuất hiện để cộng tác năng lực với Quyền thần. Lãnh thần được tạo hình có đội một vương miện và mang theo một cây gậy. Nhiệm vụ của họ là thực hiện tấn phong cho các lãnh chúa xứ sở và gìn giữ thế giới vật chất, giám sát các nhóm người. Họ là những quan thầy và bảo hộ cho các lãnh quốc trên Trái Đất. Ngoài ra, Lãnh thần còn truyền cảm hứng và tư tưởng cho chúng sinh trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học.
Tổng lãnh thiên thần: Từ “Tổng lãnh thiên thần” (Archangels) chỉ xuất hiện hai lần trong Tân Ước (Thêxalônica 4:16 và Giuđa 1:09). Người ta chỉ biết nhiều đến hai tổng lãnh thiên thần là Gabriel và Michael. Ngoài ra, trong Sách Tôbia (được Công giáo và Chính Thống giáo chấp nhận) còn đề cập đến tổng lãnh thiên thần Raphael khi Raphael nói với Tôbia rằng ông là “một trong bảy người hầu cận trước mặt Chúa” (hàm ý sáu người còn lại có Michael và Gabriel). Thông thường, Công giáo và Chính Thống giáo coi bộ ba Michael-Gabriel-Raphael là tổng lãnh thiên thần còn Giáo hội Cơ Đốc phục lâm coi Michael là một tên khác của Giêsu.
Thiên thần: Các “thiên thần” (Angels) là cấp độ thấp nhất của hệ thống thiên sứ và được biết đến nhiều nhất. Họ là những tạo vật theo dõi công việc của chúng sinh dưới trần gian. Có nhiều loại thiên thần khác nhau, với các chức năng khác nhau. Trong Công giáo Rôma, có thiên thần hộ thủ (hoặc thiên thần bản mệnh) được tin là thiên thần theo dõi và hướng dẫn cho mỗi cá nhân.
Chúng ta hãy năng đọc lời nguyện tắt này: “Angel of God, my Guardian dear, to whom His love commits me here, ever this day (or night) be at my side, to light and guard, to rule and guide. Amen.
Thiên Thần Của Chúa, hộ mạng của con, con xin trao phó cho người Chúa yêu, suốt ngày (hoặc đêm) hôm nay, kề cận bên con, bảo toàn soi sáng, hướng dẫn chỉ dạy. Amen.
Sóng biển tổng hợp từ catholic.org
(memaria.net 26.09.2014)