Trả lời :
Giao ước ( Covenant) là lời hứa của Thiên Chúa với con người về những gì Người sẽ làm nếu con người thực thi những điều được giao kết.
Khi nói đến Cựu Ước ( Old Testament) cũng là nói đến 46 Sách Thánh được công nhận là có ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần, đã được viết trước Chúa Gáng Sinh ( B.C) và Tân Ước ( New Testament) với 27 Sách thánh ra đời sau Chúa Giáng Sinh ( A.D) và hoàn tất Chương Trình cứu độ nhân loại qua khổ hình thập giá, chết, sống lại và lên trời.
Tất cả các Sách thánh trên hợp lại thành bộ Thánh Kinh gồm 73 Sách Cựu và Tân Ước mà Giáo Hội đang đọc, học và truyền cho giáo hữu khắp nơi đọc và suy niệm lời Chúa nói với con người trước tiên qua các ngôn sứ, các tác giả con người khác ; và sau hết qua chính Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, mà các Tông Đồ được ơn linh ứng đã viết lại những lời giảng dạy của Chúa qua bốn Phúc Âm và các Thư Mục Vụ cho các thế hệ sau đọc để biết giáo lý và Tin Mừng Cứu độ của Chúa để sống và thực hành hầu được cứu độ để vào hưởng hạnh phúc Nước Trời mai sau.
Như thế, Kinh Thánh Cựu và Tân Ước là tổng luận lịch sử sáng tạo và cứu độ con người của Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu- Kitô, “Ngôi Lời có từ đầu” và ” nhờ NgôiLời mà vạn vật được tạo thành.” ( Ga 1 : 1, 3)
Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, là “Đấng cứu độ chúng ta và muốn cho mọi ngườiđược cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1 Tm 2 : 4)
Vì thế, sau khi tạo dựng con người ( Adam và Eva), Thiên Chúa đã ban cho họ ý muốn tự do ( free will) và tôn trọng cho họ được sử dụng đặc ân này để hoặc sống theo đường lối của Chúa để được chúc phúc, hay khước từ Người để sống theo ý riêng và làm những gì trái nghịch với ý muốn tốt lành của Thiên Chúa, khiến mang tai họa cho mình và cho người khác .
Chính vì sử dụng ý muốn tự do nói trên mà Adam và Eva đã sa ngã khi nghe lời xúi dục của con rắn- tức quỉ Satan- để ăn trái cấm khiến cho ” tội lỗi đã xâm nhậptrần gian và tội lỗi gây nên cái chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người vì một người đã phạm tội.” ( Rm 5: 12)
Nhưng vì Thiên Chúa là tình thương, nên Người có ” nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương , thương suốt cả đời.” ( Tv 30( 29) : 6)., cho nên Thiên Chúa đã sai Con Một Người là Chúa Giêsu- Kitô đến trần gian làm Con Người, sinh bởi Đức trinh Nữ Maria nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, để thi hành Chương Trình cứu chuộc loài người đáng phải phạt và chết vì tội lỗi.
Về sứ mệnh của Chúa Kitô đến trần gian sau này, ngôn sứ Ísa-ia, ( sống vào khoảng năm 770 B.C ) được ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần, đã tiên báo như sau:
“Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi. Vì ĐỨC CHÚA đã sức dầu tấn phong tôi. Sai đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Băng bó những tấm lòng tan nát.Công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm…” ( Is 61: 1
Lời loan báo trên đã ứng nghiệm trong Tin Mừng Thánh Luca nói về việc Chúa Giêsu vào Hội đường trong ngày Sa-bat và người ta đã trao cho Ngài cuốn sách của ngôn sứ Isa-ia có ghi những lời trên đây. Chúa đọc xong và tuyên bố với mọi người có mặt trong Hội đường:
“ Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe.” ( Lc 4: 21)
Ngôn sứ Isa-ia cũng tiên báo sự xuất hiện của Chúa Cứu Thế Giê-su như sau
” Từ gốc tổ Gie-se sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cỗi rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này ,thần khí khôn ngoan và minh mẫn…( Is 11: 1-2)
Không những tiên báo về Đấng Cứu Thế sẽ ra đời , ngôn sứ I-sa-ia còn nói rõ thêm về Mẹ Người là một Trinh nữ như sau :
” Vì vậy chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai
và đặt tên là Em-ma-nuel.” ( Is 7 : 14)
Lời tiên báo trên đã ứng nghiệm khi sứ thần hiện ra với Thánh Giuse trong giấc mơ để truyền cho Giuse không được từ bỏ bạn mình là Maria đang có thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Sứ thần đã nhắc lại lời tiên báo trên của ngôn sứ Isaia là : ” này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Em-ma-nuel, nghĩa là ” Thiên Chúa ở cùng chúng ta. ” ( Mt 1 : 23)
Chưa hết, ngôn sứ I-saia còn nói đến những đau khổ mà Chúa Kitô- Người Tôi Trung của Thiên Chúa- sẽ phải chịu để đền tội thay cho nhân loại như sau :
” Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn
giơ má cho người ta giật râu
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ.” ( Is 50 : 6)
Hay rõ hơn nữa :
” Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm
Người đã bị sửa trị để chúng ta được bình an
dã mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” ( Is 53 : 5)
Không những Cựu Ước tiên báo về sứ mệnh của Chúa Giê-su Kitô, mà chính Chúa cũng trích dẫn Kinh Thánh Cựu Ước để dạy các Tông Đồ:
“ Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả
Những gì sách Luật Mô-sê, các Sách ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” ( Lc 24: 44)
Lai nữa. khi Chúa ăn chay cầu nguyện trong rừng vắng, quỷ đã đến cám dỗ Chúa hãy biến đá ra bánh mà ăn, Chúa Giê su đã trả lời thách đố của quỷ như sau:
“Đã có lời chép rằng: người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” ( Lc 4: 4)
Lời chép trên được ghi trong Sách Đệ Nhị Luật của ông Mô-sê như sau:
“ …anh ( em ) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra.” ( Đnl 8: 3)
Mặt khác, liên quan đến sứ mệnh cứu chuộc nhân loại của Chúa Cứu Thế Giêsu, Kinh Thánh Cựu Ước đã dùng hình ảnh con “rắn đồng” được ông Mô- sê vâng lênh Thiên Chúa cho treo trên cây cột để ai bị rắn độc cắn trong sa mạc nhìn lên sẽ được chữa lành. ( Ds 21: 4-9)
Con Rắn đồng treo trên cây cột kia chính là hình ảnh Chúa Kitô sẽ bị treo sau này trên thập giá để những ai tin và cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc của Người sẽ được cứu độ để vào Nước Trời hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa mai này, sau khi kết thức hành trình đức tin, đức cậy, đức mến trên trần thế này.
Lại nữa , phép lạ bánh man-na từ trời rơi xuống cho dân Do Thái ăn mỗi ngày trong thời gian sống trong hoang địa, chờ ngày vào Đất Hứa, cũng là dấu chỉ tiên báo việc Chúa Kitô ban chính mình máu Người làm của ăn của uống nuôi nhân loại khỏi phải chết đời đời như Chúa đã hứa:
” Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời
và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” ( Ga 6 : 54)
Sau nữa , trong thời Cựu Ước, sau khi dẫn Dân Do Thái vượt qua Biển đỏ an toàn, ông Mô-sê đã lên Núi Sinai gặp Thiên Chúa và lãnh nhận các Thánh Chỉ của Người cho dân phải tuân theo để được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Ông đã mang các Thánh Chỉ hay các Điều Răn của Thiên Chúa xuống và đã thiết lập bàn thờ để tế lễ Chúa. Ông đã giết một con bò, lấy phân nữa máu tưới trên bàn thờ còn phân nữa kia ông đã tưới lên dân và nói: ” Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lâp với anh em dựa trênnhững lời này.” ( Xh 24 : 8)
Thêm vào đó, Thiên Chúa cũng nói với dân Do Thái qua miệng ông Mô-sê như sau :
“Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta,
Thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta.” ( Xh 19: 5)
Đó là Giao Ước Thiên Chúa đã ký với Dân Do Thái qua trung gian của ông Mô-sê.
Theo đó , nếu dân trung thành thực thi các Thánh Chỉ của Thiên Chúa thì họ sẽ được chúc phúc như ông Mô-sê đã nói vói họ sau đây :
” Anh em sẽ lo thực hành như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em đã truyền cho anh em, không đi trệch bên phải bên trái. Anh em hãy đi đúng con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em đã truyền cho anh em để anh em được sống , được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất mà anh em sẽ chiếm hữu” ( Đnl 5: 32-33)
Giao Ước cũ ký bằng máu bò đã tiên báo Giao Ước mới ký bằng chính máu Chúa Kitô đổ ra trên thập giá mà tối hôm trước , khi ăn bữa sau hết với các Tông Đồ, Chúa đã trao chén rượu nho đã biến đổi bản thể thánh máu Người cho các ông uống và nói: ” anh em hết thảy hãy uống chén này, vì đây là máu Ta, máu của TânƯớc, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội.” ( Mt 26: 27-28)
Máu Giao ước này có giá trị cứu độ con người từ ngày Chúa đổ máu thực sự trên thập giá và nay cách bi tích trên bàn thờ và mãi mãi về sau cho đến ngày hết thời gian, vì “mỗi lần Hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ nhờ đó Chúa Kitô Chiên vượt qua của chúng tachịu sát tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” (x. Lumen Gentium, số 3)
Sau hết, khi bị treo trên thập giá, trước khi tắt hơi thở, Chúa Giê su đã phó linh hồn cho Đức Chúa Cha với lời thống thiết như sau:
” Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” ( Lc 23: 46)
Lời phó linh hồn trên đây của Chúa Giêsu đã được báo trước trong Thánh Vịnh 31(30) – viết trong khoảng thế kỷ X tới IV trước Chúa Giáng Sinh, như sau:
” Trong tay Ngài con xin phó thác hồn con.” ( Tv 31 : 6)
Sau hết, sự liên hệ mật thiết giữa Tân và Cựu Ước được thể hiện cụ thể hơn nữa qua biến cố Thiên Chúa sai ông Mô-sê dẫn dân Do Thái đang phải thống khổ bên Ai Cập trở về quê hương. Ông Mô-sê đã đẫn họ vượt qua Biển đỏ an toàn.
Nhưng sau khi vượt qua biển đỏ, họ không được vào ngay ” Đất hứa là đất Ca-na-an trànđầy sữa và mật ong” mà phải tạm lưu đầy trong sa mạc nơi không có nước uống và lương thực trong suốt 40 năm để được thử thách về lòng tin và yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập qua tay ông Mô-sê.
Để nuôi sống họ trong thời gian này , Thiên Chúa đã sai ông Mô- sê lấy gậy đập vào đá tảng để có nước chảy ra cho dân uống( Xh 17: 1-6). Và hàng ngày Chúa mưa bánh man-na từ trời xuống cho họ có của ăn. Chúa còn cho ” chim cút” bay đến để họ bắt làm thịt ăn. ( Xh 16: 4- 12)
Biến cố vượt biển đỏ và hành trình trong sa mạc của dân Do Thái đã tiên báo việc Chúa Cứu thế Giêsu sẽ đến như một Tân Mô-sê để dẫn toàn thể nhân loại vượt qua nước Rửa tội để được tái sinh trong sự sống mới. Nhưng cũng như dân Do Thái phải lưu vong trong sa mạc để được thử thách về lòng tin và lòng mến đối với Thiên Chúa, trước khi được vào Đất hứa”, dân Tân Ước- tức mọi người tín hữu trong Giáo Hội ngày nay- sau khi được tái sinh qua Phép Rửa , cũng phải sống lưu đầy trên trần gian này một thời gian dài ngắn tùy theo số phận của mỗi người, trước khi được vào ” đất hứa ” là Nước Trời để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành, là hạnh phúc tột đỉnh của các Thánh các Thiên Thần.
Như thế , cuộc sống trên trần gian này đối với dân Tân Ước cũng là hành trình trong sa mạc mà dân Do Thái xưa đã trải qua trong khi chờ đợi được vào “đất hứa”Ca-na-an.
Lại nữa, cũng như dân Do Thái phải chiu thử thách xưa trong sa mạc và họ đã phạm nhiều tội, nghiêm trọng hơn cả là họ đã đúc con bê bằng vàng để thờ lậy, ( Xh 32: 1-4), thay vì thờ lậy Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương và giải phóng họ khỏi ách nô lệ lầm bên Ai Cập. Vì thế Thiên Chúa đã nổi giận và than trách họ như sau:’
” Suốt bốn mươi năm dòng giống này là Ta chán ngán
Ta đã nói : đây là dân tâm hồn lầm lạc
Chúng nào biết đến đường lới của Ta
nên Ta mới thịnh nộ thề rằng :
Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.” ( Tv 95 (94) : 10- 11)
Tuy nỗi giận như vậy, nhưng Thiên Chúa cuối cùng vẫn tha thứ cho họ và đã sai Con Một của Người là Chúa Giê-su-Kiô xuống trần gian để cứu chuộc không những cho dân Do Thái mà cho toàn thể nhân loại khỏi phải phạt và chết vì tội.
Và cũng như dân Do Thái xưa đã mau quên ơn Thiên Chúa giải phóng cho họ được trở về quê hương an toàn, dân Tân Ước ngày nay, cũng có biết bao người đã mau quên ơn tái sinh qua Phép Rửa để quay trở về con người cũ với nếp sống thù nghịch với thập giá Chúa Kitô. Như thế, theo Thánh Phaolô dạy, thì “ khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục : hoặc làm nô lệ tộilỗi thì sẽ phải chết, hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa thì sẽ được nên công chính.”( x. Rm 6: 16) Tức là được cứu độ để sống hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời mai sau. ( Rm 6: 16)
Đây là lời nhắc nhở hữu ích và cũng là lời cảnh cáo nghiêm khắc cho những ai đang buông mình sống theo xác thịt, chạy theo những quyến rũ của trần gian và đầu hàng ma quỉ, sau khi được tái sinh qua Phép rửa và còn phải “lưu vong” trên trần gian này, chờ ngày vào Đất hứa là Nước Trời.
Thiên Chúa rất yêu thương con người. Công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là quá đủ cho con người được cứu độ. Nhưng Thiên Chúa vẫn cần sự cộng tác của con người vào ơn cứu chuộc vô giá đó.
Lý do là vì con người, từ Adam và Eva cho đến nay và còn mãi cho đến ngày hết thời gian, vẫn có ý muốn tự do ( free will) mà Thiên Chúa ban tặng và tôn trọng cho con người sử dụng bao lâu còn sống trên trần gian này.
Nếu người ta dùng ý muốn tự do để sống theo đường lối của Chúa, xa tránh mọi tội lỗi và sự dữ , thì sẽ được cứu độ để sống hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trên Thiên Đàng mai sau. Ngược lại, nếu người ta tự chọn sống theo thế gian sa đọa với các chủ thuyết vô thần, tôn thờ khoái lạc ( Hedonism) tôn thờ tiền của và mọi thú vui vô luân vô đạo như thực trạng của thế giới tục hóa ngày nay, thì Chúa không thể cứu những người đó được , vì lối sống của họ đã đi ngược hoàn toàn với tình thương, công bằng và thánh thiện của Người và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.
Nói khác đi, không thể lấy cớ Chúa nhân từ thương xót để không quyết tâm cải thiện đời sống theo ánh sáng của Tin Mừng cứu độ, mà cứ phạm tội và làm những sự dữ như giết người, gian ác, gian tham, bất công , bóc lột , thay vợ đổi chồng phá thai , bán con cái cho bọn buôn người vô lương tri , và dâm ô đòi trụy … thì Chúa không thể cứu những người sống trái nghịch với tình thương và thánh thiện của Chúa như vậy.
Đó cũng là lý do tại sao Chúa Giê su đã nói với các môn đệ xưa:
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa ! lậy Chúa ! mà được vào Nước Trời cả đâu ! nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7: 21)
Tóm lại, qua Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, chúng ta được mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha quá nhân từ, đã vì yêu thương mà tạo dựng, tha thứ và cứu chuộc con người nhờ Chúa Kitô, Đấng cũng vì yêu thương mà đã hạ mình xuống trần gian làm Con Người và đã vui lòng chịu mọi khốn khó, sỉ nhục, để “ hiến mạng sống mình làm giá chuộc chomuônngười.” ( Mt 20: 28)
Chúng ta vô cùng cảm tạ Thiên Chúa về tinh thương quá lạ lùng của Người dành cho hết mọi người chúng ta, và cố gắng sống cách tốt đẹp để đáp lại phần nào tình thương quá lớn lao đó.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn