I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 2,1-14
(c 1) Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (c 2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. (c 3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (c 4) Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. (c 5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. (c 6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa. (c 7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (c 8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đoàn vật. (c 9) Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (c 10) Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: (c 11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. (c 12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.(c 13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (c 14) “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng Lu-ca mô tả hoàn cảnh và thời gian của Con Thiên Chúa giáng trần: Tuy được sinh ra trong cảnh nghèo hèn… nhưng Người lại là Thiên Chúa quyền năng. Người đời đã hất hủi xua đuổi Đấng Cứu Thế trong khi các thiên thần lại vui mừng hát ca. Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót đã đến trong thân phận nghèo hèn để đồng cảm với người nghèo và mời gọi mọi người hãy yêu thương nhau, thể hiện qua việc quảng đại chia sẻ cơm áo và niềm vui cho nhau.
3. CHÚ THÍCH:
– C 1 : + Hoàng đế Au-gút-tô: Hoàng đế Rôma cai trị từ năm 29 trước Công nguyên (CN), đến năm 14 sau CN).
– C 2 : + “thành vua Đa-vít”: Khi gán tước hiệu “thành Vua Đa-vít” cho Bê-lem (x. Mt 2,6), Tin Mừng dựa vào lời sấm của ngôn sứ Mi-kha về quê hương của Đấng Cứu Thế (x. Mk 5,1).
– C 5 : + “Người đã đính hôn với ông Giu-se là bà Ma-ri-a đang có thai”: Câu này nhắc lại việc sứ thần Gáp-ri-en đến truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Lc 1,27).
– C 7 : + Bà sinh con trai đầu lòng: Sinh “Con đầu lòng” chỉ có nghĩa là sinh “đứa con đầu tiên hay con thứ nhất”, không nhất thiết sẽ phải sinh thêm con kế tiếp. Sở dĩ Lu-ca đề cập đến “con trai đầu lòng” ở đây là muốn nhắc đến điều luật Mô-sê qui định phải dâng “các con đầu lòng cho Chúa”(x. Xh 13,2), và cách cha mẹ phải làm để chuộc lại con, sắp được hai ông bà Giu-se Ma-ri-a thực hiện cho Hài Nhi Giê-su (x. Lc 2,23). + Không tìm được chỗ trong nhà trọ: Các chủ quán từ chối không cho ở trọ phần vì dáng vẻ quê mùa nghèo khó của hai ông bà Giu-se Ma-ri-a, phần vì họ sợ đón phụ nữ mang bầu vào nhà sẽ mang lại xui xẻo cho việc kinh doanh của họ!
– C 11 : + Đấng Ki-tô Đức Chúa: Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Quyền Chúa Tể và Vương Đế của Người được chính Thiên Chúa trao ban (x. Cv 2,36).
– C 14 : + Bình an dưới thế”: Lời của các sứ thần ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa cho thấy sứ mệnh của Hài Nhi Cứu Thế là làm vinh danh cho Thiên Chúa và thiết lập một nền hòa bình vĩnh cửu (x. Is 9,5-6 ; Mk 5,4).
4. HỎI ĐÁP:
HỎI: Phải chăng bà Ma-ri-a chỉ đồng trinh trước khi thụ thai Đấng Cứu Thế (x. Is 7,14), rồi sau khi đã sinh “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,6) thì sống đời vợ chồng bình thường với ông Giu-se, và từ đó đã sinh thêm nhiều con trai con gái khác (x. Mt 13,55-56)?
ĐÁP: Thực ra không phải như vậy. Vấn đề ở đây là ý nghĩa thực sự của từ “cho đến khi” và “anh em và chị em của Đức Giê-su” như thế nào? :
+ “Cho đến khi”: Câu Mt 1,24-25 nên được diễn giải như sau: Khi tỉnh giấc, ông Giu-se đã thi hành 3 lệnh truyền của sứ thần trong giấc mộng: Một là ông “tổ chức lễ cưới chính thức để rước cô dâu Ma-ri-a” về nhà mình; Hai là ông “không ăn ở với Ma-ri-a như vợ chồng” vì Ma-ri-a đã được thánh hiến dâng mình phục vụ Thiên Chúa như một nữ tu khấn trọn; Ba là “cho đến khi” Ma-ri-a sinh con thì ông “đặt tên cho con trẻ là Giê-su” như lời sứ thần truyền để nhìn nhận trẻ Giê-su là con chính thức của mình về luật pháp (x. Lc 3,23). Tin Mừng không viết: hai ông bà đã không ăn ở cho đến khi Ma-ri-a sinh con thì lại ăn ở với nhau, như có người lầm tưởng!
+“anh em và chị em của Chúa Giê-su”: Trong Tin Mừng Mát-thêu, các từ “anh em ông”, “chị em ông” (x. Mt 13,55-56) hay “mẹ và anh em của Người” (x. Mt 12,46-47) chỉ là các anh chị em bà con mà thôi. Vì Chúa Giê-su là “con trai đầu lòng”, là người con thứ nhất, nên nếu Đức Ma-ri-a có thêm các người con khác thì họ phải được gọi là “các em trai” và “các em gái” thay vì được gọi chung chung là “anh em” và “chị em” như ở đây. Hơn nữa, bằng chứng quan trọng nhất cho thấy Đức Ma-ri-a chỉ có một con trai duy nhất là: Chúa Giê-su đã trối Mẹ Người làm mẹ của môn đệ Gio-an và “Kể từ giờ đó, người môn đệ đã rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27). Chắc Đức Giê-su sẽ không trối Mẹ Ma-ri-a cho môn đệ Gio-an rước về nhà mà phụng dưỡng sau khi Người chết, nếu Mẹ Ma-ri-a còn có nhiều người con khác.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa (Lc 2,11).
2. CÂU CHUYỆN:
1) MÓN QUÀ GIÁNG SINH QUÍ NHẤT
Người ta tìm thấy trên bàn làm việc của một ông giám đốc xí nghiệp vừa từ trần một bức thư với nội dung như sau: “Thưa ông giám đốc, chiều nay tôi và cả gia đình tôi mới nhận được một tin vui là ông giám đốc đã nhận tôi vào làm công nhân trong nhà máy của ông. Tôi coi tin này là một món quà to lớn trong mùa Giáng Sinh năm nay. Vì từ hôm nay, vợ con tôi lại có cơm ăn áo mặc hàng ngày và có tiền để trang trải các khoản chi phí mà chúng tôi đang thiếu hụt. Tôi xin chân thành cám ơn ông giám đốc”. Bên dưới bức thư này có mấy dòng chữ của ông giám đốc mới qua đời phê vào bức thư như sau: “Bức thư này quả là một món quà tinh thần quí giá nhất mà tôi đã nhận được trong lễ Giáng Sinh năm nay. Tôi chắc sẽ không bao giờ quên được niềm vui lớn lao mà món quà này đã mang lại cho tôi”.
2) MỘT LỄ GIÁNG SINH ĐẸP NHẤT TRONG ĐỜI THÁNH GIÁO HOÀNG GIO-AN 23:
Theo một thông lệ từ lâu trong Giáo Hội, các Đức Giáo Hoàng đều bị hạn chế đi lại trong bốn bức tường rào của điện Va-ti-can và không được tự do ra ngoài. Đây là điều Đức Gio-an 23 khi mới được bầu làm Giáo Hoàng cảm thấy vô lý. Cuối cùng ngài đã quyết định phá bỏ thông lệ ấy. Ngài chia sẻ: “Vào ngày Lễ Giáng Sinh năm đầu tiên làm Giáo Hoàng, tôi muốn đến thăm các trẻ em đau yếu đang được điều trị tại bệnh viện Chúa Giê-su Hài Đồng ở thủ đô Rô-ma. Nếu lễ Giáng Sinh là lễ của các trẻ em thì tại sao môt vị Giáo Hoàng lại không đến thăm các em? ”. Thế là vị Giáo Hoàng được mệnh danh là người cha hiền từ, đã quyết định ra ngoài Va-ti-can để đến gặp gỡ các em bệnh nhi tại bệnh viện dành riêng cho các em. Vừa thấy bóng ngài, các em đã réo gọi ngài bằng tên Gio-an như một người bạn thân. Ngài đã gặp gỡ chuyện trò thân mật với các em. Ngài ngồi bên cạnh một em bé bị thương nặng thể hiện lòng nhân từ thương xót của Chúa Giê-su. Sau này Ngài đã coi Lễ Giáng Sinh năm đó là ngày đẹp nhất trong đời giáo hoàng của ngài và cũng là ngày vui vẻ hạnh phúc nhất đối với các em nhi đồng.
3. THẢO LUẬN:
Đấng Cứu Thế đến thiết lập một Nước Trời bình an, hy vọng, vui tươi và hạnh phúc. Trong Mùa Giáng Sinh này, mỗi người chúng ta cần làm gì cụ thể để tích cực cho Nước Trời ấy mau đến ngay tại gia đình, khu xóm và nơi làm việc của chúng ta?
4. SUY NIỆM:
1) Giáng Sinh là lễ của tình thương: Thiên Chúa là Tình yêu đã sai Con Một xuống thế cứu chuộc làm người là Đức Giê-su. Người là Lời sáng tạo quyền năng nhưng đã hóa nên một trẻ thơ yếu đuối, sinh bởi một trinh nữ, nên giống như chúng ta mọi đàng ngọai trừ không có tội. Khi giáng sinh, Người đã hóa nên một trẻ thơ để mời gọi mọi người yêu thương trẻ nhỏ, nâng đỡ người nghèo hèn. Đến ngày tận thế, Đức Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ tái lâm để phán xét chung mọi người: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc. Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).
2) Giáng Sinh là Tin Mừng trọng đại cho tòan dân: Trong bài Tin Mừng hôm nay sứ thần đã báo tin vui cho các mục đồng ở ngọai ô Bê-lem : “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô, là Đức ChúaAnh em cứ dấu này mà nhận ra Người.: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” ( Lc 2, 10-12). Trong Mùa Giáng Sinh này mỗi người chúng ta sẽ làm gì để chia sẻ tin mừng cho tha nhân bên cạnh ?
3) Giáng Sinh với việc thực hiện bài ca thiên thần: Lời ca khen hát mừng của các sứ thần trong đêm Chúa Giê-su giáng sinh “Vinh danh Thiên Chúa trên trời Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” vẫn luôn vang lên trong dịp Giáng Sinh và cần phải được tiếp tục vang lên trong tâm hồn của các tín hữu, biến thành lời ca chúc bình an với ước mong cho mọi người đều làm sáng danh Thiên Chúa và đều đem bình an hạnh phúc cho tha nhân. Chúng ta hãy noi gương các mục đồng ở Bê-lem cùng nhau đến thăm viếng giúp đỡ những trẻ Giê-su khó nghèo tại các trại mồ côi, an ủi những ai đang bị giam cầm và những tâm hồn đau khổ bị đối xử bất công giữa lòng xã hội. Đêm nay, dưới gầm cầu, bên hàng hiên của những ngôi nhà cũng vẫn còn đó những trẻ Giê-su đang nằm co ro vì lạnh, vì đói và vì không có nhà để đi về…
4) Giáng Sinh – lễ của niềm vui chia sẻ: Vào dịp lễ Giáng Sinh, người ta thường thể hiện tình cảm quí mến đối với bạn bè và những người thân quen, bằng việc gửi đi những cánh thiệp chúc mừng Giáng Sinh. Theo phong tục của những nước phương tây, buổi sáng ngày lễ Giáng Sinh, cha mẹ thường thay ông già No-en tặng quà cho con cái của mình, người lãnh đạo tặng quà cho các nhân viên thuộc cấp, chủ nhà tặng quà cho các người giúp việc… còn chúng ta thì sao? Trong mùa Giáng Sinh này, mỗi người chúng ta sẽ tặng gì cho những người thân quen, những người đã giúp đỡ chúng ta suốt năm qua, nhất là những người đáng thương như các cụ già neo đơn, các bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang, các người mù lòa khuyết tật và những người đang lang thang đầu đường xó chợ…?
5. NGUYỆN CẦU:
– Lạy Chúa Giê-su. Trong đêm Giáng Sinh, Hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đã lâm vào hoàn cảnh cùng cực tại thành Be-lem, khi Đức Ma-ri-a phải sinh con trong một chuồng chiên nghèo hèn, giữa cảnh trời đồng lạnh giá. Tin Mừng đã ghi lại như sau: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Ôi! Thật trớ trêu: “Ngôi Lời Thiên Chúa ở giữa thế gian và thế gian nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,5.10-11).
– LẠY CHÚA. Hôm nay Giáng Sinh lại về. Trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, người người quên ngủ, vui vẻ liên hoan… Kìa, hai người lữ hành Be-lem đã từng lỡ bước đêm xưa vẫn đang còn lỡ bước đêm nay, vì các chủ quán trọ năm xưa vẫn đang còn đó! Giàu: chủ đón rước vào nghỉ trong khách sạn. Nghèo: hãy theo gót Giu-se Ma-ri-a ra vỉa hè công viên hoặc tại những nơi đầu đường xó chợ! Xin Chúa giúp chúng con biết nhìn thấy hài nhi Cứu Thế đang hiện thân nơi những kẻ nghèo hèn, những bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang chữa trị, những trẻ em đang sống lang thang hè phố, những cụ già cô độc không con cái chăm sóc… để chúng con biết thể hiện tình thương đối với họ bằng những việc làm cụ thể như: thăm viếng và chia sẻ tình người, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó, chúng con xứng đáng trở thành những môn đệ đích thực của Chúa.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM