Sứ điệp đúc kết của Tổng Công Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại thường lần thứ III

20141006Synod - Sứ điệp đúc kết của Tổng Công Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại thường lần thứ III

Chúng tôi, các nghị phụ họp tại Roma cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Cuộc họp Tổng Công Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại thường, xin gửi lời chào đến tất cả các gia đình khắp nơi tại các châu lục và đặc biệt là những gia đình bước theo Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn bởi chứng tá hằng ngày mà các bạn đã cho chúng tôi và cả thế giới thấy qua sự trung tín, đức tin, niềm hy vọng và tình yêu của các bạn.

Ngay cả chúng tôi, những chủ chăn của Giáo Hội, cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình với những hoàn cảnh và lịch sử khác nhau. Với tư cách là các linh mục và các giám mục, chúng tôi đã gặp gỡ và sống bên các gia đình đã cho chúng tôi thấy, bằng lời nói cũng như hành động, một chuỗi dài những điểm niềm vui cũng như những khó khăn của mình.

Việc chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng này, khởi đi từ những trả lời cho bảng câu hỏi mà Giáo Hội gửi đi trên khắp thế giới, đã giúp chúng tôi nghe được tiếng nói của nhiều kinh nghiệm trong gia đình. Rồi cuộc đối thoại trong những ngày này của Thượng Hội Đồng cũng làm chúng tôi hiểu hơn, giúp chúng tôi nhìn thấy tất cả những thực tại sống động và phức tạp mà các gia đình đang đối mặt.

Chúng tôi muốn gửi đến các bạn lời của Đức Kitô: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa cho Ta thì Ta sẽ đến và dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ ở với ta” (Kh 3,20). Trong suốt hành trình dài trên các con đường ở Đất Thánh, Đức Giêsu đã vào nhà tại các làng mạc, Ngài tiếp tục đi qua các ngả đường của thành phố chúng ta. Đối với các bạn, các bạn trải nghiệm lẫn ánh sáng và bóng tối, những thách đố thú vị nhưng đôi khi cũng có những thử thách đầy kịch tích. Sự tăm tối càng trở nên dày đặc hơn cho đến khi nó trở thành bóng đen, khi những sự xấu và tội lỗi thâm nhập vào tận trung tâm của đời sống gia đình.

Trước hết, có một thách đố rất lớn về sự trung tín trong tình yêu hôn nhân. Đức tin suy yếu và các giá trị đạo đức không được quan tâm, chủ nghĩa cá nhân, các mối tương quan bị kiệt quệ, nổ lực loại trừ sự phản tỉnh ghi dấu ấn của nó trong đời sống gia đình. Có không ít những khủng hoảng trong đời sống hôn nhân được giải quyết một cách vội vàng, không có sự kiên nhẫn, xác minh, tha thứ cho nhau, hòa giải và thậm chí là hy sinh. Những sai lầm như thế thường thấy ở những tương quan mới, những cặp đôi mới, mối liên hiệp mới và các đôi hôn phối mới, làm gia tăng những tình huống và vấn đề phức tạp trong gia đình cho các chọn lựa Kitô giáo.

Trong những thách đố này, chúng tôi muốn đề cập đến nỗi đau của chính sự hiện hữu. Chúng tôi nghĩ đến những thống khổ có thể có đối với một em bé bị khuyết tật, một chứng bệnh nghiêm trọng, tinh thần bị suy giảm do tuổi già, cái chết của một người thân yêu. Đáng ngưỡng mộ thay sự trung kiên đầy quảng đại của nhiều gia đình sống trong những thử thách này với lòng can đảm, đức tin và tình yêu, không xem nó như một điều gì đó bị cắt đứt hay tổn thương, nhưng như là cái được trao ban cho mình, nhìn thấy Đức Kitô chịu đau khổ nơi phần thân xác bệnh tật ấy.

Chúng tôi cũng nghĩ đến những khó khăn kinh tế do các hệ thống sai lạc, do “chủ nghĩa thờ đồng tiền và sự chuyên chế của một nền kinh tế vô nhân vị và không nhắm tới con người thật sự” (Evangelii Gaudium, 55), vốn hạ thấp nhân phẩm con người. Chúng tôi cũng nghĩ đến những người cha, người mẹ, thất nghiệp, bất lực trước những nhu cầu thiết yếu của gia đình mình và cả đến các bạn trẻ, những người ở không, không có hoài bão, những người có thể sẽ trở thành nạn nhân của những suy đồi do nghiện ngập hay tội ác.

Chúng tôi cũng nghĩ đến rất nhiều các gia đình nghèo, những người phải bám theo một chiếc thuyền để tìm đến một nơi sinh tồn, đến các gia đình đi di cư mà không có chút hy vọng nào nơi các sa mạc, những những gia đình bị bách hại chỉ bởi vì đức tin và vì những giá trị thiêng liêng và nhân bản của mình, đến những ai bị những tàn bạo của chiến tranh và áp bức vây bủa. Chúng tôi cũng nghĩ đến những phụ nữ phải gánh chịu những bạo lực, bị bóc lột sức lao động, đến những nạn nhân của nạn buôn người, đến các trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng bởi chính người chịu trách nhiệm chăm sóc và giúp mình lớn lên trong sự tin tưởng, đến các thành viên của những gia đình bị hạ nhục và trong hoàn cảnh khó khăn. “Nền văn hóa sung túc đang gây mê chúng ta và […] tất cả đời sống đó bị còi cọc đi do thiếu vắng những cơ hội dường như là một cảnh tượng đơn thuần chẳng làm cho chúng ta bận tâm tí nào” (Evangelii Gaudium, 54). Chúng tôi thỉnh cầu đến các nhà cầm quyền và các tổ chức quốc tế hãy thăng tiến các quyền về gia đình nhằm hướng đến công ích cho mọi người.

Đức Kitô đã muốn Giáo Hội của Ngài trở thành một ngôi nhà mở rộng cửa để đón tiếp mọi người, không trừ một ai. Chúng tôi biết ơn các chủ chăn, các tín hữu và cộng đoàn đã sẵn sàng đồng hành với các các cặp đôi và các gia đình, đồng thời chăm sóc những vết thương cả nội tâm lẫn xã hội của họ.

* * *
Tuy nhiên, cũng có một ánh sáng chiếu rọi giữa đêm đen, đằng sau những cánh cửa sổ của các tòa nhà ở thành phố, của căn nhà giản dị ở thôn quê hay nơi các làng mạc, hay thậm chí là cả những túp lều: nó tỏa sáng và sưởi ấm cả thể xác lẫn linh hồn. Ánh sáng này, dưới ánh sáng của lịch sử hôn nhân, đã tỏa chiếu từ cuộc gặp gỡ giữa vợ chồng: đó là một món quà, một ân sủng được diễn tả – như sách Sáng Thế nói (2,18) – khi khuôn mặt này “đối diện” với khuôn mặt kia, trong một sự “tương trợ đồng vị với nhau”, nghĩa là ngang nhau và hỗ tương với nhau. Tình yêu giữa người nam và người nữ dạy chúng ta biết rằng dù vẫn khác nhau về căn tính, mỗi người cần đến người kia để là chính mình, mỗi người phải mở ra và tỏ lộ cho nhau. Đó là điều mà người nữ diễn tả một cách rất gợi tình trong sách Diễm Ca: “Người yêu tôi là của tôi và tôi là của người yêu tôi… tôi thuộc về người yêu tôi và người yêu tôi thuộc về tôi” (Dc 2,16; 6,3)

Để cuộc gặp gỡ này được chân thành, lộ trình phải bắt đầu với việc đính hôn, khoảng thời gian chờ đợi và chuẩn bị. Nó sẽ đi đến sự thành toàn với bí tích, nơi mà Thiên Chúa đóng dấu ấn của Người, sự hiện diện và ân sủng của Người. Hành trình này cũng bao gồm cả tính dục, sự dịu ngọt, sự thân mật, nét đẹp, vốn là những điều luôn tồn tại, vượt trên cả những mãnh liệt và hăng hái của tuổi trẻ. Tự bản chất, tình yêu có xu hướng còn mãi, cho đến khi trao ban cả sự sống cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Dưới ánh sáng này, tình yêu lứa đôi, duy nhất và bất khả phân ly, luôn tồn tại, bất chấp những khó khăn của giới hạn con người; đây là một trong những phép màu tuyệt vời nhất, và có lẽ cũng là phép lạ chung nhất.

Tình yêu này lan tỏa qua việc sinh sản con cái và phát triển nòi giống, vốn không chỉ liên hệ đến việc sinh con nhưng còn liên quan đến quà tặng đời sống thiêng liêng nơi bí tích Thanh Tẩy, giáo dục và dạy giáo lý cho con trẻ. Nó cũng bao gồm đến việc trao tặng sự sống, tình cảm, các giá trị – một kinh nghiệm mà cả người không có khả năng sinh sản vẫn có thể làm được. Những gia đình nào sống được cuộc phiêu lưu chói lọi này sẽ trở nên dấu chỉ cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ.

Trong suốt hành trình, vốn đôi khi có lắm chông gai, khó khăn và vấp ngã, luôn có Chúa hiện diện và đồng hành kề bên. Gia đình cảm nghiệm được điều này việc yêu mến và đối thoại giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau. Gia đình sống điều này trong việc cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, cùng nhau cầu nguyện, một nơi nghỉ ngơi nho nhỏ cho tinh thần mỗi ngày. Rồi cùng dấn thân hàng ngày trong việc giáo dục đức tin và đời sống tốt lành của Tin Mừng, những điều thánh thiêng. Cả ông bà cũng cùng chia sẻ và thực thi trách nhiệm này với một sự yêu mến và dấn thân lớn lao. Như thế, gia đình sẽ trở thành một Giáo Hội tại gia chân thực, rồi nới rộng ra thành một gia đình trong các gia đình làm nên cộng đoàn giáo hội. Các cặp vợ chồng Kitô hữu được mời gọi để trở thành những thầy dạy đức tin và tình yêu cho những cặp trẻ hơn.

Một diễn tả khác của sự hiệp thông huynh đệ là sự diễn tả của đức ái, của trao ban, của việc gần gũi với những ai thấp bé, những người bị gạt ra bên ngoài xã hội, những người nghèo, những người đơn chiếc, bệnh nhân, người ngoại quốc, những gia đình khác đang gặp khủng hoảng, ý thức về lời Chúa: “Cho thì phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Đó là món quà của điều thiện hảo, của việc đồng hành, của tình yêu và lòng thương xót, và cũng là một chứng tá của chân lý, của ánh sáng, của ý nghĩa cuộc sống.

Điểm quy tụ và tóm kết mọi dây hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân chính là Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, khi tất cả gia đình và Giáo Hội cùng ngồi bên bàn tiệc của Chúa. Ngài đã trao ban cho tất cả chúng ta, những người hành hương trong lịch sử tiến về điểm gặp gỡ chung kết khi “Đức Kitô trở nên tất cả và trong tất cả” (Cl 3,11). Vì thế, trong chặng đầu tiên của khởi đầu Công Nghị của chúng tôi, chúng tôi đã suy tư về việc trợ giúp mục vụ và về việc tham dự bí tích cho những ai đã ly dị tái hôn.

Chúng tôi, các nghị phụ, xin anh chị em hãy bước đi cùng chúng tôi hướng về Cuộc Họp Thượng Hội Đồng sắp tới. Nguyện xin sự hiện diện của gia đình Giêsu, Maria và Giuse trong ngôi nhà đơn sơ của họ luôn ấp ủ các bạn. Cùng với Thánh Gia Nazaret, chúng ta hãy dâng lên Chúa Cha lời cầu khẩn của chúng tac ho tất cả gia đình dưới thế:

Lạy Cha, xin ban cho tất cả các gia đình có được những người vợ người chồng khôn ngoan và mạnh mẽ để họ có thể là nguồn mạch của một gia đình hiệp nhất và tự do.
Lạy Cha, xin ban cho các bậc cha mẹ có một mái nhà để sống bình an với gia đình của mình.
Lạy Cha, xin giúp những người làm con trở thành một dấu chỉ của niềm tin, niềm hy vọng, và giúp cho người trẻ có được một sự dấn thân vững bền và trung tín.
Lạy Cha, xin giúp cho tất cả mọi người có thể kiếm được lương thực hằng ngày nhờ đôi tay của mình, có thể hưởng nếm sự thanh thản tinh thần và giữ được ngọn lửa đức tin luôn bừng cháy, dù giữa lúc đêm đen.
Lạy Cha, xin giúp tất cả chúng con thấy được một Giáo Hội nở rộ sự trung tín và đáng tin, một thành phố công chính và nhân bản, một thế giới yêu mến chân lý, công bằng và lòng xót thương.

(Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, RadioVaticana 19.10.2014)

Exit mobile version