Đêm đen thứ nhất là các bệnh tật và khổ đau trên thân xác. Bệnh lao phổi của chị đã không bao giờ được chẩn nhận. Linh Mục viện phụ Febvre, cha giải tội của chị Bernadette, cho biết ”chị bị bệnh hen suyễn kinh niên, đau như xé ngực và nôn mửa ra máu và tình trạng này kéo dài hai năm; chị bị giãn tĩnh động mạch bất thường, đầy hơi và bướu một đầu gối… và trong hai năm cuối đời chị bị hoại xương khiến cho thân thể tội nghiệp của chị trở thành nơi quy tụ tất cả mọi nỗi đau đớn. Ngoài ra trong tai của chị còn có các vết sưng khiến cho chị bị điếc một phần, và bệnh điếc này đã chỉ biến mất ít lâu trước khi chị qua đời”.
Đêm đen thứ hai là đêm đen của các giác quan. Thời gian Đức Mẹ hiện ra với chị đã qua lâu rồi, và Bernadette không còn có thể nhớ ra nữa. Nỗi sợ hãi bị đánh lừa ám ảnh hành hạ chị ngày đêm. Thời gian xem ra xa xôi và lạ lẫm đối với chị, tới độ Bernadette sợ hãi đã lầm lẫn. Đã xảy ra cho chị điều xảy ra cho thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu, khi chị Terexa tin rằng mình đã tạo ra câu chuyện Đức Mẹ hiện ra hồi còn nhỏ và mãi sau này chị mới thừa nhận sự hiển nhiên trong nhà thờ Đức Bà Chiến Thắng. Sự nghi ngờ của chị Bernadette ít triệt để hơn, nhưng đối với chị nghĩ tới hay nói tới biến cố Đức Mẹ hiện ra với chị đã trở thành một nỗi khổ đau.
Đêm đen thứ ba chị Bernadette phải chịu là đêm đen của đức tin và đức cậy. Đây là hiện tượng sâu xa và khắc nghiệt hơn. Các ngôi sao làm dịu đêm đen đức tin đã hoàn toàn biến mất khỏi chân trời. Bernadette có cảm tưởng chị đã không đáp trả lại ơn thánh Chúa và bị bỏ rơi, và chị đã sống lâu trong tình trạng đen tối này. Chị thổ lộ rằng: ”Nỗi đau đớn trên thân xác, tuy nặng nề, nhưng vẫn không là gì trước sự âu lo tinh thần”. Nhưng Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống nội tâm của chị. Nó được đào luyện hơn là chính chị đào luyện cho nó. Thật ra, sứ mệnh của Bernadette là thực hiện sứ điệp Lộ Đức trong nội tâm. Trong viễn tượng này người ta hiểu sứ điệp chị đã nhận được và tiếp tục sống trong tu viện tại Nevers: kỷ niệm về các lần Đức Mẹ hiện ra xa dần, việc chìm sâu trong sự nghèo khó, khiêm nhường, sự yếu đuối khổ đau, nỗi lo lắng trung thành với hoạt động của ơn thánh của bài thánh thi Magnificat, lời cầu nguyện và con đường hãm mình theo gương Mẹ Maria. Bernadette không còn trông thấy Đức Mẹ nữa, nhưng chị kiên trung bước theo lộ trình ơn gọi của mình. ”Ta không hứa cho con hạnh phúc ở đời này nhưng trong đời sau”. Bernadette nhận thấy phần thứ nhất đang được thực hiện, và giờ đây, mặc cho mọi sự, chị dựa vào đó để hy vọng phần thứ hai cũng sẽ được hiện thực.
Kể từ khi Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hiện ra năm 1858, sau Roma Lộ Đức đã trở thành nơi hành hương quốc tế nổi tiếng với 5 triệu người mỗi năm. Họ đến từ Italia, Bỉ, Đức, Hòa Lan, Anh quốc, Tây Ban Nha và các nước Âu châu khác. Nhưng cũng có những người đến từ các nước Á châu, Phi châu, Mỹ châu và Đại dương châu. Có những tín hữu hành hương hai ba ngày nhưng cũng có những người tò mò được tiếp đón như ”khách hành hương trong một ngày”.
Ban đầu đi hành hương Lộ Đức là một chinh phục rất vất vả khó khăn. Sau các lần Đức Mẹ hiện ra, từ tháng 4 tới tháng 10 năm 1858, chính quyền cấm dân chúng đến Hang Đá. Muốn đến Hang Đá phải có giấy phép của hoàng đế Napoleon III, khi đó đang nghỉ hè trong vùng núi Pirênê. Hoàng đế cũng muốn lợi dụng dip này để làm cho mình có gương mặt bình dân hơn. Nhưng cũng từ ngày đó số người tìm đến Lộ đức cầu nguyện gia tăng đáng kể.
Ngày 19 tháng 11 năm 1858 Ủy ban điều tra của Tòa Giám Mục đến Hang Đá lần đầu tiên. Sau khi xem xét tỉ mỉ các biến cố, tìm hiểu chị Bernadette cũng như các phép lạ lành bệnh xảy ra và các hoa trái thiêng liêng mà tín hữu nhận được tại Hang Đá Đức Mẹ, Đức Giám Mục thừa nhận tính cách đích thực của các lần hiện ra và tuyên bố: ”Đức Trinh Nữ đã thực sự hiện ra với Bernadette Soubirous”. Tiếp theo đó có các đoàn hành hương được tổ chức, và các tín hữu đến hành hương có tính cách cá nhân. Cuộc hành hương chính thức đầu tiên được tổ chức ngày mùng 4 tháng 4 năm 1864 nhân dịp khánh thành và đặt bức tượng Đức Mẹ vào Hang Đá. Tượng bằng đá cẩm thạch Carrara do ông Fabish người Lyon tạc. Hai năm sau, ngày 21 tháng 5 năm 1866 có một cuộc hành hương chính thức khác nhân dịp thánh hiến hầm nhà thờ.
Khi đường xe hỏa nối liền Lộ Đức với Bayonne năm 1867 và với Toulouse vào năm 1868, các cuộc hành hương bằng xe lửa bắt đầu. Cuốn sách của ông Henri Lasserre tựa đề ”Đức Bà Lộ Đức” xuất bản năm 1869 và được dịch ra 80 thứ tiếng khác nhau, đã giúp phổ biến sứ điệp của Đức Mẹ và khiến cho các cuộc hành hương trở thành bình dân hơn. Nhưng các cuộc hành hương đã chỉ thực sự gia tăng sau khi nước Pháp thua trận trong chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870-1871. Vào tháng 10 năm 1872 ”cuộc hành hương cờ” đã tạo ra một cảnh ngoạn mục tại Lộ Đức. Năm tiếp theo đó 1873 có cuộc hành hương toàn quốc cầu nguyện và đền tội. Và chỉ nội trong năm 1873 đã có tới 183 cuộc hành hương tổng cộng có 140 ngàn người tham dự. Năm sau đó 1874 người ta tổ chức các chuyến xe lửa chở các bệnh nhân đi hành hương Lộ Đức.
Lịch sử hành hương Lộ Đức có các thời điểm quan trọng: trong các ngày 1-3 tháng 7 năm 1876 có lễ thánh hiến vương cung thánh đường và đội triều thiên cho tượng Đức Mẹ. Ngày 16 tháng 7 năm 1883 kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ hiện ra và lễ đặt viên đá đầu tiên xây vương cung thánh đường Mân Côi. Trong năm đó đã có 230 cuộc hành hương. Trong các ngày 17-21 tháng 8 năm 1899 có đại hội Thánh Thể. Măm 1908 kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra có 157 cuộc hành hương, trong đó 76 cuộc hành hương là của các tín hữu đến từ nước ngoài, tổng cộng có hơn 1 triệu người. Trong các ngày 21-26 tháng 7 năm 1914 đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 25 đã được tổ chức tại Lộ Đức. Năm 1958 kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức Đức Giáo Hoàng Pio XII muốn đến Lộ Đức để cử hành thánh lễ nhân cuộc hành hương của Phong trào Công nhân công giáo tiến hành Pháp. Chương trình hành hương của Đức Giáo Hoàng được giữ bí mật, tuy cảnh sát Lộ Đức đã được báo trước. Nhưng ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời bác sĩ tư của Đức Pio XII ông Galeazzi đã không thể cho phép ngài đi Pháp vì sức khỏe của Đức Thánh Cha quá yếu. Một tháng sau Đức Pio XII qua đời.
Kể từ khi bắt đầu chuyến hành hương của các bệnh nhân bằng đường xe lửa năm 1874, số các bệnh nhân đến hành hương Lộ Đức ngày càng gia tăng. Hằng năm có hơn 50.000 bệnh nhân được chở đi hành hương Lộ Đức với các chuyến xe lửa đặc biệt có các bác sĩ, y tá và các thiện nguyện viên đi theo.
Với số bệnh nhân đông như thế cần phải tổ chức các nhà thương để đón tiếp người bệnh trong những ngày họ lưu lại Lộ Đức. Nhà thương cuối cùng rất tối tân được xây dựng là nhà thương dâng kính thánh nữ Bernadette. Các bệnh nhân được săn sóc miễm phí bởi các bác sĩ, các y tá và các nhân viên đẩy xe đưa các bệnh nhân từ nhà thương tới Hang Đá hay tới quảng trường Đức Mẹ để tham dự các lễ nghi phụng vụ hay đi tắm suối Đức Mẹ Lộ Đức.
Hành hương Lộ Đức đem lại lợi ích thiêng liêng rất lớn cho các bệnh nhân. Nó khiến cho họ ra khỏi tình trạng bị cô lập nặng nề, và cống hiến cho họ khả thể sống hiệp thông với các anh chị em bệnh nhân khác cũng như những người khỏe mạnh và cho họ dịp tập hội nhập vào cuộc sống thường ngày. Thiện ích vừa tinh thần vừa trị liệu này được người bệnh cảm nhận một cách hiển nhiên hơn là các phép lạ, vì để được thừa nhận các phép lạ cần trải qua các thể lệ và tiến trình điều tra lâu dài và khó khăn với kết qủa thường là tiêu cực.
Đây chắc hẳn là một trong các lý do khiến cho nhiều người được phép lạ nhưng không khai báo với Văn phòng ghi nhận y khoa Lộ Đức. Thế rồi có nhiều người tuy không được khỏi bệnh phần xác, nhưng được ơn khỏi bệnh phần hồn và thay đổi cuộc sống. Cũng có những người khi đến nơi không muốn xin ơn khỏi bệnh nữa.
Bên cạnh trung tâm thánh mẫu Lộ Đức có văn phòng quan sát y khoa đo Đức Giáo Hoàng Pio X thành lập năm 1905. Văn phòng này theo các tiêu chuẩn được định nghĩa bởi Đức Hồng Y Lamberti, tức Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV tương lai, cho án phong chân phước. Làm việc trong văn phòng này có các bác sĩ thuộc bất cứ xác tín tôn giáo nào. Họ quan sát ghi nhận các vụ khỏi bệnh lạ lùng và trình lên Ủy ban y khoa quốc tế cứu xét. Nếu thấy đó là các vụ khỏi bệnh không thể nào giải thích được trên bình diện y khoa theo các hiểu biết hiện hành. Tiếp đến sau khi có các thẩm định khác Giáo Hội có thể khẳng định tính cách phép lạ của việc lành bệnh.
Để một vụ lành bệnh có thể coi là phép lạ, phải có các điều kiện sau đây. Thứ nhất, việc chẩn bệnh ban đầu phải được kiểm thực và xác nhận không có sự nghi ngờ nào. Thứ hai, căn bệnh phải được coi là không thể chữa trị được nữa theo các hiểu biết y khoa hiện hành. Thứ ba, việc khỏi bệnh phải liên quan tới một lần viếng thăm Lộ Đức, mặc dầu không đòi phải dìm mình trong nước suối Đức Mẹ. Thứ bốn, Việc khỏi bệnh phải tức khắc, với việc chấm dứt nhanh chóng các triệu chứng hay các dấu hiệu của bệnh. Thứ năm, việc khỏi bệnh phải hoàn toàn, không còn có các dấu vết khó chịu. Và thứ sáu, việc khỏi bệnh phải vĩnh viễn, không mắc lại.
Cho tới nay trên tổng số 7.000 vụ khỏi bệnh không thể giải thích được trên bình diện y khoa, đã chỉ có 68 phép lạ khỏi bệnh tại Lộ Đức được Giáo Hội chính thức thừa nhận. 80% những người được lành bệnh là phụ nữ. Bệnh nhân trẻ tuổi nhất là một em bé 2 tuổi. Trong số các người được phép lạ có 55 người Pháp, 7 người Ý, 3 người Bỉ, 1 người Đức và 1 người Áo. Có 6 người được Đức Mẹ cho khỏi bệnh, tuy không đi hành hương tới Lộ Đức. Trên tổng số 68 người có 49 người được lành bệnh nhờ nước suối Đức Mẹ Lộ Đức, trong có đó 39 người nhờ tắm nước suối Đức Mẹ.
Nước suối Lộ Đức được phân tích lần đầu tiên ngày mùng 7 tháng 8 năm 1858 và cho thấy nó là nước bình thường uống được ”không có chất sát trùng cũng không có chất kháng sinh”, và tuyệt đối không có các chất có thể có giá trị chữa bệnh như các chuyên viên khẳng định trong lần phân tích ngày mùng 8 tháng 10 năm 1964. Nước vọt ra từ suối chỗ chị Bernadette đã bới đất, lạnh 12 độ C và chảy ra liên tục với lưu lượng mỗi ngày từ 17.000 tới 72.000 lít tùy theo mùa. Còn nước trong hồ tắm cho các bệnh nhân được thay 2 lần mỗi ngày, chứ không phải sau mỗi lần dìm một bệnh nhân. Và các bệnh nhân đến tắm nước suối Đức Mẹ mắc đủ mọi thứ bệnh truyền nhiễm kể cả các bệnh truyền nhiễm về da. Và mỗi ngày có 2.000 bệnh nhân được dìm mình trong nước suối Đức Mẹ. Nhưng đã không hề xảy ra hiện tượng lây bệnh nào.
(Thánh Mẫu Học bài 339)
Linh Tiến Khải