Trong lúc Giáo Hội không có một công bố chính thức nào về việc Mẹ Maria đã chết trước khi Mẹ lên trời hay không, thì chắc hẳn có những người thánh thiện vẫn nghĩ là Mẹ đã chết.
Vào ngày 1 tháng Mười Một, năm 1950, ĐGH Pius XII đã long trọng xác tín trong Hiến Pháp Tông Đồ Munificentissimus Deus tín điều “Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria trọn đời đồng trinh, đã hoàn tất hành trình dương thế của Mẹ, được lên trời cả hồn lẫn xác trong vinh quang.” Chúng ta biết đây là Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, một ngày lễ buộc, được cử hành vào ngày 15 tháng Tám.
Người Công Giáo không bắt buộc phải tin hay không tin việc Đức Maria đã chết hay không, trước khi cả hồn và xác được đưa lên trời.
Có một sự bổ xung thú vị cho ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời là Giáo hội Đông Phương thì chú tâm về sự an giấc của Mẹ Thiên Chúa hơn là việc Mẹ lên trời và cũng mừng lễ vào ngày 15 tháng Tám.
Sách Giáo Lý Công Giáo, điều 966 cho chúng ta những lời từ Kinh Phụng Vụ Hy lạp:
Ôi Mẹ Thiên Chúa, khi sinh con, Mẹ vẫn còn đồng trinh, khi Mẹ an giấc, Mẹ đã không rời bỏ cõi trần, nhưng được đoàn tụ với nguồn mạch của Sự Sống. Mẹ cưu mang con Thiên Chúa hằng sống và bằng lời cầu nguyện, Mẹ sẽ giải thoát linh hồn chúng con khỏi sự chết.
Nhiều vị Giáo Hoàng và các tài liệu của Giáo Hội đã đề cập đến những bí nhiệm này, một số xác quyết là Mẹ Maria đã trải qua một cái chết tự nhiên, dù rằng thân xác của Mẹ không trải qua đau đớn của sự mục nát.
ĐGH Pius XII đã đề cập đến cái chết của Mẹ ít nhất năm lần. Trong tài liệu mà ngài xác định tín điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngài đã viết: Thân xác của Đức Trinh Nữ Maria không bị hư nát, nhưng… Mẹ đã chiến thắng khỏi sự chết, được hưởng vinh quang thiên đàng giống như người con duy nhất của Mẹ là Đức Giê-su Kitô.”
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng cho rằng Mẹ Maria đã trải qua cái chết tự nhiên trước khi Mẹ được lên trời. Vào ngày 25 tháng Sáu năm 1997, trong buổi tiếp kiến chung, ngài đã nói “để cùng được sống lại với sự sống lại của Đức Kitô, Mẹ Maria trước hết đã cùng chết với sự chết của Đức Kitô.”
Từ thế kỷ thứ sáu, Thánh Gregory of Tours đã nói về sự an giấc và sau đó là lên trời của Mẹ.
Đức Mẹ Maria đã hoàn tất hành trình dương thế của Mẹ và giờ Mẹ được gọi ra khỏi thế gian, tất cả các Tông Đồ từ các miền khác nhau đã về nhà của Mẹ. Và khi họ nghe biết là Mẹ sắp rời khỏi thế gian, họ cùng nhau canh thức với Mẹ. Và này, Chúa Giê-su cùng với các Thiên Thần của Ngài đã đến và đón nhận linh hồn của Mẹ, rồi trao cho Thiên thần Michael và rút về.
Tuy nhiên vào sáng sớm, các Tông Đồ để xác Mẹ trong một cái quan tài trống và đặt trong một ngôi mộ và họ canh thức chờ Thiên Chúa đến. Và đây, Thiên Chúa lại đến và đứng với họ, và đã nhận lấy thân xác thánh của Mẹ, qua một đám mây đưa lên trời, nơi đó xác và hồn của Mẹ lại kết hợp với nhau để hưởng niềm vui cùng với những người được Thiên Chúa chọn, và là niềm vui tốt lành đời đời không bao giờ chấm dứt.” (Saint Gregory of Tours, Bishop; A. D.595-A.D. 594); Eight Books of Miracles; A.D. 575-593)
Một điểm khác biệt chính cần lưu ý là: Sự thăng thiên của chúa Giê-su được thực hiện qua chính quyền năng của Chúa Giê-su là Thiên Chúa. Việc lên trời của Đức Mẹ được thực hiện bởi quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải do quyền năng của Đức Mẹ.
Do vậy dù bất kể điều gì thực sự lưu truyền từ xa xưa, chúng ta biết rằng Đức Mẹ của chúng ta đã được đưa về thiên đàng, cả hồn lẫn xác, ngang qua cuộc sống đời này.
Sách Giáo Lý Công Giáo, điều 967 viết:
Do sự gắn bó hoàn toàn với thánh ý của Chúa Cha, với công cuộc cứu chuộc của con mình, và với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Trinh Nữ Maria là khuôn mẫu của đức tin và đức mến cho Giáo Hội. Nhờ đó Mẹ là “thành viên trổi vượt và tuyệt đối độc nhất của Giáo Hội”; và Mẹ được coi là “sự thực hiện gương mẫu”, là điển hình của Giáo Hội.”
Source: aleteia.org Mary’s death and assumption: Beautiful thoughts from the saints