Trước khí đến quần đảo Tiwi, sơ Gardiner đã quyết định đi gặp Đức cha Francis Xavier Gsill, người sáng lập cơ sở truyền giáo Công giáo tại quần đảo Tiwi vào năm 1911, để xin một lời khuyên cho sứ vụ mới của mình. Đức cha Gsill đã nói với sơ: “Hãy yêu thương họ”. Sơ Anne đã cố gắng thực hành lời khuyên này trong 64 năm phục vụ cộng đồng dân bản xứ trên hòn đảo Tiwi xa xôi của Australia. Sơ chia sẻ rằng: “Yêu thương họ nghĩa là không xét đoán, nhưng chấp nhận họ như con người và đừng xem mình cao trọng và có quyền trên họ. Tôi đã phạm tất cả những sai lầm này nhưng tiếp tục yêu thương họ. Yêu thương họ trong sự nghèo nàn của họ và trong vẻ đẹp của họ; yêu thương họ trong cách thế văn hóa của họ và luôn yêu thương họ.”
Ngày quốc tế phụ nữ mùng 8 tháng 3vừa qua (2018), sơ Anne Gardiner đã được mời diễn thuyết trong buổi cử hành Ngày Quốc Tế Phụ nữ của đại sứ quán Australia cạnh Tòa Thánh. Vì năm ngoái sơ được trao tặng giải thưởng “Người cao tuổi Australia năm 2017” về đóng góp của sơ trong những năm dài phục vụ cộng đồng người thiểu số trên đảo Tiwi xa xăm. Chứng tá của sơ quá thu hút đến nỗi một số tổ chức đã giúp sơ chi phí chochuyến bay đến tham dự sự kiện ngày phụ nữ ở Roma.
Đối với sơ Gardiner, những năm dài phục vụ với nhiều vai trò khác nhau, không chỉ nhắm phục vụ dân Tiwi nhưng còn giúp họ thích nghi với những thay đổi nhanh chóng trong xã hội Tây âu xung quanh họ. Một vai trò quan trọng mà sơ nắm giữ trong nhiều năm trời, đó là hiệu trưởng trường Công giáo của quần đảo – một vai trò bao gồm việc học cách liên hệ với người dân mà sơ phục vụ và “để có mùi chiên” chứ không phải để cai trị họ.
Sơ Gardiner chia sẻ rằng bài học lớn nhất mà sơ học được đơn giản là cách biết lắng nghe, nghĩa là biết và đón nhận cách thế của dân Tiwi và làm việc với truyền thống văn hóa của họ, hơn là chỉ như một người khác văn hóa nói với họ và chờ đợi họ hoàn toàn quen với lối sống Tây âu. Sơ Gardiner chia sẻ: “Món quà lớn nhất bạn có thể mang đến cho người bộ tộc là lắng nghe những điều họ nói” vì theo sơ, khi lắng nghe họ, bạn có thể trao đổi lại với họ để bạn thực sự hiểu điều họ đang nói.”
Khi vừa đến đảo Tiwi, sơ Gardiner nhập chung nhóm với 3 nữ tu cùng dòng, 3 tu huynh, một linh mục và một thừa sai giáo dân đang sống ở đó. Họ là những người da trắng đầu tiên mà người dân trên đảo Tiwi từng thấy và tiếp xúc. Dù phần đông dân Tiwi thuộc 2 nền văn hóa và có thể tham gia vào cộng đồng to lớn của dân Úc, họ vẫn giữ nguồn gốc của họ trong gia sản của họ, đặc biệt về phương diện lãnh đạo và cấu trúc gia đình.
Sau một số năm đến đảo, các nữ tu bắt đầu mở trường song ngữ và sơ Gardiner làm hiệu trưởng của trường. Sau nhiều năm làm việc, sơ hiểu là mình không thể bê nguyên khuôn mẫu của một trường Tây âu áp dụng vào trường này. Sơ hiểu rằng nếu mình muốn làm việc trong một môi trường giao lưu văn hóa thì cần phải chuẩn bị lắng nghe những gì người dân nói với mình… cần biết cách hoạt động với văn hóa của họ, chứ không chống lại nó. Ví dụ về vấn đề lãnh đạo, người Tiwi thường chia sẻ với nhau, chứ không tập trung quyền hành và các quyết định đưa ra bởi nhóm. Hiểu điều này, sơ Gardiner đã lập một nhóm 4 phụ nữ tham gia vào việc lãnh đạo trường học, mỗi người phụ trách các công việc nhau. Sơ giúp cho họ phát triển kỹ năng về quản lý, tài chánh và dung máy vi tính.
Hiện tại, sơ Gardiner là nữ tu duy nhất ở cứ điểm trên đảo Bathurst Island, với một linh mục cử hành các bí tích. Sơ vẫn tiếp tục dạy các lớp về tôn giáo và chạy xe đạp điện quanh thị trấn với tấm bảng “chia sẻ một lời cầu nguyện”. Người dân trên đảo Bathurst rất quen biết sơ Gardiner, nên họ sẽ chặn sơ lại và xin cầu nguyện, hoặc chính sơ sẽ đến với họ và hỏi họ về những điều họ muốn xin cầu nguyện. Qua cách thế này sơ muốn họ biết rằng sơ quan tâm chăm sóc cho họ. (CNA 14/03/2018)
Hồng Thủy
(RadioVaticana 10.04.2018)