Sống trên đời để làm gì?

Khi người ta vui, thành công, hạnh phúc, người ta chẳng cần biết lý do nào đưa đến sự hiện hữu của mình. Khi người ta còn trẻ, người ta thường không bận tâm mấy đến chuyện vì sao mình lại hiện hữu ở nơi đây. Khi người ta tràn trề sức sống, người ta chỉ chăm chú đến việc làm cho mình được triển nở, được khẳng định đến mức hoàn hảo nhất, chứ chẳng có giờ mà lo nghĩ đến câu hỏi rắc rối này. Chỉ khi nào ta đau khổ, thấy mất đi ý nghĩa cuộc đời, thấy mình sắp phải bước vào ngưỡng cửa của một thế giới khác, thấy hơi thở của mình dường như đã đến hồi cạn kiệt, ta mới cảm thấy có cái gì đó bồi hồi trong tận cõi linh hồn, chất vấn ta về nguồn cội thiêng liêng, về cái mà ta ít bao giờ muốn nghĩ tới.


Thực ra thì, giả như không có ta hiện diện trên đời, có gì mất mát xảy ra không? Câu trả lời đến ngay với ta có lẽ là “không” – một con số “0” thật to tướng. Thế giới này mênh mông là thế, ta còn nhỏ hơn là một chấm nhỏ li ti giữa biết bao con người và muôn loài thọ tạo. Chắc là vũ trụ này cũng chẳng tan biến đi khi ta chết! Chắc là xã hội này vẫn cứ tồn tại, thậm chí là thịnh vượng hơn, dù ta có sống chết ra sao! Trước khi ta ra đời, chẳng phải mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường đấy thôi, cả nhiều tỷ năm rồi. Quãng thời gian từ lúc ta sinh ra đến lúc chết đi, so với dòng chảy của lịch sử, chẳng khác nào một khoảng khắc bé xíu. Trong lúc sinh thời ấy, đến với ta dường như chỉ toàn là chua chát với đắng cay. Sống mà luôn có niềm vui, bình an, hạnh phúc thì có trở về với cát bụi cũng thấy được mãn nguyện vì thấy dẫu sao mình cũng được hưởng chút ý nghĩa khi hiện diện trên đời. Đã sống không được bao lâu mà đau buồn này đến khổ sở khác kéo đến, cầu không được, ước không thành, phải xa người mình yêu, gần người mình ghét… Một cuộc sống như vậy thì sống để làm gì? Ta ước gì mình đừng tồn tại để không phải gánh chịu số phận hẩm hiu ấy. Nhưng có vẻ như tồn tại hay không tồn tại không phải là do ý ta muốn và chọn. Nó không nằm trong quyền quyết định của ta.


Nếu như có ta hay không có ta, thế giới này cũng chẳng khác nhau mấy, thì tại sao Tạo Hóa lại muốn cho ta được “hiện hữu” chứ không phải nằm trong cõi “hư vô”? Khi đưa ta từ chỗ “không” ra chỗ “có”, Tạo Hóa ban cho ta một hình hài để được nhìn thấy, ban cho ta một cái tên để được gọi, một khuôn mặt để được nhận diện, và một chỗ đứng trong thế giới hữu hình này. Đối với nhiều người, ta chỉ là một trong thế giới. Nhưng đối với một số người khác, ta là cả thế giới đầy yêu thương. Ta có một vị thế độc tôn mà không ai trên đời này, dù giỏi giang và thánh thiện mấy, có thể thay thế được. Bố mẹ ta chỉ có thể sinh ra ta một lần thôi. Những người khác do bố mẹ ta sinh ra trước và sau đó, được gọi là anh chị em của ta, chứ không phải là ta. “Tính duy nhất” của sự hiện hữu làm cho ta cảm thấy mình thật giá trị vô cùng. Giữa hai thái cực của cái “không” và “có”, Tạo Hóa đã chọn cái “có” cho mình. Ta chẳng hiểu vì sao, nhưng ta đoan chắc rằng hẳn là Ngài có lý do để làm điều ấy và nhiệm vụ của ta là vâng phục Ngài, đón nhận món quà hiện hữu Ngài ban cho với một lòng biết ơn và thành kính.


Thực ra, hiện diện trong thế giới này, ta không vô dụng như mình vẫn tưởng. Dù ta có cuộc sống riêng của mình nhưng sự sống của ta được gắn kết với nhiều người bằng những mối tương quan. Ngay khi biết ta được thành hình trong dạ mẹ, đã có biết bao người mong ngóng ta chào đời. Khi ta cất tiếng khóc đầu tiên, niềm rạng rỡ của những người thân cũng long lanh nơi khóe mắt. Khi lớn lên, ta tạo lập giao kết với nhiều người khác nữa. Thế giới của ta ngày càng được mở ra với chằng chịt những mối quan hệ ấy. Lối sống của ta, vì nằm trong các mối liên hệ khác, nên cũng có một sức ảnh hưởng không hề nhỏ, cho chính ta và cho những ai nằm trong thế giới ấy của ta. Biết đâu một sự hy sinh của ta giúp tăng thêm nghị lực cho người khác. Biết đâu một chút chia sẻ của ta cũng giúp sưởi ấm nhiều tâm hồn. Biết đâu một lời nói ngọt ngào của ta giúp ai đó thêm tin yêu vào cuộc sống. Giọt mồ hôi nước mắt của ta nơi ruộng đồng đã giúp nhiều người có được miếng cơm ngon. Những vất vả của ta nơi bục giảng giúp đào tạo bao lớp trẻ nhiệt thành cho đất nước… Dù tầm ảnh hưởng của nó không như các bậc vĩ nhân, và có khi chẳng mấy ai để ý đến, nhưng sự thật là nếu không có những việc làm ấy của ta, thế giới này cũng thiếu đi một cái gì đó, dù là nhỏ nhoi, và chắc là nó cũng khác đi chút gì đó.


Cho ta hiện hữu trên đời, Tạo Hóa cũng ban cho ta một sứ mạng cao cả, mà chỉ mình ta mới có thể chu toàn được. Sứ mạng ấy trước hết là dành cho ta, sau đó là hướng đến tất cả những người khác. Ngài mời gọi chúng ta hãy hướng về Ngài, đứng về phía của Ngài, cùng cộng tác với Ngài để tiếp tục bồi đắp thêm cho công trình tạo dựng. Đây quả thực là một niềm vinh hạnh dành cho chúng ta vì vốn dĩ Ngài không cần chút sức mọn của chúng ta. Chúng ta thụ hưởng sự sống từ Ngài nên chắc chắn chúng ta phải bám vào Ngài để tiếp tục tồn tại. Nhưng Ngài không đối xử với chúng ta như một nô lệ. Trái lại, Ngài xem chúng ta như một cộng sự viên bằng cách ban cho chúng ta có tự do, ý chí và lý trí. Chúng ta có quyền đưa ra những chọn lựa cho mình và chọn lựa ấy của chúng ta sẽ có những tác động đến những loài khác. Ta có thể trở thành người mang niềm vui đến cho người khác, nhưng cũng có thể trở nên kẻ hủy diệt thế gian. Ta có thể là một ngọn lửa sưởi ấm lòng người nhưng cũng có thể là một tảng băng lạnh lùng gieo chết chóc. Ta trở thành con người như thế nào là tùy ở những chọn lựa của ta hằng ngày nơi cuộc sống.


Cứ mỗi khi ta sống yêu thương, trao ban, gắn kết, ta dường như thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa. Đó chính là dấu chỉ của Tạo Hóa cho ta biết là ta đang đi đúng đường để hướng về Chân Thiện Mỹ, là chính Ngài. Ngài cần mỗi người chúng ta làm điều đó, Ngài muốn chúng ta sống như vậy, vì đó là con đường dẫn ta đến bình an, đến sự hoàn thiện đích thực của mình. Cuộc sống của ta là một cuộc hành hương tìm về Đấng Tạo Hóa. Những gì được ban cho ta là phương tiện giúp ta thực hiện lộ trình này. Bởi thế, ta được sinh ta là để chia sẻ với Tạo Hóa niềm hạnh phúc viên mãn của Ngài. Đó là một lời mời gọi cao quý dành cho hết thảy chúng ta.


Bấy lâu nay, chúng ta có đủ ý thức về điều này không?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Dongten.net 15.12.2014

Exit mobile version