Trong khi lên án các Kinh sư và Biệt phái về thái độ bất nhất trong lời nói và việc làm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ và dân chúng phải nhất quán trong lời nói và hành động của mình. Lời nói có khả năng thuyết phục người khác, nhưng chính hành động mới làm cho lời nói trở nên giá trị và đáng tin.
Chúa Giêsu đã chứng minh điều này trong cuộc đời rao giảng của Người. Dân chúng không chỉ ngưỡng mộ, bị thu hút vì Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, mà còn dám tin tưởng và dấn thân theo Chúa bởi những hành động của Người như chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, tha tội, cho kẻ chết sống lại…
Trang Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô.
Thật vậy, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu. Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?
Chúa Giêsu chỉ trích thái độ nói một đàng làm một nẻo của các kinh sư và những người Pharisiêu. Họ là những người có vai vế trong đạo. Họ nghiên cứu lề luật, giảng dạy lề luật, bảo vệ lề luật. Nhìn từ bên ngoài thì họ là những nhân vật đáng kính, học cao, biết nhiều, dáng vẻ nghiêm trang, đạo mạo, y phục chỉnh tề, đi đâu họ cũng ngồi chỗ quan trọng, đến đâu họ cũng chiếm vị trí ưu tiên. Ấy thế mà buồn thay, họ chỉ được cái vỏ xanh tốt bên ngoài, còn bên trong thì lại cằn cỗi khô héo. Chúa Giêsu không phủ nhận vai vế của các kinh sư và những người Pharisiêu trong dân. Chúa khuyên dân chúng hãy tuân giữ những gì họ giảng dạy. Nhưng bởi họ dạy mà không làm những gì mình dạy nên Chúa Giêsu cảnh giác dân chúng đừng làm theo những gì họ làm.
Sau khi nêu rõ những thói tật của các kinh sư và những người Pharisiêu, Chúa Giêsu chuyển sang phần giáo huấn cụ thể cho dân chúng và các môn đệ. Ở phần này khi nói: “Các con đừng gọi ai là cha, cũng đừng để ai gọi mình là thầy hay là nhà lãnh đạo”, Chúa Giêsu đã dùng lối nói cường điệu để nhấn mạnh vai trò tuyệt đốì của Cha và của chính Ngài. Khi giảng dạy như thế, Ngài không có ý phủ nhận vai trò của cha mẹ hay của thầy dạy hoặc của người lãnh đạo trên trần gian, mà Ngài chỉ muốn người ta đừng tuyệt đối hóa những vai trò đó, đến độ đặt ngang hàng hoặc cao hơn Thiên Chúa.
Chỉ có Chúa Cha mới là Ðấng sinh thành tối cao và chỉ có Chúa Kitô mới là Ðấng giáo hóa tối thượng, còn tất cả mọi người đều là anh chị em bình đẳng với nhau. Ở đây, chúng ta gặp được một quan niệm rất quen thuộc của tư tưởng Á đông: tứ hải giai huynh đệ, người trong bốn bể đều là anh em, mà đã là anh em thì không còn lên mặt lên mày, không còn tranh chấp ghế cao ghế thấp làm gì nữa. Ðã là anh em thì yêu thương phục vụ là chuyện đương nhiên phải làm: “Trong các con, ai là người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.”
Không ai có thể phủ nhận giá trị của lời nói. Có những lời nói hết sức cần thiết mà nếu không nói, chúng ta có thể mắc lỗi. Đó là những lời chúc mừng, những lời chia sẻ, an ủi, động viên, khích lệ, và cả những lời sửa dạy nữa. Tuy nhiên, nếu chỉ nói mà không làm hoặc làm ngược lại những điều mình nói thì không những chúng ta trở thành những kẻ nói dối, mà còn đánh mất niềm tin nơi người khác. Chính hành động sẽ minh chứng cho lời nói, bởi vì: “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Như vậy, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới sinh nhiều hoa trái thánh thiện.
Cuộc sống hôm nay, người người phải đương đầu với một thách đố và hoang mang rất lớn là “đồ giả”. Nhiều sự vật, với một cái võ bọc thật đẹp đẽ bắt mắt che đậy cái không thật chất bên trong của rất nhiều sự vật: bằng giả, thuốc giả, thức ăn giả, người giả…
Đời sống nội tâm cũng thế, tâm hồn trống rỗng, không có chiều sâu, kinh nghiệm sống thiêng liêng hời hợt, người ta thường tìm cách khỏa lấp những yếu kém nội tâm của mình bằng những lối sống giả hình, bằng những lời nói khoác lác phô trương. Thường vì thiếu tự tin và không đủ khẳng định thực chất bên trong, người ta thường có khuynh hướng tạo một lớp võ đạo mạo bên ngoài:“ làm cốt để cho người ta thấy, nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi chỗ nhất ưa bái chào…”
Sống giả hình là tự đánh mất dần nhân cách là mình, và sống vong thân vì không tự tin thể hiện là chính mình, mà chỉ sống gượng và che đậy chính mình và như thếđánh mất niềm tin, sự quý trọng của mọi người dành cho mình. Sống giả hình không chỉ làm ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn làm lẫn lộn những giá trị đạo đức, khiến cho thật giả bất phân, làm suy đồi văn hóa xã hội và gây nhiều hậu quả khôn lường khác.
Mùa Chay là mùa của hoán cải, là mùa của trở về. Trở về đối với người Kitô hữu chính là trở về với chân lý về con người. Con người đã được tạo dựng để sống cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người sống trọn cho Thiên Chúa, con người thực sự tìm được chính mình. Chỉ khi nào con người bị tiêu hao vì Thiên Chúa, con người mới đạt được tầm vóc viên mãn của mình. Đó là định luật Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ Ngài khi nói: “Ai mất sự sống mình thì sẽ tìm lại được”
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người đặc biệt là hàng tư tế. Hàng tư tế là ai? là những lý thuyết gia về Thiên Chúa hay là những người sống kinh nghiệm của Thiên Chúa nếu không chỉ là “thùng rỗng kêu to”! là những người được trao quyền bính, liệu rằng quyền bính được trao ban là để phục vụ hay để người khác phục vụ mình?
Huệ Minh