Nếu như thánh Gioan được coi là tác giả Tin Mừng của Tình yêu Thiên Chúa thì thánh Luca lại được kể là tác giả nói về “Lòng thương xót của Thiên Chúa”. Thật vậy, qua hàng loạt các dụ ngôn được trưng dẫn trong Tin Mừng của ngài như: dụ ngôn “Con chiên bị lạc” (Lc 15, 4-7), “Đồng bạc bị đánh mất” (Lc 15, 8-10) hay “Người cha nhân hậu” (Lc 15, 11-32)…, thánh Luca dường như chỉ muốn độc giả của ngài hiểu được một điều rằng: Thiên Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót.
Điều đó cũng thật trùng hợp với tư tưởng của tác giả sách Đanien hôm nay. Khởi đi từ sự nhận biết thân phận tội lỗi của mình, tác giả đã dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin thật thống thiết: “Ôi lạy Chúa là Chúa Thượng… chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài” (Dn 9, 5). Từ việc nhận ra thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình, tác giả đã tỏ ra hoàn toàn tín thác vào tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Ba câu ngắn gọn của bài Tin Mừng hôm nay (Lc 6, 36-38) là phần cuối cùng của một bài giảng vắn tắt của Chúa Giêsu.
Trong phần đầu của bài giảng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ và với người giàu có, công bố bốn mối phúc thật cho các môn đệ và bốn mối họa cho các người giàu có.Trong phần thứ hai, Chúa Giêsu nói với tất cả những ai đang lắng nghe, đó là, đoàn lũ đông đảo dân chúng, người bệnh tật và nghèo khó, kéo đến từ khắp nơi.Những lời mà Chúa nói với đám đông dân chúng và với tất cả chúng ta thì đòi hỏi khắt khe và khó khăn:yêu thương kẻ thù (Lc 6, 27), không nguyền rủa người ta, đưa má bên kia cho kẻ đã vả mặt mình và không phàn nàn nếu có kẻ soán đạt tài sản của chúng ta.
Chúa Giêsu muốn chúng ta tiến thêm một bước nữa. Ngoài việc nhìn nhận thân phận của mình để cậy dựa vào tình yêu Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi noi theo những phẩm tính tốt lành của Thiên Chúa là: Có lòng nhân từ, không xét đoán, không kết án, biết tha thứ và cho đi. Tuy nhiên, để những việc lành chúng ta làm thực sự sinh ích cho chúng ta, thiết tưởng, chúng ta phải thi hành tất cả những việc ấy với lòng yêu mến Chúa.
Đây cũng là đề tài mà thánh Phaolô đề cập tới trong “Bài Ca Đức Mến” của ngài: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7). Thánh nhân lập luận rằng: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13, 1-3).
Lời Chúa hôm nay, một lần nữa mời gọi chúng ta nhìn lại lòng mình, nhìn lại cách sống của chúng ta xem lòng mến của chúng ta đến mức nào?
Có một điều xem ra có vẻ ngược đời là: Chúng ta có thể sống nhân từ, làm nhiều nghĩa cử bác ái cho những người xa lạ, nhưng chưa chắc đã làm được những việc tương tự cho những anh chị em đang hằng ngày sống bên cạnh chúng ta. Chúng ta có thể nói lời tha thứ cho những người ít có tương quan mật thiết với chúng ta, trong khi, lại khó nói lời thứ tha cho những người thân trong gia đình. Như người Việt Nam có câu: “Làm phúc nơi nao, cầu ao rách nát” là vậy.
“Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (c 36). Chúa Giêsu không nói về mình nhưng Ngài chỉ cho các môn đệ một Đấng đầy lòng nhân hậu. Đấng ấy chính là “Cha anh em”. Ở đây Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là “Cha anh em”, khác với Tin Mưng của Thánh Gioan “Cha Ta, Cha Tôi…” ý muốn nhấn mạnh rằng: Cha nào, thìcon phải như thế.
Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Con nhà tông, không giống lông thì cũng giống cánh”. Thiên Chúa lúc này không phải là Đấng Siêu việt, Đấng ở trên cao, cách biệt chúng ta ngàn trùng nhưng là Người Cha nhân từ. Mối tương quan cha con sâu đậm được nhắc ở đây duy chỉ mục đích: hãy bắt chước Cha anh em (x Mt 5,48 ).
Trong câu 37, chúng ta thấy Chúa Giêsu dùng 2 từ “đừng”, : Đừng xét đoán… Đừng lên án” như muốn nhấn mạnh: Anh em chớ có dại dột mà làm điều ấy. Đây là lời cảnh cáo chứ không còn là lời khuyên bảo nhắc nhở như trong câu 36 nữa vì chính Thiên Chúa sẽ đặt lên cán cân cho thăng bằng: Nếu con xét đoán người khác, thìđừng trách: Tại sao Chúa lại tính toán, chi li với con?. Nếu con lên án người khác thì đừng trách Ta sao lại nặng tay, trừng phạt nghiêm khắc trong cách đối xử với con?
Câu 38, Thánh sử dùng một hành vi tượng trưng để minh hoạ cho việc Thiên Chúa đối xử với những ai yêu mến và tuân giữ lời Ngài “Ngài sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn đã lắc và đầy tràn…” Chúng ta thấy cái đấu của Thiên Chúa không ? Không những đong đủ, mà còn dằn xuống cho được nhiều hơn, còn lắc qua lắc lại để không còn một chỗ trống, khe hở nào và đầy tràn: đã đầy, còn tràn ra ngoài nữa. Ý nói: tình thương bao la, lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa đối với con người.
Đâu là lý do Thiên Chúa đối xử với chúng ta như vậy: “Vì anh em đong bằng đấu nào, Thiên Chúa sẽ đong lại bằng đấu ấy”. Một lần nữa, chúng ta lại thấy sự công thẳng của Thiên Chúa trong ngày sau hết được mô tả ở đây: Ai sống sao, Ta sẽ trả cho như vậy.
Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến ngày phán xét chung thẩm trong Tin Mừng tuần qua: Mt 25, 31-46. Lúc đó, Thiên Chúa cứ theo những hành động bác ái ta đã đối xử với anh em mà thưởng phạt tuỳ theo mỗi người.
Ước gì trong Mùa Chay này, chúng ta hãy khiêm tốn nài xin Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu ban cho chúng ta ơn biết nhận ra con người thật của mình để có thể thay đổi đời sống. Những gì chưa phù hợp với thánh ý Chúa, xin Ngài hãy biến đổi, để chúng ta có thể trở nên con người mới trong Chúa Kitô.
Huệ Minh