Sống ơn gọi mỗi ngày của mỗi người

Theo thánh Phaolô thì trong Giáo hội có những ơn gọi, những chức vụ và vai trò khác nhau khả dĩ để xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô (1 Cr 12:12-34). Công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, kêu gọi người giáo dân làm việc tông đồ nơi gia đình, trong xã hội, trên bình diện quốc gia và quốc tế qua việc tông đồ cá nhân, việc tông đồ tập thể. Công Ðồng ghi nhận: Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc âm và thánh hoá. Chính chứng tá của đời sống Kitô giáo và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa (TÐGD # 6).

Nói chung có ba thứ ơn gọi khác nhau cho người Công Giáo: (1) Ơn gọi sống đời linh mục, tu sĩ nam nữ. (2) Ơn gọi sống đời hôn nhân trong gia đình. (3) Ơn gọi sống độc thân giữa đời.

Qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, người giáo dân sống độc thân hay có gia đình đều được gọi để làm việc tông đồ giáo dân bằng lời cầu nguyện, gương sáng, bằng việc bác ái phục vụ theo khả năng và phương tiện có thể.

Như vậy có ơn gọi nào giá trị và cao quí hơn ơn gọi kia chăng? Cổ nhân thường nói: ‘Tu là cõi phúc, tình là dây oan’. Tuy nhiên tu mà không trọn kiếp thì cũng không hẳn là có hạnh phúc. Ðiều quan trọng là mỗi người sống theo ơn gọi của mình, tìm cách phát triển và hoàn thành ơn gọi. Trong một vở kịch mà tài tử chính diễn dở thì làm cho vở kịch kém giá trị. Trái lại người đóng vai phụ mà diễn hay, thì cũng được khen thưởng.

Sống ơn gọi là một tiến trình kéo dài suốt cả cuộc sống. Ngày lãnh chức linh mục không phải là dừng bước làm linh mục. Ngày chịu chức linh mục mới chỉ là bước khởi đầu cho đời sống linh mục. Ðời sống hôn nhân cũng vậy. Hôn nhân cũng không dừng lại trong ngày đám cưới, trong tuần trăng mật. Tình yêu và đời sống hôn nhân phải được nuôi dưỡng và phát triển từ ngày này qua ngày khác, từ năm nọ qua năm kia. Trong đời sống hôn nhân, mỗi người cần khám phá ra những điều mới lạ về tư tưởng, cảm tình của người phối ngẫu hầu có thể đoán ý và đáp ứng cho thích hợp. Mỗi hoàn cảnh, mỗi biến cố mới, đến trong đời sống hôn nhân, là mỗi cơ hội để hai người cùng làm mới lại lời giao ước hôn nhân bằng hành động.

Những tiến trình hay giai đoạn cho mỗi thứ ơn gọi khác nhau hay nói cách khác mỗi ơn gọi đều đi qua bốn tiến trình sau đây.

Sống ơn gọi làm người Công Giáo (Kitô hữu)

Ngoài việc sống và dạy con cháu sống thế nào để làm con hiếu thảo, làm người công dân có nhân bản, người ta còn phải sống làm người Kitô hữu đạo hạnh và trưởng thành. Ơn gọi làm người Kitô hữu không dừng lại khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy hay Bí tích Thêm sức. Chứng chỉ rửa tội không phải là giấy thông hành để vào nước Trời, nếu người ta không sống và thực hành lời Chúa và không tuân giữ giới răn Chúa. Mỗi người tín hữu cần tiếp tục học hỏi về đạo giáo và đường lối Phúc âm để sống đức tin và đổi mới đức tin hầu làm tăng triển mối liên hệ với Chúa.

Ða số người tín hữu được rửa tội từ nhỏ và đã theo Chúa nhiều năm. Cũng đại đa số người tín hữu theo Chúa trong đời sống người giáo dân: có gia đình, có vợ, có chồng và con cái, cháu chắt.


Như vậy trong gia đình thì có ơn gọi làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ, làm con. Đi vào chuyên môn thì có ơn gọi làm bác sĩ, luật sư, kĩ sư, giáo sư, nhà buôn, làm thợ, làm công nhân, v,v,. Cách thế mà người tín hữu theo Chúa, gắn liền vào hoàn cảnh mỗi người: vào thời giờ, công ăn việc làm, hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xứ đạo, với phương tiện và khả năng có thể.

Thiên Chúa đòi hỏi những người theo Chúa phải vác thập giá mình mà theo (Lc 14:27). Chúa còn bảo ai liều mạng sống mình vì Chúa (và vì Phúc Âm), thì sẽ cứu được mạng sống mình (Mt 16:25; Mc 8:35; Lc 9:24). Ðó là điều các vị anh hùng tử đạo đã làm là từ bỏ mạng sống mình để được trung thành với đức tin vào Chúa.

Chúa không giảm thiểu những đòi hỏi của Phúc âm để mong bắt được mẻ cá lớn của những người muốn theo Chúa. Người theo đạo Chúa đời nay có thể không còn bị bách hại và tử đạo như xưa nữa, trừ ra dưới một số thể chế cầm quyền, nhất là những bạo quyền quá khích, nại đến khủng bố, ám sát để cai trị. Tuy nhiên ngay cả tại những quốc gia có tự do tôn giáo, người Kitô giáo vẫn còn bị bách hại bằng những cách thế khác nhau. Khi sống trung thành với đường lối Phúc âm, khi giáo dục con cái theo đường lối Kitô giáo, khi cách sống của gia đình Công Giáo khác biệt người đời, người ta có thể bị hiểu lầm, tẩy chay, chê cười và nhạo báng; người ta cũng có thể bị mất việc làm và mất bạn bè. Và đó là những thánh giá mà người theo Chúa có thể phải mang vác.

Như vậy người có đạo cần sống đạo thế nào để người ta có thể nhận ra họ là ai trong cách nói năng, cách ăn bận, cách xử thế, cách nhìn đời, cách đánh giá sự vật. Họ là người theo đạo nào trong gia đình, trong lối xóm, trong phố chợ, trong sở làm, trong nghề nghiệp, trong xã hội, trong bất cứ môi trường sống nào, chứ không phải người ta chỉ biết họ là người có đạo vì người ta thấy họ đi lễ ở nhà thờ mà thôi.

Việc người tín hữu đáp lại tíếng Chúa mời gọi không phải là một lần. Mỗi ngày đòi người tín hữu làm mới lại việc đáp trả. Việc làm mới lại lời đáp trả không phải là một tác động tách biệt, riêng rẽ, nhưng là một phần của toàn bộ trong tiến trình đổi mới tâm hồn và đời sống. Việc đáp trả lại tiếng Chúa mời gọi là tùy thuộc vào mỗi người. Bản tính loài người là yếu đuối, nhưng khi Chúa mời gọi ai làm việc nọ chuyện kia, Người ban đủ ơn để họ thi hành công việc. Lời Chúa mời gọi không phải là tiếng gọi một chiều, nhưng bao hàm việc đáp trả và cộng tác với ơn Chúa. Ân huệ và quyền năng của Chúa tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn và cộng tác của mỗi người.

Sống ơn gọi làm môn đệ Đức Kitô

Mỗi người Kitô hữu đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy gồm giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân đều được gọi để làm môn đệ Chúa. Môn đệ hay môn sinh là học trò hay người theo một thầy dạy về một môn phái nào đó như đạo, văn, võ, nghệ. Trong Thánh kinh Cựu ước, học trò theo học các thày Ráp-bi Do thái giáo được gọi là môn đệ. Trong Thánh kinh Tân ước, những người nghe theo lời Chúa dạy và sống theo đường lối Phúc âm cũng được gọi là môn đệ. Từ ngữ môn đệ được nhắc tới 250 (hai trăm năm mươi) lần trong Thánh kinh Tân ước. Phúc âm thánh Luca ghi lại: Ðức Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến (Lc 10:1). Trong số các môn đệ, có mười hai người thân tín đi theo Ðức Giêsu được gọi là tông đồ (Mt 12:2-4; Mc 3:16-19; Lc 6:13-16, Cv 1:13).

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu kết luận: Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14:33). Vậy người môn đệ phải dứt bỏ những gì? Dứt bỏ những gì mình có gồm việc dứt bỏ tội lỗi, dứt bỏ gốc rễ và đam mê tội lỗi, dứt bỏ những gì làm cản trở trên bước đường làm môn đệ. Giá cả của việc làm môn đệ là sống khác biệt trong những gì cần phải khác biệt. Giá cả của việc làm môn đệ là phải vượt lên trên những gì thuộc hạ giới để tìm kiếm những gì thuộc thiên giới hay nói cách khác vượt qua ước muốn của loài người đế tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Kn 9:13-18).

Nói tóm lại làm môn đệ Chúa đòi hỏi việc siêu thoát và dứt bỏ những ràng buộc về của cải và ngay cả mạng sống. Không dứt bỏ những gì cần dứt bỏ thì không thể làm môn đệ được. Do đó Đức Giêsu nêu ra hai ví dụ để giúp người ta lượng sức mình. Trước khi xây một cây tháp, người ta phải tính toán xem, họ có đủ vật liệu xây cất không? (Lc 14:28-30). Và trước khi đi giao chiến, ông vua cũng phải lượng sức xem, mình có thể đủ sức đương đầu với đối phương không? (Lc 14:31-32). Ở đây người ta có thể nhớ lại hồi còn nhỏ, có thể đã làm cuộc chạy đua với trẻ hàng xóm. Trước một cái rãnh, người ta phải quyết định hoặc nhảy qua hay dừng bước. Lúc đó người ta phải lượng sức xem mình có thể nhảy qua được không? Nếu quá tự tin, thì thay vì nhảy qua bờ bên kia, người ta lại rớt xuống rãnh. Thất bại một vài lần, người ta học kinh nghiệm, rồi tập luyện thêm để cuối cùng có thể nhảy qua. Và đó cũng là tiến trình của việc tập luyện làm môn đệ.

Dứt bỏ những gì mình có, không có nghĩa là Chúa đòi người môn đệ phải dứt bỏ bản tính tự nhiên vì ‘ơn thánh không huỷ diệt bản tính tự nhiên’ của con người: ‘Gratia supponet humanam naturam’. Có linh mục kia không phải là loại người hướng ngoại, có tính ưa nghịch ngầm và thích giởn, nhất là với trẻ con và người cao niên cũng chịu giởn. Một lần sau lễ linh mục đó khen cả nhóm các bà ngoại quốc trong một nhà dưõng lão kia hát hay, khiến các bà thích thú. Lần sau linh mục đó khen hay hơn, làm các bà thích hơn. Và cứ thế lần sau nữa lại khen là tuyệt, khiến các bà lên tinh thần mỗi khi đi dự lễ. Nghĩ đến chuyện gì có vẻ tếu – có thể không tếu với người khác – mà không có người cùng cười, linh mục kể trên có thể cười vừa bằng miệng, vừa bằng bụng một mình hồi lâu được, ngay cả trong khi cầu nguyện. Linh mục đó tự nghĩ nếu phải dứt bỏ tính hay giởn, thì đó là một dứt bỏ rất khó.

Ðể theo Chúa làm môn đệ – không hẳn là làm môn đệ trong nếp sống linh mục, nam nữ tu sĩ, nhưng còn là môn đệ trong nếp sống người giáo dân – người ta cũng cần phải đổi mới lại thứ tự cho bậc thang giá trị của loài người, cho phù hợp với những giá trị của Phúc âm. Bậc thang giá trị của Phúc âm là: giá trị siêu nhiên, đến giá trị tinh thần, rồi đến giá trị vật chất.

Tập làm môn đệ là tập luyện để phân biệt và loại bỏ những thói đời, những cách suy nghĩ kiểu đời, những cách thế làm việc theo kiểu đời, những mánh lới, những khuynh hướng xác thịt, những kiểu khôn vặt, những cách xu nịnh khi làm việc đạo. Người môn đệ phải tránh ‘cái tôi’ mà ngạn ngữ người Pháp gọi: “Cái ‘tôi’ là đáng ghét” (Le moi est haisable). Một cách cụ thể là người môn đệ cần sống theo Thần Khí, chứ không theo khuynh hướng xác thịt, để Thần Khí hướng dẫn tư tưởng, lời nói và hành động (Gl 5:17). Như vậy thì về lời nói, người môn đệ cần tránh những lời nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống. Khi làm việc đạo còn cần loại bỏ khuynh hướng phô trương, trình diễn và khoe khoang bề ngoài.

La ngữ có câu ngạn ngữ: ‘Nemo dat quid non habet’, có nghĩa là không ai có thể cho điều họ không có. Như vậy, để có thể dạy, cha mẹ cần phải biết mới có thể dạy được. Có những cha mẹ hiền lành, đạo đức, nhưng không biết để mà dạy. Để làm môn đệ, không phải chỉ giữ luật tối thiểu của người Công Giáo là đủ. Để học hỏi thêm về đạo và cách giữ đạo, người môn đệ cần đọc thêm sách đạo, sách dẫn đường thiêng liêng và dự những buổi cấm phòng, những buổi hội thảo, huấn luyện do giáo xứ hoặc giáo phận hoặc dòng tu tổ chức.

Để được nâng đỡ và khuyến khích về cách sống đạo, người môn đệ cũng nên tham gia những hội đoàn, những phong trào thích hợp với tính tình và cách thế làm việc đạo của mình. Có như thế đời sống thiêng liêng mới có thể trở nên giầu có. Phải nói rằng có những người tín hữu hiểu biết rất giới hạn về đạo, làm việc đạo một cách rất tối thiểu, máy móc cho qua lần chiếu lệ. Do đó đời sống thiêng liêng của họ rất nghèo nàn. Người môn đệ còn cần năng cầu nguyện và làm việc từ thiện bác ái để làm giầu đời sống thiêng liêng như Chúa dạy: ‘Hãy tích trử cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được (Mt 6:20; Lc 12:33).

Ngoài việc đọc kinh cầu nguyện, người môn đệ cần học để làm việc phục vụ, việc từ thiện bác ái. Có những người Công Giáo chỉ biết đọc kinh, cầu nguyện tối ngày, nhưng thấy họ vẫn rầu rĩ, vẫn than thân trách phận, vẫn nói hành nói xấu, bỏ vạ cáo gian, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống. Tại sao như vậy? Bời vì họ không biết làm việc phục vụ bác ái. Họ chỉ nghỉ đến mình, cho gia đình mình. Đi ra khỏi nhà để phục vụ người nghèo đói, bệnh tật… người môn đệ mới thấy mình thay đổi, thấy vui sống đức tin. Họ cũng sẽ thấy mình ít phàn nàn, kêu trách hoặc than thân trách phận

Tiến trình làm môn đệ không tuỳ thuộc vào thời gian tính. Không phải nhất thiết như vậy. Tiến trình làm môn đệ có thể kéo dài suốt cả cuộc sống. Khi người môn đệ vấp ngã, rồi với ơn Chúa giúp, họ lại chỗi dạy tiến bước. Dùng kiểu nói bình dân gọi là ‘thua keo này, ta bầy keo khác’.

Nếu những nhà sư võ sĩ Thiếu Lâm Tự – không phải võ sĩ Thiếu Lâm Tự thời Tự Do Mậu Dịch Hoàn Cầu – phải luyện tập những môn võ hiểm hàng ngày để chống lại những bọn cướp đông gấp cả hàng chục lần, đến tấn công, thì người môn đệ Đức Kitô cũng phải luyện những môn chưởng thiêng liêng hàng ngày để có thể chống trả những cám dỗ và nết xấu. Nếu có những nết xấu cần phải luyện tập cả đời để loại bỏ, thì cũng có những nhân đức cần phải kéo dài cả đời để tập luyện.

Về việc loại bỏ nết xấu thì cũng nên tìm hiểu lí do thể lí và tâm lí đưa đến việc thường tái phạm nết xấu. Có những cám dỗ cũng như nết xấu mà người ta thường phạm là tại lí do thể lí hoặc lí do tâm lí. Chẳng hạn có những người lúc bình thường thì dễ chịu với mọi người. Tuy nhiên có những lúc người đó hay nóng nảy, bẳn gắt với người chung quang vì trong người không được khoẻ như thận làm việc không điều hoà. Thận yếu làm việc giống như máy lọc rẻ tiền, lúc lọc nhiều, lúc lọc ít. Vì thế mà người ta có lúc hay phải đi giải; có những lúc lại không đi trong một thời gian khá lâu. Do đó làm tính tình họ sinh bẳn gắt, khó chịu. Còn tính hay xem những phim ảnh xấu có thể là tại cô đơn (loneliness) hoặc buồn-chán-nản (depression). Vì cô đơn hoặc bị đánh giá thấp về mình hay tự mình đánh giá thấp về mình hoặc không đạt được ý nguyện như lòng mong ước, mà người ta phải đi tìm coi những hình ảnh xấu. Đọc những bài viết bằng Việt ngữ gọi bệnh depression là bênh trầm cảm, nghe có vẻ thơ mộng. Tuy nhiên người mắc bệnh này cảm thấy vừa buồn, vừa chán, vừa nản. Như vậy phải gọi là bệnh buồn-chán-nản mới lột hết được ý nghĩa. Do đó có những người mắc bệnh này tuỳ nặng nhẹ, có thể muốn tìm cách kết thúc đời mình. Có những trẻ con mắc bệnh này cũng nghĩ đến việc đó. Thực tế thì đã xẩy ra cho cả người lớn lẫn trẻ con.

Như vậy người môn đệ cần đi tìm căn nguyên thể lí và tâm lí để chữa trị bệnh hầu giúp loại trừ tội lỗi và nết xấu để luyện tập nhân đức hầu có thể sống làm môn đệ. Nếu xét về phương diện thể lí, người ta phải kiêng cữ một số đồ ăn thức uống nào đó, để khỏi làm nguy hại đến sức khoẻ, thì về phương diện thiêng liêng, người ta cũng phải kiêng cữ những ham muốn nào đó để có được một tâm hồn lành mạnh, bình an và thư thái. Nếu khi tắm rửa, người ta phải xát xà bông, kì cọt, rồi sối nước, thì ghé gúa mới có thể được tẩy sạch. Cũng vậy về phương diện thiêng liêng, người môn đệ cũng phải chịu xát xà bông, nghĩa là chấp nhận phê bình, sửa sai thì mới hi vọng sửa đổi tính nết xấu.

Nếu thời đại mà người ta đang sống là thời đại buông thả thì người ta có khuynh hướng coi nhẹ việc sửa bảo. Sống trong nền văn hoá đề cao chủ nghĩa cá nhân, thì người ta thường không muốn sửa bảo, nhưng để mặc kệ người khác: ai có thân nấy lo. Sống trong một xã hội mà văn hoá của xã hội đó thiên về nhậy cảm, hoặc sống vào thời đại mà văn hoá của thời đại đó trở nên nhậy cảm, thì việc sửa bảo khó lòng được chấp nhận. Rồi khi gặp người có tính tự ái cao, thì người muốn sửa bảo, cũng phải dè dặt khi nói động đến chân tơ kẽ tóc của họ, vì sợ họ nổi da gà hay rợn tóc gáy. Và nếu như vậy thì xét về phương diện thiêng liêng và luân lí, sẽ không mang lại lợi ích thiêng liêng cho người phạm lỗi vì đương sự không được ai nhắc bảo. Người phạm lỗi không có cơ hội trở nên hoàn thiện như Đức Kitô muốn người môn đệ trở nên hoàn thiện (Mt 5:48).

Một trong những điều khó khăn mà người ta gặp trong việc giao tế hàng ngày là khi phải nói ra cho ai, điều mà họ không muốn nghe. Nếu trong gia đình mà từ nhỏ, cha mẹ có khuynh hướng bênh con, thì sau này con cái có thể không muốn chấp nhận lỗi lầm, nhưng tìm cách biện hộ, thối thác để chạy tội. Tuy nhiên việc sửa sai là cần thiết nên người môn đệ không thể đợi tới khi mình trở nên hoàn thiện mới sửa người khác. Người được sửa lỗi phải hiểu rằng người làm việc sửa lỗi cũng có những khuyết điểm của họ, nhưng nếu thấy người khác làm lỗi, họ cũng có bổn phận theo trách nhiệm liên đới Kitô giáo, để nhắc nhở người làm lỗi.

Sống ơn gọi làm bạn với Đức Kitô

Trong Phúc Âm Thánh Gio-an, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ làm bạn hữu: ‘Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thẩy đã cho anh em biết’ (Ga 15:15).

Bạn hữu theo nghĩa thông thường nhất là bạn ‘cùng ăn một mâm, cùng nằm một chiếu’ là người quan tâm đến bạn. Bạn bè là người gắn bó với nhau ‘khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi yếu đau cũng như lúc mạnh khoẻ’. Bạn bè là người, mà bạn có thể tin cậy. Bạn hữu thường trung thành với nhau, giúp đỡ nhau, sống chết có nhau. Trong một xã hội phong kiến hay dưới một thể chế quân chủ, khi một người nhỏ tuổi hoặc cùng đinh mà gọi người lớn tuổi hay có địa vị cao trong xã hội là bạn, có thể bị coi là chơi trèo, hỗn xược, vì cha ông ta dạy ‘kính lão đắc thọ’. Tuy nhiên tình bạn không nhất thiết là hai người phải ngang hàng về tuổi tác, địa vị xã hội và học vấn. Vì thế có những chàng công tử chọn những cô thôn nữ nhà quê làm bạn trăm năm. Do đó có ai mới nói: ‘Con tim có những lí lẽ riêng của nó mà lí trí không hiểu được’.


Đức Giêsu còn cao trọng hơn loài người gấp bội phần, nhưng đã tự hạ mình xuống làm bạn với các môn đệ. Chúa bảo các tông đồ và qua các tông đồ, Chúa cũng bảo hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân đáp lại lời mời gọi để làm bạn với Chúa: ‘Anh em là bạn hữu của Thầy’(Ga 15:14). Vậy được gọi là bạn hữu với Chúa, là một ân huệ lớn lao dường bao! Ðiều thắc mắc ở đây là người ta có thực sự tin rằng Ðức Giêsu là bạn không? Người ta có thể tin, vì Chúa nói như vậy. Tuy nhiên người ta có cảm nghiệm được tình yêu và tình bạn với Chúa hay không lại là chuyện khác. Để có thể cảm nghiệm được thế nào là sống trong tình bạn với Chúa, người ta cần mời Chúa vào nhà tâm hồn, để Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống. Có những người chỉ cần Chúa khi gặp gian nan thử thách, còn khi vui thì họ quên Chúa.

Khi gặp điều vui hay nhớ lại những dịp vui, người ta thầm cảm tạ Chúa. Gặp chuyện buồn chán, người ta nguyện xin Chúa là sức mạnh và là lẽ sống cho đời. Gặp bệnh tật và những gánh nặng của cuộc sống, người ta cầu xin Chúa đến bổ sức cho tâm hồn. Cảm thấy những yếu điểm của mình về thân xác, tầm vóc hay diện mạo thấp kém, tính nết khó chịu, khiến họ có mặc cảm, họ dâng lên Chúa những mặc cảm đó và nguyện xin Chúa giúp đối phó với mặc cảm. Bị người khác tẩy chay, họ cầu xin Chúa đến làm bạn, yên ủi trong cuộc sống. Đứng giữa ngã ba đường, không biết phải theo đường nào, họ cầu xin Chúa hướng dẫn đi theo. Đó là những cách thế giúp người ta sống thân mật với Chúa.

Thân mật với Chúa sẽ giúp người ta đối phó với những giờ phút cô đơn. Có được sự thân mật với Chúa, nỗi cô đơn sẽ đưa đến sự thanh vắng của tâm hồn, là nơi người ta có được sự tĩnh mịch và phẳng lặng của tâm hồn. Có được sự tĩnh mịch và phẳng lặng của tâm hồn rồi, người ta lại thích tìm đến nơi cô tịch và chốn quạnh hiu hầu dễ cảm nghiệm được sự hiện diện và thân mật với Chúa hơn.

Sửa soạn đáp trả tiếng gọi ra khỏi đời này.

Thường đến tuổi xế chiều, người ta bắt đầu sửa soạn ra đi khỏi đời này để sao cho được nhẹ gánh, được bình an trong tâm hồn với Chúa và với tha nhân. Nếu có nợ nần về của cải vật chất, , người ta sửa soạn tìm cách trả nợ. Nếu không trả nợ trực tiếp cho chủ nợ được, người ta có thể trả cách gián tiếp bằng cách giúp người nghèo đói bệnh tật. Nếu có nợ nần về đời sống tình cảm vì làm mất lòng ai, người ta tìm cách làm hoà, xin tha thứ. Đời xưa ở Việt Nam người ta quan niệm cha mẹ làm giầu để của cho con. Đời nay nhất là ở những xã hội kĩ nghệ hoá, con cái có bằng cấp, có công ăn việc làm, có tiền an sinh xã hội, có bảo hiệm, trợ cấp y tế của chính phủ, con cái không nhất thiết cần tiền của cha mẹ. Do đó những người còn tiền của – không nhiều thì ít – họ cũng nghĩ đến việc phân phối tiền của để làm việc từ thiện, bác ái, xã hội, giáo dục. Họ làm di chúc để làm những việc trên, chứ không phải chi giúp đỡ con cháu, họ hàng mà thôi. Không kịp làm di chúc, những cơ sở từ thiện, bác ái, xã hội, giáo dục sẽ mất những khoản tiền mà họ định giúp. Rồi nếu có nợ nần với Chúa về phần linh hồn, người ta cũng nghĩ việc tìm đến Bí Tích Cáo Giải để được tha thứ và làm hoà với Đấng Tạo Thành và Phán Xét.

Lm Trần Bình Trọng

Exit mobile version