Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết cho thấy Thánh Gioan Tẩy giả không chỉ người tiền hô của Đấng Cứu Thế, mà còn sống dâng hiến cuộc đời mình cho đức công chính và chân lý Tin Mừng, đến độ hy sinh cả chính bản thân mình, để bảo vệ chân lý ấy, như được phản ảnh trong Mc 6, 17-29.
Cuộc sống của Gioan Tẩy Giả, giống như Đức Giêsu và nhiều vị ngôn sứ, kết thúc cách bi đát: chết vì một điệu múa của cô con gái Hêrôdia mà nhà vua đã hứa ‘dù nửa nước, ta cũng cho’. Vị ngôn sứ không chết vì chuyện phiếm trong bàn tiệc chiều hôm đó, ông đã hiến mạng sống mình cho Thiên Chúa để minh chứng rằng sự sống của Thiên Chúa chiến thắng cái chết.
Rau nào sâu nấy: Nhìn vào gia đình của Herode, một người có thể nhìn thấy quyền lực vủa ma quỉ thống trị gia đình này. Vua Herode Cả có tất cả 5 đời vợ (Cleopatra của Jerusalem, Doris, Mariamne của Hasmonean, Mariamne của Boethusian, và Malthake). Chính ông đã giết 3 người con: Antipater bởi Bà Doris, Alexander và Aristobulus bởi Bà Mariamne của Hasmonean. Loạn luân xảy ra khi Herodias, con của Aristobulus, kết hôn với Philip, chú của Bà; rồi lại muốn kết hôn với Herode Antipas, em của Philip, như trình thuật kể hôm nay. Chuyện lọan luân khác nữa là Salome, người con gái của Bà Herodias lại kết hôn với Philip, con của Bà Cleopatra.
Hêrôđê vì ham danh háo sắc đã bịt tai trước tiếng lương tâm ngay chính và chiếm đoạt người vợ của anh mình còn Gioan Tẩy Giả, người ngôn sứ cuối cùng, sẵn sàng chịu tù đày để làm chứng cho chân lý, bảo vệ luật hôn nhân. Thái độ của Gioan Tẩy Giả là một tuyên ngôn cho thấy rằng giá trị của hôn nhân là tuyệt đối, không ai có quyền xâm phạm dù đó là người có chức có quyền đến đâu đi nữa. Đồng thời đó cũng là lời chứng cho sứ mạng của người ngôn sứ: phải nói lời của Thiên Chúa, cho dù “nói thật mất lòng”, và thậm chí mất mạng nữa.
Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời, Gioan Tẩy Giả vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị ngôn sứ. Mọi ngôn sứ đều phải trả giá cho lời chứng của mình. Gioan Tẩy Giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình.Cái đầu phải trả là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị ngôn sứ sau cái chết chịu đóng đinh nơi thập giá đối với người Do Thái lúc đó.
Gioan Tẩy Giả đã tự xóa nhòa mình để cho Đấng cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại.Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả hoàn toàn lời mời gọi của Thiên Chúa: “Ngài không sợ hãi,lớn tiếng trước mặt các vua chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý”.
Thật vậy, cái chết của Thánh Gioan Tẩy giả là kết quả tất yếu của một con người dám sống cho sự thật. Trước thế lực của thế gian và bóng tối tội lỗi thì số phận của những người công chính và thánh thiện trở nên quá mong manh. Dẫu biết thế, Thánh Gioan Tẩy giả vẫn can đảm bênh vực sự thật, mạnh mẽ lên án lối sống vô luân của bạo chúa Hêrôđê.
Hêrôđê đã đi vào con đường tội lỗi. Sự dại gái, khôn nhà, dại chợ của Hêrôđê đã khiến vị vua này trở nên ngông cuồng điên dại. Sống trong tội lỗi,tâm hồn của Hêrôđê đã trở nên mù quáng, tối tăm. Ở trong bóng tối, Hêrôđê đã không còn biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái. Ông đã hành động tùy tiện việc nước, đã ăn chơi, chè chén trác táng. Ông không còn biết nhận ra sự thật.
Chuyện là Hêrôđê đã cướp vợ của ngay người em mình. Sự loạn luân không thể tha thứ, đã làm cho Gioan Tẩy Giả phải lên tiếng quở trách nặng lời hành động vô luân của Hêrôđê và Hêrodias, vợ loạn luân của Hêrôđê. Hêrôđê có lối sống thật hư ảo: hung bạo, nể sợ người ta hơn Thiên Chúa, không dám sống cho sự thật và công lý. Và lẽ dĩ nhiên ông đã chọn bóng tối để làm chỗ ở muôn đời cho chính mình khi ông quyết định diệt trừ sự sáng. Quả thế, như lời Kinh Thánh nói: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng…” (Ga 1, 6-7).
Bà Herodia và Salome: sống và làm chứng cho sự gian trá. Bà Herodia căm thù ông Gioan vì đã dám ngăn cản hôn nhân của Bà, và muốn giết ông nhưng chưa được. Khi cơ hội tới qua câu hỏi của cô con gái: “Con nên xin gì đây?” Bà đã lạnh lùng trả lời: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Tội ác của bà chẳng kém gì tội của nhà vua.
Bởi thế, vua Hêrôđê và bà Hêrôđiađê là những con người ác độc, vô luân, xem thường công lý và đối xử cách bất công với người vô tội, người công chính, người thánh thiện như Thánh Gioan Tẩy giả.
Thế giới con người hôm nay vẫn còn đầy dẫy những tội ác bất công, những hành động xấu xa, tội lỗi đối với chính đồng loại của mình.Khi con người không nhận ra những giá trị của nhân phẩm nơi con người, thì tội lỗi và sự chết vẫn còn ngự trị.
Ta thấy khi con người không biết tôn trọng sự thật, công lý, thì bóng tối của sự dữ vẫn hoành hành, làm hại biết bao con người vô tội. Và rồi khi con người chìm đắm trong ích kỷ, ghen ghét, thụ hưởng khoái lạc, chạy theo của cải vật chất, thì vẫn còn đó những điều xấu xa, hèn hạ và bất chính.
Đáng buồn và đáng tiếc thay tinh thần thế tục đó cũng ảnh hưởng không ít nơi người tín hữu Kitô, nếu người tín hữu chúng ta không sống theo Tin Mừng của Đức Kitô, không biết sống tôn trọng, yêu thương nhau như Chúa đòi hỏi. Ta được mời gọi sống và bảo vệ công lý, hòa bình, xây dựng nền văn minh tình thương trong thế giới và trong đời sống gia đình của ta.
Thực trạng cho thấy biết bao nhiêu bóng tối đang bao phủ các gia đình, kể cả gia đình công giáo. Chính khi đứng trong cảnh tranh tối tranh sáng này, các gia đình càng có sứ mạng làm chứng cho các giá trị của hôn nhân không phải bằng cách chết mà bằng cách sống những giá trị đó trong cuộc sống gia đình của mình.
Người Kitô hữu chúng ta được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
Theo gương thánh Gioan, chúng ta “Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác anh em rồi sau đó không thể làm được gì hơn nữa ” (Mt 10,28 ).
Huệ Minh