Năm 1872 (Đức Cha Sohier)
Theo bản báo cáo của cha Bề Trên Tổng Quản Dangelzer năm 1869, thì số Kitô hữu trong giáo phận là 24.212 người. Nhân sự của Miền Truyền Giáo này gồm có: 1 Giám mục, 7 thừa sai người Âu, 37 linh mục bản xứ, 2 phó tế, 5 thầy chức nhỏ và 13 thầy đã chịu phép cắt tóc.
Do sự giảm sút trợ cấp của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, số chủng sinh trước đây là 70, nay giảm lại còn 30, tuy nhiên đó là không kể 24 chủng sinh đang học tại học viện trung tâm Pulo-Pinang.
Năm 1873 (Đức Cha Sohier)
Giáo phận gồm khoảng 25.187 Kitô hữu trên tổng số 2 triệu dân…Các Kitô hữu làm thành khoảng 112 họ đạo, trừ một vài họ đạo quá nhỏ, còn tất cả các họ đạo khác đều có một nhà nguyện ít nhiều sử dụng được. Trong toàn cả giáo phận chỉ có 5 nhà thờ khá vững chắc và khang trang để có thể cất giữ Mình Thánh Chúa. Các người tân tòng nhiệt tâm thi nhau xây dựng các nhà thờ mới và chấp nhận nhiều hy sinh lớn lao để thực hiện, nhưng họ tiến hành chậm rãi vì nghèo khó.
Chủng viện của Miền Truyền Giáo có 33 chủng sinh, không kể 28 thầy đại chủng sinh, trong đó có 2 phó tế, 5 phụ phó tế, 4 thầy chức nhỏ và 13 thầy chịu phép cắt tóc.
Năm 1884 (Đức Cha Caspar)
Cả hai chủng viện đều được dựng tạm trong những nơi ở khiêm tốn, nhưng đó là tất cả những gì tình cảnh nghèo khó của chúng tôi cho phép làm; ngược lại, chính những vị thừa sai đầy nhiệt huyết điều hành làm cho chúng tôi cảm nhận được những niềm hy vọng chắc chắn cho tương lại.
Việc giáo dục các chủng sinh không có gì phải ao ước thêm đứng trước bao nhiêu chăm lo tận tâm của 5 anh em phụ trách đổ ra cho công trình này.
Một lễ phong chức trong năm nay cũng đã giúp chúng tôi thế chỗ một linh mục vừa từ trần. Chúng tôi cũng còn cần nhiều linh mục khác để giúp những vị do tuổi già hoặc bệnh tật không đủ sức lo công việc.
Năm 1885 (Đức Cha Caspar)
Chỉ có Tiểu chủng viện An-Ninh thoát khỏi hoả hoạn, nhưng phải trả giá với biết bao hy sinh! Cha Dangelzer đã trốn tránh ở đó sau khi giáo xứ của ngài là Di-Loan bị tàn phá, cha Girard Bề trên chủng viện, và cha Closset đã cầm cự trong vòng 2 tháng một cách anh hùng. Bị bao vây cùng với 4.000 Kitô hữu, trong một khoảng chật hẹp,sau những luỹ tre, những hàng giậu bằng đà gỗ hoặc những mô đất không kiên cố; cả khí giới chỉ là một khẩu súng, vài cây giáo và những cây gậy nung lửa, họ đã đẩy lui được 7 cuộc tấn công.
Nhiều lần họ đã sai các người đưa tin đi cho biết hiện trạng của mình. Một trong những người đó đã đến tận cha Héry. Người anh em này chỉ cần nghe biết vậy, liền sốt sắng đi ngay và lấy làm vui vì có thể cung cấp cho những người đang bị bao vây những đồ ăn và những đồ tiếp tế, rồi ngài đi lại ngay để báo cho các viện quân và ngày 20 tháng 10, ngọn đèn báo hiệu trên tháp cho biết “một toán quân đặc biệt” tiến thẳng vào trung tâm kẻ thù ở Tân Sài. Vào lúc trưa, toán quân đặc biệt đã đến Tiểu chủng viện và các người anh em của chúng tôi cùng các Kitô hữu cảm tạ Chúa đã gửi những người giải thoát đến…
Năm 1886 (Đức Cha Caspar)
Thư chung vừa rồi đã kể lại chi tiết những thiệt hại tại tỉnh Quảng Trị. Trong vòng chưa đầy 1 tháng có đến hơn 8.000 Kitô hữu và 10 linh mục bản xứ bị tàn sát, tất cả các họ đạo đều bị phá hủy, các nhà thờ bị đốt cháy. Chỉ có Tiểu chủng viện An-Ninh còn đứng vững làm nơi cư trú cho các Kitô hữu thoát khỏi cuộc tàn sát.
Cha Girard viết:
“Ở Quảng Trị các Kitô hữu của chúng con đã bắt đầu ra khỏi Tiểu chủng viện An-Ninh và từ từ đến ở lại trên những đổ nát của nhà cửa họ trước đó bị thiêu cháy. Khi loạn quân ở Quảng Bình lại đến gây hoảng loạn cho đàn chiên tản mác, tất cả tức tốc trở lại Tiểu chủng viện; loạn quân đã chực xông vào, thề lần này phá hủy tất cả. May thay những đoàn khinh binh và bộ binh từ Huế đi ra Quảng Bình, đã đẩy lùi đúng lúc các loạn quân này”.
Ngay giữa những thử thách không ngừng tái diễn đó, Chúa đã ban cho những người anh em của chúng tôi đôi chút an ủi, gần như là niềm vui.
Trong mục đích an dân, vị Vua mới (Đồng Khánh 1885-1889) đã thực hiện cuộc thăm viếng các tỉnh phía bắc Huế. Khắp nơi nhà Vua đã bày tỏ cho những Kitô hữu bị bách hại một mối thiện cảm tốt lành. Ở thành Quảng Trị, Ngài đã cho tiền cần thiết để chôn cất nhiều hài cốt còn bị bỏ lại trên hiện trường sau các cuộc tàn sát. Ngài đã khấng dẫn đầu đoàn viếng thăm Tiểu chủng viện An-Ninh, và tự tay Ngài phân phát đồ cứu trợ cho những người di cư khốn khổ.
Cuối cùng Ngài tỏ lòng tốt cho công bố một sắc lệnh ban cho mọi Kitô hữu nạn nhân của cuộc bách hại Văn Thân một số lúa gạo giúp sinh sống trong vòng một tháng.
Ước gì thái độ nhân lành này là hừng đông của những ngày an bình rất được mong chờ.
Năm 1887 (Đức Cha Caspar)
Tiểu chủng viện An-Ninh đã có thể tiếp tục học lại từ tháng 9/1886, và kết thúc năm học mà không bị chậm trễ thêm. Những lổ hỗng do các biến động gây nên trong các cơ sở này sẽ được bù đắp vào cuộc tựu trường mới cho thấy trước đầy khích lệ. Trong tất cả các ngôi nhà cho giới trẻ này lưu ngụ, chỉ có nhà nguyện đang xây dựng là đáng kể.
Nhà nguyệnTCV An-Ninh
Nhà nguyệnTCV An-Ninh
Bên trongNhà nguyện TCV An-Ninh
Tất cả các nhà khác vẫn sẽ còn dấu ấn của tình trạng tạm bợ của chúng tôi trong một thời gian.
Kể từ sáu năm hiện hữu vừa qua, Đại chủng viện đã chứng kiến 6 chủng sinh của mình lên chức linh mục. Mỗi năm 1 linh mục, không dủ để bù đắp nhiều thiếu hụt do cuộc bách hại tạo nên trong hàng ngũ giáo sĩ bản xứ. Ở đây, chúng tôi cũng chỉ có những cơ sở tạm bợ, mà không thể biết trước ngày nào có được nơi ở ổn định bền vững. Nhưng con số các chủng sinh và sự bền đỗ của các ứng sinh trẻ này trong ơn gọi là những điều làm cho chúng tôi rất đỗi ưu tư hơn là những chòi tranh bao quanh sân chủng viện.
Năm 1888 (Đức Caspar)
Năm nay Tiểu chủng viện An-Ninh đã có một mùa tựu trường khá đông nâng số chủng sinh lên tới 43 .
Đại chủng viện đã cung cấp 1 linh mục, 2 phụ phó tế, 1 thầy chức nhỏ và 5 thầy chịu phép cắt tóc.
Năm 1891 (Đức Cha Caspar)
Tiểu chủng viện sẽ đón nhận 40 chủng sinh vào mùa tựu trường mới, và con số chủng sinh tổng cộng sẽ là 90. Đại chủng viện có được 17 thầy thần học. Thế nên được phép hy vọng rằng các thiếu hụt trong hàng ngũ giáo sĩ bản xứ, đặc biệt trong năm say, sẽ được bù đắp, mặc dầu chỉ dần dần sau một thời gian.
Năm 1894 (Đức Cha Caspar)
Kết thúc bản tường trình năm nay, tôi phải nói và cũng muốn nói một tiếng về hai chủng viện của chúng tôi vẫn đang tiếp tục phát triển.
114 chủng sinh Tiểu chủng viện An-Ninh làm cho chúng tôi hoàn toàn thoả mãn như lòng mong ước về sinh hoạt đều đặn, tinh thần đạo đức và lòng ham thích làm việc. Cha Girard và ba vị cộng sự phụ tá ngài trong việc điều hành cơ sở chỉ biết ca tụng tinh thần tốt lành vẫn có giữa các chủng sinh.
Đại chủng viện có cha Renauld làm Bề trên trong năm nay đã cung cấp cho chúng tôi 2 linh mục, một phụ phó tế và 8 thầy chịu phép cắt tóc. Chắc hẵn đó cũng là nhiều, nhưng vẫn là ít, nếu xét đến những việc tốt lành còn phải làm trong Miền Truyền Giáo này và số ít ỏi thợ gặt tôi đang có để giúp thực hiện công trình này.”Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”(Lc 10,2).
Năm 1897 (Đức Cha Caspar)
Đức Cha thêm vào bản báo cáo ít tiếng về kết quả đạt được trong việc đào luyện hàng giáo sĩ bản xứ, mà ngài có lý để gọi là công trình số một của Miền Truyền Giáo:
“Các chủng viện của chúng tôi đang trên đường tiến triển tốt. Việc học hành rút ra được những lợi ích lớn lao từ một sự điều hành đồng bộ và bền bĩ (direction uniforme et constante), và các vị giáo sư không bỏ qua điều gì để làm cho các học viên của mình nên những chủng sinh xuất sắc “.
Nhà nguyệnĐại chủng viện Huế
Bên trongNhà nguyện ĐCV Huế
Năm 1898 (Đức Cha Caspar)
Miền Truyền Giáo Bắc Đàng Trong đã mất mát lớn lao nơi chính con người cha M.Renauld. Ngài đã ra đi cách nhẹ nhàng, không lay động, như một ngọn đèn hết dầu, vào ngày thứ sáu 11/3/1898 sau 31 năm truyền giáo và khoảng 15 năm trong cương vị Bề trên Đại chủng viện Huế.
Ngài được thay thế trong chức vụ đứng đầu cơ sở này bởi cha Izarn, có cha Mendiboure trợ lực. Các thầy gồm 26 người trong đó có 6 thầy đã chịu phép cắt tóc và sẽ nhanh chóng đạt bước tiến mới trong hàng giáo sĩ.
Năm 1902 (Đức Cha Caspar)
Hai chủng viện được thiết lập vững chắc làm cho chúng tôi hoàn toàn thoả mãn. Việc học ở đó được tổ chức đều đặn và không gián đoạn, và các kết quả đạt được trong các môn triết học cũng như thần học rất khích lệ. Bây giờ chúng tôi hy vọng không chỉ có thể bù đắp những thiếu hụt do cái chết sẽ tạo nên giữa các linh mục bản xứ, nhưng còn làm tăng thêm số lượng các vị phụ tá quý báu này.
Năm 1904 (Đức Cha Caspar)
Đức Cha vui mừng trước sự phát triển dồi dào của 2 chủng viện đã cung cấp cho Miền Truyền Giáo 10 tân linh mục bản xứ trong vòng 15 tháng qua. Ngài còn thêm rằng tương lai thuộc về hàng giáo sĩ bản xứ và từ nhiệt tâm lan toả của họ, dưới sự điều hành của các vị thừa sai, sẽ trổ sinh hoa trái hồng ân cứu rỗi dồi dào mà chúng tôi khát khao thấy được trong giáo phận. Nhờ họ, các người mới theo Đạo được thấm nhuần tinh thần Kitô hữu cách mạnh mẽ và sẽ lan toả hương thơm Đức Giêsu Kitô giữa lương dân, họ sẽ là những khí cụ hữu hiệu trong bàn tay Chúa để loan truyền Phúc Âm.
Năm 1905 (Đức Cha Caspar)
Hai chủng viện của Miền Truyền Giáo đang phát triển cực thịnh. Công trình đào luyện hàng giáo sĩ bản xứ không bao giờ bị bỏ xó vào hàng thứ yếu trong miền Bắc Đàng Trong. Đây đã là mối lo liên lỉ của các vị tiền nhiệm muôn đời đáng nhớ, Đó cũng đã và đang là mối lo của tôi. Tôi không có niềm an ủi nào lớn hơn là đặt tay trên các giáo sĩ trẻ là niềm hy vọng của Miền Truyền Giáo. Tôi không nói các chủng sinh của chúng tôi hoàn hảo, nhưng những vị thầy được tôi giao phó lo cho các người này đã đạt được những thành quả mà một số Miền Truyền Giáo khác thèm muốn, mặc dầu được lãnh phần hơn chúng tôi về các phương diện khác.
Tại Tiểu chủng viện An-Ninh, chính cha Girard làm Bề trên từ 23 năm qua. Cơ sở do ngài điều hành có lịch sử dài hơn một thế kỷ (được xây dựng năm 1775), và chất chứa đầy những kỷ niệm vinh quang. Tôi không có ý vạch lại đây ngay cả những nét lớn, vì điều này sẽ dẫn tôi đi quá xa. Tôi chỉ xin được nghiêng mình cúi chào người danh giá nhất trong các chủng sinh của Tiểu chủng viện An-Ninh là Chân phước Tôma Thiện và Bề trên của nhà này là cha Girard, một vị bề trên mẫu mực. Tiếng này nói lên tất cả, mà không nói điều gì quá; bởi vì tôi không thể quên được rằng khoảng 40 linh mục bản xứ và 35 đại chủng sinh của chúng tôi đều mang ơn cha Girard về thời gian đào luyện đầu tiên.
Ba vị giáo sư là cha Lefèvre, cha Maunier và cha Denis hoàn toàn một lòng một ý với cha Bề trên, tiểu chủng viện này thực sự là một gia đình.
Ở Đại chủng viện, cha chính Izarn lo lắng cho 9 thầy phó tế, 3 phụ phó tế và 19 người chưa có chức gì, với cha Lemasle và cha Delvaux trợ lực một cách đáng khâm phục. Cuộc phong chức mới đây đã cho chúng tôi 3 tân linh mục.
Năm 1906 ( Cha Izarn Bề Trên Tổng Quản )
Các chủng sinh của Đại chủng viện đạo đức, đều đặn và thấm nhuần một tinh thần rất tốt. Cuộc phong chức lần rồi đã cho 2 linh mục, 3 phó tế, 5 phụ phó tế và 8 thầy chịu phép cắt tóc.
Số chủng sinh Tiểu chủng viện hiện là 75, qua lối sống và sự chuyên chăm làm việc, thật xứng với các bậc đàn anh và những chăm sóc chu đáo như của một người cha dịu hiền, mà cương nghị là cha Girard.
Phòng ănTCV An-Ninh
Phòng họcTCV An-Ninh
Phòngngủ TCV An-Ninh ở trên lầu
Vào ngày 21/11/1905 một nghi thức đầy cảm động đã quy tụ như một vòng triều thiên quanh cha Girard các vị thừa sai và linh mục bản xứ, những bạn cũ hoặc học trò cũ bên vị bề trên thân yêu của mình. Đó là việc làm phép cơ sở mới, ngôi nhà lầu đẹp đẽ, gồm 3 nhà ngũ rất thoáng mát, một phòng học và 4 phòng giáo sư. Kiểu kiến trúc đơn sơ mà uy nghi và cơ sở này vững chắc để chống chọi được những bão tố. Bản vẽ do bậc thầy là cha Barthélémy hoạ ra và đã được cha Girard thực hiện.
Sẽ phải khắc ghi vào trong biên niên sử của Tiểu chủng viện An-Ninh ngày 21/11/1905 như một ngày đáng nhớ (avec un “caillou blanc” x. Kh 2,17) theo lời cha Izarn.
Năm 1908 (Đức Cha Allys)
Các chủng viện của chúng tôi luôn phát triển thịnh đạt, về mặt học tập cũng như tinh thần hăng say của các đại và tiểu chủng sinh hướng đến chức linh mục; nhưng số lượng đã bị giãm sút. Vào năm 1900, số lên tới 147, hiện nay hạ xuống 94. Rất có thể vì thiếu nguồn tài chánh, chúng tôi sẽ buộc phải giảm bớt nữa. Đây sẽ là một thiệt hại lớn cho việc truyền giáo.
Năm 1909 (Đức Cha Allys)
Các anh em phụ trách các chủng viện quảng đại tận tâm lo cho việc đào tạo và dạy dỗ các chủng sinh. Chúng tôi càng tỏ lòng tri ân khi một số lớn giáo sĩ bản xứ tốt lành càng cần thiết cho chúng tôi. Không có hàng giáo sĩ này, chúng tôi sẽ không thể nào chu toàn nhiệm vụ.
Năm 1910 (Đức Cha Allys)
Ngoài tất cả các điều mang lại niềm vui đã được tôi nói đến ở trên, vẫn còn nhiều điều vui khác mà tôi không thể không nhắc đến. Trước hết, trong suốt năm mục vụ rồi, tôi có được diễm phúc phong chức 5 tân linh mục và nhờ đó thấy hàng giáo sĩ bản xứ tăng triển với tỉ lệ đáng kể. Tôi nghĩ rằng trong năm nay, chúng tôi sẽ còn phong chức linh mục ít nữa cho hai người, điều này sẽ làm cho số linh mục người Việt của chúng tôi lên tới 65. Nhờ việc dể dàng thâu nạp (recrutement) các chủng sinh, tôi tin rằng từ nay chúng tôi sẽ có thể phong chức hằng năm và dể dàng bù đắp các lỗ hỗng mà bệnh hoạn hoặc cái chết gây nên trong hàng ngũ giáo sĩ của chúng tôi.
Chỉ có một điều có thể ngăn trở chúng tôi đạt được kết quả ấy: đó là thiếu ngân khoản, điều đã buộc chúng tôi phải giảm bớt số chủng sinh. Ước gì Chúa Quan Phòng làm sao để chúng tôi khỏi phải như vậy nữa !
Năm 1911 (Đức Cha Allys)
Hai chủng viện Huế và An-Ninh của chúng tôi luôn luôn mang lại cho chúng tôi niềm vui thoả lớn lao. Trong năm nay Đại chủng viện đã cung cấp cho chúng tôi 3 tân linh mục, và xem ra có quyền hy vọng rằng trước cuối năm 1911 này, Đại chủng viện sẽ còn cho chúng tôi thêm 2 hoặc 3 vị nữa. Hiện nay số chủng sinh tại Đại chủng viện là 29 và ở Tiểu chủng viện là 84.
Có lẽ rất dễ cho chúng tôi tăng thêm con số sau này, bởi vì các gia đình công giáo lấy làm vinh dự và thật vui mừng để trao phó ít nữa một người con của mình cho chúng tôi. Nguồn tài chính của chúng tôi, cả khi được tăng thêm do sự đóng góp của một số chủng sinh, vẫn không cho chúng tôi nhận thêm hơn nữa.
Năm 1912 (Đức Cha Allys)
Các chủng viện hằng năm cung cấp cho chúng tôi một sự góp phần khiêm tốn. Nhưng có đủ luôn để bù đắp những thiếu hụt do bệnh hoạn hoặc cái chết gây nên chăng ?
Năm 1915 (Đức Cha Allys)
Tại sao các nguồn tài chính đã giúp chúng tôi cho đến hôm nay làm việc với nhiều kết quả, nay lại phải giảm sút quá nhiều buộc chúng tôi phải dừng lại, điều này gây tổn hại thật nhiều đến việc dạy dỗ tân tòng, đào luyện và nâng đỡ hàng giáo sĩ bản xứ ! Chúa Quan Phòng đã để xãy ra thử thách này, chắc sẽ giúp chúng tôi chịu đựng và sẽ biết cách chấm dứt vào giờ của Ngài.
Năm 1916 (Đức Cha Allys)
Tình trạng Tiểu chủng viện của chúng tôi, phát triển thịnh đạt biết bao cho đến năm 1914, lại làm cho chúng tôi lo ngại nhiều trong lúc này. Vì thiếu nguồn tài chánh, chúng tôi đã không nhận thêm chủng sinh mới từ 2 năm qua. Chúng tôi có được một mùa nhập học vào năm 1917 chăng ? Tôi rất khao khát điều đó, vì sau khi lớp cuối (classe de rhétorique) rời trường để lên Đại chủng viện vào tháng 6 sắp tới, số tiểu chủng sinh sẽ chỉ còn 27 hoặc 28. May thay Đại chủng viện lại khá đông và sẽ giúp chúng tôi đương đầu với mọi nhu cầu của Miền Truyền Giáo trong khoảng từ 7 cho đến 8 năm.
Năm 1918 (Đức Cha Allys)
Về phần mình, các linh mục phụ trách các chủng viện cũng vận dụng hết sức có thể để làm cho các cơ sở này phát triển tốt. Hiện nay Đại chủng viện Huế có 24 thầy, có thể hy vọng tất cả sẽ làm linh mục trong khoảng 5 hoặc 6 năm nữa.
Từ khi được thiết lập cách bền vững dưới thời Đức cố Giám mục Caspar, Đại chủng viện đã được kiện toàn nhờ các cha Renauld, Izarn và Barthélémy về mặt học hành và lòng đạo đức; dưới sự điều hành khôn ngoan và vững chắc của vị bề trên mới là cha Chabanon, với sự giúp đỡ rất đắc lực của cha Mendiboure và cha Roux, chủng viện chắc chắn sẽ càng ngày càng tiến tới.
Về phần Tiểu chủng viện cũng đang phát triển đầy đủ, như nhận xét đầy vui mừng của cha Girard là người đã ở đó từ hơn 38 năm qua. Nếu cho dầu quá nhiều thiếu hụt do nhiều vị đã chết, hàng giáo sĩ bản xứ vẫn còn 73 vị và nếu trong số này, 57 vị đã được phong chức (không kể những vị đã chết) từ năm 1900, chính nhờ sự phát triển phồn thịnh của Tiểu chủng viện mà Miền Truyền Giáo phải mang ơn. Hiện tại con số chủng sinh không quá 59, nhưng điều này hoàn toàn là do ngân khoản yếu kém của chúng tôi; khi nào trở lại những ngày khấm khá hơn, cơ sở này sẽ trở nên phồn thịnh nhanh chóng, vì các gia đình công giáo luôn sẵn sàng phó giao con cái họ cho chúng tôi.
Sânchơi TCV An-Ninh
TrướcNhà nguyện TCV An-Ninh
Năm 1920 (Đức Cha Allys)
Lễ phong chức dịp Bốn Mùa trước Giáng Sinh sắp tới sẽ cho chúng tôi 6 tân linh mục. Khi các người này rời Đại chủng viện, thì sẽ còn lại trong cơ sở này 26 thầy, 12 triết và 24 thần. Trong vòng 5 hoặc 6 năm nữa, các thầy này có lẽ sẽ được chịu chức linh mục và sẽ có thể trợ lực cho những ai có quá nhiều công việc vượt sức mình.
Tại sao tình trạng vật chất của nhà này lại phải đáng buồn đến thế ?! Bao giờ chúng tôi sẽ có thể xây dựng lại cơ sở đã bị mối mọt gặm nhấm này hoặc phân nửa đã bị hư hại do trận bảo năm 1904 đang phải dùng các trụ gỗ chống đỡ ?
Năm 1921 (Đức Cha Allys)
Hai chủng viện tiến triển tốt, nhưng làm cho chúng tôi phải 2 điều lo âu chính: trước tiên là lo tìm người thế chỗ các vị đã khuất, tìm những giáo sư có năng lực để duy trì và nâng cao cho thích hợp trình độ học vấn, sau là tìm những ngân khoản cần thiết để tái xây dựng gần như toàn bộ phần lớn cơ sở của Đại chủng viện Huế.
Các ngôi nhà này đã được tu sữa và chống đỡ hết sức có thể, đang có nguy cơ chắc chắn bị sụp đổ và phải xây lại hầu như từ nền móng.
Chúng tôi hy vọng rằng các sự trợ giúp cần thiết sẽ đến vào thời gian thích hợp.
Năm 1923 (Đức Cha Allys)
Các chủng viện lâm vào cảnh không phải thiếu chủng sinh, nhưng thiếu nhân sự để giảng dạy một cách phải đầy đủ hơn trước.
Năm 1924 (Đức Cha Allys)
Hai chủng viện của chúng tôi luôn tiến triển tốt. Tuy nhiên sự giảm giá đồng Francs gây trở ngại và buộc chúng tôi phải giảm thiểu số tiểu chủng sinh. Chúng tôi lo lắng hé thấy số linh mục sẽ được phong chức vào năm sắp tới sẽ ít ỏi.
Đức Cha Allys(Lý) thăm TCV An Ninh năm 1924
Năm 1925 (Đức Cha Allys)
Chúng tôi cũng lấy làm vui lòng về hai chủng viện. Tiểu chủng viện có 106 chủng sinh; số này có lẽ còn cao hơn, nếu nơi ở và nguồn tài chánh không bị thiếu hụt. Trong mùa tựu trường vừa rồi chúng tôi đành phải hoãn lại hơn 20 đơn xin chắc chắn đáng dể chúng tôi xem xét vì các trẻ liên hệ đã có học ít nhiều tiếng latinh.
Đại chủng viện có 26 thầy: 10 triết học và 16 thần học. Cũng tạm đủ, vì các vị thừa sai già đi hoặc chết và quá ít vị được thay thế.
Tiểu chủngviện An-Ninh năm 1931
Năm 1931 (Đức Cha Chabanon)
Tôi không cần nói nhiều về tình trạng các chủng viện của chúng tôi. Bệnh tình của cha Roux và việc ngài đi về Pháp đã làm cho Tiểu chủng viện An-Ninh thiếu vắng một vị bề trên dày dạn kinh nghiệm và tận tâm; việc điều hành cơ sở đã được trao phó cho những bàn tay trẻ hơn, nhưng cũng đã có kinh nghiệm.
Đại chủng viện đã hoán vị, để đứng đầu là Đức Cha Phó, người hơn bao giờ hết đã có thể nắm chắc ý nghĩa của câu châm ngôn kinh viện: “plurius intentus , minor fit ad singula sensus” (chú tâm vào nhiều điều, thì sự hiểu biết từng điều một sẽ ít đi. Ôm đồm nhiều việc cùng lúc, thì chẳng làm gì được nên trò). Tinh trạng này vừa kết thúc. Sức khoẻ các chủng sinh đã để lại điều gì đó phải ưu tư, nhất là giữa các đại chủng sinh. Hai thầy đã phải ngưng học, và khó có thể tiếp tục lúc nào được, một thầy bị hen suyễn (asthmatique) nặng, thầy kia bị lao (tuberculeux) ở giai đoạn cuối.
Năm 1935 (Đức Cha Chabanon)
Những sự thiếu hụt do Đức Cha Cẩn đi Bùi Chu và do nhiều anh em đã qua đời không được bù đắp từ những cuộc phong chức trong năm. Chỉ một thầy được chịu chức linh mục không thuộc địa phận chúng tôi, mà lại thuộc Miền Truyền Giáo Lào. Cách đây 7 năm, Đức Cha Gouin đã gửi thầy cho chúng tôi và thầy thuộc Miền Truyền Giáo Thượng Lào (Haut-Laos) do các cha Oblats de Marie sẽ điều hành trong ít lâu nữa. Tôi hy vọng cuộc phong chức năm 1936 sẽ mang đến cho chúng tôi một sự chi viện cần thiết. Hiện nay Đại chủng viện có 30 thầy, 7 người trong số này có khả năng được đề cử lên chức linh mục vào cuối năm học. Hai thầy của chúng tôi đang học Trường Urbanô của Bộ Truyền Giáo đang chuẩn bị lãnh chức Phụ phó tế, nhưng xem ra chỉ về lại Miền Truyền Giáo vào năm 1937.
Tiểu chủng viện có 125 chủng sinh; đó là tất cả số lượng mà các bức tường cũ kỹ có thể dung nạp được.
Năm 1936 (Cha Lemasle, Bề Trên Miền Truyền Giáo)
Lễ phong chức ngày 6/6 đã cho chúng tôi 7 tân linh mục. Đó là một sự tăng viện quý báu, mặc dầu vẫn không đủ bao nhiêu. Hai thầy khác của Miền Truyền Giáo đang học tại Trường Urbanô của Bộ Truyền Giáo ở Rôma cũng đã chịu chức linh mục. Một trong hai vị là cha Simon Hiền vẫn ở lại Rôma để vừa chuẩn bị dọn tiến sĩ thần học, vừa học tú tài văn chương, rồi sau đó sẽ sang Pháp dọn cử nhân. Vị kia là cha Phêrô Tôn đã rời Kinh Thành Muôn Thuở khoảng giữa tháng 7 để sang ở Aix-en-Provence. Ban điều hành Tổng địa phận này đã vui lòng đón nhận ngài vào một trong các trường công giáo, nơi ngài vùa chu toàn các công việc sẽ được trao cho, vừa học tú tài văn chương; cả hai vị sẽ là trợ lực rất quý báu cho chúng tôi trong các trường và các chủng viện của chúng tôi.
Cha Bề trênTCV An-Ninh Urrutia và các cha giáo
Tiểu chủng viện có 100 chủng sinh. Cha bề trên Urrutia vừa đón nhận một vị cộng sự là cha Cressonnier thay cha Eb, được đổi ra một nhiệm sở ở Quảng Bình. Có lẽ chẳng bao lâu nữa tôi sẽ trao cho ngài một nơi khác để thế chỗ cha Massiot, được gọi về trường Providence (Thiên Hựu).
Năm 1937 (Đức Cha Lemasle)
Bản báo cáo đã dài, nhưng tôi vẫn chưa nói gì về các công trình của Miền Truyền Giáo: chủng viện, các cộng đoàn tu sĩ nam nữ, trường Providence… Tất cả các cơ sở này phát triển tốt đẹp, nhưng khổ thay số ít ỏi nhân sự người Âu ở Tiểu chủng viện không phải không gây nhiều lo âu cho tôi về tương lai của cơ sở này và của hàng giáo sĩ bản xứ được khởi sự đào luyện tại đây. Sẽ không phải chịu như thế nếu tôi có thể rút một vài vị thừa sai khỏi trường Providence để gửi ra dạy tại An-Ninh, nhưng tôi thấy không thể bỏ rơi ngôi trường này như vậy…
Năm 1939 (Đức Cha Lemasle)
Vào đầu năm học, tại Đại chủng viện, chúng tôi có 34 thầy, 2 thuộc giáo phận Lào, 1 thuộc Phủ Doãn Tông Toà Vientiane. Trong năm học, 3 người trở về thế gian, 6 người thụ phong linh mục, trong số này 2 vị đã được học bổng do Chính quyền trung ương Đông Dương cấp để đi bổ túc học vấn tại Pháp. Cùng với 2 vị này, phải kể thêm một vị đẫ thụ phong linh mục tại Rôma năm 1935 đã nhận bằng tú tài văn chường ở Aix-en-Provence và hiện nay đang dọn cử nhân tại đó. Hiện tại số linh mục bản xứ của chúng tôi là 104, trong số đó 96 vị đang lo mục vụ tại các giáo xứ hoặc trong các trường đào tạo.
Từ Pháp trở về vào tháng 11 năm rồi, cha chính Urrutia đã lo điều hành lại Tiểu chủng viện, mà trong thời gian vắng mặt cha Stoefler, vị niên trưởng về tuổi tác và của Miền Truyền Giáo, đã gánh vác với một sự từ bỏ rất đáng khâm phục. Ngài đã lấy làm vui giao lại cho những bàn tay trẻ hơn việc điều hành cơ sở quá nặng đối với đôi vai 70 tuổi của ngài.
Ngài đã lui về trong một giáo xứ nhỏ chung quanh vùng Huế, nơi có dịp ngài còn có thể lo việc mục vụ và không ngừng dâng kinh nguyện và hy sinh cho Miền Truyền Giáo mà ngài đã là một trong những vị tông đồ nhiệt thành nhất.
Cha Urrutia muốn có nhiều thừa sai người Âu cộng tác hơn; ao ước này rất hợp lý, và nếu được thoả mãn, các tiểu chủng sinh chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành quả…
Khổ thay trường trung học Providence của chúng tôi hiện nay đã cỏ đủ các lớp từ huitième cho đến premiẻre đang đòi hỏi nhiều nhân sự.
Năm 1940 (Đức Cha Lemasle)
Vài ngày sau, tôi đến Tiểu chủng viện An Ninh, nơi vừa tựu trường với khoảng 50 tiểu chủng sinh mới làm cho tổng số lên khoảng 100…
Đối với các chủng sinh, quả thực luôn là một niềm vui được thấy Vị Giám Mục Đại Diện Tông Toà mà không phải thường gặp được, vì cơ sở này ở rất xa Toà Giám mục. Chính ngài cũng rất vui sướng được trải qua 48 tiếng với lớp trẻ này, niềm hy vọng của Miền Truyền Giáo và với vị Bề trên cùng các cha giáo quý mến của họ.
Trước khi kết thúc, tôi xin cám ơn các anh em linh mục thừa sai, các tu sĩ và các linh mục Việt Nam đang tận tụy trong các chủng viện, các trường trung học và các trường trong Miền Truyền Giáo
Nghĩa trangĐại chủng viện Huế
(Trích dịch từ nguyên bản Pháp ngữ ”Các Báo Cáo Thường Niên của Các Vị Giám Mục Giáo Phận Huế gửi Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris từ 1872 -1940” do Lê Thiện Sĩ sưu tập).
Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ