Nếu người công giáo làm nghề này có mắc tội không?
Nếu là đạo ai nấy giữ thì chồng (không đạo) làm nghề thầu số, vợ (có đạo) chỉ làm tiếp thì có mắc tội không? Nếu là tội thì tội gì? ở mức độ nào?
Còn người bán lẻ bán nhỏ có được xưng tội rước lễ không?
Đến người mua số bao lô thì có tội không? Bởi vì tôi thấy gia đình tan nát, hạnh phúc tan vỡ, nợ nần ngập đầu rất nhiều nguyên nhân từ vấn đề này mà gây ra.
(Trương thị Yến Nhi).
Trả lời:
1. TÍNH HỢP PHÁP?
Chơi số đuôi (số đề) là một hình thức đánh bạc vì nó liên quan đến trò chơi ăn tiền, lợi dụng kết quả xổ số kiến thiết. Tại sao chơi xổ số kiến thiết thì được mà chơi số đuôi thì không? Bởi vì chơi số đuôi đó là đánh bạc trái phép. Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán đã quy định như sau: “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp…”.Đánh bạc trái phép phổ biến dưới các hình thức: Cờ bạc, số đuôi, cá độ, đá gà…
2. CÓ MẮC TỘI KHÔNG?
2.1. VỀ MẶT DÂN SỰ
Tệ nạn đánh bạc, trong có có chơi số đuôi, làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh xã hội, là nguồn phát sinh nhiều loại tội phạm.Về mặt dân sự, tội đánh bạc được quy định ở Điều 248, chương XIX, Bộ Luật hình sự Việt Nam 1999.Theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đánh bạc (nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) được quy định như sau:
– Phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi mua các ô số lô, số đề.
– Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng đối với bán thơ đề, bán số lô, số đề.
– Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi: làm thơ đề.
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi tổ chức đánh đề sau đây: Làm chủ lô, đề; tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề; tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có và tịch thu tang vật, phương tiện.
Người không đánh bạc nhưng tổ chức sản xuất và phát hành bảng đề thì cũng bị xử lý vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
2.2. THEO LUÂN LÝ KITÔ GIÁO
Kinh Thánh không kết án cụ thể về việc cờ bạc, cá độ hay chơi số đuôi, và cũng không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói các hình thức đánh bạc này là hình thức giải trí hay được phép làm.
Tuy nhiên lời Kinh Thánh cảnh giác chúng ta phải tránh xa lòng yêu thích tiền bạc. “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6,10). “Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền…” (Dt 13,5).
Về phương diện luân lý, những hình thức đánh bạc là không thể chấp nhận được vì “chúng cướp đi những cái cần thiết để nuôi sống bản thân và người khác, bởi lẽ chúng không góp phần tạo ra một sản phẩm nào để phục vụ các nhu cầu của cuộc sống, mà còn khiến người ta mất đi những gì đã kiếm được bằng lao động, khiến bản thân và gia đình phải rơi vào cảnh nghèo đói. Ngoài ra cờ bạc còn khiến người ta trở thành nô lệ cho sự ham mê tiền bạc, một tội thuộc điều răn thứ mười, là nguồn gốc phát sinh nhiều tội lỗi khác…”(ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi, “Luân Lý Kitô Giáo Qua Mười Điều Răn”, quyển 2, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 412).
Như thế, người thầu số đuôi, người bán lẻ bán nhỏ, người mua số bao lô, người tiếp tay đều không thể tránh khỏi trách nhiệm luân lý.
Tuy nhiên, để phán đoán mức độ nặng nhẹ của việc làm, cần phải xem xét những yếu tố liên quan: tổ chức quy mô lớn hay nhỏ, số tiền nhiều hay ít, chơi thường xuyên hay thỉnh thoảng, v.v. Dĩ nhiên, tất cả những người này không đến nỗi bị Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông bằng cách cấm không cho đi xưng tội rước lễ. Nhưng nếu một người đi xưng tội mà không ăn năn dốc lòng chừa, nghĩa là không bỏ ý muốn tái phạm tội nữa, thì thử hỏi tội của họ có được tha hay không?
Dù sao, người Kitô hữu cũng nên nhớ rằng: Tội lỗi sinh sôi nẩy nở. “Tội tạo nên xu hướng về tội; và do việc lặp đi lặp lại cùng một hành vi, sẽ sinh ra thói xấu. Từ đó phát xuất những nghiêng chiều lệch lạc làm mờ tối lương tâm và làm hư hỏng sự đánh giá cụ thể về điều tốt và điều xấu (GLHTCG, số 1876).
Lm. LG Huỳnh Phước Lâm