Dụ ngôn hôm nay nhằm mục đích tiên báo về ngày phán xét chung, ngày Chúa quang lâm Chúa sẽ trở lại trần gian để phán xét tất cả mọi người. Thiên Chúa sẽ phán xét mỗi người, mỗi hành vi tùy theo ân huệ Người ban và người đó đã sử dụng sinh lợi cho Chúa như thế nào trong cuộc đời.
Câu chuyện được khởi đi từ việc một người quí tộc nọ trẩy đi phương xa để lãnh nhận vương quyền, ông ta đã gọi các đầy tớ trung tín lại và trao cho họ một số vốn để đầu tư sinh lời. Khi trao như thế, ông chủ rất tin tưởng đầy tớ của mình, và lẽ tất nhiên, người đầy tớ không được nhận rồi sau đó đem cất giấu…
Sau khi lãnh nhận vương quyền trở về, ông chủ cho gọi những đầy tớ đã được giao phó “của cải” để chất vấn họ. Mỗi người phải phúc trình cho ông về việc họ đã sinh lợi số của cải đó như thế nào. Ai nỗ lực sinh lợi sẽ được phần thưởng xứng đáng, còn kẻ lười biếng sẽ nhận lấy án phạt từ ông.
Khi bước vào trần gian, mỗi người tín hữu được Thiên Chúa trao ban rất nhiều “tài sản”: sự sống, sức khỏe, tài năng, công việc, bậc sống… cùng với trách nhiệm sinh lợi và làm sáng danh Chúa trên trần gian. Như những người đầy tớ trong dụ ngôn hôm nay, mỗi người cũng phải phúc trình trước mặt Chúa về việc sinh lợi số “tài sản” đó như thế nào khi Ngài đến lần thứ hai. Giờ này, mỗi người đang làm gì với tài sản của Chúa: chôn dấu rồi nghỉ ngơi hay nỗ lực sinh lợi để đáp trả lại sự tín nhiệm của Chúa dành cho mình.
Hai lý do để Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “vì Người đang ở gần Giêrusalem” và vì dân chúng “tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi.” Các tôi tớ của nhà quý tộc được ủy thác hai công việc phải làm, đó là nhận yến bạc và sinh lợi. Hai động tác cho thấy bản chất con người của họ là đầu tư để sinh lợi hay cất giữ để hoàn trả nguyên vốn. Tương tự, ai cũng được Thiên Chúa tin tưởng giao phó cho một số yến bạc như chức vụ, tài năng, sức khỏe, tài sản, kiến thức chuyên môn… Người đầu tư để sinh lợi là người biết dùng chúng để làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời theo hoàn cảnh, khả năng riêng của mình. Người bọc khăn giữ kỹ yến bạc là người sử dụng chúng hoàn toàn cho lợi ích bản thân. Một điều tất yếu là tất cả mọi người đều phải “tính sổ” khi Đức Kitô trở lại.
Cộng đoàn tín hữu Thessalonica sống trong niềm thao thức việc Chúa sắp trở lại đến độ một số người trong họ không còn muốn dấn thân làm việc nữa. Thái độ lệch lạc này không phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu là sống tỉnh thức chờ đợi ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Cần phải có thái độ tỉnh thức được thể hiện bằng những việc làm tốt, chứ không phải một thái độ canh chừng thụ động. Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Thessalonica: “Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa cho anh em được sống xứng đáng với ơn gọi, xin Ngài dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin… Còn về ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mạc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần giao động, cũng đừng hoảng sợ. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào” (2Tx 1,11; 2,1-2)
Ðó là những lời khuyên cụ thể của thánh Phaolô cho tín hữu Thessalonica đang mong chờ lần trở lại của Chúa Giêsu, và những lời đó diễn đạt những lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay: “Hãy làm lợi thêm những nén bạc được giao phó, chứ đừng đem chôn dấu nó”.
Dụ ngôn nén bạc mời gọi mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm với tư cách là người có niềm tin. Ðức tin không là nén bạc để được cất giữ, nhưng phải được đầu tư để phát triển, sinh lợi. “Một đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Nếu chúng ta chỉ đóng khung cuộc sống đạo trong bốn bức tường nhà thờ, nếu chúng ta chỉ giản lược đức tin vào những biểu dương bên ngoài, nếu đức tin chỉ là một mớ những giáo điều phải tin, những điều răn phải giữ, thì quả thực chúng ta đang chôn chặt đức tin như gia nhân đã chôn nén bạc mà chủ đã trao: chúng ta có giữ đạo, nhưng chưa thực sự sống đạo.
Ta phải biết trân trọng những ơn Chúa ban và biết cám ơn Chúa, không chỉ trong tâm tình mà còn phải biết dùng ơn Chúa mà sinh lợi cho mình, cho tha nhân theo ý Chúa và làm sáng danh Chúa nữa. Ơn Chúa ban mỗi người khác nhau, sinh lợi cũng khác nhau theo tỷ lệ thuận với ơn Chúa, vì thế chúng ta không so bì tỵ nạnh với những gì người khác có và những gì họ thành công.
Lãnh nhận ơn Chúa là hồng ân, nhưng hồng ân luôn gắn liền với trách nhiệm. Nói cách khác,“Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Vì thế, Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt, đầu tư tích lũy những nghĩa cử yêu thương, tấm lòng bao dung, nhân từ, đại lượng… ,có thế, ánh sáng ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội mới được chiếu tỏa, nếu không, chẳng khác gì đèn sáng nhưng lại đặt dưới gầm giường hay trong thùng.
Thời gian quản lý là thời gian chúng ta sống ở trần gian, bao lâu còn sống là bấy lâu phải làm cho ơn Chúa sinh lợi cho Chúa, cho tha nhân, cho chính mình về thiêng liêng, chúng ta phải tính sổ với Chúa trong ngày phán xét, không miễn chước cho bất cứ ai trong thời gian chờ đợi Chúa quang lâm. Chúng ta phải là quản lý tốt, chứ không phải là kẻ lười biếng không muốn chịu khó để chúng ta được hưởng hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời.
Lời Chúa chính là hạt giống được gieo vào trong tâm hồnmỗi người Kitô hữu, chúngta không được phép để nó nằm yên, chúng ta phải làm cho Lời Chúa tác động trong tâm hồnchúng ta, biến đổi chúng ta, cho chúng ta sự sống đời đời. Chúng ta cũng được Chúa ban cho đức tin trong ngày chịu phép rửa tội, đó là gia tài lớn lao, bảo đảm cho chúng ta vào Nước Trời. Chúng ta phải giữ cho ngọnđèn đức tin của chúng ta cháy sáng mãi bằng chính cuộc sống mình, và để soi sáng cho những người chung quanh.
Dụ ngôn nhắc nhở các tín hữu ý thức rằng mỗi người là đầy tớ hay người quản lý những nén bạc của Thiên Chúa. Những nén bạc ấy có thể là của cải vật chất, có thể là của cải tinh thần, có thể là của cải thiêng liêng, có thể là phương tiện giúp ta nên thánh hay đạt tới hạnh phúc viên mãn tròn đầy. Dù là một nén, 5 nén hay 10 nén, điều quan trọng là chịu khó sinh lời trên vốn liếng Chúa trao phó. Điều đó có nghĩa là nếu được trao của cải vật chất hãy biết sử dụng nó sao có lợi cho mình và tha nhân; nếu là của cải thiêng liêng gồm đức tin, đức cậy, đức mến, hay các nhân đức khác, chúng ta phải làm cho các nhân đức ấy triển nở; nếu là phương tiện giúp nên thánh như lời Chúa và các bí tích, chúng ta phải tận dụng các phương tiện ấy để đức tin, đức cậy, đức mến được lớn lên…
Cuộc đầu tư nào cũng bao hàm những bất tất, rủi ro; một đức tin sống động cũng hàm chứa nhiều hy sinh, mất mát. Nhưng chúng ta tin rằng chính lúc chúng ta mất mát là lúc chúng ta được lợi lộc, chính lúc chúng ta quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi được vui sống. Ðó phải là bài trường ca trong cuộc sống của chúng ta.
Huệ Minh