Lm. Phaolô Đậu Văn Pháp, SVD
I. Gợi ý
Năm Thánh ngoại thường Lòng Chúa thương xót được khai mạc ngày 08/12/2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và kết thúc ngày 20/11/2016, lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Như thế, chỉ còn vài ngày nữa, chúng ta sẽ hoàn tất năm hồng ân này!
1. Một ngày gần đây, trong thánh lễ ngày thứ ba của tuần XXIII thường niên năm nay – năm C, chúng ta đã được nghe bài Tin Mừng của thánh Luca (Lc 6, 12-19) kể lại rằng: sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện và chọn 12 Tông đồ. Ngài cùng các Tông đồ đi xuống núi, cùng với những người từ các nơi khác nhau đến để nghe lời Chúa giảng dạy, tất cả mọi người, từ các Tông đồ đến đoàn dân chúng đều nhận thấy rằng “nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người” (Lc 6, 19).
2. Từ đó cho phép tôi suy nghĩ một cách tự tin rằng: sức mạnh chữa lành đó không phải là một thứ thuốc vạn năng mà chúng ta có thể mua tìm được, mà là thứ thuốc kỳ diệu phát xuất từ trái tim Chúa, sức mạnh của tình yêu của lòng thương xót. Chỉ có tình yêu, là sức mạnh vĩ đại mới có thể chữa lành mọi tâm hồn – đó là Lòng Chúa thương xót.
Có lẽ người đầu tiên đã khám phá ra chân lý đó là thánh Gioan Tông đồ như ngài đã thốt lên: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Nói thế là đã cạn ý rồi, không thể nói gì thêm về Thiên Chúa nữa, cũng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã diễn tả một cách tuyệt bút qua cuốn sách ngài mới cho xuất bản trong năm nay là “Danh Ngài là lòng thương xót” (The Name of God is Mercy), cũng như nhà hiền triết Trung Hoa, Lão Tử đã từng phát biểu một cách sâu sắc: “Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường Danh” (Đạo Đức Kinh).
Thiên Chúa đã thực hiện mọi sự cho nhân loại vì tình yêu, như thánh Augustinô đã cất tiếng ngợi khen: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người một cách kỳ diệu, lại còn cứu chuộc con người một cách kỳ diệu hơn”. Với mệnh đề “Lòng Chúa thương xót” làm cho chúng ta tái khám phá lại tình thương của Thiên Chúa trải dài trên những công cuộc của Thiên Chúa đối với con người, đặc biệt trên hai kỳ công sáng tạo và cứu độ.
II. Càng xác tín về lòng thương xót của Thiên Chúa thực hiện trên lịch sử dân Ngài
1. Bắt đầu với chương trình sáng tạo (St 1-11) là một tiến trình yêu thương mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Từ đó, Thiên Chúa đã cắt nhắc lên hàng lãnh đạo vũ trụ này để quản lý mọi vật, mọi loài trên trần gian. Càng nhận ra rằng con người là đối tượng tình yêu của công trình tạo dựng. Đúng ra, con người được Thiên Chúa đặt để thay quyền Chúa để điều khiển vũ trụ này, nên cách sáng tạo con người cũng khác cách sáng tạo các vật khác.
Cứ đọc sách Sáng thế, là quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh thì thấy Thiên Chúa quý trọng và yêu thương con người biết là dường nào!
Dù rằng biển rộng, sông dài, núi cao hay những thú vật có sức mạnh vạn năng, nhưng chỉ cần một lời Chúa phán thì mọi vật được tạo thành, được trở nên hiện hữu. Nói cách khác, Thiên Chúa tạo dựng mọi loài bằng việc chỉ tay năm ngón, mà không cần nại đến sức lực lao động của mình, nhưng khi tạo dựng nên con người thì Thiên Chúa đã làm nên một việc kỳ diệu, bằng chính đôi bàn tay sáng tạo của mình.
Chỉ cần một nắm đất sét tầm thường, vô tri, nhưng qua đôi bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa, nắm đất đã biến thành con người, và tuyệt vời hơn cả, Thiên Chúa với lòng thương xót, đã thổi hơi thở của mình vào tượng hình và nó đã trở thành người, là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Tôi nghĩ tình thương xót của Thiên Chúa đối với con người được diễn tả như thế là tuyệt bút lắm rồi, không thể nào khác hơn nữa, bởi vậy, thánh vịnh 136 đã cất tiếng ca ngợi: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).
Chỉ vì thế mà Thiên Chúa lấy làm “buồn phiền” khi mà con người “trở mặt” phản bội Thiên Chúa, khi phạm tội bất tuân, không vâng phục lệnh của Ngài. Lại một lần nữa, Thiên Chúa tỏ tình thương xót dân Ngài một cách cụ thể, bằng việc cúi mình xuống để tỏ lòng thương xót dân Ngài, như thánh Gioan Tông đồ đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa lớn lao đến dường nào. Khi Chúa Giêsu mạc khải cho ông Nicôđêmô “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian” (Ga 3,16). Con Một của Ngài chính là Đức Kitô, đã xuống thế làm người mà chuộc tội cho nhân loại.
2. Lòng Chúa thương xót qua chương trình cứu độ
Khi mở đầu Tin Mừng, thánh sử Gioan như cảm nhận được Lòng Chúa thương xót nhân loại thì vô cùng vô tận nên Ngài đã ghi lại như là lời xác tín: “Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta” (Ga 1, 14). Ngài là Thiên Chúa mà đã cúi mình xuống loài người để cứu lấy con người, dù rằng bất xứng vì đã phạm tội bất tuân với Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã vâng lời Chúa Cha của mình xuống trần gian để xót thương những kẻ đã phản bội mình. Ngài luôn trung tín đối với mọi lời Ngài đã nói ra. Thiên Chúa trung tín vì đó là bản chất của Ngài, thánh Phaolô viết: “Nếu ta bất tín, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối chính mình Ngài” (2Tm 2, 13).
Thánh Gioan trong thánh ca Philipphê đã cảm nghiệm được điều đó và diễn tả qua mầu nhiệm tự hạ của Con Thiên Chúa: “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không giữ khư khư địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài đã tự hạ trở nên người phàm…” (Pl 2, 5-12).
Tin Mừng của Matthêu và Luca tường thuật việc Chúa Giêsu giáng sinh một cách cụ thể, còn Tin Mừng của thánh Gioan không nói về thời kỳ niên thiếu của Chúa Giêsu, nhưng diễn tả cuộc nhập thể của Ngài một cách sâu sắc: “Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta”. Ngài đã hiện diện giữa chúng ta, mang thân phận của một kiếp người. Ngài đến trần gian để được chia sẻ kiếp nghèo của nhân loại. Bàn tay của Ngài đưa ra là để chữa lành và ban ơn cứu độ cho nhân loại. Ngài đã đi đến khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ núi rừng đến miền duyên hải, từ đền thờ đến làng mạc, từ phố xá đến miền xa hẻo lánh… mọi kẻ bệnh tật ốm đau, nghèo khó… đều được Ngài trải lòng thương xót, ngay cả những người chết, Ngài cũng đã làm cho sống lại.
Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta, mệnh đề này nói lên một sự hiện diện mới mẻ và một tương quan bền chặt giữa Thiên Chúa và con người. Từ nay, con người không còn cảm thấy một Thiên Chúa xa lạ nữa, như là một vị thần linh nào đó, mà là một người Cha nhân hậu, sẵn sàng đón nhận những người con dại dột, phản bội trở về.
Chúa Giêsu đã đi một con đường rất dài và rất cam go. Từ cung lòng Thiên Chúa Cha, Ngài đã đến với con người, bằng cuộc từ bỏ trời cao và đã xuống thế làm người, và ở với loài người để loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Cứ thế Tin Mừng được rao giảng từ những người bước theo Ngài, bắt đầu từ các Tông đồ… và qua mọi thời đại, Giáo hội luôn rao giảng về Tin Mừng tình yêu của Ngài.
III. Lòng Chúa thương xót qua dấu chỉ của thời đại
1. Công đồng Vatican II là dấu chỉ của tình yêu đại kết: Trước hết là lời của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII lúc khai mạc Công đồng Vatican II: “Thời nay Giáo hội ưa thích sử dụng phương dược lòng Chúa thương xót, hơn là những biện pháp nghiêm nhặt”. Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố một câu rất nổi tiếng khi bế mạc Công đồng rằng: “Giáo lý của Công đồng là sống bác ái với thế giới bên ngoài”. Sống bác ái với tha nhân là để tỏ lòng thương xót với mọi người. Giáo hội đã trở nên Giáo hội của Chúa Kitô hơn khi biết cách và nhiệt thành phục vụ con người, lấy con người là đối tượng của tình yêu, như Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến thánh vì mọi người” (Mt 20,28).
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hướng nhân loại về với Thiên Chúa như là cội nguồn của tình yêu qua thông điệp: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”. Còn Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhận ra rằng: con người của thời đại hôm nay đang mải mê đi tìm kiếm những giá trị vật chất như tiền bạc, danh vọng, hưởng lạc, mà quên đi Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi sự cho trần gian vì lòng yêu mến, nên thông điệp đầu tiên trong vai trò lãnh đạo tối cao của Giáo hội nhắc nhở nhân loại một chân lý cao cả hơn hết là: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
2. Đức Giáo hoàng Phanxicô với Năm Thánh Lòng Chúa thương xót: Theo suy tư của các vị tiền nhiệm, đặc biệt các vị giáo hoàng của thời đại chúng ta, tức là các vị giáo hoàng của Công đồng Vatican II, Công đồng của đại kết, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định mở năm thánh ngoại thường “Lòng Chúa thương xót”. Đây là ý tưởng rất sâu sắc của các Giáo hội Kitô giáo. Nhưng có điều khác biệt là anh em Hồi giáo và Do Thái giáo chưa tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa đến trần gian để mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa Cha (Dt 1,1). Ngài là Đấng hữu hình của Thiên Chúa vô hình.
Điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tông chiếu: “Chân dung của lòng thương xót” gọi là con đường gần nhất để Thiên Chúa đến với con người, là lòng Chúa thương xót.
Theo gương Chúa Kitô, Đức Thánh Cha đã diễn tả lòng thương xót của ngài với đoàn chiên, đặc biệt là những người đau khổ, bệnh tật. Hình ảnh ngài ôm hôn một người có khuôn mặt dị dạng ở quảng trường thánh Phêrô đã được truyền bá đi khắp nơi trên thế giới, và hình ảnh của ngài đi thăm viếng đó đây đã gây ấn tượng với nhiều thiện cảm.
Đức Thánh Cha muốn nhắn nhủ rằng: Giáo hội phải sống chứng tá cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và cử chỉ của Giáo hội phải chuyển tải lòng Chúa thương xót. Một Giáo hội không có lòng thương xót và bác ái, thì Giáo hội đó không còn là Giáo hội của Chúa Kitô nữa. Lòng thương xót như là cột trụ để nâng đỡ tòa nhà của Giáo hội.
3. Năm thánh với chúng ta
Tối 25/9/2016 đài truyền hình trung ương (VTV1) đưa tin là, từ nay đến cuối năm, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh dành một số ngân khoản bằng cách tiết kiệm, hoặc cá nhân hoặc tập thể để tặng những người nghèo, cơ nhỡ trên lãnh thổ của thành phố, để họ có điều kiện vui mừng Tết Nguyên Đán tốt hơn.
Tôi nghĩ, Giáo hội Công giáo chúng ta, dù rằng đã có những cá nhân, đoàn thể có những công cuộc từ thiện. Nhưng, Giáo hội rộng hơn, trong Năm thánh “Lòng Chúa thương xót” không thể đứng bên lề được. Đức tin phải thể hiện qua hành động.
Chiều ngày 3/10 đài truyền hình Hà Nội đã đưa tin, có một cán bộ cao cấp đã tuyên bố cần phải có mọi biện pháp cấp thời để ngăn chặn về sự ô nhiễm lương thực, là một cách để bảo vệ giống nòi. Nghe tin này, tôi rất ấn tượng về chủ trương của nhà nước, về việc bảo vệ sức khỏe cho dân chúng. Đây là điều rất chính đáng mà tôi chưa nhận được tiếng nói về phía các vị lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Tối ngày 29/9/2016 đài truyền hình trung ương (VTV1) cũng đã đưa tin, là một ủy ban chống tham nhũng đã ra đời. Có thể nghe tin này, nhiều người sẽ có ý kiến rằng, chuyện này nói hoài, biết rồi… nhưng thực ra đây là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.
Đức Giáo hoàng Phanxicô trong cuốn sách vừa mới xuất bản: “The Name of God is Mercy” đã nhận định rất chí lý khi ngài phân tích về tội và vấn đề tham nhũng, tha hóa.
Giáo Hội phải mở lòng ra như Công đồng Vatican II, là cộng tác với xã hội trong việc làm lành mạnh hóa xã hội, nhất là xã hội Việt Nam đang bị tha hóa về vấn đề đạo đức và cuộc sống cộng đồng, cần mọi người trong cộng đồng xây dựng.
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc