Sau một cuộc gặp gỡ

nhatkytruyengiao - Sau một cuộc gặp gỡ

Hôm nay mình đến thăm mục sư Xuân Phong và tặng ông cuốn Thánh Kinh mới toanh. Mình hãnh diện khoe với ông :

– Theo tôi, đây là bộ Thánh Kinh sáng giá nhất từ trước tới nay xét cả về kỹ thuật ấn loát, lẫn về khoa chú giải.

Mục sư Xuân Phong cầm bộ Thánh Kinh ngắm nghía hồi lâu rồi lần giở một cách trang trọng. Bỗng ông như giật mình và nói một cách thảng thốt :

– Một bộ Thánh Kinh lớn lao như thế này tại sao lại chỉ có một mình linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch và chú giải ? Tại sao lại không có một ủy ban dịch thuật ?

Mình cụt hứng và đánh trống lảng sang chuyện khác. Câu chuyện cứ lan man mãi từ văn hóa, khoa học, chính trị, rồi lại vòng trở về vấn đề truyền giáo và Thánh Kinh. Mình khen Tin Lành :

– Bên Tin Lành của mục sư giàu quá, Thánh Kinh in hàng triệu cuốn và tặng không cho tín đồ.

– Công giáo giàu hơn Tin Lành nhiều. Nhưng bên đó có bao nhiêu tiền thì bỏ ra xây tháp chuông và mua chuông hết rồi, còn tiền đâu mà in Thánh Kinh nữa.

Mình lại cụt hứng và lại đánh trống lảng.

Sau cuộc gặp gỡ, mình thấy có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Mình còn nhớ khi còn là sinh viên Đại Chủng viện có lần thầy Bùi Châu Thi đã than thở ngay trong lớp học :

.“Cử nhân Thánh Kinh thì Giáo hội Việt Nam có hằng rổ. Nhưng không ông nào chịu ngồi lại với nhau để cùng làm công tác dịch thuật. Cứ mạnh ai nấy làm. Cứ đèn nhà ai nấy rạng. Lẽ ra Hội đồng Giám mục phải làm được chuyện này. Thế nhưng không hiểu tại sao các đấng lại không làm ? “

Niềm tâm sự của thầy Thi đã ám ảnh mình mãi mãi. “Không ông nào chịu ngồi lại với nhau”. Đó là một sự thật, một sự thật đau buồn. Vì thế vừa khi nhận trái pháo đầu tiên của ông mục sư, mình kéo cờ trắng liền, không một phát súng kháng cự.

Bộ Thánh Kinh Giêrusalem, TOB đều có cả một ban cố vấn, dịch thuật thật hùng hậu… Nhưng ở đây thì không. Có người dù không chuyên môn cũng đem hết khả năng để dịch, để xuất bản một cuốn Thánh Kinh toàn bộ. Sách đã được bán hết. Nhưng chắc không độc giả nào nghĩ rằng nó sẽ được tái bản. Nay đến Nguyễn Thế Thuấn, một người có khả năng về khoa Thánh Kinh đã dịch và cho xuất bản một bộ Thánh Kinh trong một hoàn cảnh thật đáng hoan nghênh. Nhưng ai cũng nhận thấy rằng bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn có giá trị cao về mặt khoa học, nhưng văn chương Việt Nam của ông thì lỉnh kỉnh quá. Đọc bản dịch của ông giống như lái xe đi trên đường ổ gà. Có lẽ rồi đây còn có nhiều bản dịch khác nữa. Mỗi bản dịch đều có mặt ưu và khuyết nào đó.

Và cho đến bao giờ các nhà chuyên môn Thánh Kinh ở Việt Nam mới ngồi lại với nhau để cùng nhau dịch thuật và cống hiến cho độc giả một bản dịch có nhiều ưu điểm nhất và ít khuyết điểm nhất ?

Còn về cái ý kiến người công giáo lo xây tháp chuông và mua chuông nên không còn tiền để in Thánh Kinh thì mình chả biết phải nghĩ thế nào bây giờ. Trái pháo thứ hai nầy của ông mục sư quá bất ngờ, khiến mình không kịp đối phó.

Những hồi chuông binh boong vang vọng vào những dịp lễ lớn làm biết bao con tim rạo rực. Đó là tiếng Chúa thôi thúc qui tụ đoàn con hiếu thảo và nhắc nhở những con chiên lạc bầy. Có biết bao tâm hồn xa Chúa, quên Chúa, bỏ Chúa lâu năm, bỗng giật mình trở về vì tiếng gọi mầu nhiệm ấy. Một ngọn tháp cao vời vợi, một hồi chuông vang dội là những tín hiệu của niềm tin và của cộng đồng dân Chúa. Nó đã đi vào lòng người, đã trở thành truyền thống và trở nên thân thương đến mức độ không thể thiếu vắng đối với đa số tín đồ công giáo.

Nhưng trên thực tế mỗi một ngọn tháp cao đều chiếm 2/5 ngân sách xây nhà thờ. Thế mà trên tháp cao và tốn tiền ấy chỉ hiện diện một vài quả chuông với một bầy dơi. Không ai ngồi trên đó để tham dự các nghi thức phụng vụ cả.

Có một cây tháp cao để tôn vẻ uy nghi của ngôi Nhà Chúa là một điều đáng ham muốn. Có những quả chuông to để thôi thúc tín đồ đi lễ cũng là điều đáng khích lệ.

Nhưng nếu vì xây tháp cao mà không còn tiền để mỗi người, mỗi gia đình có một cuốn Thánh Kinh, thì vấn đề phải được đặt lại. Hoặc giả vì quá say mê ngọn tháp cao để quên không nghĩ đến nhu cầu đọc Lời Chúa trong gia đình và trong đời sống riêng tư, thì cũng cần suy nghĩ lại.

Còn nếu ở đâu có cộng đồng dân Chúa vừa có tháp cao, vừa có chuông to lại vừa có Thánh Kinh trên tay mỗi tín đồ, thì mình sẽ chộp lấy như một trái pháo để gởi tặng ông mục sư Xuân Phong bạn của mình… Và mình vẫn chưa tìm được trái pháo ấy !

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu


Nhật Ký Truyền Giáo

Exit mobile version