Sầu không bi mà bi cũng không sầu

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI (Lc 2, 33-35)


Qua việc chịu đau khổ trên Thánh Giá, Chúa Giêsu muốn dạy ta rằng hãy đón nhận đau khổ và biến nó thành giá trị cứu rỗi cho chính mình. Ngài đã từng nói: “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy vác thập giá mình hàng ngày mà theo” hay “phải qua thập giá mới đến vinh quang”. Ngài biết việc đón nhận những đau khổ thật chẳng dễ chút nào nhưng mỗi môn đệ của Ngài chỉ có thể đạt được hạnh phúc Nước Trời khi chiến đấu và vượt qua những đau khổ.

Hành trình môn đệ của Mẹ Maria là tiếng xin vâng trọn vẹn. Mẹ đã vâng phục ý Chúa khi sứ thần truyền tin. Mẹ cũng dõi bước theo Chúa Giêsu trên con đường sứ vụ của Ngài và hiện diện bên Ngài trong những giây phút cuối của cuộc khổ nạn. Dưới chân thập giá, trong thân phận người phụ nữ yếu đuối, trái tim Mẹ đã tan nát như điều mà cụ già Simêon đã tiên báo thuở xưa. Mẹ chứng kiến những làn roi, những vết thương đang rỉ máu trên thân thể người con yêu dấu mà mẹ đã sinh hạ. Có người nào có thể hiểu thấu nỗi đau mà mẹ đang chịu đựng.

Chính vì vậy, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã ban cho chúng ta Mẹ Maria. Qua câu nói: “Này là con Bà” Chúa Giêsu đã trao cả nhân loại cho Mẹ. Và qua câu nói: “Này là Mẹ con” Ngài muốn mỗi chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria mỗi khi gặp đau khổ và học nơi Mẹ cách đón nhận đau khổ. Bởi vì, Mẹ chính là người học trò xuất sắc trong việc đón nhận đau khổ và hiệp thông sâu xa với nỗi đau khổ của Chúa để mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại.

Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã qụy.  Chúng ta nên đi lại hành trình của Mẹ Maria, từ biến cố truyền tin, để hiểu được tại sao Mẹ đứng vững.  Chúng ta cũng cần đi theo Đức Kitô như Mẹ, để có thể đứng vững dưới chân thập giá.  Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật dồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi.

Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh: Đức Giêsu, nhìn Mẹ, và nói: Thưa Bà, đây là con của Bà.

Mẹ chấp nhận tất cả bằng việc phó thác mọi điều đang xảy ra trong chương trình của Chúa. Chính tự nơi đây và giờ phút này, hình ảnh người môn đệ càng thể hiện tuyệt hảo nơi Mẹ. Đứng bên thập giá Chúa Kitô, Mẹ cảm nghiệm được trọn vẹn thực tại ơn cứu độ để rồi thâm tín vào tình yêu và quyền năng của Chúa. Mẹ đã làm trọn vẹn lời xin vâng của mình.

Ta biết Truyền Thống của Giáo Hội thích dựa vào các Tin Mừng, để kể ra những đau khổ của Đức Mẹ, và Giáo Hội kể ra được bảy đau khổ; vì thế, ngày lễ hôm nay, còn được gọi là lễ “Đức Mẹ Bảy Sự”.  Con số “bảy” cũng thật là ý nghĩa, bởi vì số 7 đối với người Do Thái, là con số hoàn hảo, cũng giống như số 9 đối với chúng ta.  Điều này làm cho chúng ta nhớ lại các con số bảy của bài một Tin Mừng theo thánh Mát-thêu: Bảy lần; bảy mươi lần bảy (x. Mt 18, 21-35); bảy giỏ (x. Mc 8, 8).  Sau đây là “bảy sự” của Đức Mẹ:

Lời của cụ ngôn sứ Simêon về Đức Maria (Lc 2, 25-35),

Trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15)

Lạc mất Đức Giê-su (Lc 2,41-52)

Đức Mẹ nhìn Đức Giê-su vác thập giá (Lc 23,27)

Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19, 25-27)

Đức Mẹ đón nhận thân xác đã chết của Đức Giê-su (Ga 19,38-40)

Đức Mẹ ở bên mộ Đức Giê-su (Ga 19,41-42)

Điều phải đánh động chúng ta, khi đọc qua danh sách bảy sự đau khổ của Đức Mẹ, đó là mọi sự đau khổ của mẹ đều có liên quan đến Đức Giê-su, con của Mẹ; một cách cụ thể, những đau khổ của Mẹ đến từ biến cố Giáng Sinh, đến từ đời sống ẩn dật, đến từ sứ mạng rao giảng Nước Trời, đến từ cuộc Thương Khó, đến từ Thập Giá, và sau cùng đến từ cái chết của Ngài.

Mẹ vẫn can trường đứng đó mỗi ngày, không ngã quỵ, bởi Con Mẹ đã nói: “Thế gian ghét anh em, bởi họ đã ghét Thầy trước…” nhưng “anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn.”

Hôm nay Mẹ vẫn can trường mỗi ngày, không ngã quỵ, bởi Con Mẹ đã nói: “Thầy đã chiến thắng thế gian.” Và bao nhiêu lời khác mà mỗi ngày Mẹ lại tiếp tục lắng nghe và suy niệm trong lòng.

Mẹ Maria không tránh né đau khổ nhưng sẵn sàng đứng bên cạnh con cùng dâng hiến với con trong âm thầm và như vậy được thông phần vào ơn cứu rỗi. Mẹ đã âm thầm nhưng rất mực trung thành hành trình bên cạnh Con Mẹ luôn luôn trong mọi lúc, lúc Con Mẹ mới bắt đầu công việc rao giảng, trong khi rao giảng Tin Mừng và giờ đây kết thúc quan trọng trên thập giá, trên đồi Golgotha.

Người môn đệ của Chúa là người vâng phục ý Chúa, đáp lại lời mời gọi của Chúa và bước theo con đường Ngài đã đi. Con đường đầy gian nan thử thách và đỉnh cao là cái chết trên thập giá. Đức Maria đã đi trọn vẹn con đường này và cùng với Chúa Giêsu, dâng chính cuộc sống mình trong thánh ý Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta hãy học theo mẹ Maria, tin tưởng, phó dâng cuộc đời mình trong bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa. Điều này thể hiện qua sự chấp nhận những thua thiệt, hy sinh trong đời sống thường ngày vì tình yêu Chúa.

Hợp ý với Giáo Hội,chúng ta dâng lên Chúa lời nguyện:” Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ðức Mẹ,đồng lao cộng khổ đứng kề bên con Chúa chịu treo trên thánh giá,xin ban cho Hội Thánh Chúa,khi đã cùng thông phần đau khổ với Chúa Kitô thì cũng đáng được sống lại với Người “. Mẹ Maria đã không hề sợ .Mẹ đã chiến thắng sợ hãi, đã theo con là Giêsu tới cùng và đứng dưới chân thập giá, ẵm xác con trong lòng là tuyệt đỉnh của sự đau khổ. Nhưng, Mẹ đã chiến thắng, thắng sợ hãi và thắng sự chết.

Huệ Minh

Exit mobile version