Sau cơn bão số 5

nhatkytruyengiao - Sau cơn bão số 5

Sáng nay mình đi thăm nạn nhân trên bờ Kinh Giữa. Đã bốn ngày nay rồi mà cây cối vẫn còn nằm ngổn ngang trên lối đi. Ai nấy lo dựng nhà cho mình và cho lối xóm, quên cả dọn dẹp trong vườn và ngoài ngõ. Mình trèo qua những thân cây bạch đàn lớn, nhảy qua những thân cây bạch đàn nhỏ, luồn dưới những bụi cây trâm bầu bị chém treo cành.

Ui da ! Ong ! Một con ong chích vội một phát vào cánh tay trên trắng nõn nà của mình rồi chuồn mất dạng. Mình dừng lại ngay. Bất động, để tránh sai lầm thêm, để dò tìm hướng tấn công của địch. Ngước nhìn lên một cách chậm chạp : một tổ ong chỉ ở cách đầu mình một gang tay. Rút lui thật nhẹ. Thua nhỏ để thắng lớn. Thở phào nhẹ nhõm. Rút kinh nghiệm chiến trường.

– Tại sao chỉ có một thằng đánh lén ?

– Tại sao địch ở thế lâm nguy như thế mà vẫn sinh hoạt tỉnh bơ : Hàng chục con ong cứ bò tới bò lui trên một mảng ô lục lăng to bằng ngón tay cái ? Lười biếng ? Vô trách nhiệm ? Ngu đần ?

– Không phải : thằng đánh lén là ong lính, có nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ; những thằng bò tới bò lui là ong thợ cần cù, có nhiệm vụ xây dựng. Việc ai nấy làm trong một cơ chế hoàn hảo tuyệt đối. Ta bị ong đánh là sai lầm của ta. Ong đánh ta và không đánh ta là túi khôn của trời đất.

Mình đem kinh nghiệm lượm được trên đường đi này để trao đổi với các nạn nhân bão số 5.

– Bà Bảy ơi, tôi vừa bị ong đánh nè.

– Ông cố bị ong đánh ở khúc nào vậy ?

– Ngay khúc nhà Ba Tấn.

– Tội nghiệp ông cố quá vậy ?

– Tôi ngu thì tôi chịu. Ai bảo đưa đầu vào ngay tổ ong làm chi !

– Ông cố này nói kỳ quá à. Ong đánh ông cố là nó ác nhân thất đức, chứ đâu phải là ông cố ngu. Ông cố mà ngu sao?

– Ừ đấy, ong khôn, tôi ngu; bão số 5 khôn, chúng ta dại. Bão tố là trật tự của thiên nhiên, còn ta không biết trước để đề phòng là ta dại.

Bà Bảy ớ ra, rồi đánh trống lảng sang chuyện khác.

– Ba mẹ con tui sập nhà hết trơn. Thằng Nhơn nó mới về tiếp cho được một bữa, hôm nay nó về Cái Nước rồi.

Đi được ba bước thì tới nhà Huế Tài, con rể bà Bảy. Huế Tài đang ngồi chon von trên nóc nhà.

– Tài ơi, bỏ đó đi, xuống đây chúng mình kéo vài hơi thuốc lào đã. Màn trời chiếu đất hai ngày nay rồi, dầm mưa dãi nắng thêm một ngày nữa cũng chẳng nhằm nhò gì.

Huế Tài trèo xuống, xách điếu cày ra, mồi thuốc cho mình.

– Ờ, thuốc lào của cậu ngon đấy. Đượm khói ra phết… Thùy, hôm bão, con chun vô đâu ? Sợ không ?

– Sợ

– Hỡi người yếu tin, tại sao các người sợ ?

– (Cười e lệ)…

Chắc là bé Thùy nhớ ra bài giảng của mình về phép lạ Chúa làm sóng gió im lặng. Hôm đó cha con mình làm một băng reo.

– Sợ là…

– Hèn.

– Sợ là ….

– Yếu tin….

Huế Tài thao thao bất tuyệt.

– Mấy ông già ở đây cứ hỏi con :

– “ở ngoài Bắc bị bão hoài, bão là gì ?”.

Nói hoài các ông cũng chẳng hiểu. Bây giờ con chỉ cần trả lời :

-“Bão là vậy đó”…

Khoa học của loài người còn dở quá. Bão như thế mà chỉ báo khẩn cấp có vài tiếng đồng hồ, thì bố tôi cũng không kịp chạy… Còn chuyện thiên tai như động đất, bão lụt là chuyện thông thường của thiên nhiên cũng như ngứa mũi thì hắt hơi.

Huế Tài thích triết lý lắm, nên mình cũng triết lý với anh ta cho quên nỗi lo của cơn bão số 5… .

Cái Rắn, ngày 9-11-1997

Ăn sáng vừa xong, cây tăm vẫn còn đang uốn éo trên hai ngón tay, thì có tiếng gầm gừ của vỏ lãi chạy bằng máy xe hơi. Cố Hiến vô. Quản Long vô. Mình vội chạy ra bến.

– Chào anh Ba. Chào Quản Long. Ê, có Manu (bà quản lý dòng Chúa Quan Phòng) nữa nè .

– Có dì Mười nữa (bà Giám tỉnh dòng Chúa Quan Phòng).

– Chào dì Mười. Dì Mười mà không xuống thăm Cái Rắn, thì tôi sẽ gọi là dì ghẻ. Người ta nói “chết cha còn chú, sểnh mẹ bú dì”. Cha, chú, mẹ chết hết, chỉ còn một mình dì Mười đó thôi.

– (Cười tủm tỉm) Hôm bão con đang ở Vũng Tàu, chứ nếu không thì xuống đây còn sớm hơn nữa.

– Vâng. Cái Rắn là con cưng của dì Mười ?

– Hổng cưng đâu. Cộng đoàn nào cũng như cộng đoàn nấy…

– Nói vậy mà không phải vậy. Đứa nào cực khổ thì thương hơn chứ.

Hôm nay Cái Rắn vui như Tết và đông như hội chợ. “Chị Quản Long” thì gò tôn, nối kèo, dựng lại và lợp lại căn nhà ba phòng (lớp tình thương. lớp giáo lý và lớp cắt may). “Em Cái Rắn” thì dọn dẹp nhà thờ đổ nát và lợp lại mái nhà xứ. Cha Quản hạt, dì Mười, dì Manu, dì Chín và mình thì lấy vỏ lãi làm một vòng Kinh Giữa, Biện Tràng, Kinh Cùng, Kinh Thổ và Đập Vườn để thấy tận mắt nỗi đau thương và cảnh tan nát của Cái Rắn.

Chỉ trong một ngày, đống đổ nát đã cuốn gói đi theo bão số 5 . Đi về đâu ? Không biết. Chỉ biết nhà xứ bây giờ ấm cúng như xưa, nhà trường lại khang trang như thuở nào và tình người thì chan chứa. Bão số 5 thì đi, còn tình người thì đến. Bão đến rồi đi. Tình đến rồi ở lại.

Cái Rắn, ngày 11-11-1997

Hôm nay Nữ tử Bác ái từ Sàigòn xuống. Áo xanh, áo xanh và toàn là áo xanh. Màu xanh dương sậm vừa khiêm tốn như nô tỳ, vừa thật thà, hiền hậu như nàng thôn nữ vùng sâu. Chiếc vỏ lãi gầm lên như con hổ nổi giận, cày xới dòng sông Gành Hào một cách không thương xót, nhưng lại làm vui lòng người Sàigòn, bạn thân của tốc độ.

Sàigòn, Cà Mau, Cái Rắn, Cái Nước, Đồng Cùng, Kinh Nước Lên, Đất Mới, Kinh Ba, Cái Cấm, Cà Mau, Tân Lộc và Sàigòn… trong vòng ba ngày. Mệt gần đứt hơi, nhưng người con gái của thánh Vinh Sơn vẫn còn thèm thuồng.

– Có đi Năm Căn không cha ?

– Xa lắm, đi không kịp đâu ?

– Bác Ái Vinh Sơn không quên Năm Căn được. Chúng con đã đến đó. Chúng con sẽ trở lại đó.

Bác ái Vinh Sơn là như vậy. Họ đã đến Năm Căn vì Năm Căn lúc ấy nghèo như ông Gióp. Họ muốn trở lại Năm Căn vì Năm Căn là khởi điểm để đi đến với người nghèo. Yêu người nghèo. Yêu Năm Căn. Yêu dai như đỉa… Và bây giờ thì yêu nạn nhân của bão số 5.

Cái Rắn, ngày 14-11-1997

Mình theo cha Quản hạt tháp tùng đoàn cứu trợ từ Sàigòn xuống. Đi suốt hai ngày, nối tiếp hai ngày. Mệt đứ đừ. Đoàn gồm nhiều thành phần đến độ nhớ không nổi.

– Mười Râu ơi, bà nào cao như ông Tây đó ?

– Chị Thu, giám đốc khách sạn Continental.

– Chị ở dòng nào vậy ?

– Con ở Mân Côi, Chí Hòa.

– Còn chị ?

– Dòng Đức Bà.

– Không phải, dòng chim chư ù, một ông thầy Đa Minh chen vào.

– Còn bác ?

– Con thuộc giáo xứ Xây Dựng, còn ông này thì ở bên Vườn Xoài. Chúng con ở trong nhóm Đoàn Kết.

– Còn chị thì tôi biết rồi : dòng thánh Phaolô. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm về dòng thánh Phaolô. Các chị ở số 4, chúng tôi ở số 6 đường Cường Để…

Mình tự hỏi : nếu không có cơn bão số 5, thì những khuôn mặt lạ hoắc này có đến vùng cuối Việt này không nhỉ ? Nếu không có nhà sập, thì liệu họ có biết mình và thương mình không nhỉ ? Mình mất một nhà thờ, một nửa nhà xứ, một nửa trường học…. nhưng lại được vô số tình yêu. Như vậy thì lời hay lỗ ? Cứ sau một tai họa khủng khiếp, một trang sử lại lật qua, trang sử của một người, của một tập thể… Mình sực nhớ lời Mười Râu phát biểu ngày 4-11-1997 vừa qua : “Chúng ta phải tìm hiểu xem Chúa muốn nói với chúng ta điều gì qua biến cố này ?”. Đúng vậy, có một trang sử nào đó đang được Chúa lật qua…

Cái Rắn, ngày 15-11-1997

Hôm nay P.P. từ Sàigòn xuống thăm Cái Rắn. P.P. đã làm mình sửng sốt nhiều phen : cánh tay thật dài, vòng tay thật rộng. Khiêm nhu như cây cỏ. Âm thầm như bóng đêm. Lặng lẽ như gió thu. Mình gửi Fax cho P.P. ngày 5-11, thì ngày 7-11 mình đã nhận được quà cứu trợ của P.P.: món quà lớn nhất, sớm nhất, nhưng cũng âm thầm nhất, vị tha nhất.

P.P. sống trong một gia đình nửa Phật nửa Chúa. Bởi vậy P.P. từ bi theo Đức Phật, vị tha theo Đức Giêsu. P.P. biết mình một cách tình cờ. Mình đến với P.P. một cách ngẫu nhiên. Có một bàn tay vô hình nào đó đang lần mò và nối ráp khoảng cách tưởng như vô cùng giữa mình và P.P. Mình thầm mơ ước trên đời này có thật nhiều P.P. để chúng sinh bớt khổ đau, tiếng rên la của loài người không còn ai oán…

Trong thánh lễ chiều nay, mình cầu nguyện cho P.P. thật nhiều để tỏ lòng biết ơn, nhớ ơn và đền ơn.

Cái Rắn, ngày 16-11-1997

Hôm nay Mến Thánh Giá và giáo xứ Tân Lập đến với Cái Rắn. Người ta kể rằng : “Những bao quần áo cũ ấy được các bà hiền mẫu ủi suốt đêm”. Như thế có nghĩa là nạn nhân bão số 5 không bị thương xót mà được kính trọng và yêu thương. Mình hân hoan đón nhận tình yêu, nhưng quyết liệt từ chối lòng trắc ẩn. tình yêu là trao tặng, trắc ẩn là bố thí.

Cái Rắn, ngày 17-11-1997

Sáng nay mình tới UBND xã để trao đổi về việc sửa chữa khẩn cấp của ngôi trường bị sập. Bốn trường trong ấp bị sập hoàn toàn. Hơn sáu trăm học sinh bơ vơ như trẻ thơ không mái ấm. P.P. giúp 20 triệu, xã phụ thêm 7 triệu. Thế là một ngôi trường đầu tiên được phục hồi sau cơn bão số 5. Mái trường sẽ đẹp hơn và ấm hơn. Ông Chủ tịch tâm sự :

– Hôm qua có một phái đoàn cứu trợ đến tặng quà. Bà con giành giật mất trật tự quá xá. Người thì được hai ba bọc, người thì chẳng được tí gì, chửi bới um sùm. Mất thể diện quá !

Đó là quy luật. Cung-cầu không cân bằng thì gây xáo trộn.

Cầu quá lớn mà cung quá nhỏ thì gây nên đại họa. Luật cung-cầu này không chỉ đúng trong lãnh vực kinh tế mà còn đúng cả trong lãnh vực tôn giáo và đạo đức nữa.

Năm 1989 mình đến thăm một họ đạo thuộc tỉnh Phú Thọ. Cha xứ mời mình ngồi tòa. Tòa giải tội rung rinh như có động đất. Mình đứng dậy ra quan sát tình hình. Thật là khủng khiếp. Thật là quái gở. Một rừng người chen lấn nhau một cách hổ lốn. Tại tòa có ba người cùng quỳ : người ở giữa thì xưng tội, người ở bên tả bên hữu thì lấy ngón tay trỏ thọc vào lỗ tai, để khỏi lỗi ấn tòa. Cả hai đều ở thế tấn công để chiếm ngay vị trí của người vừa xưng tội xong…

Có một người đàn ông bốc vội thằng cu tí bỏ ra ngoài, để chiếm chỗ của nó : “Mày là trẻ con. có tội gì nặng đâu mà xưng. Mười năm nay tao chưa được xưng tội” .

Giận quá ! Nhưng suy cho cùng thì đó cũng chỉ đơn giản là luật cung cầu. Linh mục ngồi toà thì quá ít, mà giáo dân muốn xưng tội thì quá nhiều. Có người trong suốt hai thập niên chỉ được giải tội tập thể mà thôi.

Mình vẫn còn ghi khắc một kỷ mệm nữa về luật cung-cầu, ở bến xe Cà Mau, trong thời xe cộ khan hiếm. Chỉ có môït chiếc xe cà tàng sửa soạn đi Cần Thơ, thế mà hành khách thì đông như hội chợ. Bộ đội có, ông già có… thậm chí bà bầu cũng có. Trập trùng. Lố nhố. Bỗng có một ông thầy tu khoẻ mạnh len lỏi, luồn lách, lạng bên phải, lạng bên trái, bất chấp ông già, bà bầu. Ổng lọt vào được cửa xe, chạy vội ra khung cửa sổ kêu ơi ới :

– Dì Tám ơi ! Lại đây nè !

Thế là ông lôi bà phước chui qua cửa sổ, chiếm gọn ngay một băng hai, rồi cười sung sướng như kẻ vừa chiến thắng vẻ vang. Đấy khi cầu quá lớn mà cung quá nhỏ, thì một ông thầy tu, một bà phước… cũng sẵn sàng “mất nết” một cách vô tư như thế.

Cái Rắn, ngày 20-11-1997

Hôm nay mình gửi cho xã 500 phần quà. Mỗi phần quà gồm có một bọc quần áo cũ, mới, vài ba bao mì ăn liền… và một bọc 5 ký gạo. Bảy ấp cho người đến nhà thờ lấy về phân phối cho nạn nhân. Riêng ấp Cái Rắn A thì phát tại chỗ.

Khi bọc quần áo thứ 73 được trao cho ông trưởng ban thì trong kho có tiếng la :

– Hết.

– Như vậy là thiếu 27 bọc quần áo. Bọc gạo thì còn dư nhiều lắm. Bây giờ tính sao đây ông cố ?

– Bây giờ ai đồng ý thì lãnh một bọc gạo nữa thay cho bọc quần áo. Ai không đồng ý thì chờ ít ngày nữa.

– Tôi cần quần áo : rách hết, bay hết rồi. Gạo thì tôi chưa cần. Ở nhà tôi còn năm giạ lúa nữa.

– Còn tôi thì đồng ý lấy hai bọc gạo.

Có tiếng trẻ con khóc oà lên. Dòm lại, mình thấy một thằng cu tí chừng sáu tuổi đang khóc thổn thức. Mình hỏi mẹ nó:

– Tại sao nó khóc vậy ?

– Nó khóc vì không được lãnh quần áo. Nó chỉ có một cái áo này là coi được.

Tiếng khóc của trẻ thơ làm mình xót xa. Mơ ước của nó thật là nhỏ bé… thế mà bỗng trở thành không tưởng. Tại sao trẻ thơ phải khổ đến thế nhỉ ? Mình không ngăn được giọt lệ. Chạy trốn về phòng, đóng cửa lại, khóc một mình.

Bão số 5 giật sập nhà thờ, lột mái nhà xứ…, mình không hề nao núng. Thế mà hôm nay mình không cầm lòng được khi thấy những người đàn bà kẹp ở nách một cái bao ni-lông xẹp lép, ra về một cách tuyệt vọng, giận hờn… Vết chém của bão số 5 nhanh quá, không kịp đau. Bây giờ mới thấm.

Cái Rắn, ngày 21-11-1997

Đức cha Mẫn đã đến Cà Mau từ chiều hôm qua. Mình buột miệng nói với ngài :

– Muốn mời Đức cha vô thăm Cái Rắn quá sức mà vẫn cứ phân vân.

– ? …

– Sợ một ảo tưởng. Người ta nghĩ rằng Đức cha sẽ cho nhiều tiền lắm. Người ta sẽ bu quanh Đức cha, kéo áo Đức cha và… Đức cha không có đường rút…

Mình liên tưởng đến một con cò mẹ có một bầy cò con. Cứ mỗi lần cò mẹ mỏi cánh tha mồi về tổ, thì cả bầy cò con há mỏ chờ đợi. Quạc, quạc. Nhưng chỉ có một đứa được toại nguyện. Cò mẹ lại bay đi. Những cái mỏ mở toang hoác vẫn còn đó. Hy vọng và tuyệt vọng.

Ngồi nói chuyện lan man với Đức cha, mới thấy bão số 5 đẻ ra vô số vấn đề.

– Có một người đàn bà than thở với bạn : “Bên Công giáo các chị được Ông Chúa báo trước, nên không ai chết chìm. Bên đạo chúng tôi chết nhiều quá !”

– Chuyện gì nữa vậy ?

– Ở vùng Duyên Hải, Vũng Tàu, Phước Tỉnh… giáo dân đi khơi đều kéo nhau về hết từ ngày 1-11 để dự lễ Các Thánh Nam Nữ và Các đẳng Linh hồn. Nhờ đó mà thoát chết.

– Ở Cái Rắn cũng có tiếng đồn : “Trời thương bà phước hơn ông cha. Mái nhà ông cha lợp bằng fibro thì bể hết. Mái nhà bà phước lợp bằng lá thì còn nguyên. Hai cây me mọc ở hai góc nhà bà phước đều đổ ra phía ngoài” .

– Bão mà cũng biết phân biệt đối xử sao ta ? Sở dĩ cây me đổ ra phía ngoài, vì theo bản năng sinh tồn, nó đưa hết rễ ra phía

ngoài, vùng đất có nhiều muối khoáng và nước. Nhất nước, nhì phân mà. Đất nền nhà vừa khô vừa chua. Thế là mạnh phía ngoài và yếu phía trong. Hai cây me này giỏi về mặt kinh tế và dở về mặùt quốc phòng. Nhờ thế mà bà phước thoát chết.

Bão số 5 ơi, mi đã đến và mi đã đi, không kèn không trống. Mi không nhiều lời, mà tại sao loài người nhiều lời đến thế ?!

Cái Rắn, ngày 23-11-1997

– Ông cố ơi, Đức cha tới !

– Chết rồi, không kịp chuẩn bị gì hết !

Mình vội chạy ra bến. Áo thun cụt tay. Có ai đó đang kè Đức cha từ dưới vỏ lên.

– Đêm qua mưa, khí hậu ẩm thấp, chân tôi lại sưng lên và đau khớp.

Đức cha chỉ kịp ăn cơm trưa. Bữa cơm giản dị dưới mức trung bình. Ăn xong Đức cha lại xuống vỏ đi thăm Khánh Hưng và Thời Hưng. Ngài nói thật nhỏ bên tai mình :

– Tôi có chút quà gởi cho bà con. Mai cha ra Cà Mau mà lấy.

Tình yêu của một người cha nhưng lại khéo léo như tình yêu của một người mẹ. Tình yêu âm thầm. Tình yêu dấm dúi.

Cái Rắn, ngày 26-11-1997

Chiều hôm nay mình đang dâng lễ thì có khách : khách Sàigòn, khách Vườn Xoài. Toàn là phụ nữ, trừ một người vừa to vừa cao. Nghỉ đêm. Muỗi như trấu, lì như trâu, cắm vòi xuyên qua quần jean, xuyên qua chiếu dày. Người đẹp mất ngủ.

Sáng nay, các bà nhao nhao lên :

– Cha cho tụi con đi thăm bé Linda, bé ra đời vào đúng lúc bão giật sập nhà.

– Nhà nó ở xa lắm.

– Ông cố ơi, mẹ con nó về ở nhà ông nội rồi. Gần lắm Rồi, con đưa các bà đi thăm mẹ con nó.

Các bà đua nhau bồng Linda và khen bé xinh. Tặng quà lia chia. Thăm hỏi rối rít và… le lưỡi vì Linda là đứa con thứ tư của một người mẹ trẻ như con gái !

Cái Rắn, ngày 27-11-1997

Chiều nay khách đến rất đông : Mặt trận xã, Liên hiệp Phụ nữ xã, Dân chính ấp… Đề tài trao đổi là cứu trợ. Chuyện ngoài lề là những tiếng than : than vì chưa được cứu trợ; than vì được cứu trợ ít quá; than vì kẻ được người không. Cán bộ oán trách dân. Dân oán trách cán bộ. Người cứu trợ oán trách nạn nhân. Nạn nhân xâu xé người cứu trợ… Khổ ơi là khổ !

Cũng chỉ vì thiên tai của một thế kỷ; thống khổ của một trăm năm !

Vết thương của bão số 5 vẫn còn lở loét, nhưng rồi sẽ khép miệng và mọc da non. Bĩ cực rồi thái lai. Cứ chịu đựng và chờ đợi.

Cái Rắn, ngày 7-12-1997

Lớp Thần học Nguyễn Văn Bình đến đây từ tối hôm qua, nhưng vì tối tăm và lấm lem, nên sáng nay chủ và khách mới nhìn rõ mặt nhau. Xơ Thảo ở đường Nam Kỳ Khởi Nghiõa trao cho mình một lá thư và một gói quà cứu trợ. Bao giờ mình cũng nhận quà cùng với nụ cười của người trao tặng. Hôm nay thì không. Mình chờ nụ cười duyên dáng của xơ Thảo. Tuyệt vọng ! Dường như xơ Thảo đang ấm ức điều gì đó. Giận mình chăng ? Không. Hận đời chăng ? Có lẽ thế. Lá thư nhảy nhảy trong bàn tay run run của xơ Thảo :

Ngày 4-12-1997

Kính gửi cha,

Thưa cha, chúng con là một nhóm bạn trẻ khuyết tật, vào đời với đôi chân khập khễnh. Sau hơn bốn năm phấn đấu sống tự lập nuôi bản thân. Hằng ngày chúng con sống bằng nghề may, thêu, buôn bán nhỏ, dạy học.

Chúng con có dành dụm được một số tiền để chống dột căn nhà chúng con đang ở. Nhưng vào thời điểm này, chúng con biết được một số lớn đồng bào ở Hậu Giang bị cơn bão số 5.

Đứng trước cảnh đau thương đó, chúng con cũng là những người bất hạnh. Chúng con ước mong có thật nhiều tấm lòng hảo tâm cùng góp sức để xoa dịu nỗi đau của đồng bào Hậu Giang, giúp họ sớm ổn định cuộc đời.

Chúng con xin kính nhờ cha chuyển giúp số tiền 5.000.000 đồng (năm triệu chẵn) chúng con có, đến quý đồng bào đó.

Chúng con cám ơn cha và kính chúc cha một cuộc sống bình an.

Kính chào cha,

Thay mặt nhóm trẻ khuyết tật

Nguyễn Thị Mai

Đọc xong lá thư và nhìn năm triệu đồng nằm trần trụi trên bàn, mình cảm thấy tim thắt lại. Bây giờ mình mới hiểu cái ấm ức của xơ Thảo.

Các xơ đồng trinh. không sinh con, nhưng lòng mẹ của các xơ vẫn dạt dào như biển Thái Bình. Lòng mẹ ấy đùm bọc, nâng niu và nuôi nấng hàng trăm, hàng ngàn những đứa trẻ bất hạnh “vào đời với đôi chân khập khễnh . Dành dụm, chắt chiu mãi vẫn chưa sửa lại được mái nhà dột nát thì… đùng một cái, bão số 5 ập tới. Số người bất hạnh lại tăng lên hàng vạn, hàng triệu.

Những đứa con bất hạnh của các xơ lại phải quên cái bất hạnh ngổn ngang của chính mình, để cứu vớt những kẻ bất hạnh khác. Đau khổ thì trùng trùng điệp điệp. Bất hạnh thì tầng tầng lớp lớp. Thế mà vẫn có những người thờ ơ và tỉnh bơ… ném tiền qua cửa sổ. Lòng mẹ bao la đối với con cái, nhưng lại nhỏ hẹp đối với những người lòng chai dạ đá.

Hiền như ma-xơ, nhưng cũng ấâm ức và hậm hực như ma-xơ, vì đời trớ trêu. vì đời bất công và vì… con của ma-xơ đã quá khổ, mà nay lại phải khổ thêm.

Sàigòn, ngày 8-12-1997

Hôm nay mình đi Sàigòn. Lá thư của Nguyễn Thị Mai vẫn được cất kỹ một cách trang trọng trong cuốn Giờ kinh Phụng vụ. Đọc kinh tối xong, mình lại đọc lá thư của Nguyễn Thị Mai, đại diện cho nhóm bạn trẻ khuyết tật “vào đời với đôi chân khập khễnh”. Hôm qua đọc lá thư này, mình thấy xơ Thảo hậm hực, ấm ức. Hôm nay đọc lại thư này, mình thấy Nguyễn Thị Mai bừng lên như ngọn đuốc. Hôm qua đọc lá thư này, mình thấy đời là đống đổ nát, tàn tạ. Hôm nay đọc lại thư này, mình thấy trên đống hoang tàn bỗng mọc lên một bông hoa lạ, hương thơm ngào ngạt, tỏa lan theo làn gió mơn man.

Cám ơn Nguyễn Thị Mai. Cám ơn các bạn trẻ khuyết tật “vào đời với đôi chân khập khễnh”. Ngợi ca các bạn, vì các bạn không còn khập khễnh vào đời, mà đã dẫn đời vào con đường trơn nhẵn của tình yêu. Xin tặng các bạn “bông hoa lạ trên đống hoang tàn”.

Sàigòn, ngày 9-12-1997

Mình tản bộ tà tà về phía đường Kỳ Đồng ngang qua nhà ga Hòa Hưng. Một chiếc xích lô lách vội một cái để tránh vũng nước, quệt vào cánh tay mình. Ui da ! Cái đụng hơi đau ấy lại do một cái hang đá to đùng chất đầy chiếc xích lô… Thì ra Noel đã gần tới rồi !

Đã qua hai tuần Mùa Vọng mà mình chưa hề nghĩ đến lễ Giáng Sinh. Cả tâm lẫn trí cứ lang thang từ cứu trợ đến cứu trợ. Có một ông bạn hỏi mình :

– Lễ Giáng sinh năm nay anh chọn chủ đề nào ?

– Chưa có trong trí khôn.

– Vậy năm nay anh tổ chức lễ Giáng sinh như thế nào ?

– Chưa biết. Chỉ biết chắc là không có văn nghệ. Ông thầy và bà phước bù đầu vào công tác cứu trợ, không còn giờ nào để tập ca, tập múa.

– Vậy thì năm nay Giáng sinh sù ?

– Không sù. Giáng sinh năm nay là bác ái : dựng nhà giùm cho nhau, tặng cho nhau những cây tràm cụt đầu, những cây so đũa bị chém treo cành, những tàu lá xác xơ, chia sớt cho nhau những lon gạo vơi đầy… Họ đạo Cái Rắn đã chuyển đến nạn nhân bão số 5 hơn 2.000 phần quà, 50 triệu tiền mặt, dựng lại hai ngôi trường trị giá mỗi ngôi trường là 20 triệu. Chánh quyền địa phương phụ vào mỗi ngôi trường 7 triệu… Và công tác cứu trợ vẫn còn tiếp tục, vì những tấm lòng quảng đại từ khắp nơi vẫn chưa cạn nguồn… Đó là Giáng sinh 1997 của chúng tôi… Được chưa ?

– Tạ ơn Chúa.

– Và Giáng sinh 1997 của chúng tôi còn có nhóm bạn trẻ khuyết tật “vào đời với đôi chân khập khễnh”. Tuyệt vời !

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Nhật Ký Truyền Giáo

Exit mobile version