“Sát thủ máu lạnh” và sự thiếu vắng tinh thần đạo đức

Nổi cộm là vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra vào sáng ngày 07/7/2015 tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; Ba hung thủ đã bị bắt là hai thanh niên tuổi 24, một thanh niên tuổi 26 là những độ tuổi mang tính “ chìa khóa” của đời người.

Phiên tòa xét xử các hung thủ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/12/2015 sắp tới.

Việc truyền thông đưa tin từ nhiều góc cạnh đã cho độc giả hiển thị một cách tổng quan về động cơ và lý do gây án của hung thủ. Tuy nhiên, vấn đề trở nên bức xúc mà xã hội luôn cần kiếm tìm sự lý giải chính là hành vi gây án của hung thủ, rằng tại sao những thanh niên với tuổi đời còn rất trẻ – một độ tuổi với biết bao ước mơ, hoài bão; Họ là những thanh niên có học vấn sao lại nhẫn tâm xuống tay một cách tàn nhẫn, phi nhân với chính đồng loại của mình. Hậu quả vụ án thật là thảm khốc khi có đến sáu mạng người ngã xuống bởi những nhát dao oan nghiệt và lạnh lùng của hung thủ.

Liên hệ tới vấn nạn nêu trên, chúng ta sẽ thấy giá trị trên cả tuyệt vời của Bản Kinh Mười Điều Răn, là bài học vỡ lòng cho mỗi tín hữu Công giáo trong việc giáo dục nhân bản con người.

† “Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn:

Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự

Thư hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ

Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật

Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ

Thứ năm: Chớ giết người

Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục

Thứ bảy: Chớ lấy của người

Thứ tám: Chớ làm chứng dối

Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người

Thứ mười: Chớ tham của người

Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.”

Khi nhận diện, xem xét hành động phi nhân tính của hung thủ, chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm các điều răn:

– Thứ nhất: ” Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”,

– Thứ năm: “Chớ giết người”,

– Và câu kết của Bản kinh: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy”

Từ đó sẽ cho thấy sự giáo huấn của đạo Chúa mang thuộc tính nhân hậu, tôn trọng sự sống tha nhân và soi đường chỉ lối cho con người ta nhận thức về sự nhân đức một cách sâu sắc.

Thiết nghĩ, một đứa trẻ được đặt trong một môi trường giáo dục tử tế và thông qua việc giáo dục thấm nhuần Mười điều răn của Chúa thì chắc chắn trẻ sẽ trở nên biết kính Chúa, yêu người và hành trang vào đời của trẻ sẽ chính là nền tảng đạo đức, và chúng ta luôn tin rằng đứa trẻ không những sẽ tránh được những hành động phi nhân mà ngược lại, trẻ sẽ biết tự quý trọng bản thân mình cũng như sự sống của người khác.

Trên các trang mạng, các chuyên gia về lĩnh vực tâm lý học tội phạm khi đăng đàn thường phân tích, mổ xẻ trạng thái tâm lý của tội phạm nào là vượt quá khả năng kiểm soát của bản thân, nào là mọi hành động của tội phạm đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ý thức con người. Nhưng có một điều họ ít nói tới hoặc ít đưa ra sự lý giải thỏa đáng là tại sao có không ít những kẻ thủ ác lại là những người có năng lực học vấn cao. Nên chăng, cần có sự đánh giá một cách khách quan về nền tảng giáo dục hiện nay? hoặc như vấn nạn bạo lực hiện nay có là một sự thách đố cho việc hoạch định giáo dục?

Tự bản chất trẻ em giống như một “tờ giấy trắng”, thiết nghĩ chúng ta cần nên thận trọng và cân nhắc trước khi muốn vẽ vào đó những gì! Một khi chúng ta có sự quan tâm và chăm chút vẽ vào “tờ giấy trắng” những nét vẽ hàm chứa các giá trị đạo đức và nhân văn thì “tờ giấy trắng” ấy sẽ trở nên một bức tranh đẹp ; Qua quá trình phát triển, trẻ sẽ có sự trưởng thành vững vàng về mặt nhân cách và trẻ sẽ sớm trở thành một công dân hữu ích mà xã hội hằng mong đợi.

Trong đời sống xã hội một khi xuất hiện quá nhiều vấn nạn bạo lực và sự bất an; Một xã hội tồn tại các giá trị đạo đức, nhân văn bị đảo lộn và con người ta ngày càng trở nên ích kỷ hơn; Một xã hội có xu thế đề cao tính thực dụng và cổ xúy học thuyết vô thần như hiện nay thì việc củng cố đời sống đức tin và củng cố nền tảng đạo đức Công giáo cho trẻ em luôn là điều cấp bách nếu như mọi người chúng ta muốn cùng nhau kiến tạo một Giáo hội cũng như một xã hội tốt đẹp như lòng Chúa mong ước!

Việc cho trẻ học giáo lý luôn cần được xác định là vấn đề ưu tiên, là sự quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình Công giáo. Bởi lẽ, nền tảng của đạo Công giáo chính là tình yêu và Giáo lý Công giáo chính là việc dạy tín lý và luân lý của đạo Chúa Giêsu Kitô cho các tín hữu. Có như thế, thông điệp “ Kính Chúa, Yêu Người” sẽ luôn hiện hữu ở trong mỗi gia đình Công giáo chúng ta. Đồng thời, rất cần thiết phải có sự cộng đồng trách nhiệm của các bậc phụ huynh với quý Cha Sở, với các anh chị em giáo lý viên để tạo tiền đề tốt, tạo bệ phóng cho việc giáo dục tinh thần đạo đức cho con em của mình trong đời sống đạo cũng như đời trong hiện tại và tương lai.

Thật vậy, từ trước đến nay, việc cho trẻ em học giáo lý luôn là điều hết sức quan trọng; Nhưng thật sự là chưa bao giờ việc học giáo lý ở các em lại cần kíp và trở nên cấp bách như trong giai đoạn hiện nay!

Joseph Nguyễn

Exit mobile version