Sách Tin Mừng được đặt trang trọng ở đâu?

Hỏi: Thưa cha, con muốn hỏi một câu liên quan đến việc sử dụng sách Tin mừng. Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 117, nói: “Trên bàn thờ, có thể đặt sẵn một sách Tin Mừng khác với sách Bài Ðọc, trừ khi sách Tin Mừng này được mang theo khi rước chủ tế vào hành lễ” (Bản dịch Việt ngữ của cha Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang). Liệu có thể trong một số trường hợp, người ta chuẩn bị sách Tin Mừng trên một giá đọc sách, từ đầu Thánh lễ, tại một số phần khác của nhà thờ – chẳng hạn một nhà thờ cạnh, cửa chính vào nhà thờ hoặc tại trung tâm của lòng chính nhà thờ – và rước sách Tin mừng từ nơi này đến giảng đài vào lúc tung hô câu Alleluia được không? – G. N., Napoli, Ý.

Đáp: Ngoài số 117 đã nêu ra trên đây, Sách Tin mừng được đề cập trong nhiều số khác của Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nữa. Các số chính yếu là:

“44. Trong các cử chỉ cũng phải kể đến các hành động và đi rước, như việc vị tư tế cùng với phó tế và các thừa tác viên tiến tới bàn thờ, việc phó tế cầm sách Tin Mừng đi đến giảng đài trước khi công bố Tin Mừng…”

“60. Bài Tin Mừng là cao điểm của phụng vụ Lời Chúa. Chính phụng vụ dạy ta phải hết lòng tôn kính bài đọc Tin Mừng, vì phụng vụ đặc biệt đề cao bài Tin Mừng hơn các bài đọc khác, phần thì về phía thừa tác viên được cử ra đọc và dọn mình đọc nhờ phép lành hay lời cầu nguyện, phần thì, về phía giáo dân, họ tung hô để nhìn nhận và tuyên xưng Ðức Kitô đang hiện diện và nói với họ, và họ đứng để nghe Tin Mừng, phần thì do những dấu tỏ lòng trọng kính đối với sách Tin Mừng”.

“119. […] Khi có rước lúc nhập lễ, phải chuẩn bị sách Tin Mừng… ”

“120. Khi giáo dân đã tập hợp, vị tư tế và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới bàn thờ theo thứ tự sau đây: […] Thầy đọc sách, [hoặc phó tế nếu có, GIRM, số 172] thầy này có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách Bài Ðọc, nâng cao lên một chút ” [Xem thêm GIRM, các số 194-195].

“122. […] Tập tục đáng ca ngợi là sách Tin Mừng được đặt trên bàn thờ”.

“133. Rồi, vị tư tế cầm lấy sách Tin Mừng, nâng lên một chút, nếu sách đó đặt trên bàn thờ, tiến đến giảng đài, có những thừa tác viên đi trước. Những người này có thể mang bình hương và nến, đứng hướng về giảng đài, tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với Tin Mừng Chúa Kitô”.

“173. Khi đến bàn thờ, nếu mang sách Tin Mừng, thầy phó tế không bái kính, bước lên bàn thờ. Thật là đặc biệt thích hợp khi thầy đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ, rồi cùng với vị tư tế hôn kính bàn thờ. Nếu không mang sách Tin Mừng, thầy cúi mình sâu chào bàn thờ cùng với vị tư tế, và cùng với ngài hôn kính bàn thờ”.

“175. […] Rồi sau khi đã chào kính bàn thờ, thầy lấy sách Tin Mừng trên bàn thờ, nếu sách để trên đó, đoạn tay nâng sách lên một chút tiến tới giảng đài, cùng với các người cầm hương, cầm nến đi trước, nếu có. […] Khi thầy phó tế giúp Giám Mục, thầy đưa sách cho ngài hôn hay chính thầy vừa hôn sách vừa đọc thầm: “Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc”. Trong các buổi cử hành long trọng, Giám Mục có thể ban phép lành cho dân chúng với sách Tin Mừng. Sau đó thầy đưa sách Tin Mừng về bàn phụ hay một nơi thích hợp và xứng đáng khác” (Tất cả các số đều thuộc bản dịch như trên).

Các số 273 và 277 của Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói về việc tôn kính đặc biệt sách Tin Mừng bằng cách hôn và xông hương sách Tin Mừng.

Từ các văn bản đó, thật rõ ràng rằng tình hình mà độc giả của chúng tôi nhắm tới không được tiên liệu trong các sách phụng vụ. Đúng là các qui định nói rằng việc đặt cuốn sách Tin Mừng trên bàn thờ là “đáng ca ngợi” hoặc là “đặc biệt thích hợp”, vốn không phải là ngôn ngữ của luật nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do các qui định không nêu ra địa điểm tùy chọn nào khác, thì không nơi nào khác ngoài chính giảng đài, để đặt sách Tin Mừng, và sự chọn lựa thay thế này bao hàm rằng không còn việc rước sách Tin Mừng nữa.

Thật vậy, đáng chú ý là việc rước duy nhất được nhắm tới là việc rước sách Tin Mừng từ bàn thờ đi. Không việc rước nào khác xem ra là thích hợp cả.

Có lẽ thật là đáng suy nghĩ về ý nghĩa của việc đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ.

Trong nghi lễ Latinh, bàn thờ là trung tâm chính và là điểm tập chú của việc cử hành hy lễ tạ ơn. Thực sự theo quy định trong Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 306, bàn thờ cần phải được chú trọng một cách đặc biệt:

“306. Trên bàn thờ chỉ đặt những gì mà việc cử hành Thánh Lễ đòi hỏi, nghĩa là, sách Tin Mừng từ đầu cử hành cho đến khi công bố Tin Mừng, chén thánh với đĩa, bình thánh, nếu cần, khăn thánh, khăn lau và Sách Lễ từ lúc trình lễ phẩm cho đến khi tráng chén. Phải đặt cách kín đáo những gì cần khuếch âm tiếng của vị tư tế” (Bản dịch như trên).

Vì vậy, trong bối cảnh Thánh lễ, việc đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ là một dấu hiệu của sự tôn kính cao nhất. Ngay cả khi cuốn sách đã được đặt nơi khác, trên một giá đọc sách đặc biệt như độc giả của chúng tôi gợi ý, việc ấy sẽ thực sự làm giảm, hơn là tăng cường sự tôn kính phải có cho Sách thánh.

Việc rước Sách, từ một địa điểm tùy chọn khác đến giảng đài, một cách nào đó làm giảm và làm suy yếu tương quan thân mật giữa Tin Mừng và Hy tế tạ ơn, vốn được biểu tượng bằng cách đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ, và mang sách từ bàn thờ đến giảng đài.

Vì vậy, tôi không tin rằng sự gợi ý của độc giả, về việc đặt sách Tin Mừng ở một nơi có thể nhìn thấy trước Thánh lễ, là có thể chấp nhận được về mặt phụng vụ.

Nói như thế, tôi thấy rằng nó không đi trái với các qui định là phải có một vị trí “thích hợp và xứng đáng” cho sách Tin Mừng, sau khi việc công bố Lời Chúa đã xong. Điều này có thể được thực hiện một cách tôn kính, nhưng không cần thêm sự trang trọng quá đáng nào.

Cuối cùng, trong một số nhà thờ, người ta thường thiết lập một nơi thường xuyên để tôn kính Lời Chúa, hoặc sách Tin Mừng hoặc toàn bộ cuốn Kinh Thánh. Mặc dù tập tục này có nguồn gốc từ Tin Lành, nó vẫn được chọn trong các nhà thờ Công Giáo, như là một phương cách cổ vũ việc đọc và suy niệm theo Sách thánh.

Thật vậy, người Công Giáo chọn điều tốt đẹp nhất của hai thế giới. Chúng ta đọc Sách thánh, rồi đi tới nhà tạm để trò chuyện với chính Tác giả Sách thách.


(Nguyễn Trọng Đa,

Zenit.org 20-8-2014)
Exit mobile version