Rước Lễ Bằng Tay Hay Trên Lưỡi?

01 ruocminhthanhchua - Rước Lễ Bằng Tay Hay Trên Lưỡi?

Trả lời:

I. Câu hỏi thứ nhất

Có thể nói: từ trước Công Đồng Vaticanô II (1962-1965) việc rước Mình Thánh Chúa (rước lễ) chỉ được trao trên lưỡi mà thôi. Nghĩa là không ai được phép rước lễ bằng tay ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hội Công Giáo.

Nhưng sau Công Đồng, nhiều cải cách quan trọng đã được thực hiện. Liên quan đến phụng vụ thánh, thì Nghi Thức Thánh Lễ mới (Novus Ordo) được Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành năm 1970, đã cho phép cử hành Thánh Lễ Misa và các bí tích khác bằng ngôn ngữ địa phương thay vì bằng tiếng Latinh theo nghi thức cũ áp dụng từ năm 1570.

Cũng nằm trong những đích cải cách này, thì đặc biệt, việc rước lễ đã được phép lãnh nhận trên tay thay vì buộc phải trên lưỡi như trước. Nhưng đây không phải là luật mới bó buộc mà chỉ là sự chọn lựa được phép mà thôi. Nghĩa là ai muốn rước lễ bằng lưỡi hay trên lòng bàn tay thì đều được phép.

Về việc này, Huấn Thị Redemptionis Sacramentum (*) đã nhắc lại như sau:

“Mặc dù mỗi tín hữu luôn luôn có quyền rước Lễ trên lưỡi theo sở thích của mình, nhưng nếu có ai muốn rước Lễ trên tay thì Mình Thánh Chúa phải được trao cho người đó ở những nơi mà Hội Đồng Giám Mục, với sự nhìn nhận (recognitio) của Toà Thánh, đã cho phép.

Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng để bảo đảm rằng Mình Thánh Chúa được rước ngay vào lòng (tức bỏ vào miệng) trước mặt thừa tác viên trao Mình Thánh. Nghĩa là không ai được phép cầm Mình Thánh Chúa đi đâu trên tay. Nếu có nguy cơ tục hóa, phạm thánh (profanation) trong việc này, thì Mình Thánh Chúa sẽ không được phép trao vào tay tín hữu nữa.” (số 92)

Nói rõ thêm, nếu Hội Đồng Giám Mục địa phương thấy tiện và xin phép Toà Thánh, thì việc rước lễ có thể được lãnh nhận trên tay thay vì trên lưỡi như xưa. Như vậy, nơi nào Hội Đồng Giám Mục cho phép thì Toà Thánh ưng thuận và việc rước lễ cách này là hợp pháp không có gì sai trái bất kính để phải thắc mắc, đặt vấn để đúng hay sai.

Có chăng chỉ nên lưu ý xem có sự lạm dụng, phạm thánh (sacrilege) nào trong việc này mà thôi. Nghĩa là nếu có ai rước lễ bằng tay nhưng đã không bỏ ngay Mình Thánh Chúa vào miệng trước mặt linh mục hay phó tế hoặc thừa tác viên giáo dân cho rước lễ, mà cầm Mình Thánh về chỗ ngồi, dù là để thờ lậy, thì cũng không được phép. Và ai chứng kiến việc này thì phải báo ngay cho cha chủ tế biết để lấy lại Mình Thánh kia, hoặc buộc người nhận lãnh phải bỏ ngay vào miệng. Nếu ở nơi nào thường xẩy ra tình trạng này thì cha xứ có lý do chính đáng để ngưng cho rước lễ bằng tay hầu tránh nguy cơ phạm thánh.

Như thế, khi trao Mình Thánh Chúa vào tay người nhận, thừa tác viên cần chú ý xem người đó có bỏ Mình Thánh ngay vào miệng sau khi thưa “Amen”, hay cầm Mình Thánh về chỗ ngồi để làm gì. Việc này đã xẩy ra ở nhiều nơi, nên cần chú ý để ngăn chặn kịp thời.

Về việc rước Máu Thánh, thì Tông Thư nóí trên cũng nói rõ (số 100-101) là giáo dân cũng có thể được rước Lễ dưới hai hình thức là Mình và Máu Thánh để diễn tả trọn vẹn ý nghĩa Bữa Tiệc Thánh Thể Chúa Giêsu đã ăn, uống với 12 Tông Đồ xưa kia.Tuy nhiên, việc này Toà Thánh cũng để quyền quyết định áp dụng cho các Giám Mục Giáo phận căn cứ theo nhu cầu thiết thực ở từng địa phương. Nghĩa là tùy Giám Mục Giáo Phận có cho phép rước cả Mình và Máu Thánh Chúa trong Thánh lễ hay không. Riêng ở Tổng Giáo Phận Galveston-Houston, thì Đức Giám Mục đã khuyến khích việc này ở các giáo xứ.

Tuy nhiên, trong những dịp lễ lớn có hàng ngàn người tham dự thì rất khó để cho rước cả hai hình thức vì nhiều lý do bất tiện như không biết có bao nhiêu người sẽ chịu Máu Thánh để truyền phép cho vừa đủ, vì nếu dư sau đó thì rất khó cho thừa tác viên phải uống hết, mà cất giữ thì không có nơi thuận tiện như cất giữ Mình Thánh trong Nhà Tạm.

Vì thế, trong các đại lễ ở Công Trường Thánh Phêrô bên Rôma, hay dịp Đức Thánh Cha Bênêđíchtô mới thăm Hoa Kỳ vừa qua, trong các thánh lễ ngài dâng, giáo dân tham dự chỉ được rước Mình Thánh mà thôi. Dầu vậy, họ vẫn rước trọn vẹn Chúa Kitô dù chỉ trong hình bánh hay hình rượu như Giáo Hội dạy: “Chúa Kitô hiện diện toàn thân nơi mỗi hình rượu và hình bánh, cũng như nơi mỗi phần của bánh và rượu, cho nên việc bẻ bánh không phân chia Chúa Kitô.” (x. SGLGHCG, số 1377)

Cũng liên can đến việc rước Máu Thánh, Tông Thư trên (số 103) cũng nói rõ là “Máu Thánh Chúa có thể được rước hoặc bằng cách uống trực tiếp từ chén thánh (chalice) hoặc bằng cách chấm (intinction) Mình Thánh vào Máu Thánh hay uống qua ống hút hay muỗng (tube or spoon)” (dành cho bệnh nhân).

Nhưng nếu rước bằng cách chấm (intinction) thì người rước lễ không được phép tự ý cầm Mình Thánh và chấm vào chén Máu Thánh mà chỉ được rước qua tay thừa tác viên mà thôi. Nhưng nếu chọn cách chấm Mình vào Máu Thánh, thì không được rước trên tay mà phải trên lưỡi (x. số 104). Các thừa tác viên giáo dân cần lưu ý điều này khi cho rước lễ. Sở dĩ Đức Thánh Cha cho phép rước Máu Thánh bằng hình thức “chấm” (Intinction) vì có những bất tiện do việc uống chung một chén; như lo ngại về nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm khi nhiều người uống chung một chén. Thêm vào đó, phải có nhiều thừa tác viên cầm chén thánh, nhất là không biết truyền phép bao nhiêu lượng rượu cho đủ nhu cầu của một thánh lễ đông người, vì số dư sẽ khó cho thừa tác viên phải uống hết.

***

Tóm lại: Qua Tông Thư nói trên, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép việc rước lễ dưới hai hình thức (khi thuận tiện) cũng như được phép rước Mình Thánh Chúa trên tay, hoặc trên lưỡi, trừ trường hợp Mình Thánh được chấm vào Máu Thánh thì buộc phải rước trên lưỡi như đã nói ở trên.

Thánh Bộ Phụng Tự đã minh xác những thay đổi nói trên và cho áp dụng chung trong toàn Giáo Hội cho đến nay. Vậy bao lâu chưa có quyết định thay đổi nào khác của Toà Thánh, thì mọi thành phần dân Chúa – giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân – có bổn phận vâng phục thi hành nghiêm chỉnh. Không ai được phép đưa ra những lý do chủ quan, cá nhân để phê phán hay đòi sửa đổi theo ý của mình. Giáo Hội không phải là một tổ chức chính trị cai trị theo những nguyên tắc gọi là “dân chủ” dân quyền mà phải theo kỷ luật chung của Hàng Giáo Phẩm dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đức Thánh Cha là Đại Diện duy nhất và hợp pháp của Chúa Kitô trên trần gian. Không tôn nguyên tắc này thì không còn là Giáo Hội nữa.

II. Về câu hỏi thứ 2, xin vắn tắt trả lời như sau:

Cũng trong Tông Thư nói trên (từ số 154 đến 159) Đức Thánh Cha đã nói rõ lý do và trường hợp cho phép sử dụng các “Thừa tác viên bất thường cho Rước Lễ” (Extraordinary Ministers of Holy Communion) mà giáo dân Việt Nam quen gọi vắn tắt là “Thừa tác viên Thánh Thể”.Danh xưng này không đúng theo lời Đức Thánh Cha trong Tông Thư trên. Phải gọi cho đúng là “Thừa tác viên bất thường cho Rước Lễ” (Extraordinary Ministers of Holy Communion).

Trước Công Đồng Vaticanô II, chỉ có linh mục, phó tế và phụ phó tế (subdeacon) hay còn gọi là Thầy Năm được phép cho rước lễ mà thôi. Sau này, vì tình trạng thiếu các thừa tác viên chính thức hay thông thường nói trên, nên một số giáo dân đã được tuyển chọn và huấn luyện và được Giám Mục địa phương chuẩn nhận (commission) có thời hạn để phụ giúp linh mục cho rước lễ. Đây là các thừa tác viên bất thường (extraordinary ministers) được sử dụng khi thiếu thừa tác viên thông thường (ordinary ministers) là linh mục, phó tế hay phụ phó tế. Chức Thầy Năm hay phụ phó tế ngày nay là tác vụ giúp lễ (Acolyte) mà một đại chủng sinh phải lãnh nhận cùng với tác vụ đọc sách (lector) trước khi tiến lên xin lãnh chức thánh Phó tế và Linh mục.

Vì là tác vụ bất thường (extraordinary ministry) nên các thừa tác viên giáo dân chỉ được sử dụng khi nào thiếu linh mục hay phó tế hoặc người có tác vụ giúp lễ (acolyte). Nghĩa là không hẳn mỗi khi có thánh lễ thì thừa tác viên giáo dân phải có mặt để làm nhiệm vụ phụ cho rước lễ. Có mặt, nhưng nếu đã có đủ linh mục (nhiều cha đồng tế thánh lễ) thì ưu tiên phải dành cho các ngài. Nếu còn thiếu thì phó tế mới cần đến. Sau đó, nếu vẫn cần thêm người cho rước lễ, thì thừa tác viên bất thường mới được sử dụng. Đây là kỷ luật phụng vụ phải theo trong việc cho rước lễ ở các nhà thờ.

Thừa tác viên bất thường ở giáo xứ này không đương nhiên là thừa tác viên ở giáo xứ khác.Nghĩa là các thừa tác viên bất thường (giáo dân) chỉ được chấp thuận cho từng giáo xứ hay cộng đoàn mà thôi chứ không chung cho cácgiáo xứ khác. Vậy khi đến giáo xứ khác, nếu cha xứ ở đó cần và yêu cầu thì thừa tác viên bất thường ở nơi khác mới được phép làm nhiệm vụ.

Lại nữa, thừa tác viên giáo dân không được phép tự ý lên bàn thờ lấy Mình Thánh để chịu hoặc lấy chén đựng Mình hay Máu Thánh đem cho rước lễ mà phải lãnh nhận từ tay linh mục chủ tế hay phó tế được chủ tế trao lại. (Phó tế cũng không được phép tự ý lấy Mình Thánh để rước mà phải nhận lãnh từ tay chủ tế).

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ cho rước lễ, thừa tác viên bất thường phải đặt các chén thánh trên bàn thờ và về chỗ ngồi chứ không được phép thu dọn Mình Thánh còn dư hay lau chùi (purification) các chén thánh. Việc này phải do chủ tế, phó tế hay thừa tác viên giúp lễ (Acolyte) làm. Sở dĩ thế vì trong năm qua Tòa Thánh đã không chấp thuận gia hạn “đặc miễn = Indult” mà Hội Đồng Giám Mục Mỹ xin cho thừa tác viên giáo dân làm việc trên.

Vì thế, ở Tổng Giáo Phận Galveston-Houston, đã có lớp đặc biệt huấn luyên dành cho giáo dân muốn lãnh tác vụ giúp lễ (Acolyte) để phụ giúp cho rước lễ và lau chùi các chén thánh sau khi rước lễ.

***

Tóm lại, Giáo Hội có phẩm trật, có giáo lý, có kỷ luật phụng vụ và bí tích cũng như có giáo luật để điều hành, cai trị cho mục đích bảo vệ đức tin và những lợi ích thiêng liêng chung cho toàn Giáo Hội. Do đó, mọi thành phần dân Chúa đều có bổn phận vâng phục và tuân thủ những giáo lý, tín lý, kỷ luật, trật tự này để bảo đảm sự thuần nhất trong Giáo Hội. Nghĩa là không ai nên lợi dụng tự do ngôn luận để đả phá hay phê bình những gì thuộc các phạm vi quan trọng nói trên, nếu còn muốn hiệp thông với Giáo Hội.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Exit mobile version