Rước kiệu Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lớn nhất tại Kerela, Ấn Độ

ruoc kieu le duc me hon xac len troi lon nhat tai kerela an do - Rước kiệu Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lớn nhất tại Kerela, Ấn Độ

Những hình ảnh ngoạn mục ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Ấn Độ trong năm nay.

Trừ ra tại Đức, Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời là một ngày lễ lớn của Kitô giáo tại các quốc gia phương Tây. Đó là ngày quốc lễ ở Áo, Bỉ, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.

Ngoài các nước Âu châu vừa nêu, Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời không phải là một ngày quốc lễ, đặc biệt là tại Ấn Độ nơi làn sóng bài Kitô trong những ngày này đang lên cao nhất.

Từ đầu năm đến nay, các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh còn trải qua một loạt các vụ khủng hoảng tệ hại.

Tuy nhiên, chính trong bối cảnh bi đát này, hàng giáo sĩ và anh chị em giáo dân lại có nhiều sáng kiến hướng về Đức Mẹ xin Mẹ cầu bầu cho Giáo Hội trong cơn thử thách hiện nay.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh rước kiệu Đức Mẹ trên đường phố Kerela như thể muốn nói rằng trong thử thách, niềm tin vào Đức Mẹ càng son sắt hơn bao giờ.

Cho đến thời điểm chúng tôi thực hiện chương trình này, từ đầu năm đến nay, ngoại trừ chính bản tin chúng tôi đang trình bày với quý vị và anh chị em đây, các tin tức liên quan đến Giáo Hội tại Ấn Độ toàn là những tin buồn, không có một tin vui nào.

Thật thế, ngày 23 tháng 5, cha John Dayal, nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ và nhà hoạt động nhân quyền, cho biết các Kitô hữu tại Ấn, “tái mặt” nhận ra rằng Đảng Ấn Giáo cực đoan BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước.

Như thế là sau 5 năm mòn mỏi chịu đựng chính phủ của lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi, các tín hữu Kitô còn phải vác thánh giá thêm ít nhất là 5 năm nữa.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Các con số thống kê tiêu biểu cho thấy có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.

Trên đây là các khó khăn từ bên ngoài. Chúng ta còn gặp phải các khó khăn đến từ bên trong nội bộ của chính mình.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giáo Hội Syro-Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, có trụ sở tại Kerala, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi tài chính kể từ tháng 11 năm 2017 sau khi cha Paul Thelakat buộc tội Đức Hồng Y George Alencherry và hai linh mục bán đất đai của Giáo Hội với giá quá hời gây thiệt hại 10 triệu đô la Mỹ.

Trước các tố cáo nghiêm trọng này, tháng 6 năm ngoái Tòa Thánh đã yêu cầu Đức Hồng Y ngưng các trách nhiệm quản trị Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly và thành lập một ủy ban điều tra do Đức Cha Jacob Manathodath, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận tiến hành.

Kết quả điều tra khách quan của Giáo Hội và cả của cảnh sát cho thấy một nhóm 2 linh mục đã cáo gian Đức Hồng Y. Trước kết quả điều tra này, hôm 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phục hồi hoàn toàn quyền cai quản tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly của Đức Hồng Y George Alencherry. Ngài cũng truyền cách chức hai Giám Mục Phụ Tá vì những dính líu của các ngài trong vụ này.

Mọi chuyện tưởng đã được giải quyết êm đẹp nhưng có khoảng 250 linh mục được báo cáo là không phục tùng quyết định này của Đức Thánh Cha.

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện thêm cho Giáo Hội tại quốc gia này.

Nhân nói về niềm hy vọng ngay cả trong thời thử thách Thúy Nga và Kim Phượng xin gởi đến quý vị và anh chị em câu chuyện:

Thiên đàng là của con

Một cô gái bị cám dỗ rất nặng nề đến mức cô mất hết mọi hy vọng về phần rỗi đời đời

Với những tội lỗi của mình, cô nghĩ rằng cô đã có chỗ trong Hỏa ngục đời đời, không còn hy vọng gì được Thiên Chúa yêu thương và hưởng phúc Thiên đàng nữa. Ngày kia, thánh Philipphê Mesi đến thăm cô. Sau khi nghe cô thổ lộ tâm hồn, thánh nhân nói:

– Thật là tai hại, con gái yêu của ta, khi con tin rằng con đã được dành cholửa đời đời, Thiên đàng mới là của con.

Cô gái tội nghiệp nức nở thưa:

– Cha ơi, con không thể tin được điều ấy.

– Đó là vì con khờ dại. Cha sẽ chứng minh cho con thấy. Chúa Giêsu đã chịuchết cho ai?

Cô gái đáp:

– Cho người tội lỗi.

– Đúng lắm, thế bây giờ con nghĩ con là một vị thánh sao?

Cô gái vừa khóc vừa trả lời:

– Không, con là một kẻ đầy tội lỗi.

– Như vậy, chính vì con mà Chúa Giêsu đã chết, và chắc chắn Chúa chết làđể cho con được vào Thiên đàng. Vậy thì Thiên đàng là của con, bởi con đã gớm ghét tội lỗi, con đừng nghi ngờ chi nữa.

Những lời của thánh Philipphê Mesi bắt đầu thấm vào tâm hồn cô gái. Và từ lúc ấy, lời nói “Thiên đàng là của con” đã không ngừng an ủi cô và khiến cô không còn mất lòng tin tưởng vào tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa nữa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thánh Anphongsô từng nói:

“Nếu vì lỗi lầm mà bạn có nhiều lý do để sợ chết bao nhiêu, thì bạn lại càng có hy vọng được sống muôn đời bấy nhiêu nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, công nghiệp ấy có thể cứu bạn mạnh hơn cả ngàn vạn lần tội lỗi làm cho bạn hư đi. Như thế với lòng tin tưởng, chúng ta hãy chạy đến ngai tòa ân sủng để được hưởng lòng khoan dung. Ngai tòa ấy chính là thập giá, nơi Chúa Giêsu ngự như trên một ngai vàng, để ban phát lòng nhân từ cho bất cứ ai chạy đến với Ngài”.

Exit mobile version