Răng đen

Hiền Quan, ngày… tháng 8-1989


Hôm nay mình rời Tòa giám mục Sơn Tây để về thăm quê, sau ba mươi bảy năm xa biền biệt. Đứng trên phà qua bến đò Trung Hà, mình bỗng cao hứng hát tỉ ti :

Ai qua bến Đà Giang,

Cho tôi nhắn vài câu,

Thương về mái tranh nghèo.

Bên hàng cau …..

Nghe mình hát, người đàn bà dắt xe đạp đứng phía trước ngoái đầu dòm mình. Cặp mắt đong đưa. Nàng cười duyên, nhe hai hàm răng đen nhưng nhức. Mình xấu hổ quay mặt nhìn bâng quơ về phía núi Ba Vì.

– Bác ở trong Nam mới ra ?

– Không dám, tôi ở Sơn Tây đây thôi.

– Chỉ có dân Nam Bộ mới hát hồn nhiên như thế.

– Chị chê tôi là già mà còn chơi trống bỏi phải không ?

– Bác nói quá lời, em không dám ạ. Hồn nhiên như thế mới thích. Đạo mạo quá hóa ra đóng kịch. Chán chết.

Người đàn bà cỡ năm mươi tuổi, dạn dĩ, thông minh, cởi mở, nhưng không hấp dẫn, vì răng đen mã tấu, tạo cảm giác rùng rợn. Mình im lặng chờ phà cập bến, ngồi lên xe, vỗ vai ông em : “Vọt lẹ” .

Đường đất nhẵn nhụi. Xe vọt ào ào. Mình nhẩm từng địa danh quen thân : Hưng Hóa, Hương Nộn, Tứ Cường, Thanh Uyên, Gia Áo. Sắp tới Hiền Quan rồi. Những kỷ niệm thời thơ ấu chen lấn nhau trên màn ảnh ký ức : cây gạo đầu xóm cao nghều nghệu, có tổ quạ bù xù, có ngàn hoa đỏ rực; cây phượng vĩ già nua bên hông nhà thờ năm nào cũng sặc sỡ như thời con gái. Mình thích nhặt hoa gạo để hút mật và thích bẻ hoa phượng để cắn cái cuống chua chua.

Xe đã lao vào ranh giới Hiền Quan. Mình tìm cây gạo, cây gạo không còn nữa ! Xe leo giốc nhà thờ. Mình tìm cây phượng, cây phượng đã chết rồi ! Những kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu không còn dấu vết. Mình cảm thấy xa lạ đối với quê hương.

Xe quẹo hai lần, rồi lọt vào giữa rừng người đồng hương. Tiếng vỗ tay giòn giã. Tiếng chào rền rĩ, mà sao lòng mình thấy bơ vơ. Bố mẹ, chú thím, dì dượng không còn một ai. Chỉ còn hai chị, nhưng chẳng nhìn ra chị. Chỉ còn một người em trai và một cô em gái, nhưng chẳng nhận được em. Bạn bè vô số, nhưng chẳng nhìn được ai. Hẫng !

Sân nhà xứ đầy người. Mình ngồi bên ông em linh tông, cha xứ của nhiều giáo xứ. Trước mặt là một cái bàn chất đầy bia Trung Quốc, nước ngọt Hà Nội và chè thổ sản. Ông chánh trương vỗ tay ra lệnh. Mọi người im phăng phắc. Ông đọc bài diễn văn chào mừng, nhưng dường như chẳng ai quan tâm. Hằng ngàn con mắt đang đổ dồn vào mình và hau háu chờ mình đáp từ. Ba mươi bảy năm xa vắng. Ba mươi bảy năm chờ đợi. Chờ thêm một phút là không chịu nổi…

Ông chánh trương dứt lời. Một ngàn nụ cười nổ tung. Bỗng có một phát giác : răng đen còn nhiều quá. Răng đen nhưng nhức. Răng đen nhôm nham. Răng đen khấp khểnh. Quen thuộc, nhưng thôi thân thương. Không xa lạ, nhưng không còn trìu mến. Cảm giác ở bến Trung Hà lại gợn lên lăn lăn. Tại sao thế nhỉ ? Câu hỏi ấy làm mình nặng trĩu suy tư.

Hồi còn bé mình chứng kiến cảnh nhuộm răng đen của chị. Chị đốt cây mua, cây mua nhểu nhựa đen quánh trên lưỡi dao manh. Chị soi gương, cẩn thận chấm nhựa đen lên hai hàm răng trắng nõn. Chị nuốt nước miếng ừng ực mà không dám ngậm miệng. Sau đó, chị chỉ ăn cháo. Chị thôi cười. Môi chị vêu ra. Lâu lâu chị lại soi gương lén… Đến là khổ ! Chị cố đấm ăn xôi. Chịu khổ để làm đẹp. Chịu khổ để làm người.

 1- Chịu khổ để làm đẹp :

Răng đen đẹp tuyệt vời. Răng đen đã hiên ngang đi vào văn hóa dân tộc. Răng đen được văn chương mơn trớn. Ngàn người như một, vạn người như một đều tôn vinh răng đen như bà hoàng trên ngai. Người con gái kiều diễm có mười thương, thi thương thứ bốn là răng đen :

“Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

Ba thương má lúm đồng tiền

Bốn thương răng ánh hạt huyền kém thua…”

Mình vẫn nhớ hồi còn mài đũng quần trên ghế trường làng, thầy cho cả lớp đọc bài tả cảnh đẹp của miền quê vào buổi bình minh. Con gái làng ra đồng làm việc, cười nói vui vẻ, “nhe hai hàm răng đen nhưng nhức như hạt na vậy”. (sic)

Giáo phận Hưng Hóa vào thời ấy có một thầy lý đoán (sinh viên đại chủng viện bây giờ) tên là Phan Trọng Kim, học ở đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội. Thầy có một bộ răng đen đẹp nổi tiếng khắp giáo phận. Răng của thầy đều đặn và đen nhưng nhức như hạt na vậy. Đi tới đâu thầy cũng hãnh diện khoe hai hàm răng óng ánh như hạt huyền. Ở đâu người ta cũng muốn được tận mắt chiêm ngưỡng hàm răng đen của thầy. Hẳn có nhiều cô gái yêu thầm hàm răng đen ấy và tiếc ngẩn ngơ khi nghe tin thầy đã thụ phong linh mục.

 2- Chịu khổ để làm người :

Mình còn nhớ sau cuộc cách mạng tháng Tám, có một cô gái thề không nhuộm răng đen. Thế là cả làng nổi sùng lên.

– Con gái gì mà răng trắng nhởn như răng trâu, răng ngựa.

– Từ mười bốn tuổi trở lên phải nhuộm răng đen. Chỉ có con thú mới không nhuộm răng.

– Để răng đen mới là người nhân linh ư vạn vật.

– Răng trắng nhởn như răng lợn thì có mà “chống ề” (ế chồng) suốt đời.

Ừ, mà đúng thế thật. Không biết từ mấy ngàn năm rồi, răng đen vẫn là răng của người có tư cách. Cha xứ, ông chánh trương, bà quản đều nhuộm răng đen. Đó là những người có tư cách. Bố mình, mẹ mình, anh mình, chị mình đều là những người có tư cách.

Tất cả mọi người đều muốn làm người có tư cách. Vì thế cả làng đều nhuộm răng đen, trừ người con gái ngang tàng ấy. Và… một hình phạt nặng nề đã giáng xuống trên đầu cô ấy. Không một trai làng nào dám ngấm nghé. Thế là vè vãn lại vang lên giòn giã :

Tròng trành như nón không quai,
Như thuyền không lái, như ai không chồng.
Gái có chồng như gông đeo cổ,
Gái không chồng như phản gỗ long đanh.
Phản long đanh. anh còn chữa được,
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi.
Không chồng khốn lắm chị em ơi ! “

Răng đen đã đồng hành với dân tộc này từ mấy ngàn năm rồi. Nó đã giành được một chỗ ngồi trên ngai cao chót vót. Nó đã khống chế được cả đạo đức, văn chương và mỹ thuật….

Tưởng như nó là chân lý vĩnh cửu. Thế mà chỉ trong vòng ba mươi bảy năm, không chừng còn ít hơn thế nữa, răng đen đã bị phá sản hoàn toàn. Từ cái thời vàng son “Răng ánh hạt huyền kém thua”, răng đen đã trở thành “Răng đen mã tấu, thấy mà ghê ! ”

Thì ra cái đẹp và cái đạo đức của răng đen chỉ là bạn đồng hành của không gian và thời gian. Số phận của nó là tương đối và phải biến đổi cùng với dòng trôi của lịch sử.

Thấy số phận của răng đen, mình thảng thốt nhìn lại lịch sử truyền giáo mà lo âu. Vì quá tự tin, đã có lúc người truyền giáo nhiệt tâm kết án và loại trừ. Đức Giêsu là nguyên lý và cứu cánh của vạn sự (Ga1,3), nhưng người rao giảng Đức Giêsu vẫn chìm ngập trong luật tương đối và chỉ là người hành trình về Đức Giêsu. Con đường hành trình ấy thì xa vời vợi, mà người hành khách thì mệt rã rời. Lòng khiêm tốn trong sứ mạng rao giảng bỗng trở nên bức xúc đối với mình.

Mình đọc lại Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” để xác tín rằng Giáo Hội phải tôn trọng và quý mến mọi thành phần của nhân loại. Giáo Hội không áp đặt mà chỉ đề nghị với nhân loại sự cộng tác thành thực của mình, để tạo nên một thế giới huynh đệ (Vui Mừng và Hy Vọng, 3).

Răng đen ơi ! Giã từ mi !

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Exit mobile version