Quy chế các vụ hiện ra thời Trung Cổ và thời các Công Đồng Chung trong Giáo Hội

Vào thời Trung Cổ các mạc khải của các thánh Brigida, Gertrude, Caterina thành Genova, Caterina thành Siena, Madalena de Pazzi đã được đánh giá rất cao kể cả từ phiá giáo quyền. Nhưng Gioacchino da Fiore, là người uy tín đã gợi hứng cho một phong trào lớn, lại bị sợ hãi, chỉ trích và đôi khi bị vu khống. Điều này cũng đã xảy ra cho nhiều phong trào đặc sủng thời Trung Cổ.


Ngày nay thật khó mà có thể lượng định giá trị và các thiếu sót của các nhóm này, đặc biệt là các nhóm tin lành, chỉ được biết qua ý kiến của các người thù nghịch với họ, chế nhạo họ sau khi đã đàn áp và loại trừ họ.

Bắt đầu từ Công Đồng Laterano V triệu tập hồi năm 1516, giáo quyền mới đưa ra lập trường hạn chế liên quan tới các vụ hiện ra và các mạc khải tư. Công Đồng viết: “Theo luật lệ thông thường chúng tôi muốn rằng các linh hứng nói trên từ nay trở đi được dành cho sự cứu xét của Toà Thánh, trước khi được công bố hay giảng dậy cho dân Chúa. Nếu không có thể đợi, hay nếu có sự cần thiết cấp bách nào đó khuyên làm khác đi, thì khi đó vấn đề liên hệ được thông báo cho Giám Mục sở tại… Giám Mục sẽ cùng với ba bốn người khôn ngoan và tin cậy xem xét cẩn thận nội vụ, và khi xem ra thích  hợp, các vị sẽ cho phép, và chúng tôi giao phó sự việc cho lương tâm của các vị”. Các hạn chế có hai lý do chính: thứ nhất, trên bình diện đức tin cần che chở Giáo Hội khỏi sự lan tràn của các thị kiến trong một thời kỳ tối tăm, duy đạo đức, bất ổn, trong đó cần có sự thận trọng. Thứ hai, trên bình diện cai quản, các biến cố này và các sứ điệp địa phương luôn luôn có nguy cơ ngăn trở việc cai quản của các Giám Mục khác và của quyền bính tối cao. Vì thế quyền giám mục được mời gọi kín đáo, có óc phê bình và nghiêm ngặt. Kết qủa là Công Đồng cấm việc phổ biến các lời nói trước mà không có phép của Tòa Thánh, vào thời đó cần nhiều năm mới được, và chỉ chấp nhận trừ trường hợp cần thiết việc hướng dẫn chúng, mà các Giám Mục có trách nhiệm nghiêm trọng trước Toà Thánh. Tầm quan trọng của việc phán xử của các vị được giải quyết trong một cho phép đơn sơ. Tuy nhiên, Công Đồng đã duy trì nguyên tắc quyền bính không được dập tắt Thần Khí theo lời thánh Phaolô dặn tín hữu Thexalônica chương 5: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri” (1 Tx 5,19-20).

** Năm 1563 Công Đồng Chung Trento cũng đưa ra lập trường tương tự liên quan tới các phép lạ mới và các hình ảnh, trong nghĩa thường khi đó là các hình ảnh, là phép lạ và từ phép lạ tóm tắt tất cả những gì có tính cách siêu nhiên, bao gồm cả các vụ hiện ra. Công Đồng viết: “Không được chấp nhận phép lạ mới nào… mà không có sự thừa nhận và cho phép của Giám Mục, là người khi vừa được thông báo sẽ hỏi ý kiến các thần học gia và các người khác đáng tin cậy, và hành xử theo sự thật và lòng đạo đức. Nếu cần loạị bỏ một lạm dụng gây ra các nghi ngờ hay khó khăn, hoặc nếu có vài vấn đề nghiêm trọng hơn thêm vào, vị Giám Mục, truớc khi chấm dứt việc tranh luận, sẽ chờ đợi ý kiến của Đức Tổng Giám Mục và các Giám Mục khác của giáo tỉnh, họp nhau lại trong công nghị giáo tỉnh, làm sao để  không có quyết định nào được đưa ra mà không hỏi ý kiến của Đức Giáo Hoàng trước”. Trong cách thế này trách nhiệm của vị Giám Mục được đặt dưới trách nhiệm của Đức Tổng Giám Mục hay của các Giám Mục trong giáo tỉnh và của Đức Giáo Hoàng như đã quyết định trong Công Đồng Laterano V. Ở điểm này cả các đòi hỏi của các người cải cách tin lành cũng hướng tới một mục đích chung là loại trừ các sai lầm thường xảy ra thời đó.

Vào thế kỷ XVIII Đức Prospero Lambertini, sau này sẽ là Giáo Hoàng Biển Đức XIV (1740-1758), định nghĩa một cách hình thức hơn quy chế của các vụ hiện ra, tương đối hoá giá trị thường bị được phóng đại của chúng, và thiết định nhiệm vụ của huấn quyền trong lãnh vực này. Tài liệu này từ đó trở thành điều lệ và khẳng định như sau: “Chúng tôi cho biết rằng việc cho phép của Giáo Hội đối với một mạc khải tư không là gì khác hơn là sự đồng ý được ban sau một việc cứu xét kỹ lưỡng, để sự mạc khải ấy được thừa nhận cho việc xây dựng và thiện ích của các tín hữu. Không cần phải tin và chấp nhận các mạc khải đó, cả khi chúng đã được Giáo Hội thừa nhận. Theo các luật lệ của sự cẩn trọng cần cho chúng sự tin tưởng nhân loại, trong nghĩa các mạc khải ấy có thể có và có thể tin được một cách tràn đầy. Như vậy có thể khước từ chấp nhận các mạc khải ấy hay không chú ý đến chúng, miễn là người ta làm điều đó với sự kín đáo, với các lý do tốt lành và không có tâm tình khinh rẻ”. Như thế, không ai bị bắt buộc phải tin vào các vụ hiện ra cá nhân, cả khi chúng được Giáo Hội thừa nhận.

** Trong tương lai Toà Thánh sẽ theo các nguyên tắc này, khi đưa ra các sắc lệnh trong thế kỷ XIX. Bộ Phụng Tự đã lấy lại các nguyên tắc trên trong một số các thư trả lời và các sắc lệnh công bố.  Chẳng hạn trong thư trả lời cho Đức Tổng Giám Mục Santiago di Chile liên quan tới Đức Bà Mercede ngày mùng 6 tháng 2 năm 1875; thư trả lời ngày 12 tháng 5 năm 1877 cho các vụ Đức Mẹ hiện ra tại Lộ  Đức và La Salette; thư trả lời ngày 31 tháng 8 năm 1904 liên quan tới Áo Đức Bà Pellevoisin. Thư viết: “Cho dù lòng sùng mộ này đã được chấp nhận – nó đã được ĐGH Pio X thừa nhận trong buổi tiếp kiến ngày 30 tháng giêng năm 1900, và được tái khẳng định với một tài liệu ban hành ngày mùng 4 tháng 4 cùng năm – không thể suy diễn từ sự chấp nhận ấy, việc thừa nhận trực tiếp hay gián tiếp nào đối với sự hiện ra, mạc khải, ơn khỏi bệnh hay các điều khác, bất cứ chúng là gì và xảy ra cách nào đi nữa”.

Trong thông điêp Pascendi công bố ngày mùng 8 tháng 9 năm 1907 ĐGH Pio X xác nhận thái độ này với các lời lẽ khác nhau. Ngài cho phép việc gắn bó với các truyền thống đạo đức và mạc khải tư, nhưng với các thận trọng và dè dặt. Quyền bính của Giáo Hội không bảo đảm cho sự thật của sự kiện cả trong trường hợp này. Nó chỉ hạn chế ở việc không ngăn cản người ta tin vào những điều mà không thiếu các lý do của niềm tin nhân bản.” Sau khi trích lại sắc lệnh ban hành năm 1877, Đức Pio X nhấn mạnh:  Đây là một luật lệ của sự chắc chắn, bởi vì đối tượng của việc tôn sùng là một vài vụ hiện ra của các vụ hiện ra trong nghĩa chúng liên quan tới chính sự kiện là tương đối và luôn luôn bao gồm như là điều kiện sự thực của sự kiện; nhưng như là tuyệt đối  nó được dựa trên sự thật, bởi vì nó quy chiếu về chính con người của các thánh được tôn kính. Người ta cũng có thể nói cùng điều này với các thánh tích”. Trong trường hợp này ĐGH áp dụng một luật lệ chung có giá trị đối với các hình ảnh và các lễ nghi. Nếu có thể tôn kính không dè dặt Chúa Kitô và các thánh được tôn phong, thì dấu chỉ được dùng – nghĩa là các hình ảnh, các thánh tích hay việc hiện ra luôn luôn được coi là tương đối.

** Sự nghiêm ngặt của các hạn chế này đã được đặt lại vấn đề do sáng kiến của linh mục C. Balíc, chủ tịch và là người thành lập Học Viện Thánh Mẫu Quốc Tế Marianum. Cha Balíc công khai đưa vấn đề ra cho việc tự do thảo luận trong Đại hội thánh mẫu học quốc tế, tổ chức tại Lộ Đức nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra với chị Bernadette Soubiroux năm 1854. Tiếng vang của đại  hội và sự sốt sắng của các Giáo Hoàng – đặc biệt ĐGH Pio XII chuẩn bị sang tham dự một cách bí mật, nhưng sau đó vì lý do sức khoẻ đã không thể tham dự – đã cho người ta cảm tưởng đây không phải chỉ là một  việc cho phép đơn sơ, cũng không phải việc chấp nhận đơn thuần của niềm tin của con người, mà một khích lệ tích cực liên quan tới lòng tin nơi Thiên Chúa, khó có thể không chấp nhận mà không khinh rẻ huấn quyền. Từ đó cha Balíc đưa ra hai câu hỏi: thứ nhất, việc không cho chấp nhận các vụ hiện ra và các mạc khải tư này có phải là lòng tin nơi Thiên Chúa hay không? Trả lời câu hỏi này do các tu sĩ Cát Minh Salamanca bên Tây Ban Nha đưa ra, cha Balíc nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng các học giả Suarez và Lugo chống lại ba học giả Caetano, M. Cano và Banhez , đã đưa ra câu trả lời tích cực, khi viết: “Tín hữu đã có một mạc khải đến từ Thiên Chúa và nhận thức nó là như vậy, thì làm sao mà không cho nó một việc chấp nhận của lòng tin thiên linh được?” Công Đồng Chung Trento sẽ chấp nhận các chắc chắn loại này trong khoản tuyên bố rằng: “Ai nói rằng với một sự chắc chắn tuyệt đối và không thể sai lầm là có một ơn của việc biện minh được bảo đảm cho tới sự kiên trì cuối cùng, thì bị chúc dữ, trừ khi họ đã không nhận được từ một mạc khải đặc biệt”. Sự dè dặt này của Công Đồng vì lo lắng không kiểm duyệt một giáo lý đã nhận lãnh, cho phép giảm thiểu và quân bình hoá các hạn hẹp của các văn bản luật chính thức.

Câu hỏi thứ hai cha Balíc đưa ra đó là: Các chấp thuận chính thức các vụ Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và Fatima từ phía các Giáo Hoàng, không vượt quá việc đơn sơ cho phép  hay sao? Chúng không dấn thân sự bất khả ngộ sao? Và cha nói rằng: “Tính cách siêu nhiên của sự kiện Lộ Đức không chỉ có một khả thể đơn sơ và nhẹ nhàng mà thôi, mà là một sự chắc chắn luân lý. Các vụ Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức phải được coi như một chương riêng cho nó và tự nó, chứ không được lẫn lộn với các vụ hiện ra khác, chỉ được Giám Mục bản quyền hay Toà Thánh chấp nhận với điều lệ hạn chế: “theo những gì người ta nói”. Có thể hỏi xem trong trường hợp này có một việc cho phép không thể sai lầm không, và thay vì một cử chỉ của “niềm tin chỉ có tính cách nhân bản”, thì trái lại phải cho các vụ hiện ra tại Lộ Đức một sự chấp nhận của “niềm tin thần học”.

TMH 532

LinhTiến Khải

Exit mobile version