Qua thập giá đến vinh quang

Đó là ý nghĩa chính của cuộc biến hình này. Đây là mạc khải về thân phận, về định mệnh, trong tiến trình tự nhiên của con người, và những kinh nghiệm phải có từ ý chí bề ngoài của cuộc sống.

Chúa Giêsu đưa các môn đệ thân tín Phêrô, Giacôbê, Gioan lên núi cầu nguyện. Theo cách diễn tả của thánh sử Luca, thì chúng ta có thể hiểu rằng biến cố đã xảy ra vào lúc ban đêm. Thông thường ta biết sau khi giảng dạy và làm các phép lạ, Chúa Giêsu ẩn mình vào các nơi thanh vắng để cầu nguyện vào ban tối. Và nhất là căn cứ vào thái độ của các môn đệ khi sự việc xảy ra đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Thời điểm ban đêm trong trang Tin Mừng đồng hóa với bóng tối được diễn tả ở đây, có thể là biểu hiện cho khuynh hướng xấu, biểu hiện cho phần bóng tối trong tâm hồn của mỗi con người của ta. Nó cũng là một trong những điều mà Luca diễn tả, khiến cho quang cảnh dễ gây xúc động hơn.

Ðang khi cầu nguyện, diện mạo của Chúa Giêsu biến đổi khác thường, chói lòa hào quang ánh sáng. Nhưng Ngài vẫn là Ngài. Ngài vẫn là Chúa Giêsu. Con của Thiên Chúa, có khác chăng là về diện mạo và quang cảnh chung quanh. Một quang cảnh huy hoàng của cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với Môisê và Êlia, đến nỗi khi được chiêm ngắm, các môn đệ đã phải thốt lên như trong một cơn mê sảng: “Lạy Thầy, nếu chúng tôi được ở đây thì tốt lắm. Chúng tôi xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môisê và một cho Êlia”.

Khi nhìn thấy như vậy, họ choáng ngợp trong hạnh phúc và họ không muốn lìa xa nơi họ đã được chứng kiến. Một Thầy chí thánh với vinh quang và ân sủng, một vinh quang và ân sủng có thể hoà quyện trong mơ ước trần thế con người của họ trong những dịp đi theo Chúa.

Hẳn ta biết, Môisê và Êlia là hai tiên tri Cựu Ước, Môisê là người đã được Chúa tuyển chọn để đưa dân Ngài ra khỏi ách nô lệ của nước Ai Cập. Êlia là tiên tri đã được kêu gọi để làm cố vấn cho giao ước, dân Do Thái đã gần như chối từ những ơn Chúa trong đời sống họ.

Biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor là một cuộc thần hiện bày tỏ cho chúng ta về mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha hiện diện qua tiếng từ trời phán. Chúa Giêsu là con yêu dấu của Chúa Cha. Đám mây bao phủ các tông đồ là dấu hiệu chỉ Chúa Thánh Thần. Biến cố biến hình gợi lại biến cố Chúa giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan.

Khi đề cập đến biến cố này, các thánh sử khác thì nói rằng: Có một cuộc đàm đạo giữa Chúa và hai vị tiên tri. Trong khi Luca còn đi xa hơn, diễn tả ngay cả nội dung của cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu, Môisê và Êlia. Họ nói về sự chết của Chúa Giêsu sẽ thực hiện tại Giêrusalem.

Cái chết của Chúa Giêsu không phải là dấu hiệu kết thúc của công trình cứu độ nhưng lại là hừng đông, là khởi điểm khơi mào cho sự sống lại trong vinh quang trong nước Ngài. Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, sự chết, sự sống lại và lên trời của Chúa Giêsu được thể hiện cùng một lúc trong biến cố biến hình này. Sự chết trong thân xác hay chết của nhân tính của Chúa Giêsu là một sự sửa soạn cho sự vinh quang vĩnh cửu của một đời sống khác trong thiên tính của Chúa Giêsu.

Chịu đựng là vượt qua những thử thách khó khăn. Không phải chúng ta luôn luôn đương đầu với mọi cám dỗ và hoạt động của ma quỉ. Nhưng trong chính thời gian này, sự vinh quang của Thiên Chúa vẫn còn thể hiện trong chính các sinh hoạt của chay tịnh, sự thống hối, ăn năn, tha thứ trong 40 ngày. Lời phán từ trong đám mây minh chứng rằng Ðức Giêsu biến hình ngày hôm nay, chính là Chúa Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa. Ngài đã lãnh nhận và thánh hóa bí tích Rửa tội nơi sông Giođan với Gioan Tẩy Giả, Ngài là Con của Thiên Chúa, là Lời của Thiên Chúa nói với nhân loại và nhân loại phải đón nhận Ngài: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Ta cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan chứng kiến việc Chúa Giêsu biến hình và cùng được dự phần vào việc đàm phán của Chúa với hai tiên tri. Từ đó, chúng ta có thể được dự phần vào việc khổ nạn và cuộc Phục sinh của Chúa trong những ngày sắp tới. Ðó là một cách thế chúng ta tham dự trong bất toàn nhân tính, trong con người của Chúa Giêsu và chúng ta cũng sẽ được tham dự vào thiên tính bất diệt của Con Chúa trong ngày tới.

Phêrô, Giacôbê, Gioan cảm thấy vô cùng sung sướng, hạnh phúc trước cảnh Chúa biến hình: “Ở đây sướng lắm, con sẽ làm ba lều”. Các ông muốn mãi mãi ở trên núi và không muốn xuống núi nữa. Đó là thái độ của mỗi người Kitô hữu đi theo Đức Kitô vinh quang thì dễ hơn đi theo Đức Kitô vác thập giá (đi theo Đức Kitô là vua, thì dễ hơn đi theo Đức Kitô là tôi tớ).

Thường khi ta gặp may, hạnh phúc, có cơm ăn áo mặc, đời sống sung túc, thì chúng ta dễ dàng theo Chúa, sống đạo. Ngược lại khi gặp gian nan, thử thách, thất bại, nghèo khổ… chúng ta thường mất niềm tin, kêu trách Chúa, không đi dự lễ, bỏ đạo.

Ở đời mọi sự đều phải trả giá, nhiều khi phải trả giá rất mắc. Không muốn vác thập giá thì làm sao có vinh quang. Không chịu cực, chịu khó làm việc, thì làm sao có thể thành công. Muốn vào vinh quang Nước Trời, chúng ta chẳng đi con đường nào khác, ngoài con đường Đức Kitô đã đi, đó là con đường Thập Giá.

Thập Giá lúc nào cũng kề bên cuộc đời của mỗi người chúng ta. Cuộc sống con người đầy tràn thập giá, cũng như gian khổ… Đằng sau mọi gian nan thử thách, đau khổ, thập giá của cuộc đời, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện và yêu thương con người để dẫn đưa chúng ta tới hạnh phúc vĩnh cửu: “Thập giá là con đương đưa đến vinh quang phục sinh”.

Chuyện quan trọng là ta có tin rằng Chúa luôn luôn hiện diện với ta trên mọi nẻo đường đời hay không mà thôi.

Huệ Minh

Exit mobile version