Quà của mẹ

Sáng nay, trong tình hiệp thông, tôi thu xếp công việc để qua dự lễ an táng bà cố của cha phó xứ cũ bên quận 8. Ngài đã sống nhiều năm trong đời linh mục nên có lẽ lễ an táng bà cố cũng khá đông, tôi nghĩ vậy. Và, trên đường đi, thấp thoáng nhiều người kéo nhau về dự lễ.

Đang cho thêm một tí ga để lên cầu Bà Tàng vì chiếc xe của mình khá yếu, bỗng bên cạnh có chiếc xe cub đời 81 của ai đó cũng đang ì ạch lên ga. Vì hai xe cùng yếu nên khoảng cách đôi bên cũng không xa lắm. Chạy một đoạn đến nhà thờ, tìm bãi xe, sau lưng xe của mình lại là chiếc 81 “cà tàng” ấy. Mở cái “nồi cơm điện”và “khẩu trang” chống bụi ra thì ra là cha sở của một xứ cũng thuộc hạt Bình An. Cha con lâu ngày gặp nhau chào nhau bằng nụ cười nồng ấm. Nhìn chiếc xe của cha sở, tôi trầm trồ thích thú: “Con cũng thích chiếc xe này lắm nhưng kiếm khó quá!”. Cha sở đáp lại: “Sang năm nó cùng mừng 20 năm với mình đấy! Quà của bà cố nhân ngày chịu chức linh mục đó! Ngày xưa bà cố mua 2 cây rưỡi mừng thằng con chịu chức đấy!”

Lễ tang cũng hết, an táng cũng xong, trên đường về, hình ảnh cũng như lời của cha sở sao còn vọng mãi.

Với thời buổi ngày hôm nay, mấy ai còn “can đảm” chịu ngồi trên chiếc xe 81 “cà tàng” ấy! Ngày hôm nay, thiên hạ đua nhau chí ít phải tay ga mà tay ga phải hàng hiệu mới “xứng danh anh hùng” chứ! Ngày hôm nay, sau khi lãnh sứ vụ linh mục thì linh mục mới cũng đổi luôn, đổi tất cả và gần nhất là đổi cho mình con xe thật ngon. Thế nhưng mà, bên cạnh nhiều người thay đổi đó vẫn còn đó những linh mục sống đời sống nhẹ nhàng, đơn sơ như vậy.

Chiếc xe 81 “cà tàng” ấy hiển nhiên là quà của mẹ nhưng bên dưới nó là cả tấm lòng. Dù là linh mục, dù là cha sở, dù là bề trên đi chăng nữa nhưng vẫn trân trọng mẹ, trân trọng những món quà nhỏ bé chẳng đáng là gì của mẹ.

Nhớ đến cha sở hôm nay lại nhớ đến cha trẻ hôm nao. Chuyện là người anh của cha đó, cũng là linh mục đã tâm sự với tôi là người anh đã khóc, khóc thật sự khi người em thay đổi mau chóng. Mới làm cha được dăm ba hôm nhưng đã có thái độ bất kính với mẹ mình, cha mới đã coi thường cái bà già nhà quê đẻ ra mình. Cũng đúng thôi, bao nhiêu năm tháng vắt sữa nuôi con, chạy đôn chạy đáo nuôi con ăn học giờ còn đâu như ngày xưa nữa. Thế nhưng mà đáng tiếc thay cha mới đã không còn trân trọng người mẹ của mình mà đi trân trọng cái bà nào đó đã cho cha chiếc xe mới, đã cho cha cái chén lễ mới, đã cho cha bộ áo lễ đẹp.

Thật đau lòng, thật đáng tiếc vì lẽ lác đác đâu đó có những hình ảnh không đẹp. Có lẽ ăn ngon, mặc đẹp và dùng đồ hiệu quen rồi nên có một số cụ khi “đỗ cụ” quênđi hình ảnh của bà mẹ quê nghèo mà cứ xúm xít quanh những “bà mẹ” đại gia. Nhiều khi bi đát đến độ về thăm bà già nhà quê nghèo còn ít hơn những lần thăm viếng đại gia. Cũng dễ hiểu thôi, về nhà với mẹ đẻ thì đâu có gì, về nhà với bà mẹ đại gia thì phong bì to to béo béo sau khi được bữa chén thật ngon.

Lại nhớ một lần kia đi dự lễ kỷ niệm hôn phối của một gia đình đại gia, cha giảng hết sức ngọt ngào trong cung giọng một lời “kính thưa ba mẹ” hai lời “kính thưa ba mẹ” (ông bà mừng hôn phối hôm ấy). Chẳng hiểu ông bà ấy lo cho được bao nhiêu cho cha mà sao lại ngọt đến thế! Lại nghĩ ngợi không biết ở nhà, ông bà cố thân sinh có được cha ấy ngọt đến thế không nhưng sao ngọt ngào với ba mẹ“người ta” thế?

Chiếc xe 81 của cha sở giờ đây đem đi bán chưa hẳn đã mua được 1 chỉ vàng nhưng nó là di sản của mẹ, nó là tấm lòng của mẹ. Chiếc xe 81 ấy nay không còn giá trị của vật chất nhưng giá trị thiêng liêng và tinh thần quá lớn để không có gì thay thế được. Với cha sở, mẹ thật gần, và gần nhất chính là hình ảnh, là vật chất còn lại của mẹ nơi chiếc xe 81 cà tàng này.

Chỉ ước mong những kẻ làm con đừng bao giờ quên hình ảnh của bà già tiều tuỵ ở quê nhà vẫn mãi mãi là bà mẹ của mình. Tất cả những bà mẹ khác cũng chỉ là người nâng đỡ ta thêm một chút trong đời mục vụ mà thôi. Mãi mãi bà mẹ nhà quê nghèo da nhăn nheo, răng ngày càng thiếu và hàm ngày càng móm mém đó mới chính là mẹthật của ta.

Vũ Hưu Dưỡng

Exit mobile version