TMV viết : “Để rao giảng Tin Mừng, Ngài đã không biết mệt mỏi đi đến khắp mọi nơi, tiếp xúc với tất cả mọi hạng người, thực hiện rất nhiều việc lạ lùng để làm chứng Nước Chúa đã đến. Xác định rao giảng Tin mừng theo ý Chúa Cha là lẽ sống (x. Mc 1, 38 ; Lc 4, 43) nên Ngài đã hiến trọn cuộc đời, đến tự nguyện hi sinh cả mạng sống, chấp nhận cái chết tủi nhục trên Thánh Giá để hoàn thành thánh ý Chúa Cha” (s. 3).
Phương pháp rao giảng Tin mừng của ĐG, theo TMV, được bao hàm trong 5 điểm sau đây :
1.rao giảng (=nói) ;
2.ra đi ;
3.tiếp xúc và đối thoại ;
4.thực hiện nhiều việc lạ lùng ;
5.hi sinh mạng sống.
1. Đức Giêsu rao giảng
Xác định rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4), Đức Giêsu đã rao giảng Lời Thiên Chúa không biết mệt mỏi.
Rao giảng là sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Ngài : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18).
Sứ mạng ấy, Đức Giêsu xem như “lương thực” nuôi sống mình : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34).
Sứ mạng ấy đối với Đức Giêsu mang tính cấp bách. Ngài không để mình bị trói buộc vào một nơi chốn nào : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Ngài đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ” (Mc 1, 38-39).
Nếu Mc viết là Đức Giêsu rao giảng “khắp miền Galilê”, thì Luca viêt là khắp miền “Giuđê” (x. Lc 4, 44), nghĩa là toàn lãnh thổ của người Do thái(chú thích của CGKPV). Tin mừng phải được rao giảng cho mọi người như Ngài đã dạy các môn đệ : “hãy đikhắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).
Loan báo tin mừng, như TMV viết, chính là lẽ sống của Đức Giêsu : “Này con đến để thi hành thánh ý Cha” (Dt 10, 7).
2. Đức Giêsu đi đến khắp mọi nơi
Loan báo Tin mừng không chỉ bằng lời nói nhưng còn phải ra đi nữa.
Đức Giêsu là người “di động” để loan báo Tin mừng, đến độ Tin mừng đồng hoá Ngài với “con đường đi” : “Thầy là con đường”. Và chính Ngài cũng đồng hoá sứ mạng loan báo Tin mừng của mình với việc ra đi : “Tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4, 43).
Đặc biệt, Tin Mừng Mc muốn trình bày ĐG như con người lữ hành để loan báo Tin mừng qua 5 điểm :
a/ ĐG là con người ta gặp giữa mọi người;
b/ ĐG là con người ta gặp trên đường đi;
c/ ĐG là người đi trước mọi người;
d/ ĐG là người đi qua mà không bao giờ dừng lại;
e/ ĐG là con người đi ra khỏi mọi ranh giới
Chính ĐG đã chọn các môn đệ “để họ ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng” (Mc 3, 14). Rồi đây, “ra đikhắp tứ phương thiên hạ” sẽ là một lệnh truyền của Chúa trước khi về trời (x. Mc 16, 15). Thật vậy, làm sao Tin Mừng sẽ được lắng nghe, nếu không có người được sai đi ? (x. Rm 10, 15).
3. Đức Giêsu gặp gỡ và đối thoại
Một chuyến đò đã nên duyên.
Không những ra đi để tìm kiếm con người, ĐG còn tìm cách gặp gỡ và đối thoại với mọi hạng người không phân biệt. Nhờ vậy mà Ngài hiểu họ, “biết những gì có nơi họ” và họ cũng hiểu Ngài và giãi bày tâm sự thầm kín của mình ra.
Đức Giêsu đã gặp gỡ và đối thoại với mọi hạng người :
·với ông Nicôđêmô, “bậc thầy trong dân Israel” (Ga 3, 10), nhờ đó ông hiểu cần phải được tái sinh.
·với ông Dakêu, trưởng ti quan thuế (Lc 19, 1-10) và ông hứa sẽ thay đổi cuộc đời.
·với những người thu thuế và tội lỗi ( Mt 9, 10-13) để họ cảm nhận được sự cao cả của ơn giao hoà.
·với người phụ nữ tội lỗi (Lc 7, 36-50) để giúp cô hiểu được rằng ai “được tha nhiều thì sẽ được yêu mến nhiều”.
·với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp (Ga 4, 1-30) và hướng lòng bà về một sự “thờ phượng chân thật”
Chính nhờ gặp gỡ và đối thoại mà Ngài mới có thể nói với các môn đệ : “ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái” (Ga 4, 35).
4. Đức Giêsu thực hiện nhiều việc lạ lùng
Đó là nhữngphép lạ.
ĐG làm phép lạ không nhằm mục đích làm loá mắt thiên hạ, như có lần người Do thái muốn được xem thấy những dấu lạ từ trời do Ngài làm (x. Ga 2, 18).
ĐG làm phép lạ hay dấu lạ chỉ với mục đích duy nhất là để chứng tỏ Nước Thiên Chúa đã đến và niềm hi vọng vào Đấng Thiên Sai nay đã được ứng nghiệm (x. Mt 11, 5).
Ngài hoá nước thành rượu để các môn đệ tin rằng kỷ nguyên cứu độ mới đã bắt đầu. Ngài chữa lành người phung hủi để chứng tỏ ngài là Đấng Mêxia hiện thân. Khi Ngài bảo các người được Gioan sai đến : “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 5) là Ngài muốn nói kỷ nguyên Đấng Mêxia đã bắt đầu, không còn cần phải chờ đợi một Đấng nào khác.
Những phép lạ ĐG làm là những dấu chỉ để khơi dậy đức tin nơi người ta (x. Ga 2, 11).
5. Đức Giêsu hi sinh mạng sống
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Trong cuộc đời rao giảng, có nhưng khi ĐG ăn nói như Đấng có uy quyền khiến cử toạ khâm phục. Có khi Ngài chữa lành nhiều bệnh tật khiến người ta nghĩ rằng Ngài là Đấng Mêxia đã đến trong thế gian. Hoặc có khi Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê khiến họ muốn tôn Ngài lên làm vua.
Tuy nhiên, ĐG quá hiểu rằng tất cả những tình cảm ấy chỉ là những “phấn khởi nhục thể” hay chỉ như cơn gió thoảng qua mà thôi. Quả thật, rồi họ cũng đã đồng tình với nhau để treo Ngài lên thập giá.
Tuy nhiên, đó chính là con đường mà người sứ giả tin Mừng phải đi ngang qua : “Phần tôi, một khi được dương lên cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).
Kết luận
Để thi hành sứ mạng Chúa Cha giao, tức “rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”, ĐG đã áp dụng một phương pháp gồm 5 điểm kể trên.
Trong năm truyền giáo này, “năm lên đường của cả Hội thánh Việt Nam” (TMV, s. 13), chúng ta hãy “noi gương Chúa Giêsu Kitô” và học hỏi phương pháp truyền giáo của Ngài để hi vọng rằng “trong thiên niên kỷ thứ III này, Hội Thánh sẽ được một mùa gặt bội thu” (nt).
Lm Phêrô, Đàlạt