Những suy tư này khởi hứng từ đoạn tin mừng của Luca về trình thuật Emmaus để nêu lên phương hướng loan báo tin mừng cho giới trẻ hôm nay. Phương hướng này sẽ có thể mang đến một sự canh tân nào đó trong việc dạy giáo lý cho thanh thiếu niên trên đất nước chúng ta hôm nay. Vì lẽ đó, tôi ao ước chia sẻ suy tư ấy với mọi người tín hữu, nhất là với các giáo lý viên. Mong sao các nhà giáo dục đức tin tìm được phương pháp loan báo tin mừng cách hiệu quả: dẫn thanh thiếu niên đến gặp Đức Kitô giữa lòng Giáo hội như cộng đoàn chứng tá và ngôn sứ.
1. Mục đích của loan báo Tin mừng: gặp gỡ Đức Kitô khi khám phá lại đời sống và chứng tá của Giáo Hội
Câu chuyện mở ra bằng cách thuật lại hai môn đệ của Đức Giêsu bỏ Giêrusalem lại đằng sau. Chán nản vì quá nhiều điều đã xẩy ra ba ngày trước, họ rời bỏ cộng đoàn; tuy nhiên, trong cộng đoàn đó có một cái gì mới bắt đầu nói rằng người ta đã thấy Chúa hằng sống; hai môn đệ không thể tin những người đàn bà thường hay hóng chuyện (Lc 24:22-23; Mc 16:11). Chỉ vào cuối hành trình, khi thấy Đức Giêsu lập lại cử chỉ bẻ bánh và chia sẻ bánh được chúc lành, họ mới nhận ra Ngài; rồi ngay lập tức họ không thấy Ngài và trở lại cộng đoàn: cái kết luận đột ngột của hành trình Emmaus thấy mình lại ở với cộng đoàn các môn đệ ở Giêrusalem. Đấng phục sinh không ở lại với họ và họ không thể ở lại một mình: họ trở về lại công đoàn, nơi đó họ gặp Đức Kitô.
Tái khám phá cộng đoàn và lại tìm thấy mình trong giáo hội, nơi chốn để sống đức tin chung, là hệ quả hợp lý của việc cá nhân gặp gỡ Đấng Phục sinh. Ngoài cộng đoàn, sự loan báo Tin mừng dường như lời tầm phào mà ta không nên tin (Lc 24:22-23). Nếu Đấng Phục sinh không làm nên cộng đoàn với họ, cùng với hành trình và tại bàn ăn, hai môn đệ đã không khám phá ra Ngài hằng sống, họ cũng không khôi phục ước muốn sống chung. Chúng ta hãy ghi nhận kỹ điều này: xem kẻ trở lại cộng đoàn đã từ bỏ cộng đoàn trước kia hay không, đó không phải là vấn đề quan trọng; dù sao, họ phải trở về sớm bao có thể, ngay lập tức sau khi thấy Chúa, đó là điều quyết liệt. Chỉ người nào khôi phục đời sống chung, mới biết rằng Đấng Phục sinh ở với mình và sẽ khôi phục niềm vui là cảm nhận Ngài gần bên (Lc 24, 35.32).
Nếu “đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và anh chị em là mục đích của của việc công bố tin mừng” thì ‘đối với việc loan báo tin mừng (phúc âm hóa) chứng tá của một đời sống chung là dứt khoát, vì nó là một kinh nghiệm vốn tiền dự, như một hạt giống, điều sẽ đến.’ Nếu chứng tá là ngôn ngữ duy nhất có thể thuyết phục người trẻ rằng ‘Thiên Chúa hiện hữu và tình yêu ngài có thể hoàn toàn lấp đầy một đời sống’ (HL SDB 62) thì như một sự chọn lựa mang tính chiến lược, việc loan báo tin mừng phải quan tâm đến, cũng như “tập trung chú ý và nhiệt tâm của chúng ta đến sự hiệp nhất của, giáo hội và trong giáo hội; điều ấy là dấu chỉ của tin mừng mà Đức Giêsu đòi ở các môn đệ được Ngài sai vào thế gian.”
Vì thế, bất chấp những phương pháp của nó là gì và không nghi ngờ gì những ý hướng ngay lành của nó, người ta phải có những hoài nghi nghiêm trọng về một việc loan báo tin mừng mà không bắt đầu từ một đời sống chung; đời sống đó được những người loan báo tin mừng sống với niềm vui, và nó không diễn đạt cho những người được loan báo tin mừng niềm vui đã gặp gỡ Đức Kitô trong cộng đoàn. Nếu đã là vậy, thì chính sự loan báo tin mừng đã không xuất phát từ việc gặp gỡ Đấng Phục sinh hoặc điều ấy đã không thể trổ bông thành một cuộc gặp gỡ với Ngài. Những người nhìn thấy Đấng Phục sinh và ăn uống với Ngài không có thể cản ngăn Ngài; nhưng họ khôi phục ý chí để nói về kinh nghiệm họ được sống, khi trở lại cộng đoàn của mình. Đó không chỉ do tình cờ, nó xác minh luật lệ của lối sống Kitô hữu: người biết và công bố rằng Đức Giêsu Phục sinh, cùng chung sống kinh nghiệm của mình: “cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô trong đức tin tìm thấy khung cảnh tuyệt nhất của mình trong giáo hội.”
Mặc dù chúng ta phải nhận biết rằng “việc thuộc về giáo hội của giới trẻ không tức khắc đạt tới trưởng thành”, chúng ta cần phải nói rằng không có đức tin của giáo hội, đức tin của những người loan báo tin mừng và của giới trẻ sẽ rất nghèo nàn. “Đức tin sẽ thiếu một điểm quy chiếu tất yếu để sống như tín hữu.” Mục tiêu tối hậu của gặp gỡ Đức Kitô, cái chứng chỉ đảm bảo của điều này, là sống kinh nghiệm giáo hội, và “như thế phát triển cảm thức của họ thuộc về cộng đoàn Kitô hữu.”
2. Phương pháp luận: cùng bước đi
Có lẽ, lý do tại sao trình thuật Emmaus thích đáng như thế, nằm ở việc nó rất đương thời với tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Thật dễ đồng nhất hóa với những môn đệ này đang về nhà, trước khi mặt trời lặn, đầy ắp mọi sự mà họ đã biết và chúng khiến họ buồn thảm.
Khởi điểm: xa cách Đức Giêsu trong thất vọng
Không phải quá nhiều điều đã xẩy ra ở Giêrusalem cho bằng sự chưng hửng sâu xa của cá nhân họ đã khiến họ bỏ về Emmaus: sự chán nản của các môn đệ xuất từ nỗi thất vọng vốn xâm nhập họ bởi vì cuộc mạo hiểm của họ với Đức Giêsu Nadarét đã kết thúc như thế nào (Lc 24, 17-21). Họ đã sống với Ngài và việc chung sống ấy đã thức tỉnh trong họ những niềm hy vọng về cái gì tốt hơn: “một ngôn sứ quyền năng trong lời nói và việc làm trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”, dường như “ngài là đấng sẽ giải phóng Israel” (Lc 24, 19.21); trái lại, cái chết trên thập giá của Ngài đã chôn vùi mọi hy vọng của họ. Thật hơn cả hợp lý nữa, họ cảm nhận sự thất bại, và cảm nhận rằng họ đã bị lừa dối. Chính bởi vì ngay lúc đầu ngài đã thực sự bắt lấy họ, nên họ thật sự cảm nhận bị thất vọng sau tất cả những gì đã xẩy ra.
Ta phải dùng như một cảnh báo rằng lý do tại sao các tông đồ bỏ đi là sự thất vọng họ cảm nhận, và sự mệt mỏi đã xây dựng suốt hơn ba năm theo Đức Giêsu và sự cay đắng của họ do cách thức sự việc đã kết thúc khiến họ từ bỏ đời sống chung. Giới trẻ ngày nay chia sẻ rất ít điều với các môn đệ này, nhưng có lẽ không gì bằng sự chưng hửng về những giấc mơ của họ, sự mệt nhọc trong đức tin của họ và sự tan mộng trong tư cách môn đệ: họ thường nghĩ, theo Đức Giêsu, không giá trị gì: đáng giá gì để tiêu pha đời mình cho một ai đã chết, không hiện diện.
Đó là lúc hướng đến Emmaus. Cũng có cơ hội gặp gỡ Đức Kitô trên hành trình, với sự âu lo của họ. Nhưng họ không được lữ hành một mình. Giới trẻ cần một giáo hội vốn gần gũi với những vấn đề và lo âu của họ; giáo hội đó không chỉ chia sẻ hành trình và mệt nhọc của họ, nhưng còn biết cách nói cho họ, chấp nhận những bất ổn của họ. Làm thế nào giáo hội có thể biểu thị Chúa Phục sinh, nếu giáo hội không tỏ ra quan tâm đến họ và cuộc sống họ? “Đi tới gặp giới trẻ ở nơi họ sinh sống, chào đón họ với mối quan tâm vô vị lợi, chăm chú lắng nghe những vấn nạn và khát vọng của họ đối với chúng ta là những bước cơ bản trước bất kỳ giai đoạn giáo dục đức tin nào.” Ít nhất, đây là sự chọn lựa đầu tiên của Đức Giêsu trên đường Emmaus.
Trên đường lữ hành: Từ biết nhiều điều về Đức Giêsu đến để cho Ngài nói
Trên đường lữ hành, người lạ dường như là kẻ duy nhất chẳng hay biết gì về điều đã xẩy ra tại Giêrusalem (Lc 24, 17-24). Nhưng biết quá nhiều điều về Đức Giêsu đâu có đem các môn đệ đến nhận biết ngài; họ biết kerygma nhưng họ không đạt đến đức tin, họ biết quá nhiều về Ngài mà chẳng thể nhìn ra Ngài đang bước trên đường với họ; họ biết quá nhiều về một người chết, song họ không thể xoay sở để thấy Ngài sống động trước mặt họ. Người lạ phải thật sự cố gắng để dẫn họ nhìn xem điều đã xẩy ra trong ánh sáng của Thiên Chúa, theo Thánh kinh: bằng cách này, khi chiêm ngắm Thiên Chúa trong câu chuyện của Đức Giêsu, họ khám phá kế hoạch của Thiên Chúa và mọi sự đã rõ ràng: cái chết của vị Thầy không phải là một bất hạnh hay một thảm kịch, nhưng rất thiết thân với chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Như Đức Kitô, giáo hội của Ngài phải từ khước cổ xúy những hy vọng hời hợt và những kỳ vọng sai lạc nơi giới trẻ, và dạy họ biết chịu đựng điều xảy ra trong và quanh họ, giúp họ đọc lại những biến cố trong ánh sáng của Lời Chúa: những ảo tưởng, những hy vọng sai lạc, ngay cả trong việc theo Đức Kitô, đều không có tương lai. Nếu chúng ta muốn việc chúng ta học về Đức Kitô trở thành tin mừng của Thiên Chúa cho giới trẻ, nếu chúng ta ước ao rằng tất cả những gì xảy ra là một cuộc gặp gỡ Ngài, thì chúng ta phải dành lại cho Lời Chúa vai trò của nó như là vị hướng đạo tối cao của cuộc đời họ. Bao lâu chúng ta không làm cho họ nhìn cuộc sống hằng ngày trong kế hoạch Thiên Chúa, bao lâu họ không nghe tiếng Ngài trong những lời nói/biến cố đang xẩy ra chung quanh họ, bao lâu họ không nhận diện bàn tay Ngài nơi bàn tay chúng ta khi chúng ta giúp họ, thì sự hiểu biết của chúng ta không dẫn họ tới biết Đức Kitô. Đây là sự hiểu biết mà chúng ta tuyệt đối không được xao nhãng.
Nếu chúng ta không nói với họ và không mang họ tới niềm xác tín rằng tất cả điều xảy ra là thuộc về một dự phóng vĩ đại, kỳ diệu của Thiên Chúa, hoa quả và bằng chứng của một tình yêu khác thường, làm thế nào giới trẻ sẽ cảm nhận được Thiên Chúa yêu mến? Để thành công, chúng ta cần trở thành những người bạn đồng hành của họ trong việc tìm kiếm ý nghĩa đời sống và trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Ở đó chúng ta có một con đường, vẫn còn ít được nắm giữ trong giáo hội, nhưng cấp thiết cần cho giới trẻ: Vì ngu dốt Thánh kinh là ngu dốt về Đức Kitô.
Giai đoạn quyết liệt: Đón chào Đức Giêsu vào trong nhà mình
Khi tới Emmaus, các môn đệ vẫn không đạt đến sự hiểu biết cá vị về Đức Giêsu; họ không nhận ra Đấng Phục sinh nơi người lạ đã đồng hành với họ. Thực vậy, Emmaus không là mục đích, nhưng là một giai đoạn quyết liệt của hành trình của họ. Được mời ở lại, và vẫn không được nhận biết, Đức Giêsu lập lại cử chỉ của mình mà chẳng nói một lời: một vị khách trong một nhà của người khác, vị khách ấy lại không ngần ngại trở thành chủ nhà quảng đại; và như vị gia chủ, Ngài chúc lành và ban phát bánh. Thực hành Thánh Thể ở giữa những người đã tin là mật khẩu về sự hiện diện thật sự của Ngài.
Hai người môn đệ Emmaus không nhận ra Đức Chúa khi đi đường với Ngài và từ Ngài học để hiểu ý nghĩa của điều đã xẩy ra: giải thích Thánh kinh suông mà thôi không mở mắt họ, chỉ làm lòng họ nóng lên (x. Lc 24, 32); bước đi với Đức Kitô và nghe tiếng Ngài thì không đủ. Điều Đức Giêsu không thể làm trong khi đồng hành với họ, nói chuyện với họ, giải thích lời Chúa, thì Ngài hoàn thành với cử chỉ Thánh Thể: mắt để chiêm ngắm Đấng phục sinh được mở ra ở nơi mà, ngay cả không hoàn toàn được nhận biết, Ngài lập lại cử chỉ vốn nhận diện Ngài tốt nhất (Lc 24, 30-31).
Khung não trạng
Câu chuyện Emmaus có thể là một khuôn mẫu về tiểu sử thiêng liêng của giới trẻ chúng ta: ngày nay chúng ta không có cách trực tiếp nào đến gần Chúa Giêsu khác hơn cái được ban cho chúng ta do cộng đoàn được quy tụ nhân danh Ngài để chúc lành và chia sẻ bánh; chỉ ký ức thánh thể mới có thể ban cho tâm hồn chúng ta, không chỉ niềm vui và nhiệt tình, nhưng cặp mắt để thấy Chúa và ước ao nhận biết Ngài.
Mặc dù đọc Thánh kinh dẫn chúng ta khám phá kế hoạch của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày và làm nóng tâm hồn chúng ta, song nếu đọc Thánh kinh lại không dẫn tới cuộc gặp gỡ Đức Kitô trong cộng đoàn được quy tụ quanh bàn Thánh Thể, thì việc đó không phục vụ mục đích nào. Không quan trọng lắm nếu chúng ta mệt nhọc hay thất vọng, như hai môn đệ Emmaus; khi chúng ta bẻ và chia sẻ bánh trong cộng đoàn, Đức Giêsu hết là kẻ vô danh tiểu tốt: “Tuy nhiên, không một cộng đoàn Kitô hữu nào được xây dựng trừ phi cộng đoàn đó có nền tảng và tâm điểm của mình trong việc cử hành Thánh Thể.”
Một nền giáo dục đức tin mà quên mất hay trì hoãn việc người trẻ gặp gỡ Đức Kitô trong bí tích, thì không phải là một con đường bảo đảm, hữu hiệu để tìm thấy Ngài. Thánh lễ là và vẫn còn phải là “nguồn mạch và tột đỉnh của loan báo tin mừng”. Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu.” Nói rằng không phải tất cả các người trẻ được chuẩn bị đầy đủ tốt đẹp để cử hành việc gặp gỡ Đức Kitô quả là một lời bào chữa sai lầm: Bởi lẽ, gặp Ngài không bao giờ là kết quả của nỗ lực của họ, thậm chí chẳng phải sự hoàn thành những ước muốn của họ, nhưng ân sủng của Đức Kitô, đấng đến gặp những kẻ Ngài yêu mến. Những môn đệ Emmaus có được chuẩn bị tốt để khám phá Chúa trong người bạn đồng hành vô danh không?
Trong cuộc mạo hiểm của hai môn đệ Emmaus chúng ta tìm thấy những giai đoạn quyết liệt và tiếp theo nhau phải trải qua trong việc giáo dục của người trẻ tới đức tin hầu mang lại kinh nghiệm phục sinh vốn đi kèm sự sinh ra đời sống trong cộng thể và chứng tá tông đồ. “Tất cả điều này chúng ta làm khi bắt chước Chúa và theo con đường của tình yêu Ngài trên đường Emmaus. Chúng ta sản sinh lại thái độ của Ngài: chúng ta đi bước trước trong việc tiếp cận giới trẻ và chúng ta liên kết với chúng; chúng ta lữ hành với chúng trên cùng một con đường, lắng nghe chúng, chia sẻ những hy vọng và âu lo của chúng; chúng ta kiên nhẫn giải thích cho chúng sứ điệp đòi hỏi của Tin mừng; và chúng ta ở lại với chúng để lập lại cử chỉ bẻ bánh và khuấy động trong chúng nhiệt tình đức tin.”
Lm Giuse Nguyễn Văn Am, SDB