Phụng Vụ Lời Chúa cho thiếu nhi được thực hiện ra sao?

children mass - Phụng Vụ Lời Chúa cho thiếu nhi được thực hiện ra sao?


Hỏi: Với phiên bản thứ ba của Sách Lễ Rôma, liệu có còn tiếp tục một “chức năng” của Phụng Vụ Lời Chúa cho thiếu nhi không? Liệu có các chữ đỏ chính xác cho việc thực hiện trong Thánh Lễ Chúa Nhật dành cho thiếu nhi không? Nếu có, ai là người chủ sự? Liệu một linh mục hay thầy phó tế cần đọc bài Tin Mừng và giảng lễ không? Hoặc liệu đây là một cơ hội cho thiếu nhi được dùng bút chì và hình ảnh câu chuyện Kinh Thánh để tô màu trong 15 phút hoặc lâu hơn không? – R. V., Glendale Heights, Illinois, Mỹ.

Đáp: Phiên bản mới của Sách Lễ Rôma không xóa bỏ bất kỳ Chỉ thị đặc biệt nào đã được ban hành trong thời gian trước đó. Do đó các qui định ban hành trong Chỉ thị về Thánh Lễ thiếu nhi vẫn còn hiệu lực.

Liên quan đến Phụng Vụ Lời Chúa cho thiếu nhi trong khuôn khổ một giáo xứ, các qui định của Chỉ thị năm 1973 vẫn còn hiệu lực. Xin đọc:

“16. Ở nhiều nơi, Thánh Lễ giáo xứ được cử hành, đặc biệt là vào ngày Chúa Nhật và ngày lễ, và rất nhiều thiếu nhi tham dự thánh lễ chung với người lớn. Trong những dịp như vậy, chứng tá của các tín hữu trưởng thành có thể có một ảnh hưởng lớn trên các thiếu nhi. Ngược lại, người lớn có thể hưởng lợi ích thiêng liêng từ cảm nghiệm phần của thiếu nhi đóng góp trong cộng đồng Kitô hữu. Tinh thần Kitô giáo của gia đình được củng cố nhiều khi thiếu nhi tham gia vào các thánh lễ này, cùng với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình ….

“17. Tuy nhiên, trong Thánh Lễ của loại hình này, điều cần thiết là có sự quan tâm lớn để cho thiếu nhi hiện diện không cảm thấy bị bỏ rơi, vì các em không có khả năng tham gia hoặc hiểu những gì đang diễn ra và những gì được công bố trong thánh lễ. Một vài điều nên thực hiện để quan tâm sự hiện diện của họ: ví dụ, bằng cách nói trực tiếp với họ trong lời giới thiệu (như khi bắt đầu và kết thúc Thánh Lễ) và tại một số điểm trong bài giảng.

“Hơn nữa, đôi khi nếu nơi chốn và bản chất của cộng đồng cho phép, thật là thích hợp để cử hành phụng vụ Lời Chúa, trong đó có bài giảng, cho thiếu nhi trong một phòng riêng biệt, nhưng không quá xa. Sau đó, trước khi bắt đầu phụng vụ Thánh Thể, các em được hướng dẫn trở về lại nơi mà người lớn trong khi đó đã cử hành phụng vụ Lời Chúa riêng cho họ”.

Khi một phụng vụ Lời Chúa được cử hành riêng biệt như thế, bài giảng nên luôn được thực hiện bởi một linh mục khác hoặc thầy phó tế khác. Tuy nhiên, số 24 của Chỉ thị cho phép một số trường hợp ngoại lệ cho quy tắc chung này: “[…] Với sự đồng ý của cha xứ hoặc cha quản đốc nhà thờ, một người lớn có thể nói chuyện với thiếu nhi sau bài Tin Mừng, đặc biệt là nếu linh mục cảm thấy khó khăn trong sự thích nghi với tâm lý của thiếu nhi […]”.

Liên quan đến nội dung của phụng vụ Lời Chúa, Chỉ thị giải thích:

“41. Vì các bài đọc lấy từ Kinh Thánh ‘tạo nên phần chính yếu của phụng vụ Lời Chúa”, ngay cả trong Thánh Lễ cử hành cho thiếu nhi, phần bài đọc Kinh Thánh không bao giờ được bỏ qua.

“42. Về số lượng các bài đọc vào ngày Chúa Nhật và ngày lễ, mọi người cần tuân theo các sắc lệnh của Hội đồng Giám mục. Nếu ba hoặc thậm chí hai bài đọc được qui định cho ngày Chúa Nhật hoặc các ngày trong tuần có thể được thiếu nhi hiểu một cách khó khăn, thì được phép đọc hai hoặc một bài, nhưng bài Tin Mừng không bao giờ được phép bỏ qua.

“43. Nếu tất cả các bài đọc được chỉ định là dường như không phù hợp với khả năng hiểu của thiếu nhi, thì được phép chọn các bài đọc hoặc một bài đọc, hoặc từ Sách Bài Đọc của Sách Lễ Rôma, hoặc trực tiếp từ Kinh Thánh, nhưng cần chú ý đến tính cách của mùa phụng vụ. Hơn nữa, chúng tôi đề nghị rằng Hội đồng Giám mục địa phương nên soạn sách bài đọc cho Thánh lễ thiếu nhi.

“Do khả năng hạn chế của thiếu nhi, nếu cần thiết bỏ qua câu này hoặc câu khác trong bài đọc Kinh Thánh, nên thực hiện một cách thận trọng để làm sao cho “ý nghĩa của bản văn hoặc ý hướng bản văn, cũng như văn phong của Kinh Thánh không bị bóp méo”.

“44. Trong sự lựa chọn các bài đọc, tiêu chuẩn phải theo là nhắm đến chất lượng hơn là số lượng của các bài đọc Kinh Thánh. Do đó, một bài đọc ngắn không phải là luôn phù hợp cho thiếu nhi hơn một bài đọc dài. Tất cả đều phụ thuộc vào lợi ích thiêng liêng mà bài đọc có thể mang lại cho thiếu nhi.

“45. Trong bản văn Kinh Thánh, “Thiên Chúa đang nói với người dân của Ngài… và Chúa Kitô đang hiện diện với các tín hữu qua lời của Ngài”. Do đó, cần tránh các quảng diễn Kinh Thánh. Mặt khác, chúng tôi khuyến khích việc sử dụng các bản dịch Kinh Thánh đã có sẵn cho việc dạy giáo lý thiếu nhi, và đã được chấp nhận bởi giáo quyền địa phương.

“46. Các câu Thánh Vịnh, được chọn cẩn thận phù hợp với sự hiểu biết của thiếu nhi, hoặc bài hát theo hình thức hát thánh vịnh hoặc Alleluia với một câu đơn giản, nên được hát giữa các bài đọc. Các em nên luôn có phần trong việc hát này, nhưng đôi khi một sự thinh lặng suy niệm có thể thay thế cho việc ca hát.

“Nếu chỉ đọc một bài đọc, có thể hát sau bài giảng.

“47. Tất cả các yếu tố, nhằm giúp giải thích các bài đọc, cần được xem xét kỹ để cho thiếu nhi có thể biến các bài đọc Kinh Thánh thành của riêng mình, và có thể đi đến chỗ yêu thích ngày càng nhiều hơn giá trị của Lời Chúa.

“Trong số các yếu tố ấy, có lời dẫn giới thiệu đi trước các bài đọc, và chính sự giải thích bối cảnh hoặc sự giới thiệu văn bản, sẽ giúp thiếu nhi lắng nghe tốt hơn và có hiệu quả hơn. Việc giải nghĩa và giải thích các bài đọc từ Thánh Kinh trong Thánh Lễ kính một vị thánh trong ngày, nên bao gồm tóm tắt hạnh của vị thánh ấy, không chỉ trong bài giảng, mà còn trước các bài đọc trong hình thức giới thiệu.

“Khi bản văn của các bài đọc là thích hợp cho điều trên, thật là ích lợi để cho thiếu nhi đọc bản văn với việc phân vai giữa các em với nhau, giống như bài đọc cuộc Thương Khó của Chúa trong Tuần Thánh vậy.

“48. Bài giảng giải thích Lời Chúa cần được làm nổi bật hơn trong các Thánh Lễ có thiếu nhi. Đôi khi bài giảng dành cho thiếu nhi nên trở thành một cuộc đối thoại với các em, trừ khi tốt nhất các em cần im lặng lắng nghe.

“49. Nếu việc tuyên xưng đức tin diễn ra vào cuối phụng vụ Lời Chúa, Kinh Tin Kính nên được sử dụng với thiếu nhi, đặc biệt bởi vì nó là một phần của sự giáo dục giáo lý cho các em”.

Trong các số khác, tài liệu này đưa ra các khuyến cáo thiết thực khác, chẳng hạn như “Có thể là rất hữu ích khi đưa ra vài công tác cho thiếu nhi. Chẳng hạn, bảo các em mang hoa tới nhà thờ, hoặc phụ trách hát bài này hay bài nọ trong Thánh lễ (số 18)”.

Tương tự như vậy, trong tình hình mà thiếu nhi không được tách riêng ra khỏi người lớn: “Nếu số lượng thiếu nhi là đông, thì đôi khi nên soạn kế hoạch Thánh Lễ để cho nó thích hợp hơn nữa với nhu cầu của thiếu nhi. Trong trường hợp này, bài giảng được trực tiếp nói với thiếu nhi, nhưng trong một cách mà người lớn cũng có thể hưởng lợi từ bài giảng ấy (số 19)”.

(Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ/ Zenit.org 23-7-2013)
Exit mobile version