Phục Sinh đã thổi luồng sinh khí mới

Giả dụ người ngoại đạo đặt cho chúng ta câu hỏi: Đức Giêsu có sống lại thật không? Câu chuyện sống lại có liên quan gì đến người Kitô hữu không? – Có lẽ chúng ta sẽ tìm mọi cách để chứng minh rằng: Chúa đã sống lại thật. Tuy nhiên, chúng ta không dễ để trả lời câu những hỏi này, nếu cuộc sống của chúng ta không có gì khác biệt hơn hoặc nổi bật hơn cuộc sống của những người chung quanh!


Thánh Gioan thuật lại hai lần hiện ra của Chúa Phục sinh – lần thứ nhất vào buổi chiều ngày Phục Sinh và lần thứ hai là tám ngày sau. Chắc chắn sau cái chết của Chúa Giêsu, các tông đồ hoàn toàn mất phương hướng và rơi vào sợ hãi, lẩn trốn, vì sợ những người Do Thái. Các tông đồ mặc dù còn sống, còn thở, nhưng thực sự tâm hồn các ông đã chết, các ông chỉ như một cái xác không hồn. Vì thế, Chúa Giêsu đã thổi cho các ông luồng sinh khí mới: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần…”. Chúa Giêsu cũng thổi Thần Khí của Ngài cho các tông đồ để tái tạo và ban cho các ông một sức sống mới. Cùng với ơn bình an, Chúa trao cho các ông quyền năng tha tội, là quyền năng của Thiên Chúa, nay được trao cho các tông đồ. Đây chính là kỳ công mà Chúa Phục Sinh ban cho các tông đồ, là những thủ lãnh trong Giáo hội của Ngài.Tất cả các Tin Mừng đều đưa ra cho chúng ta lý chứng về việc Chúa sống lại, đó là ngôi mộ trống và những lần Chúa hiện ra với các tông đồ để cho các ông thấy rằng Chúa đã sống lại thật. Tuy nhiên, chúng ta là những thế hệ tín hữu sau các tông đồ, chúng ta không được nhìn thấy ngôi mộ trống, cũng không được thấy những lần Chúa hiện ra, vì thế, niềm tin Chúa Phục Sinh của chúng ta hoàn toàn phải dựa trên lời chứng của các tông đồ là những người đã chứng kiến những sự kiện này.

Vì thế, để đón nhận được niềm tin Phục Sinh, chúng ta cần trở về với các tông đồ, tức là Giáo hội, và lắng nghe lời chứng của các ngài. Trái lại, khi chúng ta tự tách mình ra khỏi Giáo Hội chúng ta không thể đón nhận được niềm tin này, đó là trường hợp của ông Tôma trong câu chuyện hôm nay.

Niềm tin Phục Sinh có ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống của cộng đoàn Giáo hội sơ khai. Sách Công vụ kể lại rằng: “Các tín hữu bấy giờ gia tăng đông đảo, một lòng một ý với nhau, cùng làm chứng cho việc Chúa sống lại, sống chia sẻ, bác ái, và trong cộng đoàn không còn ai phải thiếu thốn”. Đó là những công việc mà Giáo hội sơ khai đã làm để minh chứng cho niềm tin của mình, hay nói đúng hơn, việc sống yêu thương và thực thi bác ái là lời chứng mạnh mẽ nhất về niềm tin Phục Sinh của Giáo hội và của chúng ta hôm nay.

Hôm nay cùng với Giáo hội cử hành ngày Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta cùng cảm nghiệm tình thương Thiên Chúa dành cho mỗi người. Chúa đã cho Tôma được xỏ tay vào cạnh sườn Chúa, được đụng chạm đến trái tim chạnh thương của Ngài, thì hôm nay, Chúa cũng vẫn cho mỗi người chạm đến lòng thương xót Chúa. Chúa đang chạm đến chúng ta qua tình yêu thương của Giáo hội. Chúng ta chạm đến lòng thương xót Chúa qua Bí tích Giải tội. Hãy tin tưởng đến với Chúa vì Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Tuyên xưng niềm tin Phục Sinh và Lòng thương xót Chúa, chúng ta không thể để mình sống trong ủ dột, buồn chán, cũng không thể buông xuôi hay thất vọng mỗi khi gặp thử thách, gian nan. Trái lại, chúng ta phải sống trong hy vọng và trong niềm tin tưởng rằng Chúa Phục Sinh luôn ở bên ta để giải gỡ cho ta những khó khăn, nhất là những lúc ta gặp khó khăn về niềm tin.

Để mầu nhiệm Phục Sinh ảnh hưởng trên cuộc đời của mình, chúng ta hãy noi theo gương của Giáo hội sơ khai sống yêu thương nhau và chia sẻ với nhau trong tình huynh đệ. Hãy gạt bỏ khỏi mình sự dửng dưng, thờ ơ để biết sống quan tâm đến nhau nhiều hơn. Hãy gạt bỏ khỏi mình sự nhỏ nhen, hẹp hòi, ích kỷ để biết sống quảng đại và cảm thông… Chính đời sống bác ái yêu thương của từng Kitô hữu sẽ là cách chúng ta minh chứng niềm tin Phục sinh một cách mạnh mẽ nhất.

Cầu chúc cho mọi người trở thành sứ giả đem niềm vui Phục sinh đến cho mọi người.

Lm. Giuse ĐỖ ĐỨC TRÍ, GP. Xuân Lộc

Exit mobile version