Phục Hưng Và Cải Cách

CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN
LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Chương 12: PHỤC HƯNG VÀ CẢI CÁCH (TIN LÀNH)
(Thế kỷ XV – XVI)

Luther vor Cajetan - Phục Hưng Và Cải Cách
Đức hồng y Cajetan (trái) gặp gỡ linh mục Martin Luther (phải)

Phần I : GIÁO HỘI THỜI THƯỢNG CỒ

* Giáo hội thời Sứ Đồ

* Giáo hội thời tử đạo

* Đế quốc Roma tòng giáo

* Việc hình thành kinh Tin Kính

* Truyền thống : Các Giáo Phụ

Phần II : GIÁO HỘI THỜI TRUNG CỒ

* Âu Châu ki-tô hóa (tk 6-11)

* Bối cảnh phát sinh Chính Thống Giáo

* Những nền tảng Nước Kitô (tk 11-13)

* Ảo vọng quyền lực

* Hoa trái của lòng tin

* Nước Kitô thời khủng hoảng

Phần III : GIÁO HỘI THỜI PHỤC HƯNG

* Phục hưng và cải cách

* Cuộc canh tân Gíao hội (c.đồng Trentô)

* GH và cuộc khủng hoảng lương tâm Tk.18

* Phúc Âm hóa toàn thế giới (Tkỷ 15-18)

Phần IV : GIÁO HỘI THỜI HIỆN ĐẠI

* Từ Cách Mạng 1789 đến Vatican I

* GH giữa thế giới Tân Tiến (1870-1939)

* Sự trưởng thành các xứ truyền giáo Tk. 19

* Giáo Hội thời Vatican II (1939-1985)

Phần V : GIÁO HỘI VIỆT NAM

* GHVN thời sơ khai (tk 16-17)

* GHVN xây dựng và phát triển

* GHVN thời cận đại (1802-1933)

* Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam

* Giáo hội Việt Nam hiện nay

* Lược sử Giáo hội Việt Nam

I. ÂU CHÂU THỜI PHỤC HƯNG

1,1. Cuộc khai sinh các nước tân tiến

Vào cuối thế kỷ XV, xuất hiện những quốc gia với ranh giới rõ rệt dưới quyền một vị vua thống lĩnh về kinh tế lẫn quân sự. Các quốc gia này muốn tách khỏi những quyền lực thời trung cổ, khỏi quyền giáo hoàng và đế quốc La-Đức :

Anh và Pháp xác định ranh giới sau chiến tranh “Trăm năm” (1453). Vua Pháp Francois I được Đức Lêo X trao quyền chỉ định Giám mục và đan viện trưởng qua thỏa ước Bologne 1516. Anh hoàng Henri VIII (1509-47) cũng nắm giữ vai trò hàng đầu trong lãnh vực chính trị và tôn giáo Âu-châu.

– Nước Tây Ban Nha
, được thống nhất qua cuộc hôn nhân giữa Isabella de Castilla và Fernando de Aragona năm 1469 và hoàn tất năm 1492, sau khi tái chiếm Grenada, vị trí cuối cùng của Hồi-giáo tại nước này. Để phục vụ lợi ích quốc gia, các “ông hoàng Công giáo” tổ chức lại Tòa tra (1478), nhằm truy nã gắt gao những người theo lạc giáo, hồi giáo hay Do thái giáo.

Đế quốc La-Đức : từ năm 1438 chức hoàng đế Đức do bảy ông hoàng bầu lên, thuộc về nhà Habsbourg. Maximilian (1493-1519), qua hai cuộc hôn nhân chiếm thêm Bourgogne và Milan. Ông dùng hôn nhân của con và cháu để lấy Tây Ban Nha, Hung-ga-ri. Cháu ông là Carlos Quinto (1519-1556) được bầu lên làm hoàng đế, được thừa hưởng toàn bộ tài sản đó, kèm thêm các thuộc địa ở Tân thế giới, vì thế Carlos Quinto luôn mang trong mình giấc mộng bá chủ địa cầu.

Trong khi đó, quyền giáo hoàng đã bị giảm sút từ thời có cuộc đại ly giáo. Một số vị cuối thế kỷ XV lại gắn bó với các ông hoàng người Ý để phục vụ nước Ý nên đã trở thành đối thủ của Pháp và nhà Habsbourg. Có vị chỉ lo làm giàu cho gia đình và con cháu. Tệ hại nhất dưới thời Alexandro VI nhà Borgia (1492-1503), nhiều lễ lạc vui chơi được tổ chức ngay tại giáo triều. Vị giáo hoàng này lên ngôi nhờ tiền bạc và tự bôi nhọ tên tuổi vì hai người con là Cesarano và Lucrecia. Còn Đức Julio II (+1513) với mũ chiến và giáp sắt thì chỉ lo điều quân bảo vệ đất Tòa thánh.

Đóng góp đáng kể nhất của 10 vị giáo hoàng từ đức Nicolas V đến Lêo X (từ 1447 đến 1521) là vấn đề “văn hóa và nghệ thuật” thời phục hưng, các vị đứng ra bảo lãnh hoặc thuê mướn nghệ nhân xây dựng, khắc vẽ, trang hoàng các ngôi Thánh đường, cung điện và lăng tẩm.

1,2. Đổi mới văn hóa nghệ thuật

Ông tổ thời phục hưng là thi sĩ Petrarca (+1374), nhà nhân bản Florence. Nhưng phong trào Phục Hưng nở rộ từ 1453, khi Constantinople thất thủ, nhiều nhà bác học Hy-lạp như Bessarion sang Tây phương tị nạn, mang theo nhiều thủ bản Hy ngữ. Người Tây phương có dịp khám phá lại nền văn minh Cổ Đại dưới mọi hình thức : văn chương, nghệ thuật và khoa học. Các học giả người Ý say mê nghiên cứu nền vân chương cổ cho tới lúc này vẫn đang “ngủ yên” trong các đan viện.

Việc chế tạo máy in của Gutenberg (1440) đã giúp cho nhiều tác phẩm trước dành riêng cho một số người nay được phổ biến rộng rãi. Nhiều tài liệu cổ được dịch từ nguyên bản : các triết gia cổ, các giáo phụ, Kinh thánh và sách đạo đức. Hầu hết các sách đầu tiên được in là sách tôn giáo. Khát vọng hiểu biết và hành động bùng lên trong mọi lãnh vực, biểu hiện qua kiến thức bách khoa của những nhà nhân bản và thành tích của những nhà chinh phục, thám hiểm.

a/. Nhân bản thuyết và đức tin Kitô giáo

Nói chung, văn học thời phục hưng mang ba đặc tính
quốc gia, nhân bản và Kitô giáo. Mỗi quốc gia đều phát triển ngôn ngữ riêng và đề cao giá trị xã hội, quốc gia mình. Các nhà nhân bản suy tư tự do hơn về cuộc đời và con người. Dante qua “Thần khúc” đã cho nhiều “đấng bậc” xuống hỏa ngục. Rabelais cổ võ lối giáo dục cá nhân tự do và tự lập.

Điêu khắc hội họa có trung tâm mới tại Ý và có khuynh hướng tả chân, diễn tả đúng với thiên nhiên và cảm nghĩ của con người. Nổi bật có Michel Ange, Raphael, Leonardo Vinci và chân phước Fra Angelico …


Điều đáng lưu ý là trừ vài người như Machiavelli (+1527), tác giả cuốn “Ông hoàng”, còn thì đại đa số các nhà nhân bản vốn là kitô hữu, tìm cảm hứng sáng tác từ niềm tin và Kinh Thánh, ước ao góp phần cải thiện Giáo hội và xã hội. Thomas More (+1535) qua tác phẩm “Lý tưởng quốc” đã phê phán Giáo hội, nhưng ông giữ vững niềm tin để lãnh nhận ngành lá tử đạo.

b/. Đường hướng cải tổ của Erasme

Erasme (+1536) được người đương thời gọi là “ông hoàng các nhà nhân bản”. Qua tác phẩm “Ca ngợi nàng điên” và “Đàm Thoại” ông đã phê phán xã hội về mọi mặt, đặc biệt về các giáo sĩ. Nhưng bận tâm chính của Erasme là “tái sinh con người bằng cách thanh luyện tôn giáo”. Ông muốn cải tổ thần học bằng cách trở về nguồn. Ông cho xuất bản Tân Ước bằng Hy ngữ (1516) và nhiều tác phẩm Giáo phụ, để giải thích Kinh Thánh cho đúng. Theo ông, mục đích chính của thần học là khám phá Đức Kitô ; các tranh luận thần học vô ích nếu không hoán cải được ai ; phải giúp cho mọi người hiểu Tin Mừng bằng chính ngôn ngữ của họ ; phải trở về với tôn giáo nội tâm của “tình thân hữu đích thực và hoàn hảo”.


Erasme cũng đề nghị chính sách cai trị đặt căn bản trên Tin Mừng. Các ông hoàng phải được huấn luyện theo chiều hướng đó. Erasme cũng mạnh dạn đấu tranh cho hòa bình, coi việc các tín hữu đánh nhau là gương mù. Nếu con người phát động chiến tranh, họ phải đình chiến và liên kết với nhau dưới quyền một trọng tài. Tuy có ảnh hưởng rộng lớn, nhưng trong thực tế, đường hướng cải tổ của nhà nhân bản Hà-lan này đã không thành công.

1,3. Ước muốn cải tổ trong Giáo hội

Cách nhìn lạc quan của một số nhà nhân bản không che lấp được nỗi lo sợ sâu xa của con người cuối thế kỷ XV. Khắp nơi đều nói đến thị kiến, khải huyền, đến ngày tận thế. Tín hữu lo sợ mất linh hồn vì nghĩ Chúa toàn năng tiền định tùy tiện và sa tan luôn rình rập khắp mọi nơi. Thực vậy, đồng thời với phong trào phục hưng là cuộc hồi sinh của ma thuật và việc truy lùng các pháp sư.

a/. Giáo hội chậm đáp ứng

Để giải tỏa những lo âu trên, các tín hữu gia tăng đọc kinh kính đức Mẹ, hành hương và tôn sùng các thánh để tìm ân xá. Một số khác đào sâu đời sống tôn giáo qua việc đọc Kinh Thánh và sám hối. Nói chung họ ít tín nhiệm vào tổ chức Giáo hội. Nhiều linh mục không đạt tiêu chuẩn về cả tư cách lẫn kiến thức như tín hữu mong chờ. Nhiều linh mục quá lo đến bổng lộc, kiêm nhiệm những tòa ở xa nơi cư trú. Chẳng có hy vọng gì vị giáo hoàng chỉnh đốn những lạm dụng này. Chính các ngài cũng thu tích tiền bạc để xây cất và chi phí. Các ngài chuẩn miễn cho giám mục sống xa địa phận, cho phép thu thuế và đôi khi dùng hình thức như buôn bán ân xá nữa.

b/. Những phê phán và đòi hỏi canh tân

Ngày nay, chúng ta phải ngạc nhiên về giọng điệu chua cay của Erasme trước những lạm dụng trong Giáo hội, cũng như lời kết án mạnh mẽ của Savonarola trong những năm 1494-1498. Tại Florencia, Savonarola tiến hành cải cách xã hội tại địa phương (giảm thuế, xóa nợ người nghèo..). Với giọng văn sấm sét, ông chỉ trích gắt gao những lạm dụng của đức Alexandro VI, loan báo án phạt Thiên Chúa, dù phải lên giàn lửa.

Nhiều người nghĩ đến biện pháp Công đồng. Năm 1512, đức Julio II khai mạc công đồng Lateranô V, lên án các lạm dụng trong Giáo hội và đề ra một dự án cải tổ, nhưng không kết quả. Công đồng bế mạc tháng 3-1517, thì ngày 31-10 năm đó, Luther niêm yết bản 95 đề tài chống ân xá tại nhà thờ Wittenberg.


II. NHỮNG NHÀ CẢI CÁCH

Đã từ lâu, tiếng “cải cách” (réforme) đồng nghĩa với đổ vỡ trong Giáo hội mà người ta phải tìm ra kẻ chịu trách nhiệm. Thường người ta cho rằng vì trong Giáo hội có quá nhiều lạm dụng, lại không có hy vọng thay đổi, nên một số người rời bỏ Giáo hội. Nhưng hiện nay, đa số đã nhận ra những nguyên nhân tâm linh sâu xa của cuộc cải cách. Vì, cải cách đã phát sinh từ lòng mộ đạo cuối thời trung cổ và từ nỗ lực say mê tìm kiếm Đức Kitô trong Tin Mừng.

Trước đây, quả là khó nhận định chính xác về các nhà cải cách, nhất là về Luther. Vì dưới cặp mắt anh em Tin Lành, thì Luther là “vị lương y nghiêm khắc”, là “thiên sứ được Chúa soi dẫn để đánh đổ tên phản Ki-tô ở Roma”. Còn với người Công giáo, đó chỉ là một nhân vật thô kệch, kiêu căng, khoác lác và đam mê, đã rời bỏ Giáo hội để thỏa mãn những bản năng của mình. Cái nhìn thống nhất chỉ mới có trong vài thập niên gần đây. Mọi người đều nhìn nhận tiến trình đức tin của Luther. Ít người còn hồ nghi về những khuyết điểm và thiếu hiểu biết của Roma. Đồng thời anh em Tin Lành cũng thừa nhận những giới hạn của chính Luther.

2,1. Luther, vị tiên phong

Người ta vẫn coi ngày 31-10-1517 là ngày khai sinh phong trào cải cách. Nhưng biến cố hôm đó chỉ là kết thúc một giai đoạn đã khởi sự từ lâu. Luther, trong những bài viết vào cuối đời, đã kể lại hành trình đời mình giúp ta hiểu điều này.

Martin Luther, chào đời năm 1483 tại Eisleben, miền Saxe nước Đức, trong một gia đình thợ mỏ. Lớn lên trong nền giáo dục nghiêm khắc, cậu có ấn tượng mạnh về tôn giáo trừng phạt, luôn sợ chết và hỏa ngục. Năm 1505, sau khi thoát chết trong một cơn bão tố, cậu hứa và giữ lời, vào dòng Ẩn Sĩ Augustin ở Erfurt. Tại đây, người đan sĩ khổ hạnh Luther thụ phong Linh mục và được cử đi dạy Kinh Thánh tại đại học Wittenberg. Dù đã giữ kỷ luật khít khao, ông không thấy tâm hồn được bình an. Dục vọng, khuynh hướng tội lỗi vẫn còn đó. Theo thần học đương thời, Thiên Chúa làm gì tùy thích, cứu người này, phạt kẻ khác…Bỗng một hôm, Luther tìm ra giải đáp cho nỗi khắc khoải đó khi đọc thơ Roma : “Con người được công chính hóa nhờ đức tin chứ không do việc làm của lề luật” (Rm 3,28). Nghĩa là, người ta được cứu không phải do những cố gắng của mình, nhưng chính Thiên Chúa cho họ nên công chính nhờ ân sủng Ngài. Con người vẫn là tội nhân, nhưng nếu tin, họ sẽ được Chúa cứu. Thế là Luther tìm thấy niềm vui và an bình.

a/. Vấn đề ân xá

Vấn đề ân xá đã cho Luther cơ hội công bố khám phá của ông. Bấy giờ nhiều tu sĩ đi khắp nước Đức rao giảng về ân xá. Có kẻ dám nói : “Một linh hồn được lên trời khi đồng tiền kêu vang dưới đáy hòm tiền”. Áp lễ Các Thánh (31-10-1517) dân chúng nô nức đi viếng hài cốt để lãnh nhận ân xá. Luther tức giận niêm yết 95 luận đề về ân xá lên cửa nhà thờ Wittenberg. Đây là lời phản kháng đối với sự an toàn giả tạo do ân xá mang lại. Người tín hữu không thể mua bán ân sủng mà Chúa ban cách nhưng không. Luther tỏ ra ôn hòa khi nói đến quyền Giáo hoàng, ông không nghĩ là phải đoạn giao với Roma. Các luận đề của ông rất thành công ở Đức và khắp Âu Châu. Chính Erasme cũng cổ võ nồng nhiệt.

b/. Dẫn đến đoạn giao

Luther bị tố cáo về tòa án Roma. Trong vòng ba năm các tu sĩ cùng dòng (Augustin) và các phái viên tòa thánh cố khuyên ông từ bỏ những xác quyết của mình. Nhưng cuộc tranh cãi đã thức tỉnh tinh thần quốc gia của người Đức. Luther trở thành người bênh vực của một dân tộc đã mệt mỏi vì chính sách thuế khoá của giáo triều Roma.

Trong ba bài viết dài về cải cách năm 1520, Luther xác định suy tư của ông : “kêu gọi quí tộc Đức”, “cuộc lưu đày Babylon của Giáo hội” và “quyền tự do của kitô hữu”. Ông cũng hô hào triệu tập công đồng chung, nhưng vẫn quả quyết công đồng có thể sai lầm. Lập trường của ông ngày càng cứng rắn. Nếu trước ông nói : ” Chấp nhận hay không, tiếng nói của Đức Thánh Cha sẽ là tiếng Đức Kitô nói với con”, thì sau ông nói: “Giờ đây tôi biết rõ, giáo hoàng chính là Quỉ Vương ra đời”.

Tháng 6-1520, đức Lêo X qua tông chiếu “Exsurge”, kết án 41 mệnh đề của Luther và cho ông hai tháng để tuân phục. Ngày 10-12, ông long trọng đốt bản tông chiếu. Tháng giêng năm sau ông bị vạ tuyệt thông. Tại hội nghị Worms, các ông hoàng nước Đức triệu tập ông về để xét xử. Trước mặt hoàng đế Carlos Quinto, ông cương quyết giữ lập trường “vì lương tâm và theo Kinh Thánh”. Ông bị án trục xuất, nhưng bạn hữu của ông tổ chức “bắt cóc” ông đưa đi trốn. Thời gian này ông dịch Tân Ước sang tiếng Đức (năm 1533 mới dịch xong Cựu Ước).

c/. Những xáo trộn tại Đức

Nước Đức chia thành hai phe, hoặc bênh hoặc chống Luther. Nhưng phe bênh Luther lại có những động lực khác nhau. Giới quí tộc thì muốn chiếm đất đai của Giáo hội. Nông dân nghèo thì nhân quyền bình đẳng của con người trước Thiên Chúa để nổi dậy chống lại các lãnh chúa … Cuộc chiến tàn khốc bùng nổ năm 1524-1525. Điều Luther lo ngại là đám dân này dám xác nhận mình hành động theo lời Chúa như : “phải lật đổ những kẻ quyền thế xuống khỏi bệ cao”… Không thể trấn áp phe nông dân, Luther quay sang kêu gọi các lãnh chúa trấn áp cuộc nổi dậy. Thomas Muntzer (1490-1525) bênh vực nông dân, phê phán mạnh mẽ nhà cải cách, Muntzer bị bắt và bị chém đầu.

Cũng trong giai đoạn này, Luther đoạn giao với Erasme, là người không chấp nhận quan niệm bi quan của Luther về con người tự do. Luther bỏ áo dòng và kết hôn với Catharina Bora, một nữ tu hồi tục : “Để chọc giận ma quỉ…và tất cả những kẻ khá điên nghiêm cấm giáo sĩ kết hôn”.

d/. Giáo lý và Giáo hội Luther

Mới đầu Luther không có ý lập Giáo hội mới. Ông nghĩ nếu Giáo hội trở về với Tin Mừng sẽ tự đổi mới. Nhưng những xáo trộn vì nhiều cách giải thích Lời Chúa quá khác biệt đã đưa ông đến chỗ xác định giáo thuyết và đề ra một tổ chức tối thiểu. Năm 1529, ông xuất bản hai cuốn giáo lý “Lớn” và “Nhỏ” (cho mục sư và tín hữu) và gặt hái nhiều thành công.

Đối với Luther, mọi sự đều khởi từ kinh nghiệm nền tảng của ông. Ý thức sâu xa mình là tội nhân, con người nhờ Kinh Thánh khám phá ra ơn cứu độ của mình do tự Thiên Chúa và bởi lòng tin mà thôi. Thiên Chúa làm tất cả. Con người không làm gì hết. Những việc tốt không làm cho con người nên tốt. Nhưng kẻ được Chúa công chính hóa thì làm việc tốt. Vì thế, Luther từ chối các truyền thống đi ngược lại vị trí tối thượng của Thánh Kinh và đức tin. Ông loại bỏ những gì con người dùng làm phương tiện để đáng nhận ơn cứu độ như : tôn kính các thánh, ân xá, lời khấn Dòng, các bí tích không ghi rõ trong Kinh Tân Ước. Tất cả những gì không ghi rõ trong Thánh Kinh đều vô giá trị. Chỉ có chức Linh mục cộng đồng của tín hữu (không cần hàng giáo phẩm). Giáo hội, cộng đồng những người tin, là thực tại vô hình, không cần tài sản và tổ chức.

Trong thực hành, Luther giữ lại hai bí tích Rửa tội và Thánh Thể, đồng thời chấp nhận việc xưng tội với Chúa. Tiệc Thánh được cử hành bằng tiếng địa phương, nhưng không phải là tế lễ, dù ông tin Đức Kitô hiện diện thực sự. Ông đề cao việc hát cộng đồng và đề nghị tổ chức tối thiểu để công bố Lời Chúa và cử hành bí tích. Các ông hoàng nắm giữ quyền Chúa ban, sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Như thế, Luther khi từ chối quyền giáo sĩ lại tăng cường quyền cho các ông hoàng. Các Giáo hội theo Luther trở thành Giáo hội quốc gia với tổ chức thay đổi tùy từng miền từng nước.

e/. Nở rộ các nhà cải cách khác

Ngoài đồ đệ của Luther như Melanchton (+1560), thì đồng thời với Luther, rộ lên nhiều nhà cải cách khắp nước Đức và Thụy Sĩ. Đa số họ là linh mục và thường là tu sĩ. Nhưng nếu họ đồng ý với Luther về đức tin và Kinh Thánh thì họ lại khác với ông khi nói về bí tích Thánh Thể. Cải cách ở Strasbourg có Bucer (+1551) tại Bâle có Oecolampade (+1531), còn ở Nurem-berg có Osiander (÷1552). Trước khi từ trần năm 1546, Luther đã đoạn giao với nhiều người trong họ.

2,2. ZWINGLI (1484-1531) tại Thụy Sĩ

Zwingli vốn được coi là nhân vật thứ ba của cải cách sau Luther và Calvin. Ông là nhà nhân bản, đồ đệ của Erasme, cha sở họ Glaris, Thụy Sĩ. Cùng các tín hữu trong xứ, ông phục vụ giáo hoàng đi chiến đấu ở Ý. Về làm cha sở Zurich, ông đưa cả thành phố theo cải cách : tục hóa các tu viện, triệt hạ ảnh tượng, tổ chức phụng vụ bằng tiếng Đức. Ông ít quan tâm đến kinh nghiệm cá nhân như Luther, mà lại nhấn mạnh đến việc tổ chức Giáo hội và giải phóng dân tộc khỏi lệ thuộc ngoại bang. Ông không ngần ngại cưỡng ép kẻ chống đối. Phái Anabapstisme cấm rửa tội cho trẻ em, ông ném họ xuống sông.

Khác với Luther, Zwingli coi Thánh Thể chỉ có sự hiện diện biểu tượng hoặc là lời hứa thuần túy. Phép rửa tội tự nó không có hiệu lực mà chỉ là dấu được Chúa chọn. Nhiều khu vực Thụy Sĩ chống lại cuộc cải cách này đưa đến nội chiến. Zwingli theo đạo quân Zurich và chết trong khi chiến đấu. Nhiều giáo đoàn Thụy Sĩ theo ông, chỉ cử hành Tiệc Thánh mỗi năm 4 lần.

2,3. CALVIN (1509-1564)

Cùng với Calvin, phong trào cải cách bước sang giai đoạn hai, giai đoạn củng cố và tổ chức. Đặc biệt, Calvin chỉ là tín hữu. Thực ra tại Pháp, việc cải cách theo nghĩa rộng đã có từ trước, nổi tiếng nhất là nhóm Meaux, tập trung quanh Gm Briconnet (+1534), Lefèvre d’Etapes (+1536) một dịch giả Tân Ước và công chúa Maguerite, em vua Francois I. Ban đầu, vua Francois I nhân nhượng với cải cách, nhưng vụ “dán bích chương” năm 1534 nhục mạ thánh lễ và hàng giáo phẩm, được gắn cả trên cửa phòng nhà vua, đã khiến vua nổi giận truyền truy nã và thiêu sinh khoảng 40 người. Từ nay phe cải cách Pháp đã có những “tử đạo”. Họ cần một hệ thống thần học và Calvin đã làm điều đó.

a/. Jean Calvin :


Jean Calvin sinh tại Picardie, tốt nghiệp văn chương tại Paris và luật tại Orléans, chịu ảnh hưởng các nhà nhân bản. Ông tìm thấy ở Luther lời giải đáp về tiền định, về tội lỗi và hình phạt nhưng quan tâm đến đời sống đức tin. Từ 24 tuổi, Calvin đã được tham dự các buổi hội kín ở Paris. Còn Lefèvre thì giống cụ Siméon đã khóc lên mừng rỡ khi thấy Calvin như “đấng được trời sai đến”. Sau vụ “dán bích chương”, Calvin trở thành thần học gia của các nhà cải cách Pháp. Tại Bâle năm 1536, ông xuất bản cuốn “Thể chế Kitô giáo”, được tái bản nhiều lần, cho đến dạng thức bốn tập năm 1559, trở thành thủ bản thần học của Tin Lành.

Vì những cải cách luân lý quá khắc nghiệt, dân Genève trục xuất Calvin năm 1538 (ông đến Strasbourg), nhưng năm 1541 họ lại phải mời ông về để ổn định trật tự. Ông ở đây cho đến chết. Khi tổ chức lại Giáo hội Genève, Calvin giúp cho cuộc cải cách thoát khỏi dạng vô luân, hỗn độn và khỏi lệ thuộc các ông hoàng. Ông đưa ra mẫu Giáo hội thực sự trang nghiêm và đáng kính được phổ biến khắp năm châu.

b/. Genève, thành phố Giáo hội

Tuy dựa vào giáo thuyết Luther trong những trực giác căn bản, giáo lý của Calvin hệ thống hơn và có những điểm nhấn riêng biệt, Calvin nhấn mạnh uy quyền tối cao của Thiên Chúa (Soli Deo gloria), ông khẳng định sự hư hỏng của con người sau tội nguyên tổ. Mọi người đều bị kết án, nhưng Thiên Chúa quyền uy cứu thoát những ai Người chọn : đó là sự “tiền định” thường được coi là đặc tính của Giáo hội Calvin. Ông đề ra một nền luân lý thực hành là cách biểu hiện quyền thừa tự, vì chúng ta đã được Chúa nhận làm nghĩa tử. Nền luân lý ấy còn có tính xã hội vì con người là thụ tạo xã hội.

Để xác nhận đức tin của mình, con người cần có sự hỗ trợ bên ngoài là Giáo hội vô hình, Calvin liền nhấn mạnh đến Giáo hội hữu hình là cộng đoàn địa phương. Giáo hội đích thực là “nơi Lời Chúa được rao giảng cách tinh tuyền và bí tích được cử hành”. Các bí tích là dấu bên ngoài Chúa ban ơn sủng và là dấu chứng thực niềm tin của ta. Calvin bênh vực mạnh mẽ việc rửa tội trẻ em. Về Thánh Thể và Tiệc Thánh, Calvin nói : Đức kitô trao ban chính mình khi chúng ta lãnh nhận bánh và rượu.

Giáo hội phải được tổ chức chặt chẽ. Sống vô trật tự là nhục mạ Đức Kitô, thủ lãnh Giáo hội. Năm 1541, Calvin ra cuốn “Các phẩm chức Giáo hội” đặt nền tảng cho Giáo hội Genève. Cơ cấu mới dựa vào nguồn Kinh Thánh, nhưng cũng phản ánh con người Calvin với những kiến thức về luật và triết học Platon. Có bốn tác vụ : Mục sư, tiến sĩ, nguyên lão (nghị viên) và phó tế. Đứng trên hết là tôn giáo nghị hội (Consistoire) gồm sáu mục sư và 12 nghị viên do chính quyền tuyển chọn. Nghị hội họp thứ năm mỗi tuần, để kiểm điểm lòng đạo đức và đời sống luân lý của tín hữu. Quyền dân sự có trách nhiệm thi hành những quyết định của nghị hội.

Như vậy, mặc dầu trên nguyên tắc, giáo quyền và thế quyền phân biệt, nhưng thực tế, các nghị viện do dân quyền chỉ định và nghị hội có quyền phê phán quyền dân sự. Thành phố Kitô-giáo-Genève không xa với nước Kitô thời Trung cổ bao nhiêu. Nhiều chỉ đạo tỉ mỉ qui định các tranh chấp giáo lý biến thành bi kịch như nhà sinh vật học Servet (Tây Ban Nha) bị thiêu sinh năm 1553 vì chối Chúa Ba Ngôi.

c/. Ảnh hưởng cuộc cải cách của Calvin

Năm 1559, Theodore de Bèze thiết lập Hàn Lâm Viên Genève góp phần phổ biến cuộc cải cách Calvin. Tại đây việc giảng dạy được tổ chức hoàn chỉnh từ sơ cấp đến cao đẳng. Nhiều người nước ngoài đến đây học thần học, sẽ về tổ chức Giáo hội cải cách theo kiểu Calvin. Nhờ đó cải cách của Calvin có tính cách phổ quát và có thẩm quyền. Nhiều Giáo hội vay mượn những yếu tố của Giáo hội Genève, cách riêng là phái Presbyteranisme (do các nguyên lão cai quản).

Đàng khác, khi Calvin đề ra cách sống Tin Mừng trong hoàn cảnh cụ thể, ông phục hồi giá trị vật chất theo thần học. Khi cổ võ buôn bán và tích lũy của cải chính đáng, ông đã cắt đứt với nhãn giới trung cổ và trở thành mẫu người hợp thời. Vì thế, có sử gia coi ông là một trong những người khởi xướng chủ nghĩa tư bản.


III. ÂU CHÂU, NHIỀU LỐI TUYÊN TÍN

Suốt thế kỷ XVI, nước Kitô bị chia thành nhiều “Giáo hội”. Bản đồ tôn giáo mới đã thành hình, nhưng mãi đến năm 1648, sau chiến tranh “ba mươi năm” các biên giới mới được xác định dứt khoát.

3,1. Đức và Bắc Âu

Trải bao năm tháng, hoàng đế Carlos Quinto vẫn nuôi hy vọng tái lập thống nhất tôn giáo trong đế quốc. Ông dùng nhiều biện pháp lần lượt hoặc cùng lúc : cổ võ công đồng (như Trento), tranh luận ôn hòa hoặc áp lực quân đội. Các ông hoàng công giáo và những người ủng hộ cải cách lập thành những liên minh đối đầu sẵn sàng nội chiến. Năm 1526, Hội nghị Spira đã cho các ông hoàng quyền tự do cải cách trong lãnh thổ mình. Năm 1529, hội nghị Spira II rút lại nhượng bộ đó. Thế là 14 ông hoàng ký vào bản Thệ Ước phản đối hội nghị (Protestation). Đó là nguồn gốc chữ Thệ Phản (Protestant). Năm 1530 Carlos Quinto mời các phe nhóm đến hội nghị Augsbourg trình bày giáo thuyết của mình. Melanchton nhân danh Luther soạn 28 khoản điều trần, gọi là bản “tuyên tín Augsbourg” cho đến nay vẫn được phái Luther trưng dẫn. Melanchton tỏ ra ôn hòa, cố chứng minh đôi bên chỉ khác nhau về nghi lễ, kỷ luật.

Nhóm Luther vẫn tiếp tục bành trướng. Nhưng Luther phải đấu tranh với những lầm lạc của nhóm Anabapstisme tại Munster (+1535). J. Leyde muốn thiết lập nước Kitô dựa theo Khải Huyền với chế độ đa thê và chia đều tài sản. Carlos V mới đầu thương nghị, rồi khai mạc công đồng Trento (1545), sau đem quân trừng phạt vẫn không vãn hồi được hòa bình. Cuối cùng hòa ước Augsbourg 1555 đã chia nước Đức thành hai khu vực. Chỉ có các ông hoàng được tự do chọn tôn giáo theo nguyên tắc “cujus regio, ejus religio”, nghĩa là miền nào đạo ấy. Quần chúng phải theo sự chọn lựa của ông hoàng, bằng không họ phải đi miền khác.

Về phần các lãnh chúa, miền Scandinavie thì chọn theo phái Luther (Thụy Điển 1527, Đan Mạch, Na Uy 1537). Tuy nhiên với dân ở đây điều này ít quan trọng, họ không thay đổi gì nhiều, vì hầu hết các tập tục cũ được giữ gìn.

3,2. Quần đảo Anh : Anh Giáo

Vua Henri VIII (1509-1547) từng được Đức Lêo X gọi là người “bảo vệ đức tin” khi có phong trào Luther. Thế nhưng vì ông chỉ có một con gái (bốn cô khác đã chết), nên ông xin Tòa Thánh cho ly dị Catarina, vốn là vợ của anh vua đã quá cố, để cưới Anne Boleyn. Chờ đợi lâu không được, ông cưỡng ép các Giáo sĩ Anh chấp thuận và tự tuyên bố là thủ lãnh Giáo hội Anh Giáo qua sắc lệnh “Quyền Tối Thượng” (1534). Hàng ngàn vị trung thành với Roma, trong đó có Gm Fisher, ông Tomas More, bị hành quyết. Dầu sao, vua vẫn giữ đức tin Công giáo.

Vua Henri VIII có ba người con là Mary Tudor (con bà Catarina), Elisabeth (con bà Boleyn) và Edward VI (con bà Jane Seymour). Thời vua Edward VI (1547-1553) tư tưởng Calvin được đưa vào cuốn Prayer Book 1549 và đạo luật 42 khoản năm 1553. Nữ hoàng Mary Tudor (1553-58) cố đưa nước Anh về Công giáo đã tiến hành khoảng 200 vụ hành quyết. Còn Elisabeth I (1558-1603) thì sử dụng Anh Giáo như một chọn lựa chính trị : tuyên bố ly khai năm 1559, lấy lại Prayer Book, phổ biến 39 khoản tín lý, lập hàng giáo phẩm mới. Nói chung Anh giáo là một tổng hợp giữa thần học Calvin và hình thức cổ truyền như chức Giám mục, y phục, phụng vụ… Những người Công giáo và Tin Lành bất phục đều bị truy nã không thương xót.

Giáo hội cải cách Tô-cách-lan là Giáo hội Nguyên lão dựa theo giáo lý Calvin và công khai hóa từ 1560. Người tổ chức tại đây là John Knox (1514-72), đã sống lâu ngày với Calvin tại Genève. Riêng người công giáo Ái nhĩ lan, đã viết nên những trang sử đẫm máu, vì cương quyết không theo Anh Giáo dù bị đàn áp, thống trị.

3,3. Tại Pháp

Chính sách các vị vua Pháp thay đổi luôn. Những thuận lợi của hòa ước Bologne khiến các ông trung thành với Roma. Sau vụ “dán Bích Chương”, việc đàn áp lạc giáo ngày càng tăng. Khoảng 3.000 người Vaudois liên minh với phe cải cách bị tàn sát năm 1545. Nhiều Giáo hội cải cách Pháp “trỗi dậy” ở nhiều thành phố. Công nghị Paris 1559 qui tụ được đại biểu của 50 Giáo hội, đã soạn thảo cuốn kỷ luật và bản tuyên xưng Đức Tin mới. Công nghị Rochelle 1571 đã duyệt lại và long trọng châu phê tài liệu nền tảng này của Tin Lành Pháp.

Tuy nhiên, nhóm cải cách gọi là Huguenots liên kết thành một đảng phái chính trị. Trong ý hướng hòa giải, nữ hoàng nhiếp chính Catherine de Medicis và tể tướng Michel de l’Hôpital chấp nhận cho nhóm Huguenots một số quyền tự do.

Thế nhưng, cuộc tàn sát những người cải cách tại Wassy (1562) đã khởi đầu cuộc chiến tranh tôn giáo kéo dài đến năm 1598. Đẫm máu nhất là cuộc thảm sát vào lễ Saint Barthélémy (24-8-1572). Lấy cớ phá vỡ âm mưu của Tin Lành, Cathérine cho giết nhóm Huguenots ở Paris rồi ở các thành phố khác : có đến mấy chục ngàn nạn nhân trong vụ này. Vua Herri IV, sau khi tuyên bố bỏ đạo Tin Lành, vãn hồi trật tự bằng sắc lệnh Nantes 1598, cho phép tự do Tôn giáo và tự do phượng tự. Phía Tin Lành được bảo đảm về pháp lý với một số khu vực an toàn, có quyền võ trang để tự vệ.

3,4. Bản đồ tôn giáo mới

Cần phải nói thêm về nước Hà Lan vốn thuộc nhà Habsbourg nay về tay Felipe II Tây ban Nha từ 1555. Tại đây, phái Calvin đưa ra bản “tuyên tín Hà Lan” năm 1561. Công tước Anbe nhân danh vua Tây ban Nha áp dụng chính sách đàn áp đẫm máu. Tại các tỉnh phía Bắc, những người cải cách lập ra một nước tự do quanh Guillaume d’Orange gọi là “Liên Tỉnh” (Provinces Unies). Ở đây tôn giáo chính theo Calvin.


TOÁT YẾU


Cuối thế kỷ XV các quốc gia Âu-châu được hình thành vững chãi, Anh, Pháp, Tây Ban Nha đều muốn tách khỏi quyền hoàng đế La Đức và quyền giáo hoàng. Đồng thời xuất hiện cuộc đổi mới văn hóa sâu xa, quen gọi là thời Phục Hưng mang đặc tính
quốc gia, nhân bản và Kitô giáo. Máy in đã giúp các tài liệu cổ được phổ biến rộng rãi. Nhiều người như Erasme, Thomas More, tìm về nguồn Kinh Thánh và Giáo phụ, đã muốn thanh lọc Giáo hội khỏi những vết chai cứng của quá khứ, muốn cổ võ đời sống nội tâm tôn giáo, nhưng chưa thành công.

Các hệ phái Tin Lành xuất hiện với những nội dung khác nhau :

– Từ 1517, Luther nhấn mạnh giá trị Kinh Thánh và ơn công chính hóa nhờ Đức tin, loại bỏ những phương tiện trần gian kể cả hàng giáo phẩm. Trước cuộc nổi dậy của nông dân, ông tăng cường quyền của các ông hoàng. Từ 1555, nước Đức chia thành hai phe : miền nào đạo nấy.

– Zwingli tổ chức cải cách cưỡng bách tại Thụy Sĩ.

– Calvin tại Pháp xây dựng hẳn một hệ thống thần học mới, đưa ra tổ chức mới dựa trên Giáo hội địa phương, dưới sự điều hành liên hiệp với quyền dân sự trong các Nghị hội. Nhờ Viện hàn lâm Genève, giáo lý của ông được phổ biến rộng rãi.

– Anh Giáo do Henri VIII khởi xướng ghi đậm nét sự gia tăng quyền bính của Anh Hoàng, vẫn giữ nguyên hình thức cũ nhưng sử dụng thần học Calvin. Nữ hoàng Elisabeth là người chính thức công bố ly khai với Roma năm 1559. Ngoài ra, các nước Bắc Âu và Islande theo phái Luther ; Hà Lan, vùng Liên Tỉnh, Tô-cách-lan theo giáo lý Calvin. Tại Pháp, sau chiến tranh tôn giáo 1562-98 các Giáo hội Calvin có một số khu vực an toàn để hành đạo.


BÀI ĐỌC THÊM


CÁC GIÁO HOÀNG THỜI PHỤC HƯNG

Nếu các vị giáo chủ đại diện Đức Kitô cố gắng noi gương Ngài trong nếp sống nghèo, làm việc, sống khôn ngoan, yêu thập giá và khinh chê cuộc đời ; Nếu họ suy nghĩ về danh xưng PAPE nghĩa là “Cha” và về tước hiệu “Đức Thánh” người ta dành cho họ, chắc các vị sẽ không là người khổ nhất trần gian ? Kẻ đã dốc cạn túi để mua chức vị, lẽ nào không bảo vệ nó bằng vũ khí, độc dược và bạo lực ?

Biết bao lợi lộc sẽ mất nếu ngày nào đó sự khôn ngoan đến với các vị ! Mà chẳng cần đến khôn ngoan nữa, chỉ cần một hạt muối Đức Kitô đã nói tới, (sẽ mất) bao giàu sang, danh vọng, chiến tích, văn phòng, chuẩn miễn, thuế má, biết bao lừa, ngựa lính canh và bao điều vui thú… Rồi phải thay vào đó là thức đêm, chay tịnh, nước mắt, cầu kinh, bài giảng, học hành, phạt xác và hàng ngàn thứ bất tiện phiền hà.

Chúng ta đừng quên điều gì sẽ xảy đến với bao nhiêu thơ lại, kí lục, chưởng khế, luật sư, cổ động viên, thư ký, người chăn la, kẻ nuôi ngựa, chủ khách sạn, các người môi giới ? Tôi xin nói một từ khá sống sượng, xin đừng bận tâm để tai. Sự đông đảo vô số này ắt sẽ sinh ra nạn đói kém …

(Erasme, Eloge de la Folie LIX, JC. Để đọc LSGH II,p.9)


TÔN GIÁO THEO ERASME

Thính giả của chính Đức Kitô là ai ? Chẳng phải là đám đông hỗn độn gồm mù, què, hành khất, thu thuế, bách quản, thợ thủ công lẫn đàn bà trẻ con sao ? Lẽ nào Ngài lại buồn vì những kẻ Ngài muốn họ nghe, nay có thể đọc được Lời Ngài ? Quả vậy, bác nông dân sẽ đọc Lời Ngài, thợ thủ công cũng đọc, rồi tên trộm, cô gái điếm, đám ma cô và cả dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ đọc. Nếu Đức Kitô không cấm họ nghe Lời Ngài, tôi sẽ không cản họ đọc về sách Ngài […]

Đức Kitô muốn triết lý Ngài lan rộng bao nhiêu có thể. Ngài chết cho mọi người, Ngài muốn mọi nguời nhận biết. Mục đích ấy sẽ đạt được nếu các sách của Ngài được dịch ra mọi ngôn ngữ của mọi nước, hoặc là nhờ các ông hoàng dạy cho dân ba ngôn ngữ truyền đạt triết lý thần linh (Dothái, Hilạp, Latinh)


Cuối cùng, đâu có gì bất nhã khi người ta đọc Phúc Âm bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng mà mỗi người điều hiểu được : Người Pháp đọc tiếng Pháp, Người Anh đọc tiếng Anh, dân Đức đọc tiếng Đức còn người Ấn đọc tiếng Ấn ? Theo tôi, điều bất nhã tức cười hơn, là đám dân thất học và các bà, hát thánh vịnh và đọc kinh Chủ Nhật bằng tiếng La Tinh như con vẹt, chẳng hiểu mình đọc gì !

(Erasme, Paraphrases de St Matthieu – JC. Để đọc LSGH II,p.10)


TƯƠNG QUAN GIỮA KINH THÁNH, TÍN LÝ, THẦN HỌC

Các văn sĩ thời đầu Giáo Hội chỉ tranh luận cách chừng mực về các thực tại thần linh […] miễn cưỡng các vị mới đề ra những định nghĩa. Còn chúng ta thì khác, không thể tha thứ được, vì đã đưa ra biết bao vấn nạn kì quặc và định nghĩa bao điều vô ích với ơn cứu độ […]

Không lẽ không thể kết hiệp với Ba Ngôi nếu không biết giải thích sự phân biệt giữa Cha và Con, giữa Thánh thần với Hai Ngôi khác sao ? Điều quan trọng mà ta phải nỗ lực thực hiện, đó là giữ tâm hồn ta khỏi những đam mê : ghen tuông, giận hờn, kiêu căng, hà tiện và tham vọng. Nếu không có trái tim trong sạch tôi sẽ không thấy Chúa. Nếu không tha thứ cho anh em, Chúa sẽ không tha thứ cho tôi (…)

Người ta sẽ chẳng bị kết án vì không biết nguyên ủy của Thánh Thần là đơn hay kép, nhưng ta sẽ không thoát được án phạt nếu ta không gắng có được hoa trái của Thánh Thần : đó là tình yêu, niềm vui, kiên nhẫn, đại lượng, hiền hòa, tin tưởng, khiêm tốn và chay kiêng […]

Khoa thần học đích thực không khẳng định điều không có trong Kinh Thánh … Ngày xưa đức tin hệ tại đời sống hơn là tuyên xưng các mệnh đề đức tin […] dần dần mới có nhu cầu định tín, nhưng rất ít điều đơn sơ. Sau đó vì các lạc giáo, người ta đòi khảo sát Kinh Thánh kỹ hơn … Kinh Tin Kính bắt đầu nằm trên bản viết hơn là khắc trong tâm hồn…

Càng thêm câu đoạn, sự đơn giản càng bớt […] Tôn giáo trở nên lý luận tranh biện, và Giáo Hội chìm trong kim tự tháp các câu đoạn. Từ đó người ta dùng đến sợ hãi và đe dọa. Bằng bạo lực và sợ hãi ta bắt người khác tin điều họ không tin, yêu điều họ không yêu và hiểu điều họ không hiểu (ngày 5-1-1523)

(Thư gửi J. Carondelet, TGmục Palermo
JC Để đọc LSGH II,p.11)


NGƯỜI CHIẾN SĨ HÒA BÌNH

Erasme phẫn nộ vì giáo hoàng biến thành đấu sĩ và xúc động kêu mời các Kitô hữu xây dựng hòa bình.
Mũ chiến và mão Giám Mục nào có gì chung ? Đâu là liên hệ giữa gậy Giám Mục và lưỡi gươm ? Giữa sách Phúc Âm và lá chắn ? Thưa các giám mục, những đấng kế vị các Tông đồ, sao các Ngài dám dạy cho dân chúng điều thuộc về chiến tranh. Jules exclu du Ciel,1514 (về giáo hoàng Julio II)

Một số chân lý những người này cảm nghiệm không thể nào vượt qua được biển cả ; một số chân lý khác không vượt được rặng núi Alpes ; một số khác nữa không đi xa hơn dòng sông Rhin (…) Những ngọn cờ mang hình Thánh Giá ; quân đánh thuê vô đạo, được trả tiền để đi tàn sát và cướp phá cũng mang trước ngực hình Thánh Giá. Và Thánh Giá lẽ ra hòa giải được chiến tranh, lại trở thành dấu hiệu chiến tranh (…) Thánh lễ được cử hành trong doanh trại bên này lẫn bên kia. Còn gì quái gở hơn không ?

Tôi hô hào (và chính hòa bình lên tiếng) các ông hoàng (…) các linh mục (…) các giám mục (…) Tôi hô hào tất cả những ai tự hào mình mang danh Kitô hữu, ngõ hầu họ chung vai sát cánh tìm một thỏa thuận chung và dốc toàn lực chống lại chiến tranh…

(Erasme, La plainte de la Paix décriée et chassée de tous les nations (1517)
JC. Để đọc LSGH II,p.12)


MỘT GIÁO HỘI PHẢI CANH TÂN

Bài giảng Savonarola khởi sự cuộc cải tổ phong hóa Florence năm 1494.

Đến đây hỡi Giáo Hội nhuốc nhơ kia, hãy lắng nghe điều Chúa nói với ngươi : Ta đã cho ngươi những trang phục lộng lẫy, ngươi lại biến nó thành thần tượng. Bằng những bình vại quý giá, ngươi nuôi dưỡng lòng tự kiêu của ngươi. Ngươi đã xúc phạm đến các bí tích bằng tội mại thánh. Sự xa hoa diêm dúa đã biến ngươi thành cô gái làng chơi xấu mặt. Ngươi còn tệ hơn con vật : ngươi là quái vật ghê tởm. Xưa kia ít ra ngươi còn biết thẹn thùng vì tội lỗi mình ; giờ đây ngươi chẳng còn e lệ gì nữa. Xưa kia, nếu linh mục có con, họ gọi chúng là cháu; giờ đây người ta không có cháu nữa, họ có con, đơn giản là những đứa con.

Ngươi đã dựng lên ngôi nhà ăn chơi trụy lạc, ngươi đã tự biến mình từ trên xuống dưới thành căn nhà nhuốc nhơ. Hỡi cô điếm, cô làm gì thế ? Ngồi vắt vẻo trên ngai Salomon, cô vẫy tay mời khách qua đường : ai có tiền thì vào và làm mọi thứ mình thích. Còn những người mong điều thiện bị quẳng ra ngoài. Thế đó, Giáo Hội ngoại tình, ngươi mở cho mọi người thấy sự tủi hổ của ngươi và hơi thở nhiễm độc của ngươi đã bốc đến tận trời cao.

(Fliche et Martin, LSGH,tập 15,t.134 – JC Để đọc LSGH II,tr.13)


CUỘC KHÁM PHÁ CỦA LUTHER VỀ LÒNG NHÂN TỪ

Đến cuối đời, Luther kể lại điều ông coi là kinh nghiệm nền tảng : Ơn Cứu Độ chỉ cần đức tin. Theo nhiều sử gia, biến cố vào cuối 1514.

Tôi đã nóng lòng khát khao được hiểu cặn kẽ một từ ngữ dùng trong thơ Roma, chương thứ nhất có viết : “Sự công chính TC mạc khải trong Tin Mừng”, bởi vì tới khi đó tôi vẫn rùng mình khi nghĩ đến chữ này. Tôi căm ghét chữ “Công Chính Thiên Chúa”, vì theo thói quen vẫn dùng và ý nghĩa triết học các tiến sĩ dạy tôi. Theo đó, tôi hiểu sự công chính họ gọi là mô thức chủ động và vì nó, TC công thẳng và trừng phạt tội nhân lẫn phạm nhân.

Dù là đan sĩ với lối sống không có gì đáng trách, tôi vẫn thấy mình là tội nhân trước TC, lương tâm tôi bối rối tột cùng và không dám chắc Ngài nguôi giận do những đền bù của tôi. Vì thế, tôi không thể yêu vị Chúa công thẳng và trả thù này… Tôi nói : “Vì tội cha ông Ngài bắt chúng tôi phải chết chưa đủ sao, lại còn bắt chúng tôi chịu luật lệ nghiêm khắc? Phải chăng Ngài dùng Tin Mừng để gia tăng hình phạt, lại còn bắt chúng tôi loan báo sự công chính và cơn giận của Ngài ?”. Tôi muốn phát điên lên, lương tâm bị xáo trộn dữ dội, và tôi không ngừng tra cứu đoạn văn thánh Phaolô với niềm khát mong dữ dội muốn biết Ngài muốn nói gì.

Sau cùng Thiên Chúa động lòng thương xót tôi. Đang khi suy niệm ngày đêm, tôi suy xét đến mạch văn : “Sự công chính của TC được mạc khải trong Tin Mừng, như đã viết, người công chính sống bởi đức tin”. Tôi bắt đầu hiểu sự công chính ở đây là điều TC ban để nhờ đó người công chính sống nếu như có đức tin. Vì thế câu trên có nghĩa thế này : Tin Mừng mạc khải cho chúng ta sự công chính TC, nhưng là sự công chính thụ động, qua đó TC tỏ lòng thương xót của Ngài công chính hóa chúng ta bởi đức tin. Tức khắc tôi cảm thấy như được tái sinh và như đã vào được thiên đàng qua cánh cửa mở rộng (…) Trước đây tôi căm ghét chữ công chính bao nhiêu thì nay tôi yêu dấu từ ngữ êm ái này bấy nhiêu…

(Luther, Préfaces de ses oeuvres, 1545 – JC. Để đọc LSGH II,tr.15)


TRÍCH TỪ 95 MỆNH ĐỀ CỦA LUTHER VỀ ÂN XÁ

(31.10.1517)

1. Khi nói hãy sám hối, Đức Kitô, Chúa và Thày chúng ta muốn trọn đời người tín hữu là một cuộc sám hối.

8. Các khoản giáo luật về sám hối chỉ áp dụng cho người sống chứ không liên quan gì đến người chết.

27. Họ giảng điều do con người tạo ra khi dám nói : ngay lúc đồng tiền vang trong két của họ, linh hồn bay lên khỏi luyện ngục.

50. Cần cho họ biết rằng : nếu giáo hoàng biết những lạm thu của các nhà giảng thuyết về ân xá, hẳn ngài thà thấy đền thờ thánh Phêrô tan thành tro bụi, hơn là để nó được xây dựng bằng thịt xương của các con chiên ngài.

62. Kho tàng đích thực của Giáo Hội là quyển Tin Mừng rất thánh của vinh quang và ân sủng Thiên Chúa.

(STROHL, Luther jusqu’en 1520 )


LUTHER TẠI NGHỊ HỘI WORMS

(18.4.1521)

Trừ khi được những bằng cớ Thánh Kinh hay lý lẽ hiển nhiên thuyết phục – Vì tôi chẳng còn tin giáo hoàng lẫn công đồng nữa – Tôi bị trói buộc vào bản văn (Kinh Thánh) tôi mang theo đây, và lương tâm tôi chịu giam cầm trong Lời Chúa. Tôi không thể và cũng không muốn rút lại điều gì, vì không có gì chắc chắn và lương thiện khi làm trái với lương tâm mình. Lạy Chúa xin thương giúp con.

(JC. Để đọc LSGH II,tr16)


CUỘC CHIẾN TRANH NÔNG DÂN


Những cách hiểu khác nhau về Thánh Kinh


THOMAS MUNTZER
(1490-1525)

Trong cơn túng quẫn, dân nghèo bị lừa gạt. Bọn tiến sĩ, qua ngôn ngữ hành động, làm như thể người nghèo quá lo kiếm ăn chẳng thể nào học nổi, lại còn nói kẻ nghèo hãy để cho bọn bạo chúa cắt tiết và nhổ lông. Dầu sao, dù một người suốt đời chưa nghe ai nói tới Thánh Kinh, họ vẫn không thiếu tư cách để có đức tin chân chính, nhờ giáo huấn chân thật của Chúa Thánh Thần, như đã có người không nhờ sách nào cả mà đã viết nên Kinh Thánh.

Vì thế, phải lật đổ xuống khỏi bệ cao những kẻ quyền thế kiêu ngạo và vô đạo, vì lẽ chúng ngăn cản nhau và cả thế giới đến với đức tin Kitô chân chính (…). Than ôi, phải chi dân nghèo bị ruồng bỏ biết được điều này thì lợi biết bao ! Thiên Chúa khinh bỉ các ngài cao cả như Hêrođê, Caipha, Anna và đón nhận những người khiêm tốn vào phục vụ như Maria, Zacaria, Elisabeth (…)

Nguồn gốc sâu xa của nạn cho vay nặng lãi và trộm cướp là chính các ông hoàng và các lãnh chúa. Chúng chiếm đoạt vạn vật : cá nước, chim trời, thảo mộc hết thảy đều là của chúng. Sau đó chúng công bố giữa người nghèo giới răn của Chúa : “Chúa phán,ngươi chớ ăn cắp (…) dù lấy một món thật nhỏ thôi cũng phải treo cổ”. Và nhà Tiến Sĩ khoác lác (Luther) nói Amen (…)

Hãy ngủ yên hỡi khối thịt yêu quí (Luther) ! Nếu quỉ phải ăn thịt mi, ta thích nó ăn trên vỉ nướng trong lò trong sự kiêu ngạo của mi, do cơn thịnh nộ của Chúa, hơn là luộc mi trong nước. Vì thịt mi là thịt lừa : phải hầm thật lâu, kẻo món ăn sẽ dai nhánh đối với răng sữa của bạn bè mi.
(Thomas Muntzer, Écrits théologiques et politiques. – JC Để đọc LSGH II,t.18)

LUTHER

Hỡi các lãnh chúa, hãy hạ bớt cơn giận một chút; hãy giảm sự tàn bạo để dân còn chút không khí và không gian mà sống. Hỡi các nông dân, hãy nghe lời khuyên nhủ : các bạn hãy từ bỏ đôi điều đi quá xa, những đòi hỏi quá đáng. Các bạn hãy để cho êm vụ việc theo quyền lợi và công lý loài người, nếu không thì cũng vì đức tin Kitô giáo. (Lời kêu gọi Hòa Bình (năm 1525)

Ở đây ai đánh được cứ đánh đi. Người ta đuổi bắt chó điên và giết nó, bằng không nó sẽ giết các ngài cùng với cả nước. Chuyện thật kinh khủng. Chúng che đậy tội ác dưới lớp áo Tin Mừng. Mong các vị thẩm quyền hãy thi hành phận sự. Dù ở đâu, khi nông dân không muốn nghe lẽ phải, hãy cầm lấy gươm mà chém đi. Mọi ông hoàng đều là tôi tớ Chúa. Thời gian thương xót đã qua , nay đến thời của gươm giáo và giận dữ (…). Nếu vì thế mà các ngài chết, các ngài thật hạnh phúc, vì không thể ước ao cái chết nào đẹp hơn được.


(G. Casalis, Luther et l’Église confessante. – JC.Để đọc LSGH II,t.18)


CHẾ ĐỘ KITÔ GIÁO THEO CALVIN

Mọi hành vi phải theo ơn gọi của mình

Chúng ta phải cẩn thận nhận xét để thấy Chúa đòi mỗi người chúng ta theo ơn gọi riêng, trong mọi hành vi cuộc đời (…) Vì sợ chúng ta liều lĩnh và cuồng vọng gây rối mọi chuyện, Thiên Chúa phân biệt các bậc sống và cách sống, sắp đặt cho mỗi người những gì họ phải chu toàn. Và để đừng có ai nhẹ dạ vượt quá giới hạn của mình, ngài đặt cho họ những cách sống theo ơn gọi (vocations).Vì thế mỗi người cần biết chắc bậc sống của mình như một nơi được Chúa chỉ định, để khỏi bay nhảy lung tung cách khinh xuất suốt cuộc đời. (Chương III,X,6)

Phân biệt giáo hội hữu hình và vô hình

Thánh Kinh nói về hai loại giáo hội. Đôi khi Thánh Kinh nói về Giáo Hội thực sự, trong đó chỉ có những ai được hưởng ân sủng làm con Thiên Chúa, và nhờ ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa để thực sự là chi thể Chúa Kitô. Và như thế, Thánh Kinh không chỉ nói đến các thánh sống trên trái đất mà tất cả mọi người được tuyển chọn từ tạo thiên lập địa.

Mặt khác, thường danh xưng Giáo hội ám chỉ đông đảo những người đang sống rải rác trên khắp miền thế giới, cùng tuyên xưng tôn thờ Thiên Chúa và đức Giêsu Kitô, có phép rửa làm chứng cho niềm tin mình, đồng thời tham dự vào tiệc thánh để chứng tỏ sự thống nhất trong giáo lý và đức ái. Giáo Hội lắng nghe Lời Chúa và duy trì việc rao giảng Lời theo mệnh lệnh đức Giêsu. Trong giáo hội này lẫn lộn nhiều kẻ giả hình bên người tốt.

Vì thế, cũng như phải tin vào Giáo hội vô hình ta không thấy, chỉ có Chúa biết ; thì chúng ta phải biểu dương giáo hội hữu hình và giữ hiệp thông với nó vậy.

Những dấu chỉ của giáo hội hữu hình

Thế đó, chúng ta có Giáo hội hữu hình. Bất cứ nơi nào ta thấy Lời Chúa được rao giảng và lắng nghe cách tinh toàn,các bí tích được cử hành theo như Chúa Giêsu thiết lập, nơi đó không còn gì nghi ngờ về sự hiện diện của giáo hội (Ep. 2,20). Cũng như lời Chúa hứa không thể sai lầm được : “bất cứ nơi nào có hai ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ” (Mt. 18,20).

Giáo hội phổ quát là tất cả những ai đồng tâm nhất trí với chân lý Chúa, với giáo lý Lời Ngài; cho dù khác biệt về quốc gia, xa cách về lãnh thổ, giáo hội đó được liên kết bằng mối dây tôn giáo. Trong giáo hội phổ quát này, bao gồm những giáo hội rải rác tại mỗi làng, mỗi thành phố, đến nỗi mỗi giáo hội đó đều có tước hiệu và thẩm quyền của giáo hội. (Chương IV,I,7 và 9)


BỐN TÁC VỤ TRONG GIÁO HỘI

Có bốn phẩm cấp Chúa chúng ta đã lập để quản trị giáo hội Ngài. Trước hết là mục sư, rồi đến tiến sĩ, đến các trưởng lão và các phó tế.

* Về các mục sư : Kinh Thánh không bao giờ gọi các trưởng lão và thừa tác viên bằng danh xưng này. Các vị có vai trò loan báo Lời Chúa, truyền thụ giáo lý ; răn bảo khuyến khích và khiển trách công khai hoặc riêng tư ; cử hành bí tích và sửa dạy huynh đệ cùng với các trưởng lão và phụ tá. Thế nhưng để không xảy ra xáo trộn trong giáo hội, không ai được vào nhiệm vụ này nếu không có ơn gọi. Ơn gọi ấy được xét theo ba việc : điểm chính yếu là khảo hạch, sau đó tham gia việc quản trị, rồi với một nghi lễ hoặc cách nào tốt hơn, tiến dẫn họ vào phận vụ.

* Công việc chuyên môn của các tiến sĩ là dạy dỗ tín đồ giáo lý lành mạnh, ngõ hầu sự tinh tuyền của Tin Mừng không bị bóp méo bởi vô tri hay bởi dư luận xấu. Tuy nhiên theo cách sắp xếp hiện nay, chúng ta hiểu chức tiến sĩ để hỗ trợ và giáo huấn, nhằm bảo vệ giáo lý của Chúa, và làm sao để giáo hội không phải sầu não vì lỗi các mục sư hay thừa tác viên. Xử dụng từ “tiến sĩ” theo lối gọi trường ốc, giúp dễ hiểu hơn về phận vụ của họ…

* Trách vụ của các trưởng lão : là theo sát nếp sống của mỗi người, răn bảo cách yêu thương những ai sa ngã hoặc sống vô trật tự. Và tại khu vực ông thi hành phận sự, ông sẽ báo cáo cho hiệp hội được đề cử để thi hành việc sửa dạy huynh đệ, ông sẽ cùng với họ hoàn thành nhiệm vụ này…

* Bao giờ cũng có hai loại phó tế trong giáo hội cổ thời. Một số được đề cử để tiếp nhận, phân phối và gìn giữ của cải cho người nghèo, nhận từ của bố thí hằng ngày đến các khoản tài sản, lợi tức và trợ cấp. Những vị khác để săn sóc và băng bó các bệnh nhân và phân phối lương thực hàng ngày cho người nghèo. Thói quen đó chúng ta vẫn duy trì.

(Các phẩm chức giáo hội Genève, 1541. – JC Để đọc LSGH II,t.20)


CUỘC HÀNH QUYẾT THOMAS MORE

Ngài Thomas More làm như đi dự đại lễ, đã mặc chiếc áo đẹp nhất của ông. Thấy vậy viên sĩ quan khuyên ông cởi ra và rằng ăn mặc thế là lỗ mãng. Ông đáp :

– Thưa ngài sĩ quan, tôi lại lỗ mãng với người hôm nay giúp tôi một dịch vụ họa hiếm sao ? Nói thiệt, tôi nghĩ rằng nếu áo này toàn vàng mới thật xứng hợp.

Sau đó, ông đổi trang phục, rồi theo gương thánh Cypriano tử đạo, ngoài số vàng ít ỏi ông còn lại, ông tặng cho lý hình tượng thiên thần nhỏ bằng vàng.

Rồi ông được viên sĩ quan đưa ra khỏi tháp dẫn đến nơi hành hình. Khi leo lên đoạn đầu đài đang lung lay như muốn sụp, ông vẫn vui vẻ nói với viên sĩ quan : Thưa ngài, xin làm ơn giúp tôi leo lên, còn chuyện xuống tôi làm một mình cũng được.

Tiếp theo, ông xin đám đông đứng chung quanh cầu nguyện cho ông và làm chứng rằng ông chịu chết trong chân lý đức tin của giáo hội Công giáo thánh thiện. Đoạn ông quỳ gối cầu nguyện và quay qua lý hình, vui vẻ nói : “Hỡi chàng trai, can đảm lên, đừng sợ thi hành nhiệm vụ. Mà này, cổ tôi hơi ngắn đấy, khéo mà anh chém trật thì mang tiếng lắm đó”.

(Cuộc đời ngài Thomas More do con rể là W.Roper
– JC Để đọc LSGH II, t.126)

Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006

Exit mobile version