1. Bản Lãnh Đàn Ông
Là người đứng mũi chịu sào trong gia đình, người chồng hơn ai hết phải có bản lãnh của phái mạnh. Bản lãnh ấy là sự mạnh mẽ, kiên quyết và can đảm. Nhờ có bản lãnh ấy mà người chồng có đủ sức mạnh về thể xác, tinh thần và tâm lý để đảm đương trách nhiệm gia trưởng của mình. Người đàn ông có bản lãnh sẽ không bao giờ đàn áp hay bạo hành vợ con mình, trái lại người ấy luôn là chỗ dựa cần thiết cho gia đình, cho vợ con.
Tác giả D.Wahrheit trong cuốn “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Kitô” đã chia sẻ như sau: “Người đàn bà tự bản chất luôn cần có sự che chở của người đàn ông. Do đó, đức tính mà người đàn bà đánh giá cao nhất nơi người đàn ông, trước hết phải là sự can đảm.Can đảm ở đây không hẳn là phải thể hiện những hành động phi thường, mà chính là biết bình tĩnh để ứng phó và đối đầu với những khó khăn của cuộc sống. Chính sự cứng rắn và ý chí vững mạnh của người đàn ông sẽ mang lại an ninh cho người đàn bà. Sự can đảm nơi người đàn ông còn được thể hiện bằng chính sự chịu đựng, kiên nhẫn nữa. Sự cứng rắn của người đàn ông phải là một sự cứng rắn đầy yêu thương và dịu dàng. Sức mạnh nơi người đàn ông phải là sức mạnh của sự tế nhị. Nam tính của người đàn ông phải là nam tính của yêu thương và âu yếm…” (x. sđd trang 113-114).
2. Tình Yêu Chân Thực Và Sự Chung Thủy
Tình yêu và sự chung thủy giữa hai vợ chồng được ví như ánh sáng và sức nóng của một ngọn nến. Ánh sáng càng rực cháy thì sức nóng càng mãnh liệt. Do đó, tình yêu trong hôn nhân là nền tảng quan trọng nhất và tình yêu ấy phải chân thực, tự do và bền vững như một sợi giây kết nối bền chặt hai người lại. Ai cũng biết tâm lý chung của đàn ông là mau chán và hay thay đổi. Đàn ông có thể yêu sở thích, bạn bè, sự nghiệp hơn gia đình, vợ con. Đàn ông có thể chia năm sẻ bảy tình cảm của mình cho một đối tượng nữ khác, theo cảm tính và ý thích riêng của mình.
Chính vì lí do đó mà khi cử hành bí tích hôn phối, hai người nam nữ đã phải công khai tuyên hứa về tình yêu và sự chung thủy của mình đối với bạn đời, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu…
3. Tinh Thần Trách Nhiệm
Người phụ nữ nào cũng rất sợ người chồng sống vô trách nhiệm. Bởi trong gia đình, người đàn ông là cột trụ, là lãnh đạo, là chỗ nương tựa cho mọi người liên hệ. Nếu người chồng thiếu trách nhiệm gia trưởng của mình, thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất xấu tới hạnh phúc, hòa khí và sự tiến bộ chung của gia đình. Bởi, trong bất kỳ gia đình nào và trong hoàn cảnh nào, người chồng luôn bị ràng buộc bởi trách nhiệm của người đứng đầu gia đình. Trách nhiệm yêu thương nâng đỡ vợ, con. Trách nhiệm xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Trách nhiệm lèo lái vận mệnh gia đình. Trách nhiệm kiến tạo một gia đình đạo hạnh và gương sáng…
Tục ngữ VN có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Điều đó cho thấy sự phân chia trách nhiệm trong gia đình là quá rõ, vì thế người phụ nữ luôn kỳ vọng nơi chồng mình ý thức trách nhiệm cao, đồng thời ý thức đó phải được thể hiện qua những việc cụ thể hằng ngày. “Kẻ thì xay lúa, người thì bồng em”…là vậy.
4. Tính Tình Điềm Đạm
Phụ nữ nào cũng biết rằng đàn ông thì thường nóng tính, bộc trực, hiếu thắng, mạnh bạo, cứng cỏi…và điều này rất nhiều khi lại là lí do gây bất hòa, mâu thuẫn trong gia đình. Vì thế họ luôn kỳ vọng nơi chồng mình một thái độ cư xử luôn mềm mỏng, linh hoạt, nhẹ nhàng, tế nhị. Đó là tính điềm đạm. Chính nhờ đức tính này mà người đàn ông vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong bổn phận lèo lái con thuyền gia đình. Người có tính điềm đạm thì luôn biết thực hiện châm ngôn “dĩ hòa vi quý” trong đời sống hôn nhân gia đình.
Người chồng điềm đạm thì luôn nói ít, làm nhiều. Tranh luận ít, lắng nghe nhiều. Cãi vã ít, nhịn nhục nhiều. Họ luôn quan tâm đến sự hòa hợp giữa hai vợ chồng, dù bản thân phải hi sinh, chịu đựng. Một tác giả đã viết như sau: “Hòa hợp là sự chấp nhận nhau để hòa nhập với nhau, bù trừ cho nhau…là sự thông hiểu nhau, chấp nhận nhau và sống biết điều với nhau” (Nguyễn Đình Xuân, Tâm lý học Tình yêu Gia đình, NXB GD 1993, trang 113).
5. Biết Ứng Xử Cách Khoan Nhượng
Khoan nhượng ở đây là khoan dung và nhượng bộ. Người chồng vốn mạnh mẽ, thẳng thắn và thích biểu lộ uy lực. Nếu không biết kiềm chế, thì điều đó sẽ dẫn đến thái độ thô lỗ, cọc cằn và vũ phu. Trong cách ứng xử hằng ngày, người chồng sẽ dễ dàng rơi vào vị thế “chồng chúa vợ tôi”, uy hiếp vợ con chẳng hơn gì người giúp việc trong gia đình. Vì thế, trong mối tương quan vợ chồng, giải pháp tốt nhất là biết sống khoan dung và nhượng bộ. Và hơn ai hết người chồng sẽ làm gương việc này.
Tác giả D.Wahrheit đã chia sẻ như sau: “Có những người đàn ông thích thể hiện quyền lợi của mình. Họ nại đến quyền làm chồng để cưỡng bách người vợ phải vâng phục hầu hạ mình. Họ nại đến quyền làm chủ để đơn phương quyết định mọi việc trong nhà. Họ nại đến cả quyền làm đàn ông để hành hạ người đàn bà. Khi người chồng chỉ suy nghĩ và hành động trong vòng quyền lợi của mình, thì dĩ nhiên người vợ sẽ không còn là người bạn đường để cùng xây dựng cộng đồng tính yêu nữa, mà có lẽ chỉ còn là người nội trợ không hơn không kém, một người giúp việc để cho người đàn ông sai khiến và sử dụng vào những mục tiêu riêng của mình.Cư xử như thế không phải là thể hiện tư cách làm chủ gia đình.” (x. D.Wahrheit, sđd trang 112).
Tinh thần trách nhiệm đòi hỏi trước hết người chồng, người cha có một tấm lòng bao dung, vị tha, quảng đại. Vì chỉ có tình yêu rộng lượng mới giúp họ vượt qua mọi vướng mắc ích kỷ để chu toàn vai trò trọng trách của người chủ gia đình. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh…” (x. Ep 5,25). “Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ…” (x. Col 3,19)./.
Aug. Trần Cao Khải