Phiên tòa 20 năm sau

phientoa20namsau - Phiên tòa 20 năm sau
Phiên tòa thứ nhất:

Thẩm phán:
Ba nghi phạm đứng lên, các anh đã bị bắt quả tang giết chết hai con chó. Trước khi giết chết chúng, các anh còn hành hạ chúng rất dã man: nhốt trong cái chuồng chật chội, bỏ đói nhiều ngày, đánh đập không nương tay… Cả ba bị cáo mới chỉ 20 tuổi mà sao lại có hành động dã man, mất nhân tính đối với hai con vật dễ thương đến vậy?

Bị cáo 1:
Chúng tôi không làm gì sai, chúng tôi làm vậy để bảo vệ thuần phong mỹ tục!

Thẩm phán:
Ăn nói ngược đời thiệt! Giết hại một loài vật – gần gũi với loài người nhất – cách man rợ như vậy mà dám bảo là để bảo vệ thuần phong mỹ tục ư?

Bị cáo 2: Đúng vậy, chúng làm bại hoại luân thường đạo lý của xã hội, hai con chó, một đực một cái mà dám giữa ban ngày ban mặt sàm sỡ nhau!

Thẩm phán: Kỳ quái? Hai con chó: một đực và một cái đến với nhau là chuyện tự nhiên, trời sinh ra chúng khác giới và chúng phải tìm đến với nhau để duy trì nòi giống, sao bị cáo lại nói là bại hoại luân thường?

Bị cáo 3: Chính xác là chúng đã làm chuyện nghịch thường, ông là thẩm phán mà không biết thật ư? Này nhé, “bố mẹ” của tôi là hai người đàn ông, họ yêu nhau thắm thiết, sống bên nhau như hình với bóng và họ rất hạnh phúc khi có tôi là đứa con ngoan ngoãn (mỉm cười tự đắc)! Ông thử hỏi hai bạn của tôi xem, “bố mẹ” của hai đứa nó cũng giống “bố mẹ” tôi: “bố mẹ” của đứa bên trái tôi là hai người đàn ông nè, còn “bố mẹ” đứa bên phải tôi là hai người phụ nữ. Từ nhỏ đến lớn, chúng tôi chỉ thấy “bố mẹ” chúng tôi là những cặp đôi cùng giới sống hạnh phúc bên nhau! Tôi biết chứ, làm đúng luân thường đạo lý phải là hai người cùng giới với nhau, thế mà những con chó kia dám làm trái nghịch lại lẽ phải đó, chúng phải chết nếu không thì trở nên gương mù gương xấu cho trẻ em! Chúng tôi vô tội, hơn nữa chúng tôi đã làm điều phải làm để tái lập trật tự luân lý xã hội!

Thẩm phán: Trời! 3 bị cáo này có vấn đề về thần kinh rồi! Tòa tuyên bố: các bị cáo có tội và phải được đưa vào điều trị đặc biệt tại bệnh viện tâm thần cho đến khi khỏi bệnh! Bãi tòa!

Phiên tòa thứ 2, cùng ngày, nhưng ở một thành phố khác không xa nơi diễn ra phiên tòa trên:

Thẩm phán: Nguyên đơn hãy giới thiệu về bản thân!

Cô gái trẻ trung và xinh đẹp: Tôi là sinh viên năm thứ nhất của Đại học Xã hội, năm nay 20 tuổi, tôi kiện tất cả đàn ông trên thế giới này, kiện họ vì sự tồn tại cách vô dụng của họ trên trái đất này!

(Tất cả 10 người trong bồi thẩm đoàn ngơ ngác nhìn nhau, ánh mắt ai cũng lộ rõ vẻ bối rối. Trên thế giới thực ra đã có nhiều vụ án một người kiện một tập thể (khá nhiều người) phải chịu trách nhiệm về một tội ác nào đó, nhưng chưa có tiền lệ nào một người nữ đi kiện cả một nửa “thế giới” còn lại! Đây là vụ kiện vô tiền khoáng hậu?!)

Thẩm phán: ??? Cô có thể trình bày chi tiết và cụ thể hơn được không?

Cô sinh viên: Tôi là con một trong gia đình mà bố mẹ đều là phụ nữ, và cả ba chúng tôi sống rất yên vui đầm ấm. Tôi thấy sự có mặt của người đàn ông trong cuộc đời cũng như xã hội là không cần thiết cho chúng tôi. Sự hiện diện của đàn ông trên trái đất này thực vô ích, họ chỉ làm chật chội đất đai nhà cửa mà thôi, thậm chí còn là nguyên nhân của bao cuộc chiến tranh…! Tôi muốn yêu cầu họ rời khỏi trái đất thân yêu này!

Thẩm phán: Cô thử nghĩ xem, nếu trái đất này vắng bóng người đàn ông, chỉ toàn là người nữ, thì những công việc nặng nhọc ai sẽ gánh đỡ giúp các chị em? Ai sẽ là bờ vai rắn chắc cho phụ nữ tựa vào khi gặp khó khăn, buồn phiền? Ai sẽ ra tay bênh đỡ, bảo vệ cô những lúc ngặt nghèo nguy hiểm?… Hơn nữa, người nam sẽ cùng người nữ làm cho xã hội được quân bình (tâm lý), mang đến cho thế giới này biết bao là cảm xúc lãng mạn, đáng yêu khi người nam trao cho người nữ một tình yêu xuất phát từ trái tim mạnh mẽ của họ. Nguyên đơn là sinh viên, vậy có biết bài thơ này không:


“Hôm qua lỡ chạm tay nhau,
Về nhà đó có bị đau không nào?
Riêng đây chẳng biết vì sao,
Chạm tay lần ấy đau vào đến tim!”


Chẳng lẽ cô chưa một lần cảm nhận được sự rung động của trái tim khi kết bạn với một người nam? Cô không thấy sự hiện diện của người nam làm phong phú hóa cuộc sống này, họ cùng với những người nữ kiến tạo và xây dựng những vẻ đẹp muôn màu muôn sắc cho trái đất này?

Nguyên đơn (bật khóc nức nở): Tôi biết! Tôi biết chứ! Tôi đã run rẩy cả người khi chỉ mới mấy hôm trước đây thôi, lần đầu tiên anh ấy nắm lấy tay tôi, xiết nhẹ và ngỏ lời yêu tôi! Tôi rất quý anh ấy! Nhưng… (cô lại khóc nức nở, không thốt nên lời!)

Thẩm phán: Cô cứ khóc đi, và từ từ nói cũng được!

Phiên tòa dừng lại ít phút, không có tiếng động nào khác trong phòng xử ngoại trừ tiếng khóc nghẹn ứ trong cổ, tiếng khóc khiến những người tham dự phiên tòa như thấu hiểu sự ấm ức mà cô gái đã và đang cảm nhận.

Nguyên đơn (đưa tay lau những giọt nước mắt đang chảy tràn trên khuôn mặt xinh xắn): Trong nhà tôi chỉ toàn là phụ nữ, “mẹ” tôi đương nhiên là một người phụ nữ, và “bố” tôi cũng là một người nữ. Từ khi có trí khôn đến nay, tôi được dạy dỗ bởi hai người phụ nữ, tôi không được tiếp xúc với phái nam, “bố” và “mẹ” tôi đều nói: chỉ có phụ nữ mới đáng yêu, đáng tin và dễ thương. Tôi bị cách ly khỏi thế giới nam nhân, tôi cũng xa lánh không tiếp xúc với con trai để noi gương “bố mẹ” tôi! Hu hu hu, nhưng gần đây tôi mới cảm nhận được, thế giới này không chỉ dành cho phụ nữ, mà còn một nửa “vũ trụ” đầy bí ẩn và hấp dẫn kia nữa. Có một chàng trai thật nhã nhặn và tế nhị đến làm quen với tôi, và anh đã ngỏ lời yêu tôi. Nhưng… (lại là chữ nhưng…) khi biết tôi là con gái của một đôi “vợ chồng” phụ nữ, thì anh ấy đã ngần ngại và tìm cách xa rời tôi, hu hu hu! Thực ra tôi chỉ mượn câu chuyện về những người đàn ông để muốn kiện “bố mẹ” tôi!

Thẩm phán:
Kiện cha mẹ vì tội gì?

Nguyên đơn: Kiện họ đã nhận tôi làm con nuôi. Họ dựa vào khoản luật cho phép kết hôn đồng giới và được quyền nhận con nuôi để đem tôi từ trại mồ côi về sống với họ. Bố mẹ tôi muốn được giống như với những gia đình khác, những đôi vợ chồng nam-nữ có con cái. Họ đã nhận tôi làm con không vì lợi ích của tôi, mà là để thỏa mãn điều mà họ cho rằng quyền bình đẳng như mọi người, nhưng họ đã không quan tâm đến hạnh phúc của tôi, họ không hỏi ý kiến của tôi có đồng ý sống trong một gia đình khiếm khuyết như vậy hay không. Vì là trẻ mồ côi, chúng tôi đã không được tham khảo ý kiến, bị đối xử bất công. Tôi chỉ là một phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm “khác thường” của chính họ! Hậu quả là giờ đây tôi thành một kẻ khuyết tật-tâm lý, có vấn đề trong tương quan xã hội. Còn về đời sống tình cảm, tôi vừa mong có người yêu khỏe mạnh đẹp trai, tài giỏi, lại vừa sợ hãi đàn ông! Hu hu hu

Thẩm phán (bối rối trước vụ kiện hy hữu này, chưa biết phân xử làm sao): Phiên tòa tạm ngưng để bồi thẩm đoàn hội ý với nhau!

Chiên Già

Exit mobile version