Phanxicô: Bóng dáng sau lưng

Tạp chí danh tiếng thế giới National Geographic (Địa lý Quốc gia) – tên gọi ban đầu là The National Geographic Magazine (Tạp chí Địa lý Quốc gia) – là cơ quan ngôn luận chánh thức của Hội Địa lý Quốc Gia Hoa Kỳ (NGS: the National Geographic Society), đặt trụ sở chánh tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ).

Thành lập vào tháng 01-1888, Hội này đã có 127 năm tuổi, và là một trong những cơ quan giáo dục và khoa học phi lợi nhuận lớn nhất thế giới. Sau khi ra đời được chín tháng, Hội liền cho xuất bản nguyệt san Địa lý Quốc gia, liên tục từ tháng 10 năm ấy đến nay. Bìa một tạp chí này bao giờ cũng được bao bọc bằng một khung chữ nhật dày dặn màu vàng tươi, có lẽ để nhắc mọi người nhớ tới biểu tượng (logo) của Hội chính là cái khung chữ nhật màu vàng tươi y hệt như vậy.

Nhiếp ảnh gia Dave Yoder

Từ tháng 4-2014, vị Tổng biên tập thứ mười của tạp chí là bà Susan Goldberg. Kể từ năm 2015, tạp chí Địa lý Quốc gia được phổ biến trên thế giới với gần bốn mươi ngôn ngữ, mỗi tháng phát hành toàn cầu sáu triệu tám bản in, trong đó riêng ở Hoa Kỳ là ba triệu rưỡi bản mỗi tháng.

Tháng 8 này, tạp chí Địa lý Quốc gia phát hành với một ảnh bìa rất đặc biệt: Đức Giáo hoàng Phanxicô đang đứng trước nhà nguyện Sistine, và chúng ta chỉ nhìn thấy được phía sau lưng ngài. Nói theo nhà giáo, nhà văn Chu Tự Thanh (1898-1948, Trung Quốc), chúng ta chỉ thấy bóng dáng sau lưng (bối ảnh) của ngài. Và tác giả “bối ảnh” này là Dave Yoder, nhiếp ảnh gia danh tiếng xuất thân từ bang Indiana (miền trung tây Hoa Kỳ) nhưng hiện đang thường trú tại Milan và Rome (nước Ý) để công tác cho tạp chí Địa lý Quốc gia.

Bìa National Georaphic

Nổi bật trên ảnh bìa là ba dòng chữ: POPE / FRANCIS / REMAKES THE VATICAN – Đức Giáo hoàng Phanxicô tái tạo Vatican. Động từ remakes (tái tạo) trên bìa ắt hẳn không phải cốt ý “câu khách”, và có lẽ tạp chí Địa lý Quốc gia đã chọn dùng nó như là hệ quả từ những gì Đức Phanxicô đã làm kể từ khi Ngài được bầu chọn, và có lẽ cũng chính từ tấm gương sống động hằng ngày của ngài đã gây ấn tượng sâu sắc cho hàng tỷ người trên thế giới, Công giáo lẫn không Công giáo.

Bởi vậy, chúng ta chẳng ngạc nhiên khi thấy bà Tổng biên tập Susan Goldberg thay vì nhắc tới những thành tựu chinh phục lòng người của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong ngót hai năm rưỡi trị vì ở Vatican, thì lại mở đầu “Lá thư tòa soạn” cho tạp chí tháng 8 này bằng cách nhắc tới đức khiêm nhượng, tính giản dị, óc hài hước tự nhiên của vị lãnh đạo tinh thần một tỷ hai con dân Thiên Chúa. Vâng, bà Tổng biên tập Goldberg mở đầu bài viết như sau:

“Xe của ngài không phải là một chiếc limo đường bệ, mà chỉ là một chiếc Ford Focus [loại xe nhỏ gọn dành cho gia đình ít người]. Ngài không trú ngụ trong cung điện dành riêng cho Giáo hoàng mà ở trong một căn hộ (apartment) khiêm tốn. Đôi giày chỉnh hình (orthopedic), vòng bụng “đẫy đà”, tính hay khôi hài, những nhận định bất chợt của ngài khiến người nghe phải sửng sốt”. (1)

Để minh họa cho những nhận định bất chợt của Đức Phanxicô làm người nghe sửng sốt, bà Goldberg dẫn lại câu nói nổi tiếng của ngài hôm Thứ Hai 29-7-2013, đã khiến giới yêu đương đồng phái trên thế giới quá đỗi sung sướng, và hoan nghênh ngài nhiệt liệt: “Nếu một anh chàng yêu đương đồng phái mà tìm kiếm Chúa và có lòng lành ý thiện, thì tôi là ai mà dám phán xét [anh ấy]? / If a person is gay and seeks God and has goodwill, who am I to judge?

Chúng ta còn nhớ rằng trên chuyến bay từ Rio de Janeiro (Brazil) trở về Rome, sau khi lắng nghe một trong hai mươi mốt nhà báo tháp tùng đặt câu hỏi, Đức Phanxicô trả lời: “Tôi là ai mà dám phán xét?”. Ngài nói bằng tiếng Ý, nhưng riêng chữ gay thì ngài dùng tiếng Anh. Câu nói của ngài vừa đăng lên báo thì lập tức trở thành một đề tài hấp dẫn bá tánh năm châu bàn bạc trên các phương tiện truyền thông. Những người thuộc Kinh Thánh nhớ rằng Chúa Kitô từng dạy con cái Chúa chớ nên phán xét người khác: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mátthêu 7:1-2). Và người ta cảm thấy thú vị khi nhận ra Đức Phanxicô đã dẫn lại lời Chúa một cách “dí dỏm”, thay vì nhắc nguyên văn từng chữ được chép trong Kinh Thánh.

Trở lại với trường hợp Dave Yoder (tác giả ảnh bìa tạp chí tháng 8), bà Tổng biên tập cho biết: Ngoài số nhiếp ảnh gia riêng của Vatican, những phóng viên trong giới truyền thông hầu như luôn luôn phải giữ một khoảng cách thích hợp khi muốn chụp ảnh Đức Giáo hoàng. Vậy mà có một ngoại lệ. Anh chàng Dave Yoder trong sáu tháng của năm ngoái đã có nhiều dịp được đến sát bên cạnh Đức Giáo hoàng, một sự kiện chưa từng có tiền lệ ở Vatican! Anh thổ lộ: “Tôi cận kề ngài gần đến nỗi có lúc tôi lo ngại là tôi vấp phải ngài hoặc là ngài vấp phải tôi”. (2)

Chàng nhiếp ảnh gia tài hoa nhớ lại một trong ba lần được nói chuyện với Đức Giáo hoàng. Hôm ấy Yoder nép mình sát một vách tường trong Đền thờ Thánh Phêrô, trước mặt anh là các vị Hồng y, và Đức Giáo hoàng. Anh kể: “Đức Phanxicô tiến thẳng tới chỗ tôi đứng và chìa bàn tay ra chờ đợi. Ngài nhìn vào mắt tôi có vẻ như muốn bảo: Con không định chào Cha chứ?”. (3).

Lòng nhiệt thành của Đức Giáo hoàng Phanxicô mỗi khi tiếp xúc với những người dân bình thường trong xã hội đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho Yoder. Anh nói: “Mỗi khi ở giữa các phụ tá, ngài thường hay nhìn đồng hồ tay. Nhưng khi ở giữa những thường dân, ngài không còn ngó ngàng tới chiếc đồng hồ trên tay nữa và cứ dành cho dân chúng trọn cả thời gian họ cần có”. (4)

Nhắc lại cơ hội hy hữu được cận kề để chụp ảnh Đức Giáo hoàng, Dave Yoder nói: “Điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra lần nữa”. (5)

Trong số những hình ảnh gần gũi và có phần riêng tư của Đức Phanxicô mà Yoder chụp được và tạp chí Địa lý Quốc gia độc quyền ấn hành, tòa soạn lại chọn “bối ảnh” để làm bìa. Sao thế nhỉ? Lẽ thường thì chọn gương mặt, trực diện hay nhìn nghiêng. Tuy nhiên chúng ta không hề thấy một giải thích nào của bà Tổng biên tập Goldberg.

Khi nhìn lại bóng dáng sau lưng của Đức Phanxicô, mỗi người có lẽ sẽ tự tìm ra một câu giải thích sự chọn lựa khác lạ của tạp chí. Và biết đâu chừng, khi nhìn “bối ảnh” này, những người yêu mến ngài có thể sẽ liên tưởng sâu xa tới một lời mời gọi hãy cùng bước theo ngài để hợp tác với ngài thực thi những điều tốt đẹp nhằm vun đắp cho hạnh phúc con người, cho một tương lai vững bền của trái đất để nó còn có thể tiếp tục nuôi dưỡng con người, như ngài không ngừng thiết tha lên tiếng, kể từ khi ngài là Phanxicô.

Huệ Khải

Exit mobile version