Phận vụ của hai phó tế trong một thánh lễ

deacon - Phận vụ của hai phó tế trong một thánh lễ

Hỏi 1: Thưa cha, trong một Thánh lễ có hai phó tế, và một trong hai phó tế sẽ giảng sau bài Tin Mừng, phó tế nào sẽ công bố Tin Mừng? Liệu phó tế nào sắp giảng sẽ công bố bài Tin Mừng, hay liệu một phó tế công bố bài Tin Mừng và phó tế kia sẽ giảng không? Trong một tình huống tương tự, ai sẽ công bố bài Tin Mừng, khi một Giám mục là chủ tế và một linh mục đồng tế sẽ giảng lễ, nhưng có nhiều linh mục đồng tế và không có phó tế? Liệu một linh mục công bố bài Tin Mừng và một linh mục khác giảng, hoặc liệu linh mục nào sắp giảng sẽ công bố Tin Mừng luôn không? – R. B., Marquette, Michigan, Mỹ.

Đáp: Các qui định về điểm này là không tuyệt đối, và cho phép một mức độ linh hoạt nào đó, để thích ứng với hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, có một số khía cạnh của sự trang nghiêm phụng vụ cần được tôn trọng càng nhiều càng tốt.

Một nguyên tắc cần được tôn trọng là nếu một phó tế hiện diện, thì phó tế này đọc bài Tin Mừng. Một linh mục chỉ đọc bài Tin Mừng, nếu phó tế là bất khả vì một lý do đặc biệt, thí dụ, nếu phó tế không biết ngôn ngữ của bài Tin Mừng trong một thánh lễ đa ngôn ngữ.

Mọi việc là bằng nhau, khi có hai phó tế trong Thánh lễ, họ thường phân công nhau: một người là phó tế Lời Chúa và một người là phó tế Thánh Thể. Ngoài việc công bố bài Tin Mừng và các lời nguyện chung, phó tế Lời Chúa sẽ đứng bên trái vị chủ tế trong Phụng Vụ Thánh Thể, hoặc cũng có thể xông hương Mình Thánh Chúa trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể. Còn phó tế Thánh Thể sẽ giữ chức năng phó tế quen thuộc trong việc chuẩn bị lễ vật, Kinh nguyện Thánh Thể và đọc lời chúc bình an.

Một nguyên tắc chung khác trong phụng vụ là tránh các di chuyển vô ích.

Trong ánh sáng này, một phó tế phụ trách giảng thường giữ vai trò của phó tế Lời Chúa, để thi hành hai chức năng một cách dễ dàng và không bị gián đoạn.

Đôi khi có thể có lý do tốt cho một sự thay đổi thừa tác viên. Thí dụ, nếu bài Tin Mừng cần được hát, thì phó tế nào có khả năng hát hơn, nên hát bài Tin Mừng, mặc dầu phó tế kia sẽ giảng.

Trong trường hợp của lễ đồng tế mà không có một phó tế, vị chủ tế, Giám mục hay linh mục, không đọc bài Tin Mừng, dù vị ấy thường là người giảng lễ.

Nếu một linh mục khác, không là chủ tế, sẽ giảng lễ, thì nói chung linh mục ấy đọc Tin Mừng. Sự việc nhiều linh mục có thể đồng tế là không phải lý do đủ để phân chia công việc giữa nhiều thừa tác viên, và do đó gia tăng các di chuyển không cần thiết.

Ngoại lệ cho luật ngón tay cái này có thể được thực hiện vì lý do tương tự, như những gì đã nêu ra cho các phó tế: sự khác biệt về ngôn ngữ, hát bản văn…

Hỏi 2:Chúng tôi có một giáo xứ lớn ở ngoại ô với sáu Thánh Lễ cuối tuần. Chúa Nhật thứ tư của tháng là dành cho các phó tế giảng, một việc mà các phó tế vĩnh viễn rất hân hoan mong muốn.

Khi chúng tôi có ba phó tế, mỗi vị giảng trong hai Thánh lễ. Điều này là rất tốt cho chúng tôi. Tuy nhiên gần đây, Giám mục chuyển một trong các phó tế của chúng tôi qua một giáo xứ khác. Chỉ còn lại hai phó tế chúng tôi phụ trách giảng cho sáu Thánh Lễ. Câu hỏi nổi lên cho cơ chế của một phó tế giúp trong ba Thánh Lễ. Theo chúng tôi biết, mỗi phó tế không thể làm phận vụ phó tế cho hơn hai thánh lễ cuối tuần.

Giải pháp chúng tôi đưa ra là mỗi người giữ phận vụ phó tế trong hai Thánh lễ, và chỉ giảng trong một Thánh lễ khác. Bây giờ chúng tôi xin hỏi: Khi không phục vụ như là phó tế, liệu có thích hợp cho chúng tôi để đọc bài Tin Mừng và giảng không? Hoặc liệu vị chủ tế là người đọc bài Tin Mừng chăng? Hình như ở đây có sự đảo ngược kỳ lạ của các vai trò. Một linh mục – cha phụ tá – nhấn mạnh là nên làm như vậy. Người bạn phó tế của tôi nói rằng chữ đỏ là rõ ràng về điểm này: nếu phó tế hiện diện trong thánh lễ, phó tế đọc bài Tin Mừng.

Nếu phó tế không phải là phó tế giúp lễ, mà chỉ giảng lễ mà thôi, liệu phó tế ấy là “hiện diện” trong Thánh lễ, như ý của Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói không?”

Đáp: Mặc dầu câu hỏi này nói đến một tình hình đặc biệt, tôi có thể nói như sau:

Tôi giả sử rằng quy tắc chung, vốn nói rằng không ai được rước lễ hơn hai lần trong một ngày, cũng áp dụng cho các phó tế.

Trên cơ sở đó, sẽ có một số khó khăn đối với một phó tế giúp trong ba Thánh Lễ trong một ngày. Đúng là không bắt buộc rước lễ trong Thành lễ thừ ba, nhưng sẽ là kỳ cục khi thực hiện mọi tác vụ phó tế mà không rước lễ.

Tuy nhiên, không có lý do tại sao phó tế không phục vụ trong một Thánh lễ chiều thứ bảy và hai Thánh lễ ngày Chúa Nhật, hoặc ngược lại. Việc phục vụ các Thánh lễ giống nhau cho ngày thứ bảy và Chúa Nhật như thế, không vi phạm chữ đỏ, vốn qui định không rước lễ quá hai lần trong một ngày.

Vì vậy, tôi tin rằng giả thuyết của bạn đọc trên nói rằng phó tế không thể giúp quá hai Thánh Lễ dịp cuối tuần là không đứng vững.

Đồng thời, tôi sẽ nói một cách tổng quát rắng sẽ là không phù hợp với qui định cho một phó tế đọc Tin Mừng hay giảng lễ, nếu phó tế ấy không thi hành thừa tác cách tích cực trong thánh lễ, như Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 66, cho biết: “Người diễn giảng thông thường là chính vị chủ tế hay một trong các vị đồng tế được vị chủ tế nhờ, hay đôi khi, tuỳ nghi, là phó tế, nhưng không bao giờ là giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, một Giám Mục hay một linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế có thể đảm trách việc giảng…. ” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Vì vậy, trong khi Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma cho phép cho một trường hợp ngoại lệ, mà trong đó một Giám mục không đồng tế hay một linh mục không đồng tế có thể giảng trong Thánh Lễ, không có ngoại lệ như vậy được dành cho một phó tế.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 16-11-2010 và 30-11-2010)

Exit mobile version