Hướng dẫn mục vụ Thánh Nhạc- tài liệu chính thức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về vấn đề Thánh Nhạc mới phát hành hơn một năm trước- khi bàn về các người sáng tác thánh ca đã nói rằng:
“Hội Thánh cần đến các nhạc sĩ và các nhạc sĩ cần đến Hội Thánh. Trong mọi thời đại, Hội Thánh đã kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác đưa ra những tác phẩm mới để làm phong phú kho tàng Thánh Nhạc. Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thổi Thần Khí sáng tạo của Người để làm cao quý và đa dạng hơn tác phẩm từ bàn tay và tâm trí của các nhạc sĩ.”[1] Tài liệu này còn nói nhiều hơn về người viết thánh ca: “Họ được trang bị một cách thích đáng để nhận biết và diễn tả bằng giai điệu những chân lý của Mầu Nhiệm được cử hành trong Phụng Vụ. Thể loại âm nhạc không quan trọng, nhưng chính vẻ đẹp phụng vụ phát xuất trực tiếp từ chính mầu nhiệm và thông qua tài năng của người sáng tác được nổi bật lên khi Dân Chúa quy tụ ca hát.”[2] Như vậy, xem ra người viết thánh ca cũng góp phần quan trọng trong đời sống đức tin của dân Chúa. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi rằng: Dù đóng góp để xây dựng Giáo Hội Thánh- Nhiệm Thể Chúa Kitô- là như thế, nhưng người viết thánh ca sẽ được gì? Nói cách khác, phần thưởng của người viết thánh ca là gì? Nhìn lại chặng đường viết thánh ca vừa qua, lâu lâu ngẫm nghĩ, tôi cũng hay tự hỏi vui vui như thế.
Vậy, phần thưởng của người viết nhạc thánh ca là gì? Phải chăng là danh tiếng? Thánh nữ Teresa de Avila trong bài thơ thần bí nổi tiếng của mình Nada te turbe đã nói: “Tất cả mọi sự đều cũng qua đi mau, chỉ có Thiên Chúa mới còn mãi.” Dăm ba thập niên trước, khi người viết nhạc thánh ca còn ít ỏi khan hiếm và do nhu cầu phụng tự và thờ phượng của cộng đoàn đã được phép sử dụng tiếng bản xứ (sau Công Đồng Vatican II) , bấy giờ các tác phẩm thánh ca cũng còn tương đối ít và sự hiện diện của người nhạc sĩ thánh ca bấy giờ thật là quý. Thời đại bây giờ thì lại khác. Có rất nhiều nhạc sĩ thánh ca, và nhiều tác phẩm thánh ca. Nói cách khác, nền thánh nhạc Việt Nam dù không có những hoạt động rầm rộ, xôm tụ và sốt sắng như quá khứ vàng son một thời ở những năm 80 của thế kỉ trước với các ca đoàn lớn của Viết Chung, Hải Linh hay Hùng Lân, nhưng hiện nay vườn hoa thánh nhạc đang trăm hoa đua nở. Đó là một điều thật đáng mừng. Nó cho thấy đức tin đang triển nở trên mảnh đất Việt này và lòng người còn đau đáu thao thức với đức tin và với Thiên Chúa. Lướt nhìn lên các trang mạng Công Giáo đăng tải mp3 và pdf các bài thánh ca, chúng ta có thể thấy choáng ngợp. Tác giả ở đủ mọi thành phần dân Chúa: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, nam và nữ, già và trẻ, những người có chuyên môn trường lớp lẫn những người chỉ sáng tác bằng tài khéo do năng khiếu thiên phú Chúa ban…
Đứng trước một gia sản đồ sộ về thánh ca như thế thật là đáng mừng, nhưng bên cạnh đó, có lẽ những ai hoạt động trong nền Thánh Nhạc cũng không tránh khỏi một thao thức quan trọng và cần thiết, đó là: Dù nhiều như thế, nhưng các bài thánh ca hiện nay viết có chất lượng, có sâu sắc, có đụng chạm đến lòng người, và có giúp người khác cầu nguyện hay không? Nếu có chất lượng và tiêu chuẩn mà Thánh Nhạc đòi hỏi nơi một bài thánh ca là thánh thiện và hình thức tốt đẹp[3], thì những bài thánh ca ấy và người viết thánh ca ấy mới có thể tồn tại trong lòng người. Đối với mình, những bậc đại thụ trong nền Thánh Nhạc như những cây cao bóng cả, nhạc của vị nào cũng có nét hay riêng của mình. Nhưng nhìn lại, ngay cả nếu tác giả ấy, tác phẩm ấy có chút danh tiếng nào, thì nói cho cùng, chắc các vị cũng ý thức rằng mình chỉ là người phục vụ, là người tôi tớ trung thành đã nhận lãnh những nén bạc của chủ cách nhưng không thì phải cho đi nhưng không mà thôi. Có chút danh tiếng, quá lắm là trăm năm, rồi thì theo quy luật của tự nhiên, cũng phải chấp nhận “tre già măng mọc”, để mỗi thời đại có cách diễn tả tâm tình của dân Chúa thời đại ấy, qua ngôn ngữ, qua âm nhạc, qua mọi cách biểu lộ tâm tình của con người. Ngày nay mấy người còn thuộc lòng nhiều bài của các nhạc sĩ thánh ca thuộc thế hệ xưa như Hoài Chiên, Hoàng Ngô? Hơn nữa, có lẽ người viết thánh ca chân chính đều xác tín rằng những gì mình viết ra là để phụng sự Chúa và phục vụ dân Người, và chính mình “chỉ là cây viết chì nhỏ trong tay Chúa” (Mẹ Thánh Teresa Cancutta), thế thì có gì phải hãnh diện vì chút danh tiếng rồi sẽ phôi phai theo thời gian?
Vậy phần thưởng của người viết thánh ca là gì? Phải chăng là lợi tức? Viết nhạc đời người ta còn có thể làm giàu nhờ vốn liếng âm nhạc của mình, viết nhạc thánh ca thử hỏi người sáng tác liệu có thể làm giàu? Phải chăng bán dăm cuốn sách nhạc hay vài đĩa cd? Thú thật theo quan sát của cá nhân toàn là lỗ vốn thôi, chứ chẳng mong thu lợi ích gì đâu. Bây giờ tất cả chỉ có đưa lên mạng thì người ta mới nghe, chứ phát hành cd thì chẳng mong gỡ lại tiền in đĩa nữa! Nếu có phát hành sách hay đĩa cd, thì cũng chỉ vì có chút hỗ trợ, hoặc có chút vốn liếng muốn dùng để phụng sự Chúa và dân Người thôi, chứ để kiếm lời kiếm chác thì chắc… còn khuya! Nhạc đời, và nhất là ở phương Tây, người ta còn mong lấy lại chút thù lao như để trả công lao động trí óc để bồi dưỡng chất xám, chứ ở Việt Nam thì vấn đề bản quyền (copyright) trong các lĩnh vực lao động trí óc còn chưa được tuân thủ cho nghiêm chỉnh, nói gì tới việc bản quyền của các bài thánh ca. Nên người viết thánh ca có lẽ chẳng trông mong gì việc lấy lại chút thù lao cho việc mình viết thánh ca cả. Mà nếu có trông mong nhờ chút khả năng viết thánh ca mà người viết có thể có chút lợi lộc, thì có lẽ động cơ chẳng mấy trong sáng ấy cũng làm cho tác phẩm của người ấy chẳng còn tinh tuyền và đẹp lòng Chúa bao nhiêu…
Vậy thì phần thưởng của người viết thánh ca là gì? Có lẽ, đó là niềm vui sướng khi được nghe người khác hát những tác phẩm của mình, tức là thấy tác phẩm của mình được đón nhận, đơn sơ là vậy thôi. Niềm vui sướng ấy không chỉ thuần túy là được người khác công nhận tác phẩm hay tài năng của mình, cũng không phải là một cách khẳng định mình nhằm nuôi dưỡng cái tôi kiêu căng hợm hĩnh. Nếu vậy thì niềm vui ấy hời hợt và rẻ tiền quá!
Niềm vui sướng ấy thiêng liêng hơn nhiều:
– Đó là biết được mình có thể cống hiến chút khả năng nhỏ bé Chúa ban để phục vụ cộng đoàn.
– Đó là ý thức được Chúa có thể sử dụng một khí cụ nhỏ bé, thô sơ và đơn mọn như thế để dệt nên bao giai điệu, bao thánh khúc ca ngợi Người.
– Đó là sự hạ mình thẳm sâu vì biết rằng chính bản thân mình chẳng là gì, bao lần phải ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi nhìn lại những gì mình đã viết, bởi lẽ không ngờ mình có thể viết nên những giai điệu, những tâm tình ấy, và xác tín rằng chỉ do ơn soi sáng và cách nào đó, nếu có thể nói, là “ơn linh hứng” của chính Chúa, đã làm tất cả mọi sự kì diệu ấy, chứ chính bản thân mình chỉ là “đầy tớ vô duyên bất tài”[4] có gì mà vênh vang tự đắc?
– Đó cũng là tâm tình tạ ơn, bởi lẽ Thiên Chúa đã dùng những tâm tình của cá nhân mình để mượn nó, sử dụng nó, chuyển hóa nó thành tâm tình của cộng đoàn, làm cho tâm tình của cá nhân người viết thánh ca hòa quyện với bầu khí phụng vụ của cộng đoàn, để nâng cao tiếng hát, nâng cao tâm hồn, nâng cao trái tim của người tham dự lên những thực tại siêu nhiên cao quý. Mỗi ca khúc, mỗi tác phẩm, dù đơn sơ ngắn gọn hay một bản trường ca với kĩ thuật điêu luyện đều là một phần thưởng chính Chúa ban tặng cho chính người viết thánh ca. Người viết thánh ca đều tâm đắc về từng mỗi một đứa con tinh thần của mình.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quảng diễn thật sâu sắc ý tưởng này: “Đức tin của vô số các tín hữu đã được những giai điệu nuôi dưỡng, những giai điệu tuôn tràn từ trái tim của các tín hữu khác, và cũng được đưa vào Phụng Vụ hoặc được sử dụng như là một trợ giúp cho việc thờ phượng trang nghiêm. Trong ca hát, đức tin được cảm nghiệm như một niềm vui sống động, một tình yêu thương, và lòng mong đợi phó thác vào sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa.” [5]
Và nếu biết được khi nhờ những tâm tình ấy mà người khác có thể triển nở hơn trong đời sống đức tin, đó không phải đã là phần thưởng quý giá cho người viết thánh ca sao? Nếu biết được nhờ những tâm tình ấy mà người khác có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, tìm thấy vẻ đẹp của đức tin Kitô giáo, thêm yêu Chúa, yêu đời, yêu người, đó chẳng phải đã là phần thưởng cho người viết thánh ca rồi sao? Đó là chưa nói, phần thưởng của người viết thánh ca còn là niềm khát khao vinh phúc của đời vĩnh cửu, khi nhờ những nỗ lực, cố gắng của mình cộng tác với ơn Chúa có thể giúp chút gì để góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa, xây dựng niềm tin yêu trong các tâm hồn. Phần thưởng cao quý ấy, đó mới là điều mà người viết nhạc thánh ca nên trông chờ, nếu có thể nói như vậy. Bởi lẽ, như đã nói, chính Thiên Chúa gieo hứng khởi và ân sủng của Người trong lòng những chiếc bình sành mỏng giòn yếu đuối này (2Cr 4,7). Người sử dụng những chiếc bình sành này chứa đựng nước hứng khởi và ân sủng để tưới cho vườn nho, cho cánh đồng Giáo Hội của Người. Chính Người mới là người làm tất cả, nhưng khi ân sủng ấy sinh hoa trái, thì chẳng phải những chiếc bình ấy có được hạnh phúc là cộng tác vào kì công của Người sao? Có lẽ đó cũng là điều thánh Phaolô ý thức tương tự, khi nói về công khó trong việc rao giảng Tin Mừng của mình: Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên (1Cr 3,6). Và chỉ ấp ủ một niềm hạnh phúc đó thôi, người viết thánh ca mới đẹp lòng Chúa, có thể nói như thế.
Dạo một vòng quanh những trang đăng tải nhạc thánh ca, đôi khi lướt thấy những lượt xem và tải về những tác phẩm của mình, có những lúc chính mình cũng cảm thấy vui vui. Thỉnh thoảng nghe phản hồi tích cực về những tác phẩm thánh ca của mình, chính mình cũng thấy chút an ủi. Mình có động lực để dám tin vào những gì Chúa muốn mình thực hiện. Mình biết những gì mình làm được vẫn còn bé nhỏ lắm, không đáng kể gì, và chính mình cũng chẳng nghĩ ngợi bon chen với ai, với những bậc cha anh giỏi giang và đạo đức. Tất cả chỉ là những tâm tình đơn sơ, ghi dấu lại hành trình đức tin của một người trẻ đang sống đời dâng hiến muốn nói lên tâm tư của mình trong đời sống lặng lẽ theo Chúa mỗi ngày. Dầu chỉ là những đóng góp bé nhỏ nhưng mình cảm thấy vui sướng khi được chia sẻ những “món quà” ân sủng này để dâng tặng Thiên Chúa, dâng tặng cuộc đời vì hồng ân mà Thiên Chúa đã, đang và sẽ thương ban cho chính bản thân mình, và cũng để dâng tặng cho mọi người vì nghĩa tình mà mọi người dành cho mình. Tạ ơn Thiên Chúa đã cho con làm người và làm con của Người, tạ ơn Chúa vì đã thương chọn gọi con sống đời dâng hiến, tạ ơn Chúa đã gieo hứng khởi của Người trong lòng con, để con có thể dùng chút khả năng Nguời ban để phụng sự Người và phục vụ mọi người.
Tuy vậy, tâm tình đó không dung dưỡng cho việc bằng lòng ỷ lại với những gì của chính mình, nhưng lại càng làm cho chính mình phải nỗ lực hơn mỗi ngày. Bởi lẽ càng học, càng thấy có nhiều người giỏi giang quá, càng thấy mình thực sự chưa biết gì! Mải miết nhìn lên những người ấy như là những chặng để tiến lên, còn giờ đâu để mình tự hào với những gì mình có nữa?! Và còn hơn nữa, là mải miết nhìn lên chính Thiên Chúa, cội nguồn của mọi hứng khởi thiêng liêng ấy nữa, Đấng là chính ánh mặt trời Chân-Thiện-Mĩ hằng chiếu tỏa chứa chan bao dung cho cuộc đời. Hội Thánh vui mừng thúc giục các nhà sáng tác và các nhà soạn lời sử dụng tài năng đặc biệt của mình hầu Hội Thánh có thể tiếp tục làm tăng thêm kho tàng nghệ thuật Thánh Nhạc.[6]
Thao thức của mình khi viết Thánh Ca, đó là làm sao có được những bài Thánh Ca vừa hay vừa sốt sắng, để bảo đảm tính nghệ thuật và thánh thiện mà Thánh Nhạc đòi hỏi (Huấn Thị De Musica in Sacra Liturgia số 4a). Điều này thật sự là rất khó. Viết “hay” mà nghe không “sốt sắng”, hay viết “sốt sắng” quá mà lại không “hay”, có lẽ cũng không quá khó. Nhưng viết Thánh Ca vừa “hay” vừa “sốt sắng” đòi hỏi người cầm bút phải vừa luôn trau dồi khả năng chuyên môn lẫn đào sâu thao thức của hồn nhạc, một điều mà mình vẫn xác tín và nỗ lực hằng ngày. Và mình cũng hiểu rằng, những gì mình biểu lộ ra bên ngoài phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đời sống tâm hồn. Chính vì thế cha giáo Kim Long khi dạy lớp Kinh nghiệm sáng tác Thánh Ca đã nói: Muốn viết nhạc cho hay, cần phải ĐỌC, phải SUY và phải CẦU. ĐỌC để thêm chất liệu, SUY để thêm ý tưởng và CẦU để thêm sốt sắng. Riêng mình thì mạo muội nghĩ thêm rằng: Phải SỐNG và NGHIỆM trước khi VIẾT, và nếu phải VIẾT thì vì đã SỐNG và NGHIỆM.
Việc quan trọng nhất của mình hiện nay vẫn là việc tu học để trở nên Linh Mục của Chúa. Mình vẫn xác tín như vậy. Tất cả những gì có thể làm được cũng chỉ để phục vụ cho việc trở nên Linh Mục thánh thiện như lòng Chúa ước mong và lòng dân mong đợi. Có những lúc gần cả một năm học đâu có viết được note nhạc nào, vì bận bịu với việc học hành. Có những khoảng thời gian đâu đụng tới âm nhạc, nghĩ tưởng rằng hứng khởi đã cạn khô, con đường sáng tác đã rơi vào dấu chấm hết. Có những bài nhạc bỏ dở dang mấy tháng, tưởng đã không thể hoàn thành được vì đi vào ngõ cụt. Nhưng rồi sau đó, tới thời điểm thích hợp, ý nhạc tuôn trào, tư tưởng chín muồi, những bài thánh ca vẫn kết tinh như là những cảm nghiệm thiêng liêng, một loại “làm thần học bằng âm nhạc”, nếu có thể dám nói thế. Mình vẫn xác tín một điều: Thôi thì khi Chúa còn ban cảm hứng, nghĩa là Người còn muốn mình viết. Viết được thì cứ viết, vì biết đâu trong tương lai, sẽ tới một giai đoạn mình không còn có thể viết được nữa (con người có giới hạn, đâu có gì vĩnh cửu), hay Chúa muốn mình làm việc khác cho Người, bởi lẽ “mọi sự đều có thời”, theo cách nói của sách Giảng Viên thì sao? Nên khi còn Thánh Thần còn soi sáng để viết thì phải biết nhanh nhạy, ngoan ngoãn mà nghe Người chỉ bảo.
“Xin cho đời con như cây sáo của Ngài.
Chúa gieo vào giai khúc thanh khiết muôn đời…”
(Dấu Ấn Tình Yêu, LM Ân Đức)
Con chiên nhỏ
Giang Tâm