Phân định trong đời thường

Làm sao biết được ý Chúa? Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ thường hỏi tôi. Thật ra câu hỏi này chẳng của riêng ai. Câu hỏi này đi theo suốt đời con người, đặc biệt với những ai có tâm hồn khao khát kết thân với Chúa. Chính điều này giúp người tín hữu tìm được ý nghĩa đích thực của đời mình. Nếu không khao khát thì cần gì phải tìm kiếm ý Chúa.


Ta cứ làm theo điều ta nghĩ, điều ta thích, điều làm ta thấy thoải mái, dễ chịu là được. Nhưng người đặt mình trong tương quan với Chúa không sống như vậy, không coi mình là trung tâm, không muốn tự định đoạt đời mình. Họ biết mình là một thụ tạo, và trên đầu mình còn có Đấng tạo ra mình. Họ muốn sống theo ý muốn của Đấng ấy, không bị áp đặt như một nô lệ, nhưng hạnh phúc như một con người con. Chính việc biết mình đã sống đúng theo ý của Đấng đã cho mình sống trên đời, đem lại cho họ hạnh phúc và bình an.

Làm sao biết được ý của Thiên Chúa? Thiên Chúa có thường giấu kỹ ý muốn của Ngài không? Hẳn là không rồi. Thiên Chúa rất muốn bày tỏ ý của Ngài cho con người, cho từng người. Ngài muốn mặc khải về kế hoạch riêng Ngài có với từng người chúng ta. John Powel viết một câu rất ý nghĩa:

Thiên Chúa sai mỗi người đến thế gian
với một sứ điệp để loan báo,
với một bài ca đặc biệt để hát lên,
với một nghĩa cử yêu thương để ban tặng.

Ai cũng có thể hát vang một bài hát đặc biệt, không giống với những bài hát của người khác. Ai cũng có một sứ điệp đặc biệt để loan báo, và một cách đặc biệt để thể hiện tình yêu. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm cho những đặc biệt và dị biệt đó thành một bản giao hưởng tuyệt vời của hơn 7 tỷ con người. Mỗi bạn trẻ cũng được mời gọi tìm ra bài ca mà Thiên Chúa muốn mình hát bằng cuộc đời mình.

THIÊN CHÚA BÀY TỎ Ý MUỐN CỦA NGÀI CHO CON NGƯỜI

Trong Cựu Ước có nhiều cách tìm ý Chúa. Có thời người ta đi tìm ý Chúa bằng cách bốc thăm (x. Xh 28, 30). Saul đã bốc thăm để xem ai là người có tội, một bên là ông và Gionathan con trai ông, bên kia là dân Chúa (x. 1 Sm 14, 41). Saul còn bốc thăm lần nữa để biết giữa ông và Gionathan, ai là người có tội (x. 1 Sm 14, 42). Việc bốc thăm để tìm ý Chúa sau này bị mai một dần, tuy Tân Ước cũng có lần nói đến việc bốc thăm. Khi các tông đồ tìm một người thay thế Giuđa, họ đã có hai ứng viên hội đủ mọi điều kiện, đó là Giô-xếp và Mát-thia (Cv 1, 21-23). Biết chọn ai bây giờ? Các tông đồ bèn cầu nguyện để xin Chúa cho biết thánh ý. Và họ đã muốn tìm ý Chúa qua việc bốc thăm (x. Cv 1, 24-26). Ông Mát-thia là người trúng thăm để vào số Mười Hai tông đồ.

Có khi con người không phải đi tìm ý Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa đích thân đến với con người để bày tỏ ý định của Ngài. Câu chuyện cậu Samuel được Chúa gọi ở đền thờ Si-lô là một thí dụ (1 Sm 3). Đức Chúa cao cả muốn gặp cậu vào ban đêm khi cậu đã yên giấc. Ngài gọi tên cậu, và cậu đã nghe được tiếng ấy. Nhưng tiếng gọi của Chúa không khác với tiếng của thầy cả Êli nên Samuel tưởng là thầy mình gọi. Mau mắn, kính trọng và sẵn sàng, cậu đã chạy đến gặp thầy: Dạ con đây, thầy gọi con. Chúa đã gọi cậu lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Nhưng cậu vẫn chưa nhận ra tiếng Chúa, cậu vẫn tưởng đó là tiếng thầy Êli. Nhưng khi Samuel đến gặp Êli lần thứ ba, thì thầy hiểu ra là Samuel không nằm mơ, chính ĐỨC CHÚA gọi Samuel chứ không phải ai khác. Thầy đã cho Samuel một lời khuyên tuyệt vời: Nếu có ai gọi con thì con thưa: Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe. ĐỨC CHÚA lại gọi tên Samuel lần thứ tư, và gọi tên cậu hai lần (1 Sm 3, 10). Samuel đã nghe và đáp lại tiếng gọi của ĐỨC CHÚA- Đấng cao cả trò chuyện với một cậu bé trong đêm tối. Samuel lớn lên, được nuôi bằng những cuộc gặp gỡ như thế, và trở thành ngôn sứ của Chúa để chuyển đạt ý Chúa cho dân.

Một câu chuyện khác cũng cho thấy Thiên Chúa tỏ lộ ý định của Ngài cho một người, cả khi người ấy tin chắc là mình đã tìm thấy rồi. Đó là trường hợp của ông Sao-lô (còn gọi là Sa-un hay Phaolô) trên đường đi Đamát. Sao-lô coi những người Do-thái tin theo ông Giêsu là những người chạy theo tà đạo. Ông đi Đamát để bắt những người ấy, trói lại và giải về Giêrusalem (x. Cv 9, 1-2). Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với ông. Lập tức ông biết mình đã sai lầm và trở lại. Cuộc đời của ông lật sang một trang mới. Từ một người bách hại Đạo, Sao-lô trở thành vị tông đồ nhiệt thành rao truyền Đạo khắp mọi nơi.

Vào ngày 10-9-1946 trên chuyến xe lửa đi từ Calcutta đến Darjeeling để làm tĩnh tâm năm, Mẹ Têrêsa đã nhận được một tiếng gọi mới. Khi ấy Mẹ đã ở trong Dòng Loreto được gần 20 năm, đã khấn lần cuối, đã làm hiệu trưởng một trường nữ sinh và được mọi người yêu mến vì thánh thiện và tài năng. Theo lẽ tự nhiên thì cuộc đời Mẹ đã có bến đỗ. Nhưng ngày hôm đó, một điều xảy ra mà Mẹ không sao giải thích nổi. Đó là cơn khát của Chúa Giêsu xâm chiếm trái tim Mẹ: khát tình yêu và các linh hồn. Từ đó Mẹ thấy một ước muốn mãnh liệt làm thỏa cơn khát của Chúa. Những ngày tháng sau đó, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thổ lộ với Mẹ về khát khao của lòng mình, và nài xin: “Hãy đến làm ánh sáng của Ta. Ta không thể đi một mình.”  Ngài xin Mẹ lập một cộng đoàn dòng tu để phục vụ những người nghèo nhất. Hai năm sau, Mẹ đã ra khỏi Dòng Loreto để bước vào thế giới của người nghèo, trong chiếc áo sari trắng viền xanh.

Thiên Chúa đã bày tỏ ý muốn của Ngài cho Samuel, Sao-lê, Têrêsa và muôn vàn người khác trong dòng lịch sử. Ngài trao cho họ một sứ mạng. Ngày nay nhiều bạn trẻ cũng có những kinh nghiệm tương tự. Những kinh nghiệm đánh động trái tim họ và kéo họ đi, nâng họ lên một tầm cao mới, mở ra một chân trời mới. Cuối cùng họ đã buông mình để theo một tiếng gọi, hay đúng hơn theo một Đấng làm thay đổi hoàn toàn đời họ.

TẠI SAO PHẢI PHÂN ĐỊNH ĐỂ TÌM Ý CHÚA?

Làm sao để tìm được chọn lựa tốt nhất là ước mong của mọi người. Để làm điều đó cần biết phân định (discern, discernment). Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn đưa thái độ phân định vào lối hành xử của mọi kitô hữu. Người trẻ cũng cần tập phân định. Không phải chỉ phân định trước những chọn lựa lớn như chọn bậc sống (đi tu hay lập gia đình) hay chọn người bạn trăm năm, mà còn phải phân định trước những chọn lựa nho nhỏ hàng ngày. Phân định trở thành một thói quen tự nhiên làm cho cả cuộc sống được thống nhất theo một hướng.

Thiên Chúa không giấu ý muốn của Ngài đối với ta, nhưng Ngài vẫn muốn chúng ta phân định để tìm ý Ngài như một cử chỉ khiêm tốn của lòng kính trọng và yêu mến. Hơn nữa, tìm ý Chúa cũng là hành vi mà chỉ con người có lý trí, ý chí và tự do mới làm được. Đó là một hành vi nhân linh. Mỗi người phải tìm ý Chúa cho cuộc đời mình. Chẳng ai làm thay cho mình được, vì trong từng hoàn cảnh, mỗi người có những câu hỏi rất riêng tư. Hùng tự hỏi có nên vào chủng viện khi ở nhà chỉ có người mẹ già sống một mình không? Hương sẽ chọn ai làm chồng, anh Thắng giàu có, đạo đức, nhưng không cùng tôn giáo, còn anh Phúc thì nghèo hơn, ít đạo đức hơn, nhưng cùng tôn giáo và được lòng mẹ của Hương? Phát được làm trong Ban giám hiệu của một trường quốc tế. Anh suy nghĩ có nên tiếp tục làm việc ở trường này nữa không vì thấy nó quá chú tâm vào lợi nhuận? Phát có nên ở lại trường với hy vọng từ từ mình có thể đổi được hướng đi của trường? Duyên phải giúp cha mẹ nuôi các em. Cô tìm được một chỗ làm lương cao để nuôi các em, nhưng cô lại không được nghỉ ngày Chúa nhật, ít có giờ đi lễ hay tham gia một nhóm sống đạo. Duyên có nên tìm một việc khác ít lương hơn nhưng có sự thảnh thơi hơn không?

Tìm ý Chúa không phải là chọn giữa một điều tốt và một điều là tội. Thánh Inhaxiô Loyola nhắc chúng ta không được phép chọn một điều xấu hay ngược với giáo lý của Hội Thánh (Linh Thao số 170). Thí dụ không được lấy một người đã lập gia đình và vẫn đang sống với người phối ngẫu; không được ly dị người bạn đời của mình để lấy người khác; không được phá thai…Tìm ý Chúa là tìm xem Chúa muốn tôi làm điều nào giữa hai (hay nhiều điều) được phép làm. Giữa hai điều tốt, tôi chọn điều tốt hơn mà tôi biết mình có thể làm được nhờ ơn Chúa.

Ngay cả khi đã biết ý Chúa, chúng ta cũng sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi cụ thể hơn. Thí dụ, bác sĩ Phong mới ra trường, phải suy nghĩ xem Chúa muốn mình phục vụ ở vùng quê hay ở thành phố. Nếu về vùng quê thì có nhiều cơ hội giúp người nghèo, nhưng đời sống vật chất của mình và sự thăng tiến trong nghề sẽ ra sao?

Một bạn trẻ quyết định đi Mùa Hè Xanh cũng phải phân định để tìm ý Chúa. Nên đi khi nào? địa điểm nào cần sự hiện diện của tôi hơn? tôi sẽ làm gì khi đến đó? tôi sẽ ở đó bao lâu? Có câu trả lời chỉ tìm ra được khi đến nơi mình phục vụ. Ánh sáng của Chúa đến với tôi qua thực tế tôi đang trải nghiệm. Nếu tôi còn nhiều môn phải thi lại hay tôi còn phải hoàn tất bài luận văn ra trường, thì năm nay tôi có nên đi Mùa Hè Xanh, hay chỉ đi một tuần thôi?

Nói chung, hàng ngày ai cũng phải đối diện với những chọn lựa. Trước đây, trên đường lên Đà Lạt, có ngôi nhà thờ căng một tấm bảng lớn có ghi câu: Sống là Chọn. Mà chọn thì phải bỏ. Bỏ nhiều khi làm tôi thấy mình bị giằng co, xâu xé, tiếc nuối, đau đớn. Tôi không thể nào chọn mọi sự, vì tôi không thể nào làm hết mọi sự, dù lòng tôi có tốt đến đâu. Tôi không thể vừa muốn đi tu, vừa muốn tiếp tục nuôi dưỡng mối tình với người ấy. Tôi không thể lập gia đình với hai người, dù tôi đã có nhiều kỷ niệm với cả hai, dù mỗi người đều có những nét riêng làm tôi ngưỡng mộ. Chấp nhận chọn là chấp nhận có thể bị tổn thương, ít là lúc đầu. Không muốn chịu tổn thương thì cũng không chạm đến chọn lựa một cách triệt để.

Thường thường người ta chọn lựa dựa theo cái tôi của mình. Cái tôi của tôi là trung tâm. Tôi chọn điều tôi thích. Tôi chọn điều đem lại cái lợi cho tôi: tiếng tăm, tiền bạc, khoái lạc, quyền lực…Tôi chọn điều đem lại cái lợi cho đất nước tôi, cho gia đình tôi, cho những người thân của tôi, cho tổ chức hay nhóm của tôi, dù cái lợi ấy gây hại cho nước khác hay người khác. Khi đọc báo hàng ngày, chúng ta thấy nhiều người đã chọn theo kiểu ấy, vì thế biết bao thảm kịch đã xảy ra khắp nơi trên toàn cầu: chiến tranh, xung đột, giết chóc, bất công, tham nhũng, dối trá, bóc lột, áp bức, kỳ thị, hố sâu giữa người giàu người nghèo… Mọi nỗi khổ đau của nhân loại đến từ những chọn lựa quy về cái tôi và những gì là của tôi. Khi cái tôi trở thành tiêu chuẩn để chọn lựa, thì tôi không thể nghĩ đến người khác, không thể tôn trọng quyền lợi của họ.

Như thế để làm một lựa chọn đúng đắn, tôi phải được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ. Tôi không bị nô lệ cho cái tôi đầy thèm muốn chiếm đoạt của mình. Dĩ nhiên là tôi phải yêu tôi, nhưng tôi lại không phải là trung tâm để mọi sự, mọi người phải quy hướng vào đó. Trung tâm của tôi phải ở ngoài tôi, phải ở trên tôi. Đối với một kitô hữu, trung tâm của tôi là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nhờ Đấng ấy mà tôi hiện hữu trên đời này. Mọi chọn lựa của tôi phải quy về Đấng ấy.

Các nhà luân lý nói đến việc mỗi người cần xác định đâu là lựa chọn căn bản của đời mình (fundamental option). Tôi chọn tôi hay chọn Thiên Chúa? Tôi chọn tôi hay chọn tha nhân? Lựa chọn căn bản này sẽ chi phối mọi lựa chọn nhỏ khác của đời tôi.

BÌNH TÂM TRƯỚC MỌI THỤ TẠO LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÂN ĐỊNH

Trong sách Linh Thao, thánh Inhaxiô nói đến mục đích của đời người: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình” (LT 23). Thánh nhân coi đây là Nền Tảng chi phối mọi chọn lựa. Mọi chọn lựa của tôi đều phải hướng đến mục đích này, nghĩa là hướng đến việc tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên tôi và tiếp tục cho tôi sống trên đời. Tôi không được quên thân phận thụ tạo của mình trước Đấng Tạo Hóa.

Hơn nữa, Thiên Chúa còn muốn tôi được cứu rỗi, nghĩa là được sống mãi mãi bên Ngài ở đời sau. Cuộc đời tôi đâu chỉ kéo dài một số năm tháng ở đời này, nhưng sau cái chết, nó kéo dài đến vĩnh cửu. Trần gian này dù có giá trị cao quý, nhưng nó vẫn chỉ là nơi tôi dựng lều tạm trú. Hạnh phúc và nước mắt ở đời này chưa phải là tuyệt đối, chưa phải là chung cục. Tôi cần tìm một thứ hạnh phúc vững bền, trọn vẹn. Chính vì thế mỗi chọn lựa của tôi ở đời này phải được cân nhắc đắn đo, bởi lẽ tôi dễ bị cám dỗ bởi những vẻ đẹp gần bên của cái vô thường mà hững hờ với hạnh phúc tuyệt vời nơi thế giới của Thiên Chúa.

Trước khi phân định và chọn lựa, tôi phải biết tôi từ đâu đến và tôi sẽ đi đâu. Tôi là thụ tạo đến từ Thiên Chúa và tôi đang trên đường về với thế giới vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Để giúp tôi đạt được mục đích trên của đời người, Thiên Chúa còn ban cho tôi những thụ tạo tốt đẹp khác. Chúng cũng là thụ tạo như tôi, và Chúa cho tôi có quyền sử dụng chúng để tôn vinh Chúa. Sử dụng là thế này: nếu chúng giúp tôi nhiều, tôi sẽ dùng nhiều; nếu chúng cản trở tôi, tôi phải loại bỏ. Tôi không được đặt thụ tạo lên trên Thiên Chúa, là Đấng tác sinh mọi loài thụ tạo. Vì mọi thụ tạo chỉ là phương thế để giúp tôi phụng sự Thiên Chúa, nên tôi cần có thái độ siêu thoát và tự do đối với chúng. Thái độ siêu thoát được thánh Inhaxiô gọi là bình tâm (indifference). Bình tâm ở đây không có nghĩa là bình tĩnh, hay giữ cái đầu lạnh như từ điển quen hiểu. Bình tâm là tạm thời không nghiêng về một thụ tạo nào, để rồi sau khi đã tìm kiếm và tìm thấy ý Chúa, thì nghiêng về điều Chúa muốn.

Ở thành phố Pisa nước Ý, có một tháp chuông khá đẹp, nhưng lại nghiêng ngay từ lúc mới xây. Tháp này đã nghiêng 4 độ, và càng lúc càng nghiêng hơn nên có nguy cơ sụp đổ. Các kỹ sư đã phải suy nghĩ nhiều để tìm ra cách giữ cho nó đừng nghiêng thêm. Giải pháp đưa ra là di dời các chuông của tháp cho nhẹ bớt, và rút bớt đất dưới một phần nền của tháp để tạo lại sự cân bằng. Tháp nghiêng Pisa có thể là một hình ảnh tượng trưng cho mỗi người chúng ta. Chúng ta thường ở tư thế nghiêng, và càng lúc càng nghiêng hơn. Trước khi quyết định một điều gì, ta thường thấy mình đã nghiêng về một giải pháp rồi. Trước khi suy nghĩ chọn lựa, ta đã thấy mình đã chọn xong rồi. Có khi phân định hay tìm ý Chúa chỉ là hợp lý hóa điều mình đã chọn. Làm cho tháp Pisa đừng nghiêng là chuyện khiến các kỹ sư đau đầu, nhưng làm cho chúng ta đừng nghiêng để hoàn toàn tự do chọn điều Chúa muốn, điều đó khó hơn nhiều.

Phải công nhận là có nhiều thụ tạo làm chúng ta nghiêng. Người ta nói sức khỏe là tài sản vô giá. Ai cũng sợ bị đau bịnh, ai cũng muốn mình khỏe mạnh từ đầu đến chân. Ngoài sống khỏe, người ta còn muốn sống lâu. Tuổi thọ được coi là một hồng phúc trời ban, nhất là vào thời mà người ta chưa tin có sự sống lại của thân xác. Sống lâu, vui hưởng tuổi già bên đàn con cháu: đó là ước mơ của nhiều bậc lão thành. Ngoài sống khỏe và sống lâu thì giàu sang, tiền bạc, của cải là những thứ khiến nhiều người mê đắm, đến nỗi đánh mất cả nhân phẩm của mình và xúc phạm đến nhân phẩm người khác. Đức Giêsu có lý khi nói: Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được (Mt 6, 24). Tiền Của là điều con người thường muốn làm tôi cho nó, vì có nó thì mới làm chủ những thứ khác được. Khi có tiền, con người lại muốn có danh dự, danh tiếng, danh giá, danh vọng… Sống như người vô danh là điều hầu như chẳng ai muốn. Hơn nữa, đối với một số dân tộc phương Đông, chịu ô nhục là điều không thể chấp nhận được và phải tránh bằng mọi giá, kể cả giá máu.

Bạn trẻ hôm nay nghiêng về thụ tạo nào? Họ có mê tiền, mê tiếng không? Họ có quan tâm đến số likes, số followers của mình trên mạng xã hội không? Họ có mong làm giàu bằng cách khởi nghiệp không? Họ có bị thu hút bởi những thần tượng thể thao hay showbiz không? Bạn trẻ hôm nay có thể bị nghiêng ngả bởi ma túy và ăn chơi trụy lạc, bởi những thứ khoái lạc mới mẻ và hấp dẫn mà chỉ thời nay mới có. Khi bị nghiêng như vậy, tôi khó lòng phân định xem đâu là con đường Chúa muốn mình đi. “Tôi chọn Giêsu là nắng, tôi chọn Giêsu là mưa…” là một câu dễ hát nhưng không dễ sống. Câu hỏi bây giờ là: làm sao để tôi không nghiêng nữa, nhưng đứng thẳng lên được.  Nhờ thế tôi mới có thể chọn Giêsu.

Câu chuyện của người phụ nữ còng lưng trong Phúc âm Luca nói với chúng ta về cách bà đứng thẳng lên được dù lưng đã còng 18 năm. Trước hết là sự bất lực hoàn toàn của bà: “lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được” (Lc 13, 11), dù rất muốn. Đức Giêsu chỉ nói một câu: “Bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền”, và làm một cử chỉ: “Ngài đặt tay trên bà, lập tức bà đứng thẳng lên được” (Lc 13, 12-13). Chúng ta ít nhiều đều ở tư thế còng lưng, mặt cúi xuống đất, chỉ nhìn thấy một miếng đất nho nhỏ trước mặt, khó ngửa mặt nhìn trời. Chúng ta ít nhiều bị trói buộc, buộc bằng dây hay bằng xiềng xích (x. Lc 13, 15-16). Chúng ta không tự cởi trói được, không tự giải thoát cho mình được, không tự đứng thẳng được. Đức Giêsu chữa cho người phụ nữ còng lưng dù bà không yêu cầu. Ngài chính là Đấng làm chúng ta được đứng thẳng như một người thật sự tự do. Tư thế đứng thẳng tượng trưng cho thái độ bình tâm, siêu thoát, không nghiêng về thụ tạo nào.

MAGIS: HƠN NỮA !

Trước khi chọn lựa, ta phải đặt Thiên Chúa lên trên hết và trước hết. Mọi thụ tạo phải được đặt dưới Ngài và đặt sau Ngài. Đức Giêsu, Thiên Chúa Con làm người, cũng đã đòi các môn đệ phải đặt Ngài lên trên mọi thứ của cải trần gian và mọi liên hệ máu mủ ruột thịt: “Nếu ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Ngài còn nói: “Ai trong anh em không từ bỏ tất cả những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 33). Như thế chọn làm môn đệ Giêsu đòi ta phải đặt Ngài lên trên những giá trị được người đời coi trọng. Khi dặn các môn đệ đừng lo về đời sống vật chất như chuyện ăn mặc, Đức Giêsu khuyên họ: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Vậy tìm kiếm Nước Thiên Chúa hay tìm chính Thiên Chúa là ưu tiên một, vượt trên mọi ưu tiên khác.

Một chọn lựa được coi là nghiêm túc khi nó hoàn toàn quy hướng về vinh quang Thiên Chúa. Đừng sợ con người sẽ bị chèn ép hay bị tha hóa nếu nó chỉ nhắm đến vinh quang Thiên Chúa. Vinh quang Thiên Chúa chẳng bao giờ đè bẹp con người. Trái lại, như Đức Giêsu nói: “điều làm Chúa Cha được vinh quang là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15, 8). Thánh Irênê viết một câu bất hủ: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa” (Gloria enim Dei homo vivens, vita autem hominis visio Dei). Chẳng có gì mâu thuẫn giữa vinh quang Thiên Chúa và sự triển nở của con người. Hoa hướng dương tỏa sáng khi quay về mặt trời.

Khi phải phân định để chọn lựa, chúng ta có thể có trước mặt nhiều giải pháp tốt. Giải pháp tốt hơn là giải pháp dẫn đưa chúng ta đến với mục đích của đời mình HƠN (Linh Thao 23) và vinh danh Thiên Chúa HƠN. Chính tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa khiến chúng ta không bằng lòng với việc chọn những điều “thường thường bậc trung.” “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi với tất cả trái tim ngươi” (x. Đnl 6, 4). Khi yêu với tất cả trái tim, người ta không bao giờ coi là đủ. Chữ HƠN đưa ta đi vào một chuyển động tìm kiếm và nhận định để khám phá ra điều Chúa muốn tôi làm Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ. Điều hôm qua là HƠN, thì hôm nay có thể phải điều chỉnh lại. Phải tìm ra cái HƠN cho hôm nay, cho giây phút này. Phải làm sao để việc phục vụ của tôi đến với nhiều người hơn, hay đến với những người đang có nhu cầu cấp bách hơn. Một linh mục được ơn giảng thuyết, có thể đưa bài giảng của mình lên trang web thay vì chỉ dành cho một nhóm người nghe trong Thánh Lễ. Cha Mateo Ricci, SJ, khi đến Trung-hoa (1583) đã cạo đầu và ăn mặc như một vị sư Phật giáo để được phép ở lại đó. Nhưng sau khi thông thạo tiếng Quan thoại và văn hóa Trung-hoa, ngài phân định và thấy để truyền giáo tốt hơn thì nên ăn mặc như một văn nhân (literati) của Khổng giáo. Từ đó (1595) ngài để râu tóc trở lại, mặc áo lụa, và đầu đội một cái mũ sang trọng như mũ giám mục!

Thánh Phanxicô Xavier là người đã sống tinh thần của chữ HƠN. Ngài đã bỏ quê hương Tây-ban-nha để đi truyền giáo ở Ấn-độ (năm 1541). Nhưng không chỉ ngừng lại thành phố Goa, ngài còn đi qua các đảo thuộc Mã-lai bây giờ. Ở Mã-lai, ngài gặp một người Nhật, rửa tội cho anh, và bị lôi cuốn bởi lời giới thiệu của anh về một nước Nhật đẹp đẽ văn minh. Thế là ngài lên đường đi truyền giáo ở Nhật và khá thành công. Nhưng lòng của ngài không dừng lại đó. Khi biết người Nhật rất nể phục sự khôn ngoan của người Trung-hoa, ngài thấy muốn truyền giáo cho người Nhật có kết quả hơn thì phải truyền giáo cho người Trung-hoa trước. Thế là ngài nuôi mộng vào đất Trung-hoa, dù hoàng đế Trung-hoa thời ấy ra lệnh bắt giết những ai vào nước truyền đạo. Phanxicô Xavier đã chết vì kiệt sức trên đảo Thượng Xuyên cách Trung-hoa 14 km (năm 1552). Mắt ngài vẫn hướng về đất Trung-hoa, lòng ngài vẫn muốn làm điều HƠN.

PHẢI LÀM GÌ ĐỂ PHÂN ĐỊNH VÀ CHỌN ĐÚNG Ý CHÚA

Phàm ai kính sợ Chúa

Người chỉ cho thấy đường phải chọn (Tv 24, 12).

Sau đây là 5 bước cho một cuộc phân định bình thường.

  1. Trước khi lựa chọn, cần nắm vững mục đích của đời mình, đó là ngợi khen Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình. Cần có thái độ bình tâm, nghĩa là không để mình bị chi phối bởi tình cảm thích hay không thích điều này điều nọ, “giữ mình ở giữa như cái kim của bàn cân, để nghiêng theo điều tôi cảm thấy làm vinh danh, ngợi khen Chúa và cứu rỗi linh hồn tôi hơn” (Linh Thao 179).
  2. Kế đến phải cầu nguyện, nghĩa là tha thiết xin Chúa tỏ cho biết Ngài muốn mình làm gì trong hoàn cảnh hiện tại. Xin Ngài đánh động tâm hồn và soi sáng trí khôn để mình nhận ra.
  3. Suy xét những cái lợi và hại của từng giải pháp chọn lựa. Đây không phải là lợi hay hại về mặt vật chất, nhưng là xem nó lợi hay hại cho mục đích tối quan trọng của đời mình, đó là tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình.
  4. Sau khi suy xét, hãy xem lý trí nghiêng về phía nào hơn, từ đó mới đưa ra quyết định chọn lựa.
  5. Chọn lựa xong thì đi cầu nguyện, dâng lên Chúa chọn lựa của mình, để xin Ngài vui nhận và xác chuẩn chọn lựa đó nếu nó thực sự tôn vinh Ngài hơn.

Cũng có 3 cách để phân định và chọn lựa dựa trên trí tưởng tượng, khi tôi đặt mình trong những tình huống đặc biệt. Chính những tình huống này khiến tôi chọn lựa nghiêm túc hơn.

(a) Tôi tưởng tượng tôi gặp một người ở trong hoàn cảnh y hệt như tôi, và đang tìm ý Chúa, tôi sẽ khuyên người ấy chọn giải pháp nào?

(b)  Tôi tưởng tượng mình đang trong giờ nguy tử, tôi sẽ chọn giải pháp nào?

(c)  Tôi tưởng tượng mình đang ở trong ngày phán xét, tôi sẽ chọn giải pháp nào?

Một bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên tham vấn một vị linh hướng khôn ngoan khi phải làm một chọn lựa quan trọng. Kết hôn với một người được coi là lựa chọn quan trọng, vì không thể đổi được nữa. Cần khôn ngoan để nhận ra cái bẫy khéo léo của ma quỷ đội lốt thiên thần (2 Cr 11, 14; Cn 14, 12). Thánh Inhaxiô khi còn là sinh viên ở Barcelona đã có kinh nghiệm này. Đó là cứ khi bắt đầu học thuộc lòng các bài văn phạm thì ngài lại thấy trong đầu xuất hiện những tư tưởng mới mẻ về những chuyện thiêng liêng khiến ngài mê mẩn không sao học thuộc được. Ngài đã cố tống chúng đi, nhưng vô ích. Lấy làm lạ trước hiện tượng này, – vì ngay cả khi cầu nguyện hay dự thánh lễ, ngài cũng chẳng bao giờ sốt sắng đến thế, – Inhaxiô dần dần nhận ra đây là một cơn cám dỗ tinh vi. Ngài đã đi gặp giáo sư để xưng thú mọi chuyện và hứa từ nay sẽ học tử tế (Tự thuật 55).

Khi ta chọn lựa đúng ý Chúa thì thường cảm thấy hạnh phúc và bình an, dù vẫn phải chịu nhiều hy sinh, đau khổ. Làm ngược ý Chúa sẽ đem lại nỗi buồn phiền mà anh thanh niên giàu có cảm nghiệm khi anh từ chối lời mời của Chúa (Mt 19, 20-22). Một mặt, anh thanh niên muốn có sự sống đời đời, mặt khác anh lại không đủ can đảm để rũ bỏ tài sản đời này. Lòng gắn bó với của cải khiến anh không đáp lại được lời mời của Thầy Giêsu: “Hãy đi bán tài sản của anh cho người nghèo…rồi hãy đến theo tôi.” Anh đã bỏ đi, buồn rầu, nhưng có khi nào anh muốn trở lại với Thầy Giêsu không?

Phân định để tìm ý Chúa là việc làm hàng ngày và kéo dài suốt đời. Từ từ, ta sẽ nhạy bén để nhận ra ý Chúa xuyên qua những biến cố nhỏ mọn. Nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận có những khoảng thời gian dài chúng ta lần mò trong bóng tối. Lời nguyện sau của Chân phước John Henry Newman là một nâng đỡ cho ta trong lúc khó khăn đó.

Lạy Chúa là Ánh sáng thân thương,

giữa những bủa vây của u sầu ảm đạm, xin Chúa dẫn con đi

Đêm thì tối, đường còn xa, xin giữ bước chân con.

Con đâu dám xin thấy tương lai xa xôi,

Chỉ thấy một bước trước mặt cũng đủ rồi.

Chưa bao giờ con như bây giờ,

Cũng chưa bao giờ con xin Chúa dẫn dắt.

Con đã quen tự chọn và thấy con đường của mình.

Nhưng giờ đây, xin Chúa dẫn con đi.

Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Exit mobile version