1.Có sự khác biệt giữa linh mục này với linh mục khác trong việc cử hành các nghi thức phụng vụ và bí tích.
2.Nghi thức “tắm trong Thánh Thần” là nghi thức gì?
3.Giáo lý, Giáo Luật và Luật phụng vụ có giống nhau ở khắp nơi không?
Để trả lời cụ thể cho những thắc mắc nêu trên, xin được đi vào chi tiết của từng vấn nạn như sau:
1-Trước hết, về việc cử hành các nghi thức phụng vụ – nhất là cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn, Giáo Hội mong muốn các linh mục và Giám Mục cử hành theo đúng lễ qui (Canon of Mass) đã được ghi rõ từng phần bằng chữ Đỏ (Rubric). Nghĩa là không ai được phép tự ý “phăng” ra nghi thức nào riêng của mình khi cử hành Thánh lễ Tạ Ơn. Cụ thể,trong phần mở đầu Thánh lễ, nghi thức sám hối (penitential rite) được cử hành với hai chọn lựa như sau:
a. Một là theo qui định như đọc kinh cáo mình và kinh xin Chúa thương xót (Kyrie Eleison)
b. Hai là rảy nước phép (sprinkling of the Holy water) (ngày Chúa nhật và các ngày Lễ trọng)
Nghi thức này chỉ có mục đích chuẩn bị tâm hồn Chủ Tế, Đồng tế, Phó tế và cộng đoàn tham dự Thánh Lễ, khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ có tội lỗi để xin Chúa tha thứ những lỗi lầm nhẹ không tránh được trong đời sống thường ngày, hầu xứng đáng hiệp nhất với Chúa Kitô và toàn thể Giáo Hội trong việc diễn lại Hy Tế Thập giá và Bữa Tiệc Ly của Chúa, để Tạ Ơn Chúa Cha và xin Người thương ban những ơn trọng đại qua việc cử hành Thánh Lễ “là đỉnh cao và là nguồnsống của Giáo Hội và đời sống Kitô giáo”. Nhưng nghi thức này không phải là bí tích hòa giải (xưng tội) nhằm tha thứ mọi tội nặngvà nhẹ (mortal and venial sins) cho ai đang tham dự Thánh Lễ. Do đó, nếu ai ý thức rằng mình đang có tội trọng thì “không được cử hành thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa nếu chưa được ơn tha thứ qua bí tích hòa giải” (x. giáo luật số 916, Sách Giáo Lý Công Giáo (SGLGHCG-số 1415)
Vì lý do trên, nếu linh mục nào “phăng” ra giáo lý riêng của mình, để mời hết mọi người tham dự Thánh Lễ, lên rước Mình Máu Thánh Chúa, lấy cớ Chúa đã tha thứ hết qua nghi thức sám hối lúc đầu Lễ, là sai trái hoàn toàn, vì biết đâu có những người tham dự đang mắc tội trọng mà chưa được tha thứ qua bí tích hòa giải như giáo lý và giáo luật của Hội Thánh đòi hỏi. Lại nữa, có thể có những người đã ly dị nhưng chưa được tháo gỡ hôn phối cũ (Annulment) mà lại đang sống chung với người khác như vợ chồng. Những người này không thể lãnh các bí tích hòa giải và Thánh Thể bao lâu tình trạng hôn phối của họ chưa được giải quyết hợp pháp theo giáo luật.
Linh mục có bổn phận nhắc nhở giáo dân tham dự Thánh lễ về những điều quan trọng này, cũng như lưu ý những ai không phải là người Công giáo nhưng đến tham dự Thánh lễ thì xin miễn lên rước Lễ; vì phần này chỉ dành riêng cho các tín hữu Công Giáo đang sống trong tình trạng ơn phúc (không có tội trọng) mà thôi. Ai mời mọi người tham dự lên rước Lễ hết không phân biệt có Đạo hay không là đi ngược lại với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Cũng không thể cho tất cả trẻ em tham dự Thánh Lễ với cha mẹ, được rước Mình Thánh Chúa mà không cần biết các em đó đã được rước lễ lần đầu chưa, như một số linh mục Mỹ và Canada đã làm. Các trẻ em phải được học hỏi giáo lý về bí tích hòa giải và Thánh Thể trước khi được rước Mình Thánh Chúa lần đầu và các lần sau. Mình Thánh Chúa Kitô không phải là bánh kẹo, để phân phát vô ý thức cho tất cả các trẻ em tham dự Thánh lễ với phụ huynh.
Riêng về phần linh mục, kỷ luật bí tích và nghi thức Thánh Lễ Tạ Ơn không cho phép linh mục đọc lời truyền Phép (consecration) ngoài lễ qui của Thánh lễ. Nghĩa là, không thể đổ thêm rượu nho vào chén Máu Thánh đã truyền phép, như một linh mục kia đã bảo thừa tác viên thánh thể làm khi thấy chén Máu Thánh đã cạn trong lúc đang cho giáo dân rước Lễ! Cũng không thể đọc thêm lời truyền phép, để có đủ Mình Thánh cho giáo dân rước khi thiếu Mình Thánh.
Theo lễ qui, và giáo luật thì tuyệt đối cấm truyền phép riêng một chất thể (bánh hay rượu) hay cả hai chất thể ngoài khuôn khổ Thánh Lễ, nghĩa là lời truyền phép chỉ được đọc một lần trong Thánh lễ mà thôi. (can. no. 927)
Về các kinh và lời nguyện trong Thánh Lễ, thì chỉ có Chủ tế và Đồng tế đọc chung Kinh Nguyện Thánh Thể (Tạ Ơn) cùng giơ tay trên của lễ, và cùng đọc lời Truyền phép. Phó Tế và giáo dân không được phép đọc chung kinh nguyện nào của Thánh Lễ; trừ kinh cáo mình ở đầu Lễ và kinh Lạy Cha sau Truyền Phép.
2-Về việc cử hành các bí tích khác:
Khi có linh mục hiện diện thì giáo dân và ngay cả các tu sĩ nam nữ (các Sơ, thầy Dòng) không được phép rửa tội cho ai cả. Phó tế chỉ rửa tội cho trẻ em, theo yêu cầu của cha xứ. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp (nguy tử) và nếu không có linh mục hay phó tế, thì bất cứ ai kể cả người chưa được rửa tội cũng được phép rửa tội miễn là phải theo ý Giáo Hội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi. (SGLGHCG số 1256)
Giáo Hội chỉ có hai bí tích chữa lành: đó là bí tích hòa giải và xức dầu bệnh nhân. Cũng chỉ có bí thêm sức, thông ban các ơn sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để giúp tín hữu sống và thực hành những cam kết của bí tích Rửa tội hầu được cứu rỗi. Ngoài ra, không có “bí tích” hay nghi thức nào gọi là “ Tắm trong Thánh Thần” như một vài linh mục đã tự ý “phăng” ra trò “ảo thuật” này, mượn danh Chúa Thánh Thần để tụ họp giáo dân, cầu nguyện lâm râm và đặt tay cho một số người té ngã, bất tỉnh rồi một số người khác cầm khăn ướt đắp trên mặt những người té ngã để vực họ đứng lên, và nói là họ được “tắm trong Thánh Thần”!
Tôi khẳng định: không hề có nghi thức nào của Giáo Hội gọi là “Tắm trong Thánh Thần” như trên, do một vài linh mục đang làm ở một vài giáo xứ ỏ Mỹ hiện nay. Chúng ta cầu xin ơn Thánh Linh là việc đạo đức rất tốt lành, cần được khuyến khích và thực hành. Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ và an ủi dịu hiền. Ngài đến với ai, thì ban ơn soi sáng cho người ấy biết đường thật nẻo chính, để đi hầu được cứu độ và sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa là Cha nhân lành. Do đó, người tín hữu phải luôn cầu xin ơn Thánh Linh để biết sống đẹp lòng Chúa. Nhưng không thể phù phép hóa ơn Chúa Thánh Thần với nghi thức quái dị gọi là “tắm trong Thánh Thần” như một vài linh mục đang làm và hướng dẫn sai lầm giáo dân về ơn Chúa Thánh Linh.
3-Giáo lý và giáo luật
Giáo Hội Công Giáo chỉ có một giáo lý duy nhất, gói ghém trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội được Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ký ban hành ngày 10 tháng 11 năm 1992.
Đây là cuốn chỉ nam duy nhất về những giáo thuyết căn bản giúp hướng dẫn đời sống đức tin của người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo. Do đó, muốn được hiệp thông với Giáo Hội để được ơn cứu độ của Chúa Kitô, mọi tín hữu đều được mong đợi sống và thực hành đúng những giáo lý được ghi trong Sách này.
Những người có trách nhiệm dạy dỗ như Giám mục và linh mục, đều có bổn phận và trách nhiệm dạy đúng giáo lý của Giáo Hội. Nhưng tiếc thay, đã có những sai trái trong việc giảng dạy và thực hành ở nhiều nơi trong Giáo Hội. Thí dụ, có linh mục kia đã đặt vấn đề “tội Nguyên Tổ”( original sin) và cho rằng, theo tâm lý và công bằng, thì không thể có chuyện “quýt làm cam chịu”, nghĩa là không thể vì nguyên tổ loài người là Adam và Eva phạm tội, mà bắt mọi người phải chịu chung hậu quả của tội do hai người đã phạm. Đó là điều bất công, không chấp nhận được!
Nhưng người tín hữu phải nghe ai: nhà thần học, giáo sư Kinh Thánh hay nghe Giáo Hội dạy với quyền Giáo Huấn (Magisterium)?
Liên quan đến vấn đề nêu trên, giáo lý của Giáo Hội nói rõ như sau:
“Câu chuyện sa ngã (St 3) sử dụng một thứ ngôn ngữ bóng bẩy, nhưng khẳng định một biến cố hàng đầu, một sự kiện đã xảy ra lúc khởi đầu lịch sử loài người. Mặc khải cho chúng ta sự chắc chắn của đức tin rằng tất cả lịch sử loài người đã bị đánh dấu bởi sự sa ngã nguyên thủy, một sai phạm tự do của các nguyên tổ chúng ta.” (x. SGLGHCG số 390)
Nghĩa là, căn cứ vào Kinh Thánh (St 3) và mặc khải, thì tội tổ tông hay nguyên tổ (Original sin) là sự kiện đã xảy ra trong buổi ban đầu, khi Nguyên tổ loài người bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa để “ăn trái cấm… bấy giờ mắt hai người mở ra và họ thấy mình trần truồng: họ mới lấy lá làm khố che thân.” (St 3 :6-7)
Thánh Phaolô cũng nói rõ về tội của Nguyên Tổ và hậu quả của tội này gây ra cho toàn thể nhân loại như sau:
“Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người bởi vì một người đã phạm tội.” (Rm 5: 12)
Như vậy, nếu lý luận theo linh mục kia là không thể áp đặt nguyên tắc “quýt làm cam chịu”, thì tất cả những lời dạy trên của Giáo Hội và Kinh Thánh về tội Nguyên Tổ sẽ trở nên vô nghĩa và phi lý.
Và nguy hại hơn nữa là toàn bộ công cuộc cứu chuộc loài người của Chúa Kitô và Phép Rửa sẽ sụp đổ hết, vì sở dĩ Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha để sinh xuống làm Con Người và chịu khổ hình thập giá là vì tội của loài người nói chung mà Chúa phải hy sinh chính mạng sống của mình để “làm giá chuộc muôn người” (Mt 20: 28).
Và cũng vì tội đã xâm nhập trần gian do một người duy nhất đã phạm tội mà “Thiên Chúađã lên án tội trong thân xác Con mình” như Thánh Phaolô đã viết. (Rm 8: 3).
Vậy không thể dựa vào khoa học để bác bỏ sự kiện tội nguyên tổ và hệ lụy của tội này đối với toàn thể nhân loại như có người đã đặt vấn nạn.
Mặt khác, cũng có linh mục Dòng đã nói với giáo dân là không có điều gì gọi là các ThiênThần bản mệnh cả, nhân lễ mừng kính các Thiên Thần bản mệnh ngày 2 tháng 10 hàng năm!
Giáo Lý của Giáo Hội nói rất rõ về sự hiện diện và vai trò của các Thiên Sứ như Michael, Grabiel, Rafael và các Thiên Thần bản mệnh (Guardian Angels) (x. SGLGHCG số 334-335). Vậy mà có người dám phủ nhận điều này để gây hoang mang cho giáo dân!
Cũng liên quan đến vấn đề giáo lý và tín lý, xin nói rõ một lần nữa về điều có người gọi là ‘thiên tính của người Kitô hữu, một “giải mã” tưởng tượng của người không am hiểu thần học và giáo lý của Giáo Hội, cũng như không có trách nhiệm giảng dạy giáo lý, tín lý, thần học và Kinh Thánh cho ai, nhưng cứ nói như người am hiểu chắc chắn và dạy dỗ người khác về sự sai lầm to lớn của mình.
Tôi khẳng định một lần nữa là không có tín lý (dogma) và giáo lý (doctrine) nào của Giáo Hội từ xưa đến nay dạy là “người Kitô hữu có thiên tính” như ai đã “thông thái” hơn cả Giáo Hội khám phá ra. Đây là sự sai lầm đưa đến lạc giáo (heresy) nếu không phục thiện mà kịp thời sửa sai. Con người chỉ có hy vọng được “thông phần bản tính của Thiên Chúa sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” này như Thánh Phêrô dạy mà thôi. (2 Pr 1:4)
Nhưng thông phần Thiên tính ở đây chỉ có nghĩa là được trở nên giống Chúa trong mọi sự tốt lành, thánh thiện cũng như được trọn vẹn vui hưởng Thánh Nhan Người, sau khi đã toàn thắng tội lỗi trong quyết tâm sống tin yêu Chúa trên trần thế này, cho đến hơi thở cuối cùng. Nghĩa là bao lâu còn sống trong thân xác có ngày phải chết này, thì bấy lâu chúng ta còn phải chiến đấu để thuộc về Chúa, sống theo đường lối của Chúa để xứng đáng là con cái Người, xứng đáng là Dân Thánh, là “Hàng tư tế vương giả “phát sinh từ Phép Rửa. Nhưng nếu ta không cộng tác với ơn Chúa để trở nên hoàn thiện mỗi ngày, thì những ơn ích lớn lao của Phép rửa và cả công cuộc cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, cũng sẽ trở nên vô ích vì con người còn có tự do, để cộng tác và bước đi theo Chúa hay khước từ Người sau khi được rửa tội và thêm sức.
Đây là thực tế không ai có thể phủ nhận được trong tiến trình muốn nên thánh nghĩa là được cứu rỗi nhờ công nghiệp của Chúa Kitô.
Trong tinh thần và mục đích đó, Giáo Hội cầu nguyện như sau trong Thánh lễ Tạ Ơn, khi chủ tế hay phó tế pha chút nước vào chén rượu nho:
“Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính (divinitatis=divinity) của Đấng đã đoái thương thông phần nhântính (humanitatis=humanity) của chúng con.”
Như vậy, nếu đã có “thiên tính” thì còn cầu nguyện cho được “tham dự vào thần tính” làm gì nữa, hỡi ai vẫn nhắm mắt nói sai lầm là “con người có thiên tính”?
Một lần nữa, ước mong người anh em bình tĩnh nghĩ lại và khiêm tốn nhìn nhận sai lầm của mình, nếu không muốn làm trò cười cho những người hiểu biết vô tình đọc những lý luận thiếu căn bản thần học và giáo lý của mình.
4.Giáo Luật (Canon law)
Bộ Giáo Luật ban hành năm 1983 là luật áp dụng chung ở khắp nơi trong Giáo Hội Công Giáo.
Liên quan đến việc áp dụng Giáo luật, ta cần phân biệt hai điều căn bẳn sau đây:
a. Luật tòng nhân (personal ) có nghĩa là đi bất cứ nơi nào trong Giáo Hội thì vẫn phải theo luật này : thí dụ, ai biết mình đang có tội trọng mà chưa được tha tội qua bí tích hòa giải (xưng tội) thì không được rước Mình Thánh Chúa. Linh mục cũng không được cử hành thánh lễ nếu biết mình đang có tội trọng. (giáo luất số 916).
Thêm nữa, Luật buộc giữ ngày Chúa nhật là luật chung áp dụng cho mọi tín hữu ở khắp nơi, nghĩa là sống ở đâu thì cũng buộc giữ luật này (giáo luật số 1246).
b. Luật tòng thổ (territorial) áp dụng cho từng quốc gia, theo qui đinh của Hội Đồng Giám Mục địa phương, với sự cho phép của Tòa Thánh. Thí dụ, luật ăn chay kiêng thịt, luật buộc xem Lễ các ngày Lễ Trọng như Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mệ Hồn Xác lên Trời, Lễ Thăng Thiên, Lễ Các Thánh Nam Nữ, Lễ Thánh Giuse, Lễ hai Thánh Phêrô Phaolô. v.v. ở Mỹ, nếu những ngày lễ trên rơi vào ngày thứ bảy hay thứ hai thì được dời vào ngày Chúa Nhật để giáo dân không phải đi Lễ hai lần. Nhưng nếu rơi vào ngày khác trong tuần thì không được dời sang ngày Chúa nhật. (giáo luật số 1246 triệt 2)
Lại nữa , việc ăn chay kiêng thịt, giáo luật chỉ buộc phải giữ hai ngày Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, còn các ngày thứ sáu khác thì tùy Hội Đồng Giám Mục đia phương quyết định phải giữ hay được tha,( giáo luật số.1251).
Ở Mỹ , không buộc kiêng thịt và ăn chay các ngày thứ sáu.
Tóm lại, mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội đều được mong đợi tuân thủ trọn vẹn những gì Giáo Hội dạy trong mọi phạm vi giáo lý, tín lý, luân lý, giáo luật, phụng vụ và bí tích. Ai không tôn trọng điều nào là tự ý mình tách ra khỏi Quyên Giáo Huấn ( Magisterium) của Giáo Hội và có nguy cơ lạc giáo (heresy) nếu dạy sai một giáo lý nào của Giáo Hội.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn