Phải sống đức tin cách nào để mưu ích cho phần rỗi của mình và giúp người khác nhận biết Chúa nhờ gương sống chứng nhân của mình?

Trả lời:

Trong hoàn cảnh thế gian tục hóa ngày nay,nhiều người có đức tin đã và đang bị trao đảo vì những thách đố của thời đại: nào là chủ nghĩa vô thần ( atheism) chối bỏ mọi niềm tin tôn giáo, chủ nghĩa tương đối ( relativism) chối bỏ chân lý và luân lý tuyệt đối, chủ nghĩa tục hóa ( vulgarism, secularism) lôi cuốn con người đi tìm tiền của và mọi thú vui vô luân vô đạo, chủ nghĩa tôn thờ khoái lạc ( hedonism) quyến rũ con người đi tìm và hưởng thụ tối đa mọi thú vui, bất chấp hậu quả ra sao cho đời sống tinh thần của cá nhân và lan ra ngoài xã hội quần chúng.

Cứ nhìn vào thực trạng sống của con người ở khắp nơi, đặc biệt là ở các nước bắc Mỹ và Âu Châu, người ta dễ dàng nhận diện bộ mặt nhơ nhuốc của các chủ nghĩa nói trên. Đức cố Giáo Hoàng ( nay là Thánh) Gioan-Phaolô II đã gọi bộ mặt đó là dấu chỉ của “ văn hóa sự chết=culture of death” để kêu gọi mọi tín hữu phải quảng bá và sống “Văn hóa của sự sống=Culture of life” tức Tin Mừng cứu độ của Chúa Cứu Thế Giêsu để chống lại ảnh hưởng của Văn hóa sự chết đó. Đức Thánh Cha đương kim Phanxicô cũng đặc biệt lưu ý mọi tín hữu chúng ta về chủ nghĩa tôn thờ tiền bạc ( cult of money) của thế giới hiện nay, là nguyên nhân của mọi bất công xã hội và dửng dưng trước mọi đau khổ , nghèo khó của biết bao người xấu số trên thế giới.

Là người có niềm tin Thiên Chúa, thì mục đích tối cao của đời mình phải là tìm Chúa để yêu mến Người trên hết mọi sự và ước muốn được cứu độ để vui hưởng Thánh Nhan Chúa trên cõi vĩnh hằng mai sau.

Cho mục đích nói trên, thì người tín hữu phải thực tâm đầu tư tâm trí , khả năng và thì giờ vào việc tìm kiếm Thiên Chúa và yêu mến Người trong suốt hành trình đức tin của mình trên trần thế này cho đến ngày nhắm mắt lìa đời.

Cụ thể, phải sống Đạo cách nào để nói lên khát vọng tìm Chúa và Vương Quốc bình an, hạnh phúc của Người ?

Có Đạo và sống Đạo là hai việc nhìn qua có vẻ giống nhau , nhưng thực rất khác nhau về mọi khía cạnh.

Thật vậy, có Đạo có nghĩa là mình đi theo một tôn giáo nào đang có mặt trên thế giới như Đạo Công Giáo La Mã ( Roman Catholicism), Chính Thông Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches) Đạo Do Thái ( Judaism) Tin Lành ( Protestantism) Đạo Phật ( Buddhism), Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Ấn Giáo ( Hinduism) Đạo Khổng ( Confucianism), Đạo Lão, ( Taoism) Thần Đạo ( Shinto của Nhật bản) Hồi Giáo ( Islam). v..v..

Tin đồ các tôn giáo trên ở khắp nơi trên thế giới.Nhưng đông đảo nhất là tín đồ Kitô Giáo thuộc các Giáo Hội Công Giáo La Mã, Chính Thông Giáo Đông Phương các nhánh Tin Lành, và Anh Giáo ( Anglican Communion) .Trong các Giáo Hội và giáo phái này , thì tín hữu Công Giáo chiếm đa số với trên một tỉ người đã gia nhập Giáo Hội qua Phép Rửa.

Con số thì đông và cơ sở thì to lớn và đồ xộ với các Thánh đường nguy nga từ giáo đô La Mã cho đến các điạ phương nghèo khó, như các giáo xứ ở miền quê Việt Nam, nơi giáo dân phần nhiều còn sống khó khăn về mặt kinh tế, nhưng cũng xây được các nhà thờ rộng lớn và khang trang với vật liệu mua từ nước ngoài như đá hoa cương, tháp chuông và bàn thờ, đèn nến…

Nếu chỉ nhìn qua những kiến trúc bề ngoài thì người du khách phải trầm trồ thán phục Giáo Hội Việt Nam về sức sống Đạo phong phú hơn nhiều nơi trong khắp Giáo Hội hoàn vũ

Nhưng đấy chỉ là bề nổi , mặt ngoài của việc sống đạo, và vẻ huy hoàng bề ngoài này không hẳn đã phản ảnh trung thực bề sâu và mặt chìm của lòng mộ đạo sâu sắc. Mốn phản ảnh chiều sâu này thì người tín hữn phải sống Đạo cách đích thực từ nội tâm ra đến bên ngoài để Chúa Kitô không phải than trách như Người đã quở mắng bọn Biệt phái xưa kia:

“Dân này tôn tính Ta bằng môi bằng miệng
Còn lòng chúng thì lại xa Ta.”
( Mt 15: 8)

Tôn kính bằng môi bằng miệng có nghĩa chỉ sống đạo cho có hình thức bề ngoài , như vẫn đi lễ, đọc kinh, hành hương v.v nhưng tâm trí còn bám chặt vào những thực tại trần thế như tiền của, danh vọng phù phiếm hư hèn đến mức làm nô lệ và tôn thờ chúng cùng với mọi thú vui vô luân vô đạo, thay vì phải tôn thờ một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự chóng qua ở đời này.

Mặt khác, cũng phải sống Đạo cách nào trước mắt người đời để cho thiên hạ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em , Đấng ngự trên Trời . Như Chúa Giê su đã dạy các môn đệ và dân chúng xưa kia. ( Mt 5: 16).

Thật vậy, có tên là người Công giáo phải đi đôi hay gắn liền với lòng tin yêu Chúa cách sâu đậm đích thực thì mới có giá trị thuyết phục và hy vọng được cứu rỗi như lòng Chúa mong muốn cho hết mọi người chúng ta.

Trong hoàn cảnh thế giới tục hóa ngày nay, chủ nghĩa vô thần, vô luân, tôn thờ tiền bạc ( cult of money) và ham mê khoái lạc ( hedonism) đang chi phối mạnh mẽ để lôi kéo con người ra khỏi mọi niềm tin tôn giáo, nhất là niêm tin có Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, đầy yêu thương và giầu lòng tha thứ. Chính vì Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành nên Người gớm ghét mọi tội lỗi và sự dữ, như giết người, giết thai nhi và đem bán các cơ phận của thai nhi như mắt, tim phổi, thận để làm giầu ,như bọn cầm đầu tổ chức Planned Parenthood đang làm ở Mỹ; khủng bố, bắt cóc chặt đầu con tin, như bọn hồi giáo qua khích ( ISIS) đang làm Lybia, Syria, Irak, , Iran, Afghanistan; Pakistan; dâm ô, trộm cướp, gian ác, bóc lột, thù nghịch. ,nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ gái cho bọn bất lương hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn và tội lỗi …

Do đó, muốn sống niềm tin cho có chiều sâu thực sự, thì người tín hữu Công giáo phải quyết tâm xa tránh mọi tội lỗi và các sự dữ nói trên cùng với lối sống của người đời không có niềm tin, hay có mà không sống niềm tin ấy cách cụ thể. Phải xa tránh tội lỗi và những cách sống thiếu niềm tin của biết bao người khác để nói lên lòng yêu mến Chúa thực sự , tức yêu mến sự thiện, sự tốt lành, sự trong sạch, sự khôn ngoan, sự công chính… là những đặc tính cản bản thuộc về Thiên Chúa cực tốt cực lành. Cụ thể, yêu mến Chúa thực sự đòi hỏi mọi người tin có Chúa trước hết phải tuân giữ mọi Điều Răn của Chúa như Chúa Giê su đã dạy:

“ Ai yêu mến Thầy , thì sẽ giữ lời Thầy
Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy
Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy.” ( Ga 14: 23)

Hay rõ hơn nữa

“ Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy
Anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy
Như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy
Và ở lại trong tình thương của Người,” ( Ga 15 : 10)

Giữ lời Thầy có nghĩa là thực thi những gì Chúa đã dạy , cụ thể là hai điều răn lớn và quan trọng nhất: đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người khác như yêu thương chính mình, như Chúa Giê su đã nói với một luật sĩ kia. ( Mc 12: 28-31 ).

Tuân giữ các điều răn của Chúa không phải để làm lợi gì cho Chúa mà vì lợi ích của chính con người mà thôi.Chúa tuyệt đối không được lợi lộc gì hay muốn tìm lợi lãi nào , khi tạo dựng con người và truyền cho ta tuân giữ các giới răn của Người. Chắc chắn như vậy.

Nói khác đi, nếu ai cũng được tự do cướp vợ giật chồng của nhau, tự do chiếm đoạt tài sản của người khác, tự do ăn gian nói dối và tự do giết người và dâm đãng thì thử hỏi thế giới này sẽ đi về đâu ?

Xã hội có luật pháp và người tín hữu Chúa Kitô có các giới luật của Thiên Chúa , vậy mà vẫn còn đầy rẫy những tội lỗi và sự dữ như giết người, oán thù , giết thai nhi, trộm cướp, bóc lột, gian dâm và hiếp dâm , bạo động và chiến tranh…Như vậy, thì thử hỏi : nếu không có luật pháp xã hội và các giới răn của Thiên Chúa thì đời sống con người và xã hội loài người sẽ thê thảm đến mức nào ? Vì thế, tuân giữ luật pháp của xã hội và các giới răn của Chúa chỉ có lợi cho con người chứ không có lợi lộc gì cho Chúa hết.Cho nên, ta phải cảm tạ Chúa vì Người đã ban lề luật cho ta tuân giữ để được hạnh phúc ngay từ đời này, và nhất là đời sau.

Nói cách khác , nếu ai cũng biết tôn trọng mạng sống và danh dự của mình và của người khác, không ai thay vợ đổi chồng vì ham vui bất chính, không ai lường gạt, bóc lột người khác, không ai tham tiền để mở sòng bạc, nhà điếm, trồng cây thuốc phiện và cần sa , mở nhà tắm hơi trá hình để hành nghề mãi dâm, không ai gian ác để giết người, giết thai nhi…thì bộ mặt của thế giới này đã không quá tồi tệ và ghê sợ như thực trạng hiện nay.

Vậy, là người Công giáo – tức người tin Chúa Kitô- nếu muốn sống đức tin cách cụ thể và có sức thuyết phục người khác, thì phải thực thi các giới răn về mến Chúa, yêu người, yêu sự thiện và công bình, không gian dâm, trộm cắp, không oán thù và làm chứng gian, là những thói hư tật xấu của biết bao con người không có niềm tin Thiên Chúa , hay có mà không sống niềm tin ấy cách cân xứng.

Chính việc tuân thủ mọi giới răn của Chúa, thực thi công bình và bác ái, xa lánh mọi thói hư tật xấu của người đời không có niềm tin, sẽ giúp người có niềm tin có Chúa phân biệt mình với nhưng người không có niềm tin, và nhiên hậu cũng có sức lôi kéo , mời gọi người khác nhận biết có Chúa nhờ gương sống nhân chứng của mình.

Đây chính là sứ mệnh phúc âm hóa thế giới mà mọi tín hữu trong Giáo Hội có bổn phận thi hành để mang mang Nước Chúa đến trần gian và góp phần vào việc cứu rỗi người khác, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhân biết chân lý.” ( 1 Tm 2 : 4).

Nói khác đi, sống giữa thế gian tục hóa, vô luân vô đạo, , người tin hữu Công giáo phải cố thực hành điều Thánh Phaolô đã khuyên dạy tin hữu Phi-lip-phê xưa là :

“ …anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì , và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” ( Pl 2: 14-15)

Thế gian với quá nhiều gương xấu, dịp tội, quá nhiều quyến rũ về tiền bạc của cải vật chất , danh vọng và mọi thú vui vô luân vô đạo, là những thách đố to lớn cho những ai muốn chọn Chúa làm gia nghiệp để coi khinh , coi thường những lợi lãi và danh vọng chóng qua ở trần gian này.

Với những ai đang ham mê chạy theo những lôi cuốn đó của thế gian, thì Lời Chúa sau đây là một cảnh cáo và thức tỉnh cho họ và cũng cho tất cả những ai có niềm tin Chúa :

“ …Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống ( mất linh hồn) thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình.? ( Mt16: 26; Mc 8: 36-37; Lc 9 : 25)

Thử hỏi : có ai được cả thế giới này làm lợi lãi đâu ? nhưng cho dù có chiếm được tất cả danh vọng và tiền bạc của trần thế này, mà mất mạng sống hay mất linh hồn , tức phải xa lìa Chúa đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục, thì được ích gì ? và những lợi lãi kia có thể mua được phần rỗi cho linh hồn hay không?

Đó là câu hỏi mà Chúa muốn mỗi người tín hữu chúng ta phải luôn suy nghĩ và hành động cho thích hợp.

Cũng cần nói thêm là , sống trên trần gian này, ai cũng phải lo cho mình và người thân của mình có được đời sống ấm no cho phù hợp với nhân phẩm. Trong mục đích và giới hạn này, Chúa không dạy chúng ta phải nghèo đói, rách rưới và vô gia cư thì mới được chúc phúc và cứu độ. Nghĩa là Chúa không cấm chúng ta đi tìm tiền bạc cho những nhu cầu chính đáng của thân xác và giúp thực thi bác ái với anh chị em kém may mắn vì nghèo túng. Nhưng là người có niềm tin Thiên Chúa và tin có sự sống mai sau trên Nước Trời , thì phải coi trọng phần rỗi của linh hồn mình hơn hết, dựa trên lời khuyên dạy sau đây của Chúa Giêsu: đó là : hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách , một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời , nơi trộm cắp không bến bảng, mối mọt cũng không đục phá.” ( Lc 12: 33) . Nghĩa là tiên vàn hay trên hết mọi sự, chúng ta phải tìm kiếm “ Nước Thiên Chúa , còn các thứ kia Người sẽ thêm cho.” ( Lc 12: 31)

Các thứ kia là cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, xe cộ, bảo hiểm sức khỏe…là những thứ cần thiết cho đời sống con người bao lâu còn sống trên trần gian này. Và cầu xin Chúa ban cho những phương tiện sống cần thiết đó là điều chính đáng và đẹp lòng Chúa.

Nhưng điều cần thiết và quan trọng hơn là phải để hết tâm trí vào việc sống đạo cho có chiều sâu thực sự, thể hiện cụ thể qua việc siêng năng cầu nguyện để nâng lòng trí lên với Chúa là cội nguồn của mọi vinh phúc và giầu sang vĩnh cửu. Tiếp đến , phải siêng năng lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Hòa giải tức là năng tham dự Thánh lễ để tâm hồn được nuôi dưỡng bằng lời Chúa và Mình Máu Chúa Kitô, là suối nguồn thông ban ơn cứu độ của Chúa cho ta qua Giáo Hội, là Thân Thể Nhiệm mầu của Chúa Kitô trong trần gian.

Sau nữa, cũng cần thiết phải luôn chạy đến với Chúa qua bí tích Hòa giải để được tha thứ mọi tội lỗi vì yếu đuối con người , trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương của Người, thì không thể tha được .( Mc 3: 29)

Thêm vào đó, phải hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội thể hiện qua việc tuân thủ mọi giáo lý cúa Giáo Hội về hai lãnh vực rất quan trọng là tín lý và luân lý. Tín lý như tin có một Thiên Chúa với Ba Ngôi Vị là Cha.. Con và Thánh Thần, tin Chúa Ngôi Hai có hai bản tính là Thiên Chúa và là Con Người thật, tin Đức Maria trọn đời đồng trinh và lên trời cả hồn xác…Luân lý như cấm phá thai, cấm hôn nhân đồng tính ( same sex marriage) cấm thụ thai nhân tạo, chết êm dịu ( Euthanasia) và không được ly dị, không được mê tín dị đoan cờ bạc và mãi dâm…

Nếu không cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các lợi ích thiêng liêng lớn lao qua các Bí Tích Thánh Thể và Hòa giải và thi hành giáo lý của Giáo Hội, thì đời sống đức tin sẽ không thể tăng trưởng được. Và từ đó, cũng không giúp gia tăng lòng yêu mến Chúa và khao khát những sự trên trời mà hậu quả là chỉ còn mù quáng chậy theo những quyến rũ của trần gian với đam mê tiền của và mọi thú vui vô luân vô đạo, là bộ mặt thật của “vănhóa sự chết” đang chi phối biết bao triệu con người ở khắp nơi trên thế giới tục hóa, phi luân và phi nhân hiện nay.

Tóm lại, là người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, tất cả đều được mong đợi sống đức tin, đức cậy và đức mến cách thực sự có chiều sâu để nói lên quyết tâm chọn Chúa làm gia nghiệp , là ưu tiên nhất cho cuộc sống trên đời này để chống lại mọi quyến rũ về tiền bạc, danh lợi và vui thú bất chính của trần gian hầu được cứu độ, được sống hạnh phúc vĩnh cửu và được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian này. như Thánh Phêrô đã khuyên dạy. ( 2 Pr 1 : 4).

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra. Amen

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Exit mobile version