Bài đọc: 1 Pr 1:10-16; Mc 10:28-31.
Để biết quí trọng điều gì, con người cần biết rõ giá trị của nó. Nếu không biết giá trị của một người hay vật, con người sẽ dễ dàng khinh thường. Trong Tin Mừng Matthew, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” (Mt 7:7). Đối với nó, chỉ có cám heo là thứ nó thich nhất. Cũng vậy, con người trần thế sợ đau khổ và trốn tránh nó; nhưng đối với người theo Chúa Kitô, đau khổ làm cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc học hỏi để biết quí trọng Tin Mừng Cứu Độ. Trong bài đọc I, tác giả Thư Phêrô I xác tín Tin Mừng Cứu Độ đã được loan báo cho con người từ xưa qua các tiên tri của Cựu Ước và các nhà rao giảng Tin Mừng hiện nay, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Con người phải chuẩn bị thì mới được hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô mang đến. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ: các ông sẽ được mọi sự cần thiết ở đời này và ơn cứu độ đời sau nếu các ông trung thành theo Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp cứu độ.
1.1/ Thánh Thần đã báo trước Tin Mừng Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô: Tác giả tóm tắt Tin Mừng này như sau:
+ Các ngôn sứ đã tiên báo Tin Mừng Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô, Đấng được xức dầu: Điểm tác giả muốn nêu bật là các ngôn sứ “đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em.” Nói cách khác, những điều các ngài tuyên sấm vừa do sự nghiên cứu học hỏi vừa do ơn linh hứng của Thánh Thần của Đức Kitô.
+ Các ngài báo trước Đấng Kitô sẽ phải chịu đau khổ, không phải vì tội của Ngài; nhưng là để gánh tội cho con người (Psa 22, Bốn bài ca về Người Tôi Trung của ngôn sứ Isaiah).
+ Sự đau khổ và cái chết của Ngài không những sẽ cho Ngài vinh quang tuyệt đỉnh, mà còn mang lại ơn cứu độ cho muôn người (Phi 2:6-11).
+ Tin Mừng cứu độ đó nay được rao truyền cho anh em, nhờ các người giảng Tin Mừng, qua sự tác động của Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa gởi tới cho anh em.
+ Tin Mừng này quan trọng đến độ “chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy.”
1.2/ Con người phải chuẩn bị mới mong lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa: Để được hưởng ơn cứu độ, tác giả khuyên các tín hữu:
+ Hãy chuẩn bị lòng trí: Giống như các ngôn sứ, các tín hữu cũng phải chuẩn bị lòng trí để lãnh nhận và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
+ Hãy tỉnh thức: Như Đức Kitô đã từng cảnh cáo các môn đệ: “Anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, mới có thể đứng vững trước mắt Con Người.”
+ Hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giêsu Kitô tỏ hiện.
+ Hãy biết vâng phục: Không phải chỉ tuyên xưng Đức Kitô ngoài miệng, các tín hữu còn phải thay đổi cuộc sống, “đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội.” + Hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở: để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em,
vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.
2/ Phúc Âm: Phần thưởng cho những người bỏ mọi sự theo Chúa
Ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Câu trả lời của Chúa Giêsu có hai phần:
2.1/ Phần thưởng đời này và đời sau cho những môn đệ Chúa: Trước tiên, các môn đệ trung thành theo Chúa chắc chắn có phần thưởng đời này và đời sau.
+ Phần thưởng đời này: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm.” Những người theo Chúa cảm thấy rõ điều này. Chẳng hạn trường hợp của Phaolô: Khi ông trở lại làm môn đệ Chúa, ông được gia nhập hàng ngũ các tông đồ và được biệt phái rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Đi đến đâu ông thành lập giáo đoàn địa phương đến đó, và ông được họ coi như một người cha và ông coi họ như những người con mà ông đã cưu mang trong Đức Kitô.
+ Phần thưởng đời sau: Sự sống vĩnh cửu là phần thưởng tối hậu mà Thiên Chúa sẽ ân thưởng cho những người trung thành với Đức Kitô.
2.2/ Những việc các môn đệ phải làm: Có phần thưởng chắc chắn sẽ có trách nhiệm. Hai điều Chúa Giêsu muốn các ông phải làm.
+ Chấp nhận sự ngược đãi: Chúa Giêsu không giấu các ông làm môn đệ của Chúa các môn đệ sẽ bị thế gian ngược đãi. Điều này hiển nhiên vì tiêu chuẩn và giá trị của các môn đệ khác với tiêu chuẩn và giá trị của thế gian; và thế gian sẽ ghét bỏ những người không giống như họ. Sự ngược đãi là dấu hiệu của một tông đồ chân chính, như thánh Phaolô đã biện hộ với các tín hữu Corintô: Có một ngôn sứ nào của Thiên Chúa gởi đến mà không bị thế gian truy tố? Chúa Giêsu cũng cảnh cáo các môn đệ: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” Các tông đồ vui mừng khi bị thế gian ngược đãi, vì các ông được chung phần đau khổ với Thầy mình.
+ Phải khiêm nhường phục vụ: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” Đây là câu châm ngôn thường xuyên được nhắc lại trong Tin Mừng. Các môn đệ được gọi để phục vụ mọi người, và đó là cách thức để các ông thi hành sứ vụ Chúa trao ban.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải bỏ thời giờ để học hỏi thì mới biết dự quan trọng của Tin Mừng Cứu Độ. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng bị những hào nhoáng của thế gian và của ma quỉ lôi cuốn.
– Làm việc gì cũng đòi phải hy sinh và chịu đựng gian khổ. Nếu chúng ta chung phần gian khổ với Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ chung phần vinh quang với Ngài.
– Phần thưởng càng cao trọng bao nhiêu, gian nan càng nhiều bấy nhiêu. Chúa Giêsu không hứa hẹn cho chúng ta cách dễ dãi để vào Nước Trời, Ngài báo trước chúng ta sẽ phải trải qua nhiều hy sinh gian khổ.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP