Sau khi tham khảo ý kiến một số người và đọc qua một vài tài liệu cũng như được học biết thêm. Tôi thấy rằng, họ nói như vậy cũng có lý do của họ. Họ nói vậy quả không sai. Vì trước đây, khi các vị thừa sai phương tây đem hạt giống Tin Mừng đến đất Việt vào thế kỷ 16 (1533), các vị ấy đã đem theo văn hóa bản xứ của họ. Đối với người dân Việt Nam, luôn lấy chữ Hiếu làm đầu. Khi Tin Mừng được loan báo thì văn hóa phương tây cũng du nhập theo. Điều đó đồng nghĩa với việc truyền thống của dân tộc Việt bị gạt bỏ. Nhiều người thì dễ dàng chấp nhận, nhưng cũng có nhiều người không thể chấp nhận được. Cũng từ đó hình thành nên quan niệm “theo đạo công giáo là từ bỏ ông bà”. Khi một điều gì đó được coi là thiêng liêng nơi mỗi con người mà bị xúc phạm, bị gạt bỏ thì dễ dàng dẫn đến những sự phản kháng và chống đối. Điều đó đã đặt các nhà truyền giáo phải suy nghĩ lại.
Ngày nay, quan niệm trên dần được thay thế, tuy không phải là tất cả. Bởi vì khi nhìn vào thực tế đời sống của các Kitô hữu cũng như giáo lý công giáo dạy. Bổn phận của người công giáo trước hết là thờ phượng Đức Chúa Trời. Kế đến là phải thảo kính ông bà cha mẹ, hiếu kính tổ tiên. Là bậc con cháu, nếu bất hiếu với ông bà cha mẹ là lỗi giới răn thứ tư của Đức Chúa Trời. Mỗi người công giáo khi tới nhà thờ đều được hướng dẫn, dạy dỗ là phải thảo hiếu với ông bà, cha mẹ, những đấng bậc đã sinh thành dưỡng dục nên chúng ta.
Điều này cũng rất phù hợp với truyền thống đạo hiếu của người Việt Nam. Ngoài ra, trong thánh lễ hằng ngày đều dành riêng một phần để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ và những người thân đã qua đời. Giáo hội luôn nhắc nhớ người Kitô hữu phải nhớ tới cội nguồn của mình. Không những thế, hằng năm, Giáo hội công giáo còn dành riêng những khoảng thời gian đặc biệt để cầu nguyện cho những người thân của chúng ta đã qua đời. Tháng 11 hằng năm được gọi là tháng các linh hồn. Trong tháng này, Giáo Hội mời gọi mỗi người Kitô hữu ra nghĩa trang, nơi có phần mộ những người thân của mình để thắp nhang, tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ. Trong những ngày đầu năm mới, ngày tết cổ truyền của dân tộc, Giáo hội cũng dành riêng ngày mồng hai để nhắc nhở mỗi người phải nhớ hiếu kính tổ tiên, thảo kính cha mẹ.
Vì thế, nếu gặp những người còn có quan niệm như trên thì chúng ta cũng đừng vội kết án hay trách móc họ. Tiên điều ta phải giải thích để người đó có thể hiểu được căn nguyên. Hy vọng rằng, khi họ đã hiểu được căn nguyên tại sao thì sẽ không còn sự hiểu nhầm đáng tiếc nữa. Kế đó, ta hãy chứng minh với họ bằng chính đời sống thảo hiếu ông bà cha mẹ, hiếu kính tổ tiên của chính chúng ta.
Giuse Nguyễn Vĩnh