1.Phá thai ưu sinh
Phương tiện y khoa tân tiến bây giờ có thể cho biết trước cách chính xác về thể lý của đứa bé. Khi biết bào thai có khuyết tật hoặc mắc những chứnh bệnh di truyền nan trị, thì tìm cách loại bỏ bào thai đó, để tránh đau khổ cho đứa bé sau nầy cũng như cho cha mẹ của bé. Trường hợp này được gọi là phá thai ưu sinh .
Giáo Hội rất cảm thông với các người mẹ khi mang thai một đứa con khuyết tật hoặc bệnh hoạn. Nhưng lý do nêu ra cũng không thể biện minh được cho việc hủy hoại bào thai đó, vì quyền sống của đứa bé là bất khả xâm phạm, và vì sự sống của một con người có tính toàn bộ, nghĩa là xác và hồn, chứ không phải chỉ là thể xác. Chúa Giêsu đã xác định với những người phái Sa-đu-xê-ô: “Quả vậy, thời phục sinh, người ta không còn cưới vợ lấy chồng, nhưng người ta giống như thiên thần ở trên trời” (Mt 22,30). Do đó, sự yếu kém về thể xác không phải là lý do ưu tiên để quyết định phá bỏ hay giữ lại bào thai. Bào thai ấy, cho dầu là khuyết tật, vẫn mang đầy đủ tính chất và phẩm giá của một con người. Huấn thị Donum Vitae (1987) nhắc nhở: “Khoa di truyền học cho thấy rằng: ngay từ giây phút đầu tiên, đã tìm thấy chương trình cho sự sống nầy: một con người, một cá thể, với những đặc điểm đã được xác định. Ngay từ khi thụ thai, cuộc sống của con người đã được khởi sự”(số I,1).
Ngày nay, đang nổi lên khuynh hướng cổ võ và biện minh cho việc lựa chọn những đứa con có tiêu chuẩn về thể lý hoặc phái tính phù hợp với ý muốn của cha mẹ. Chủ trương như thế là quá khích, kỳ thị và không tôn trọng quyền của Đấng Tạo Hoá, cũng như đi ngược với luân lý, bởi vì con người không có quyền tự quyết định việc sinh hay không sinh ra một con người mới. Hình thức kỳ thị nầy không khác chủ trương dòng giống ưu sinh của Đức Quốc Xã ngày trước, một lý thuyết thúc đẩy giết hại hằng bao nhiêu triệu người mà họ cho là thấp kém, không đủ tiêu chuẩn! Mục đích chính của việc chẩn đoán thai nhi là để biết trước những chứng bệnh, những khiếm khuyết thể lý của thai nhi hầu cứu chữa kịp thời, chứ không phải để giúp quyết định có nên sinh ra hay hủy hoại bào thai.
Hãy cầu nguyện xin Chúa giúp vợ chồng cương quyết loại ý định hủy bỏ bào thai, để can đảm đón nhận đứa con, là máu thịt của vợ chồng sẽ sinh ra, với tinh thần yêu thương và trách nhiệm. Trong khi có biết bao nhiêu người đang xả thân để giúp đỡ, nuôi nấng, bảo bọc những trẻ em khuyết tật không phải là con cái của họ, thì sao vợ chồng bạn lại có thể đang tâm loại bỏ đứa con khuyết tật của mình. Vợ chồng hãy đón nhận với tinh thần hi sinh và coi đây như một cơ hội để chứng nghiệm mức độ trưởng thành trong đời sống đạo của mình, để làm chứng cho Tin Mừng Sự Sống.
2.Phá thai khi bị hãm hiếp
Trường hợp thụ thai của một người nữ khi bị cưỡng bức quả là đau thương, và theo phản ứng con người thì ai cũng muốn phá bỏ nó đi, để xóa tan nỗi nhục nhã đau buồn. Giáo Hội chia sẻ sâu sắc với những nạn nhân nầy, nhưng không vì thế mà Giáo Hội có thể đồng ý cho phá bỏ bào thai đó mà không mang một trách nhiệm luân lý nào. Khi giữ nguyên tắc tôn trọng sự sống, đặc biệt trong trường hợp nầy, thì không phải Giáo Hội cứng cỏi, không có lòng thương cảm đối với con cái mình, nhưng trước hết Giáo hội phải vâng theo lề luật mà Chúa đã truyền dạy.
Nguyên tắc của luân lý cơ bản là: không ai được quyền dùng một phương tiện xấu để đạt mục đích tốt. Tránh đi tiếng đời và xóa đi thực tế gây nên ký ức đau buồn, đó là điều tốt. Nhưng khi dùng một hành động xấu là giết hại sự sống của thai nhi, thì đó là điều không thể biện minh được. Trong trường hợp nầy, hãy quyết tâm dùng điều thiện để thắng điều ác (x.Rm 12,21) bằng việc:
– Xác tín rằng đứa bé trong dạ của chị là vô tội và đáng thương, nó không có trách nhiệm nào về những gì đã xảy ra, và như thế nó có quyền được bảo vệ.
– Hãy nhận ra rằng, bào thai ấy, ít ra, là một phần thân thể máu huyết của mình và vì yêu thương, người ta không thể vứt bỏ nó, nhưng có trách nhiệm chăm sóc, để nó được sinh ra và sau nầy trở thành một người tốt trong xã hội.
– Hành xử như thế chắc chắn là đau thương, vì sẽ mang tiếng đời và thua thiệt nhiều trong giao tiếp xã hội, nhưng hãy coi đây như là hi sinh rất có giá trị trước mặt Chúa; đây chính là cuộc tử đạo anh hùng. Các linh mục chắc chắn cảm thông và giúp đỡ. Những người khác khi hiểu được hoàn cảnh và sự chấp nhận anh hùng đó, cũng sẽ khâm phục, và đây cũng là một cổ võ có ý nghĩa cho việc bảo vệ sự sống thai nhi.
(Lm.Anphong Nguyễn công Vinh, WGP.Phan Thiết)