Ông Môshê vị lãnh đạo tài đức đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập

moses - Ông Môshê vị lãnh đạo tài đức đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập

Giavê Thiên Chúa đã chọn ông cho sứ mạng quan trọng này, và ông đã là người luôn luôn sống trong thái độ lắng nghe, đối thoại và tuân hành các lệnh truyền của Thiên Chúa.

Cùng với các lệnh truyền liên quan tới cách cử hành Lễ Vượt Qua là luật cắt bì cho nam giới của những gia đình ngoại kiều muốn mừng lễ, và luật dâng hiến con đực đầu lòng của loài vật cũng như loài người cho Giavê. Con đầu lòng của lừa thì lấy một con chiên chuộc lại, nếu không chuộc thì đánh gãy ót nó. Còn mọi con đầu lòng của loài người thì chuộc lại.

Chúng ta đang ở trong mùa xuân khoảng năm 1350 trước công nguyên. Sau khi cử hành lễ Vượt Qua dân Do thái vội vã lên đường. Họ lấy áo choàng quảy bột chưa dậy men đem theo.

Từ Pitom ông Môshê dẫn dân vượt qua biển Sậy để vào sa mạc, rồi từ đó tìm đường vào đất Canaan. Nghĩa là ông không theo con đường gần nhất chạy đọc bờ biển Địa Trung Hải, vì nó đầy các đồn bót kiểm soát của người Ai Cập cũng như của người Philitinh, nhưng sau khi vào sa mạc ông dẫn dân đi xuống phía nam bán đảo Sinai.

Ra khỏi Ai Cập họ đóng trại tại Succot rồi tại Etam ven sa mạc. Sau đó Giavê lại ra lệnh cho họ quay lại đóng trại đối diện với Pi Hakhirot, giữa Micdon và biển đối diện với Baal Saphon, bên bờ biển.

Sau khi cho dân Israel ra đi, Pharaô Ai Cập hối tiếc để mất số nhân lực khổng lồ phục vụ toàn dân Ai Cập. Ông thắng chiến xa và đem quân đuổi theo người Do thái. Khi thấy Pharaô và quan quân Ai Cập dân Israel thất kinh hồn vía, kêu khóc và trách móc ông Môshê tại sao lại đem họ ra khỏi Ai Cập để vào chết trong sa mạc, vì thà làm nô lệ cho người Ai Cập hơn là chết trong sa mạc khô cằn này. Ông Môshê trấn an họ, vì Thiên Chúa sẽ chiến đấu cho họ.

Giavê ra lệnh cho dân Do thái nhổ trại. Người bảo Môshê cầm gậy giơ tay trên Biển rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo để con cái Israel đi qua. Thiên sứ của Thiên Chúa đang đi phía trước rời chỗ đi đàng sau họ và cột mây bỏ phía trước mà đứng về phía sau và tỏa mịt mù chặn lối người Ai Cập. Thiên Chúa cho gió thổi mạnh suốt đêm khiến biển hóa thành đất khô cạn. Con cái Israel đi vào giữa sang bờ bên kia. Khi họ đã qua hết ngựa xe của quan quân Ai Cập bắt đầu đuổi theo họ. Giavê ra lệnh cho ông Môshê giơ tay trên mặt biển, và biển lấp lại như cũ chôn vùi toàn đạo binh Ai Cập. Dân Israel kính sợ Giavê và tin vào ông Môshê. Bấy giờ ông Môshê cùng với con cái Israel hát mừng Giavê bài ca và cũng là lời cầu cảm tạ chúc tụng và tuyên xưng niềm tin nơi Giavê như chúng ta có thể đọc trong chương 15 sách Xuất Hành.

”Tôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: kỵ binh cùng chiến mã Người xô xuống đại dương. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời Vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng. Người là trang chiến binh, danh Người là Đức Chúa. Xa mã Pharaô Người xô xuống lòng biển, tướng dũng với binh hùng chết chìm trong Biển Sậy. Vực thẳm vùi lấp chúng, chúng chìm xuống nước sâu chẳng khác nào hòn đá. Lậy Chúa, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh. Tay hữu Ngài lậy Chúa đã nghiền nát địch quân. Lấy dũng lực uy hùng, Chúa quật ngã đối phương; Ngài nổi cơn thịnh nộ, thiêu chúng cháy như rơm… Ai trong bậc thần minh được như Ngài lậy Chúa? Ai sánh được như Ngài, Đấng rạng ngời thánh thiện, lập chiến công khủng khiếp, làm nên việc diệu kỳ? Tay hữu Ngài giơ lên, đất rẽ ra nuốt chúng. Còn dân đã chuộc về Ngài, Ngài yêu thương dìu đắt, lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự… ”

Phần cuối của thánh thi nói tới nỗi kinh sợ của các dân tộc Philitinh, Êđom, Moab, Canaan và biến cố dân Israel tiến vào miền Đất Hứa: ”Ngài cho dân tiến vào định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài. Lậy Chúa, chính nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở. Đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên. Chúa là vua hiển trị đến muôn thuở muôn đời.”

Bài thánh thi chứng minh cho thấy vì Israel là dân riêng Chúa chọn nên Ngài giải thoát họ.

Cuộc hành trình cam go trong sa mạc, với nắng cháy ban ngày giá buốt ban đêm, thiếu thốn lương thực và nước uống, khiến cho dân Israel nhớ lại bánh thịt của kiếp sống nô lệ bên Ai Cập, và họ than trách ông Môshê. Thiên Chúa cho biết chính Ngài sẽ nuôi dân Israel và ban bánh thịt cho họ: đó là bánh manna và thịt chim cút.

Tại Rơphiđim dân khát nước lại kêu trách ông Môshê khiến ông phải kêu lên cùng Chúa: ”Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!” Thiên Chúa phán: ”Ngươi hãy đi lên phiá trước dân, đem theo một số kỳ mục Israel; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập sông Nil và đi đi. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đàng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khôrép. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Ông Môshê đã làm như vậy trước các kỳ mục Israel. Ông đặt tên cho nơi ấy là Maxa và Mêriba, nghĩa là thử thách và gây sự.

Tại Rơphiđim dân Israel cũng phải đương đầu với người Amalếch tới đánh họ. Trong khi ông Giosuê và một số người Israel giao tranh với người Amalếch, ông Môshê đứng trên núi giang tay cầu nguyện cho dân Israel. Khi ông giơ tay lên thì người Israel thắng thế, khi ông hạ tay xuống thì quân Amalếch thắng thế. Nhưng ông Môshê mỏi tay, vì thế người ta lấy một hòn đá để ông ngồi, còn ông Aharon và ông Khua thì đỡ tay ông mỗi người một bên. Nhờ vậy ông Môshê cứ giơ tay được mãi cho tới khi mặt trời lặn và dân Israel chiến thắng người Amalếch, như có thể đọc trong chương 17 sách Xuất Hành. Đây là một trong các hình ảnh rất đẹp và ý nghĩa của ông Môshê, vị lãnh đạo cầu nguyện cho dân trong cuộc chiến.

Tuy nhiên, biến cố quan trọng nhất là sự kiện Giavê Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Israel tại núi Sinai, để Ngài là Chúa của họ và họ trở thành dân riêng của Ngài, như trình thuật trong chương 19 sách Xuất Hành. Thiên Chúa truyền cho ông Môshê nói với dân: ”Hôm nay và ngày mai phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, phải giặt quần áo, và đến ngày kia phải sẵn sàng, vì ngày kia Giavê sẽ ngự xống trên núi Sinai trước mắt toàn dân”. Thiên Chúa cũng dặn ông Môshê định ranh giới và bảo họ không được vượt giới hạn đó kẻo phải chết.

Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp và mây mù dầy đặc trên núi và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ. Ông Môshê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa, họ đứng dưới chân núi. Cả núi Sinai nghi ngút khói, vì Giavê ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa, và cả núi rung chuyển rất mạnh. Ông Môshê nói và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. Giavê ngự xuống trên núi Sinai, trên đỉnh núi. Người gọi ông Môshê lên đỉnh núi và ông đi lên… Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: ”Ta là Giavê, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta sẽ phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh. Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa hay bất cứ vật gì của người ta”.

Khi nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa. Họ nói với ông Moshê: ”Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe, nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất!”. Ông Môshê bảo dân: ”Đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa đến để thử thách anh em và làm cho anh em luôn kính sợ Người, ngõ hầu anh em đừng phạm tội.” Dân đứng xa xa, còn ông Môshê thì tiến lại gần đám mây đen, nơi Thiên Chúa đang ngự” (Xh 20,1-21).

Chính giao ước này là nguồn gốc mọi tương quan của dân Israel với Thiên Chúa. Và ông Môshê, vị lãnh đạo là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người, trong tư thế của kẻ được nói chuyện mặt giáp mặt với Thiên Chúa và chuyển đạt cho dân mọi ước muốn và lệnh truyền của Thiên Chúa. Có thể nói cả cuộc đời ông là một cuộc đối thoại thân tình với Thiên Chúa, một kinh nguyện dài và liên lỉ.


(Thần Học Kinh Thánh bài số 1195)


(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 27.03.2014)

Exit mobile version